Bạch đậu khấu có tác dụng gì? Cần lưu ý điều gì khi sử dụng?
Bạch đậu khấu có tác dụng làm ấm vị, hóa thấp, hành khí và chỉ ẩu. Vì vậy được ứng dụng vào các bài thuốc chữa chứng Tỳ vị hư hàn gây buồn nôn, nôn mửa sau khi ăn và bụng đầy trướng.
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Bà khấu, Bạch khấu xác, Tử đậu khấu, Đậu khấu, Khấu nhân, Bạch khấu nhân,…
Tên khoa học: Amomum Repens Sonner
Họ: Gừng (danh pháp khoa học: Zingiberaceae)
Phân biệt:
Ngoài Amomum Repens Sonner, một số loài thực vật sau cũng được gọi là bạch đậu khấu.
- Cây Amomum kravanh Pierre.
- Cây Elettaria cardamomum Maton (hay còn gọi là Tiễn đậu khấu)
- Cây Amomum cardamomum Lin.
- Cây Alpinin (còn được gọi là Thổ hương khấu).
Khi sử dụng, cần xác định đúng dược liệu để tránh ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Bạch đậu khấu là cây thân thảo, chiều cao từ 2 – 3m. Thân rễ, to bằng ngón tay, mọc nằm ngang. Lá cây có hình mác dài, chiều dài khoảng 55cm và rộng khoảng 5 – 6 cm.
Phiến lá có mặt trên nhẵn, mặt dưới có khía và lưỡi bẹ ngắn. Hoa mọc thành cụm ở thân, có màu trắng tím. Quả nang, hình trứng, đường kính khoảng 4cm.
Phân bố:
Cây mọc hoang ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai và Cao Bằng. Tuy nhiên số lượng cây không nhiều nên hiện nay dược liệu này chủ yếu được nhập khẩu từ các nước lân cận.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Hạt của quả và hoa.
Thu hái: Chỉ thu hái ở cây từ 3 năm tuổi trở lên, nên thu hái vào mùa thu. Hái quả khi quả trong giai đoạn xanh chuyển sang màu vàng.
Chế biến: Khi thu hái về, đem phơi trong râm cho khô. Khi cần dùng thì bóc vỏ lấy hạt bên trong.
Bảo quản: Nơi khô thoáng.
4. Thành phần hóa học
Bạch khấu nhân chứa các thành phần hóa học sau: Vitamin C, vitamin B6, sắt, magie, canxi, lipid,…
5. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Điều trị huyết áp cao: Nghiên cứu ban đầu cho thấy ăn bạch đậu khấu có khả năng giảm huyết áp ở một số trường hợp nhẹ. Tuy nhiên tác dụng hạ áp yếu nên không được sử dụng để điều trị.
- Giảm buồn nôn sau phẫu thuật: Nghiên cứu sơ bộ cho thấy thoa hỗn hợp tinh dầu bạch đậu khấu và gừng lên cổ có thể làm giảm buồn nôn ở một số bệnh nhân thực hiện thủ thuật ngoại khoa.
- Cải thiện viêm phế quản, cảm lạnh và một số tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp khác.
- Trị động kinh, đau đầu, táo bón, các vấn đề về đường tiết niệu, hội chứng ruột kích thích,…
Theo y học cổ truyền:
- Tác dụng hóa thấp, hành khí và chỉ ẩu, chỉ trị chứng đau dạ dày, Tỳ Vị thấp trệ, nôn mửa và đầy hơi (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Làm ấm vị và hành khí, dùng để trị bụng đầy, trướng và ợ hơi do khí trệ, hàn tà ngưng tụ, trị phản vị và phiên vị (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
6. Tính vị
Vị cay, the, mùi thơm, tính ấm.
7. Qui kinh
Qui vào kinh Phế, Tỳ và Vị.
8. Liều dùng, cách dùng
Bạch đậu khấu được dùng để ăn trực tiếp, hoặc sắc uống, dùng ngoài, tán bột,… Liều dùng thông thường: 2 – 6g/ ngày.
9. Bài thuốc
- Bài thuốc trị đột ngột buồn nôn và khó chịu ở tim: Dùng vài hạt bạch đậu khấu nhai kỹ.
- Bài thuốc trị trẻ nhỏ thường xuyên bị ọc sữa do vị hàn: Dùng súc sa nhân và bạch đậu khấu mỗi thứ 15 hạt, 1 ít mật ong, chích cam thảo và sinh cam thảo mỗi thứ 8g. Đem các vị tán bột rồi trộn với mật ong và xát vào miệng của trẻ.
- Bài thuốc trị Tỳ Vị hàn khiến nôn mửa ngay sau khi ăn: Dùng bạch đậu khấu 3 trái, tán thành bột mịn. Uống với 1 chén rượu nóng trong vài ngày.
- Bài thuốc trị sản hậu nấc cụt: Dùng đinh hương và bạch đậu khấu mỗi thứ 20g, đem tán bột và uống cùng với nước sắc đào nhân.
- Bài thuốc trị chứng nôn mửa sau khi ăn: Dùng súc sa nhân 80g, trần thương mễ 1 chén, bạch đậu khấu 80g, đinh hương 40g. Sau đó đem sao đen với hoàng thổ, bỏ đất, chỉ lấy thuốc. Dùng các vị thuốc tán thành bột mịn, rồi trộn với nước gừng làm thành viên. Mỗi lần dùng khoảng 10 – 12g uống cùng với nước gừng sắc.
- Bài thuốc trị chứng buồn nôn và nôn mửa sau khi ăn: Dùng nhân sâm, quất bì, bạch đậu khấu, gừng sống và hoắc hương đem sắc uống.
- Bài thuốc trị mộng thịt che mắt và mắt trắng do Tỳ hư: Dùng quất bì, bạch tật lê, cam cúc hoa, mộc tặc thảo, bạch khấu nhân, bạch truật, quyết minh tử, mật mông hoa và cốc tinh thảo, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị nôn mửa do hàn đàm đình trệ ở vị: Dùng bán hạ, gừng sống, phục linh, bạch đậu khấu, quất hồng và bạch truật, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị trệ khí: Dùng hoắc hương, mộc hương, hương phụ, bạch khấu nhân, quất bì, ô dược, tử tô, cân chỉnh liều và sắc uống.
- Bài thuốc trị ngực bụng đau do khí trệ: Dùng hậu phác 8g, cam thảo 4g, bạch đậu khấu 6g với quảng mộc hương 4g, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị Tỳ vị hư hàn vào mùa thu: Dùng truật, sâm, quất và khương làm tá, bạch đậu khấu làm quân.
- Bài thuốc giải độc rượu và giảm buồn nôn do uống quá nhiều rượu: Dùng biển đậu, quất hồng, bạch đậu khấu, ngũ vị tử và mộc qua, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị ngực đầy tức do khí cơ trở trệ: Dùng hạnh nhân 12g, hậu phác 8g, trúc diệp 12g, thông thảo 8g, bạch khấu nhân 6g, ý dĩ 20g, hoạt thạch 16g và bán hạ 12g, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị bụng sôi, buồn nôn: Dùng trúc nhự 9g, gừng tươi 3g, bạch đậu khấu 3g, đại táo 3 quả. Đem giã nát gừng và ép lấy nước. Sau đó đem các vị còn lại sắc lấy 50ml nước, uống cùng với nước cốt gừng.
- Bài thuốc chữa chứng hôi miệng: Ngậm vài hạt bạch đậu khấu vào sáng sớm để hạn chế mùi hôi miệng.
10. Lưu ý
Kiêng kỵ khi dùng bạch khấu nhân:
- Bụng đau, nôn mửa do nhiệt, người có hỏa uất không được dùng (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Vị, Phế có nhiệt và hỏa uất không được dùng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Khi sắc, nên để nước sôi rồi mới cho bạch khấu nhân vào. Sắc lâu có thể làm mất tác dụng của dược liệu.
- Người táo bón, cơ địa nhiệt và thiếu máu không nên dùng.
- Khi bị sỏi mật, cần hạn chế bổ sung quá nhiều bạch khấu nhân vì dược liệu có khả năng co thắt và kích thích cơn đau phát sinh.
Bạch đậu khấu là dược liệu khá an toàn và chưa có ghi nhận về tác dụng phụ khi sử dụng. Tuy nhiên phụ nữ đang mang thai hoặc người có các vấn đề sức khỏe đặc biệt có thể nhạy cảm hơn với tác dụng của dược liệu này. Vì vậy trước khi sử dụng, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để biết liều lượng thích hợp.
Xem thêm:
- An nam tử là gì? An nam tử có công dụng chữa bệnh gì?
- Đông Trùng Hạ Thảo Nguyên Con Có Tốt Không? Cách Dùng, Giá Bán
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!