Cà gai leo
Cà gai leo là loài cây mọc hoang nhiều ở các vùng đồi núi thấp và trung du ở nước ta. Rễ và cành của cây được thu hái và sử dụng trong các bài thuốc chữa rắn cắn, viêm gan, xơ gan, phong thấp,… Để sử dụng tốt nhất dược liệu này hãy tham khảo bài viết dưới đây với hướng dẫn của Ts.Bs Nguyễn Thị Vân Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Y dược học cổ truyền dân tộc

Tìm hiểu về cây dược liệu cà gai leo
1. Tên gọi, phân nhóm
- Tên gọi khác: Cà quánh, cà gai dây, cà quýnh, cà bó, quánh, cà hải Nam, cà quính,…
- Tên khoa học: Solanum procumbens
- Họ: Cà (danh pháp khoa học: Solanaceae)
- Phân nhóm: Cà gai leo loại hoa trắng – dây nhỏ, Cà gai leo loại hoa tím – dây lớn.
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Cà gai leo là cây thân nhỡ, chiều cao trung bình từ 0.6 – 1m. Cây có rất nhiều gai, có phủ lông, cành xòe rộng. Phiến lá thuôn hoặc hình trứng, gốc lá tròn, mép lá hơi lượn hoặc nguyên. Mặt trên có màu xanh lục, hiện rõ gân, mặc dưới phủ lông nhạt, rộng 12 – 20mm, dài 3 – 4cm, cuống dài 4 – 5mm.
Hoa màu trắng, nhị vàng, cứ mỗi 2 – 5 hoa gộp thành một sim. Quả hình cầu, bóng nhẵn, đường kính 57mm, có màu vàng. Hạt màu vàng, hình thận, rộng 2mm, dài 4mm. Mùa hoa vào tháng 4 – 5, sai quả vào tháng 7 – 9.
Phân bố:
Phân bố ở Lào, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ra, cà gai leo mọc hoang ở các vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng ven biển. Mọc nhiều nhất ở Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An,…
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
- Bộ phận dùng: Rễ và cành lá được dùng làm thuốc.
- Thu hái: Thu hái quanh năm.
- Chế biến: Sau khi đào rễ, đem rửa sạch, thái mỏng hoặc sấy khô.
- Bảo quản: Nơi khô thoáng.
4. Thành phần hóa học
Toàn cây và rễ có chứa ancaloit. Ngoài ra trong rễ cây còn chứa saponozit, flavonozit solasodin, solasodinon và tinh bột.
5. Tác dụng dược lý
+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- “Nghiên cứu thuốc từ cà gai leo chống viêm và ức chế sự phát triển của xơ gan” do Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai thực hiện cho thấy thảo dược này có khả năng chống oxy hóa, ngăn chặn xơ gan phát triển và chống viêm gan.
+Theo y học cổ truyền:
- Tác dụng tiêu độc, trừ ho, cầm máu, giảm đau, tán phong thấp, tiêu đờm.
- Chữa đau nhức răng, say rượu, phong thấp, chảy máu chân răng. Một vài địa phương còn dùng để trị rắn cắn.
6. Tính vị
Vị hơi the, tính ấm, hơi có độc.
7. Qui kinh
Chưa có nghiên cứu.
8. Liều dùng
Dùng 16 – 20g ở đường uống. Nếu ngoài ngoài da có thể tăng liều.
9. Bài thuốc
Cà gai leo được áp dụng vào các bài thuốc sau:

- Bài thuốc chữa rắn cắn: Dùng cà gai dây tươi đem rửa sạch, giã nát và thêm 200ml nước đun sôi để nguội. Chắt nước cho uống, ngày dùng 2 lần. Ngày hôm sau dùng rễ cà 15 – 30g sao vàng và đem sắc nước uống. Dùng liên tục trong 3 – 5 ngày.
- Bài thuốc chữa phong thấp: Dùng dây đau xương, rễ tầm xuân, rễ cà gai leo, rễ cỏ xước, vỏ chân chim, dây mấu mỗi thứ 20g, đem sắc uống.
- Bài thuốc chữa ho, ho gà: Dùng lá chanh 30g, rễ cà gai leo 10g đem sắc uống. Ngày dùng 2 lần.
- Bài thuốc chữa sưng mộng răng: Dùng hạt cà gai dây 4g đem tán nhỏ, cho thêm sáp ong. Đốt lấy khói xông vào chân răng.
- Bài thuốc chữa xơ gan, viêm gan và chống tế bào gây ung thư: Dùng cà gai dây 30g, cây chó đẻ răng cưa 10g, cây dừa cạn 10g đem sao vàng và sắc uống. Dùng mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc chữa đau lưng, nhức mỏi: Dùng dây gấm, kê huyết đằng, lá lốt, cà gai dây, thổ phục linh mỗi thứ 10g. Đem sao vàng và sắc uống mỗi ngày 1 thang. Dùng liên tục từ 10 – 30 ngày.
- Bài thuốc trị viêm gan B, xơ gan: Dùng rễ cà gai dây 35g đem sắc với 1 lít nước, còn lại 300ml, chia thành 3 lần uống.
- Bài thuốc giải rượu: Dùng 100g cà gai dây sắc với 100ml nước, còn lại 150ml. Uống khi thuốc còn ấm để giải rượu.
- Bài thuốc trị bệnh lậu: Dùng 16 – 20g rễ cà gai dây đem sắc uống.
10. Lưu ý
Một số điều cần lưu ý khi áp dụng bài thuốc từ dược liệu cà gai leo:
- Tránh nhầm cà gai leo với cà độc dược, cà dại.
- Phụ nữ có thai và cho con bú không tự ý sử dụng.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!