Viêm Da Tiếp Xúc Ánh Sáng Và Cách Xử Trí An Toàn Từ Thảo Dược
Bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng khiến vùng da tiếp xúc với ánh sáng hay tia cực tím phồng rộp, nổi mẩn đỏ có vảy kèm theo triệu chứng ngứa ngáy. Nếu sớm thăm khám và điều trị, bệnh có thể được kiểm soát bằng các phương pháp đơn giản. Tuy nhiên nếu quá trình chữa bệnh không sớm diễn ra, người bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư da.
Viêm da tiếp xúc ánh sáng là gì?
Viêm da tiếp xúc ánh sáng là một trong những dạng của bệnh viêm da tiếp xúc. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng phồng rộp da, ngứa ngáy, da nổi mẩn đỏ có vảy khi da tiếp xúc với nhiều ánh sáng, tia cực tím. Thông thường triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm sau vài ngày chăm sóc.
Bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng có nguy hiểm không?
Theo chuyên gia, bệnh viêm da tiếp xúc tương đối lành tính, không tác động đến sức khỏe tổng thể và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không sớm chữa trị, người bệnh sẽ có nguy cơ cao đối mặt với một số vấn đề, bệnh lý về da nghiêm trọng. Điển hình như khô da, da có nếp nhăn, đốm khô và đốm đen xuất hiện, ung thư da.
Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc ánh sáng
Lượng ánh sáng tác động trên da vượt quá khả năng che phủ và khả năng bảo vệ da của sắc tố melanin có trong cơ thể là nguyên nhân khiến bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng xuất hiện. Theo kết quả nghiên cứu, nguy cơ mắc bệnh ở người da trắng cao hơn so với những người có làn da sẫm màu.
Khi tiếp xúc với tia cực tím, ánh nắng mặt trời gay gắt, những người có làn da trắng sẽ bị viêm da sau 15 phút. Trong khi đó người có làn da sẫm màu có thể chịu được sự tác động của ánh sáng trong vài giờ. Ngoài ra, bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng xảy ra phổ biến hơn ở bệnh nhân mắc chứng nhạy cảm với ánh sáng.
Tham khảo thêm: Bệnh viêm da tiếp xúc có để lại sẹo không?
Yếu tố nguy cơ
Đối tượng dễ mắc bệnh và những yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:
Đối tượng dễ bị viêm da tiếp xúc ánh sáng
Bất kỳ ai tiếp xúc với tia tử ngoại (UV), người thường xuyên hoạt động dưới ánh nắng mặt trời đều có nguy cơ mắc bệnh cao. Ngoài ra viêm da tiếp xúc cũng xảy ra phổ biến hơn ở người có cơ thể mang ít sắc tố melanin. Bởi ở đối tượng này, da không được bảo vệ khi tiếp xúc với tia tử ngoại.
Ngoài ra, viêm da tiếp xúc cũng xuất hiện phổ biến ở các đối tượng sau:
- Những người có nhiều tàn nhang
- Người có làn da trắng, xanh xao hoặc nâu nhẹ
- Những người ít khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt.
Các yếu tố khiến nguy cơ mắc bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng tăng cao
Những đối tượng dưới đây có thể góp phần khiến nguy cơ mắc bệnh tăng cao:
- Tiếp xúc với một số chất: Bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng có thể xuất hiện khi bạn tiếp xúc, làm việc cùng với một số chất hóa học sau đó hoạt động dưới ánh nắng, ánh sáng mặt trời. Thuốc sát trùng, hóa chất tẩy rửa, hóa chất trong kem chống nắng, nước hoa… là những chất có khả năng gây kích ứng da và hình thành bệnh.
- Chủng tộc: Bệnh viêm da tiếp xúc có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên một số chủng tộc như người da trắng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc chữa bệnh có thể khiến da nhạy cảm, kích ứng với ánh sáng và phát bệnh. Cụ thể các loại thuốc giảm đau (ketoprofen), thuốc kháng sinh (tetracycline), thuốc chứa sulfa.
- Yếu tố di truyền: Bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng xảy ra nhiều hơn ở những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh viêm da.
- Bệnh về da: Bệnh viêm da tiếp xúc có thể là hệ quả của một số vấn đề, bệnh về da như bệnh vảy nến, bệnh chàm, bệnh viêm da cơ địa…
Dấu hiệu nhận biết viêm da tiếp xúc ánh sáng
Da đỏ, có biểu hiện khô và bong tróc là dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng. Một số trường hợp khác, vùng da tổn thương còn có dấu hiệu phát ban, phồng rộp, hình thành mụn nước kèm theo cảm giác đau rát và ngứa ngáy.
Triệu chứng toàn thân của bệnh gồm mất nước, cơ thể mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, ớn lạnh và sốt. Một số ảnh hưởng lâu dài của bệnh:
- Vùng da bị tổn thương dày lên
- Có sẹo
- Nguy cơ mắc bệnh ung thư da tăng cao.
Tham khảo thêm: Cách trị viêm da tiếp xúc côn trùng (kiến ba khoang)
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện một trong những biểu hiện được liệt kê dưới đây, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị:
- Sưng mặt
- Tổn thương da xảy ra trên diện rộng kèm theo biểu hiện đau rát nghiêm trọng.
- Ớn lạnh và sốt
- Đau đầu
- Khó chịu ở dạ dày
- Lú lẫn
- Ngất xỉu
- Biểu hiện mất nước: Khát, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi…
- Bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng được chẩn đoán như thế nào?
- Để chẩn đoán viêm da tiếp xúc ánh sáng, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên kết quả khám lâm sàng da, biểu hiện và bệnh sử. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được kiểm tra thời gian tiếp xúc với thực phẩm, ánh sáng, thuốc chữa bệnh, hóa chất… để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Phương pháp điều trị viêm da tiếp xúc ánh sáng
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương da và mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng, bác sĩ chuyên khoa có thể hướng dẫn bạn áp dụng biện pháp chăm sóc tại nhà hoặc sử dụng thuốc.
Biện pháp chăm sóc tại nhà
Tắm bằng nước mát hoặc sử dụng khăn ướt lau nhẹ chỗ bị viêm là những biện pháp có khả năng giảm đau và làm dịu nhanh tổn thương trên da, nhất là khi bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng khi mới bùng phát.
Đối với những vùng da có dấu hiệu phồng rộp và nổi mụn nước, người bệnh nên sử dụng nước mát để vệ sinh da sạch sẽ. Sau đó sử dụng khăn bông khô và sạch nhẹ nhàng thấm khô nước trên da. Bạn không nên chà xát mạnh bởi điều này có thể khiến mụn nước vỡ và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Sử dụng thuốc điều trị
Đối với những trường hợp có da phồng rộp nghiêm trọng, viêm nặng, mụn nước nổi trên diện rộng, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn sử dụng thuốc cortisone dùng tại chỗ. Loại thuốc này có tác dụng cải thiện nhanh tình trạng đau rát, ngứa ngáy và giảm viêm.
Trong trường hợp viêm da tiếp xúc ánh sáng gây đau rát nghiêm trọng, người bệnh có thể sử dụng thuốc ibuprofen hoặc acetaminophen theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Cả hai loại thuốc này đều có khả năng giảm đau tốt, mang lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh.
Nếu người bị viêm da tiếp xúc là trẻ nhỏ, ba mẹ không nên cho trẻ sử dụng thuốc aspirin trong quá trình điều trị viêm da. Việc dùng thuốc cho trẻ cần có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài việc áp dụng biện pháp chăm sóc tại nhà và dùng thuốc, người bị viêm da tiếp xúc ánh sáng cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chất hóa học và một số chất gây dị ứng khác. Nếu phải hoạt động với ánh nắng, người bệnh cần che chắn kỹ càng. Đồng thời thoa kem chống nắng có chỉ số SPF từ 50 trở lên, có khả năng chống UVA và UVB trước khi ra ngoài.
Tham khảo thêm: Các loại thuốc trị viêm da tiếp xúc và lưu ý khi dùng
Chế độ sinh hoạt cho người bị viêm da tiếp xúc ánh sáng
Để hỗ trợ và rút ngắn thời gian điều trị bệnh, người bị viêm da tiếp xúc ánh sáng cần loại bỏ thói quen xấu và áp dụng một chế độ sinh hoạt phù hợp.
- Sử dụng thuốc chữa bệnh theo chỉ định và hướng dẫn liều dùng từ bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra trong thời gian sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc chứa sulfa, thuốc lợi tiểu… người bệnh cần tránh tiếp xúc với tia tử ngoại, ánh sáng mặt trời.
- Khi có công việc buộc phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc khi ra ngoài, người bệnh cần sử dụng kem chống nắng, mũ, váy chống nắng, áo dài tay để giảm kích ứng da và giảm bớt sự tác động của ánh nắng.
- Không sử dụng mỹ phẩm, các loại kem dưỡng da có nguồn gốc không rõ ràng. Bởi chúng có thể chứa thành phần gây viêm.
- Nếu muốn sử dụng bất kỳ thiết bị tắm trắng nào, bạn cần trao đổi thông tin cùng với bác sĩ chuyên khoa.
- Nếu các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc bị sốt, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp hơn.
Biện pháp phòng ngừa viêm da tiếp xúc ánh sáng
Để phòng ngừa viêm da tiếp xúc ánh sáng, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nhất là vào buổi trưa. Trong trường hợp cần phải hoạt động dưới ánh nắng, bạn nên bôi kem chống nắng và che chắn kỹ càng.
- Tắm rửa mỗi ngày và vệ sinh da sạch sẽ sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi.
- Hạn chế tiếp xúc với chất tẩy rửa, chất gây dị ứng, chất hóa học.
- Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc da không có nguồn gốc rõ ràng.
- Dưỡng ẩm da, chống khô ráp bằng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, có thành phần là thảo dược thiên nhiên.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dùng thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và một số loại thuốc có khả năng gây kích ứng khác. Ngoài ra bạn cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, ánh sáng mặt trời nếu bạn là người có cơ địa nhạy cảm, có tiền sử gia đình mắc bệnh viêm da.
- Bạn cần sớm đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị khi mắc bệnh viêm da cơ địa, bệnh vảy nến, bệnh chàm hoặc một số vấn đề, bệnh lý về da khác.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể để nâng cao sức đề kháng và làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng. Đặc biệt bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chất xơ và vitamin.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có khả năng gây viêm và kích ứng da. Cụ thể như thực phẩm cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chứa chất bảo quản…
Nhìn chung viêm da tiếp xúc ánh sáng không phải là bệnh lý nguy hiểm khi sớm phát hiện và điều trị. Người bệnh có thể dễ dàng kiểm soát bệnh lý bằng các phương pháp đơn giản. Tuy nhiên nếu không điều trị hoặc điều trị chậm trễ, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị ung thư da. Vì thế bạn cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được chữa trị ngay khi biểu hiện đầu tiên của bệnh bùng phát.
Có thể bạn quan tâm
- Gợi Ý 9 Cách Chữa Viêm Da Tiếp Xúc Tại Nhà Hiệu Quả Nhất
- Xử lý viêm da tiếp xúc ở vùng kín (bộ phận sinh dục)
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!