Hắc lào ở trẻ sơ sinh: Thông tin về bệnh và cách điều trị
Hắc lào ở trẻ sơ sinh là một bệnh dễ lây lan, bất cứ vùng da nào trên cơ thể trẻ cũng sẽ có nguy cơ bị bệnh. Có được những kiến thức cần thiết về hắc lào sẽ giúp cho chúng ta chủ động ngăn ngừa và điều trị bệnh an toàn cho trẻ.
Hắc lào ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết
Dưới đây là những thông tin chi tiết về căn bệnh hắc lào xảy ra ở trẻ sơ sinh mà các bậc phụ huynh cần nắm rõ.
1. Hắc lào ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?
Đầu tiên, chúng ta cần biết là hắc lào là một bệnh nhiễm nấm có tính chất truyền nhiễm trên da. Loại nấm gây bệnh được xác định là Trichophyton rubrum và Epidermophyton floccosum.
Bệnh nhất định sẽ mang đến cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu, nhưng lại không gây đau đớn và mức độ nguy hiểm của bệnh cũng khá thấp. Độ tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em trên 2 – 10 tuổi, nhưng trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi và người lớn cũng không nằm ngoài đối tượng có thể bị hắc lào.
Hắc lào thường xuất hiện ở trên da mặt, nhìn từ bên ngoài thì bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với chàm (Eczema) hay viêm da dị ứng.
2. Triệu chứng của bệnh
Cũng như các bệnh về da khác, hắc lào ở trẻ sơ sinh sẽ có các dấu hiệu khá dễ nhận biết trên làn da của bé.
Khởi điểm là vùng da bị hắc lào thường sẽ có ranh giới rõ ràng, xung quanh ửng đỏ và có hình dạng gần giống như đồng tiền. Kích thước của vết ban đỏ thường dao động trong khoảng 0.5 – 1.0 inch và có xu hướng lớn dần. Các khu vực dễ bị hắc lào nhất là 2 bên má, cằm, vùng quang mắt, trán, mũi, ngực, bụng, 2 bên bẹn và chân tay.
Theo thời gian, các mảng đỏ sẽ lan rộng ra khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, càng ngứa hơn khi về đêm. Mẩn đỏ xuất hiện một cách rõ rệt, phần rìa bắt đầu có hiện tượng chứa nước. Nếu hắc lào nổi trên da đầu thì có thể dễ dàng nhận thấy các đốm hói trên đầu bé, tóc xung quanh đốm đó mọc cũng không được đều như bình thường và dễ đứt gãy.
Nếu không được điều trị kịp thời, những vùng da thương tổn sẽ bị phá vỡ cấu trúc và chàm hóa, có khả năng lây lan sang người khác.
→ Để xác định trẻ có bị hắc lào hay không, các bác sĩ sẽ quan sát bằng mắt thường và lấy mẫu biểu bì kiểm tra dưới kính hiển vi. Nếu phát hiện ra sự tồn tại của các loại nấm gây bệnh thì có thể dễ dàng xác định và đưa ra hướng điều trị.
3. Nguyên nhân gây hắc lào ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân chính gây bệnh là do sự xâm nhập của các loại nấm trên da. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị hắc lào bao gồm:
- Điều kiện khí hậu: Các loại nấm đặc biệt phát triển tốt trong môi trường nóng ẩm, vì vậy những đứa trẻ sống trong môi trường nhiệt đới giàu hơi nước sẽ dễ bị hắc lào hơn các vùng khô lạnh.
- Sự lây nhiễm: Chó mèo sẽ có thể bị nhiễm nấm và lây cho bé thông qua các tiếp xúc bên ngoài. Nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao ở trẻ khi có người bị hắc lào sống chung.
- Cơ địa: Một số trẻ sơ sinh sẽ có cơ địa nhạy cảm và thể trạng yếu hơn những trẻ khác. Đó là một điều kiện thuận lợi cho sự tấn công của các loại nấm da.
- Vệ sinh: Nếu trẻ không được người lớn vệ sinh đúng cách, bề mặt da luôn trong tình trạng ẩm ướt thì khả năng bị hắc lào sẽ rất cao.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác chưa được xác định rõ. Bạn nên đưa bé đến bệnh viện ngay khi phát hiện trên da bé có những biểu hiện khác thường, bác sĩ sẽ là người xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Tham khảo thêm: Bệnh hắc lào có tự khỏi được không?
Làm cách nào để ngăn ngừa và điều trị bệnh hắc lào ở trẻ sơ sinh?
Hắc lào không những ảnh hưởng đến vẻ ngoài của bé mà còn khiến cho chất lượng giấc ngủ của bé sụt giảm. Do đó, tìm hiểu về cách ngăn ngừa và điều trị bệnh là một điều vô cùng cần thiết.
1. Điều trị bệnh hắc lào ở trẻ sơ sinh
Trên thị trường chăm sóc sức khỏe hiện nay có khá nhiều sản phẩm bôi ngoài da được giới thiệu có khả năng chống nấm. Tuy nhiên, bạn cần chọn cho bé loại kem chống nấm dành riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để đảm bảo an toàn cho làn da của bé. Bạn có thể tham khảo một số sản phẩm có thể dùng để điều trị trong trường hợp này như:
- Lotrimin
- Lamisil
- Clotrimazole
- Miconozale
- Terbinafine (chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ)
- Tolnaflate.
Thông thường thì những loại kem này khá dịu nhẹ nên sẽ không cần phải mua theo đơn thuốc của bác sĩ. Bạn chỉ cần chắc chắn mình đã mua được sản phẩm chính hãng, chất lượng và làm theo đúng hướng dẫn sử dụng, tốt nhất là dùng 2 lần/ ngày sau khi đã làm sạch da bé.
Điều trị ngoài da cần có sự kiên trì nhất định, mất khoảng 3-4 tuần thì các mảng hắc lào mới có thể mờ dần và biến mất. Sau khi trẻ đã khỏi bệnh, bạn tiếp tục thoa kem thêm 1 tuần nữa để đảm bảo nấm đã được tiêu diệt sạch. Cần thử trước ở một vùng da nhỏ để xem da của bé có quá nhạy cảm với thành phần của sản phẩm hay không.
→ Nếu sau 6 tuần bôi kem mà bé vẫn không có bất cứ dấu hiệu khả quan nào, hoặc tệ hơn là bị phát ban đỏ thì bạn hãy đưa bé đến gặp bác sĩ Nhi khoa ngay lập tức.
Đối với trẻ bị hắc lào ở da đầu, bạn có thể sử dụng dầu gội chống nấm loại dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để gội cho bé hàng ngày. Nếu như không có vấn đề gì xảy ra, bé sẽ khỏi hẳn từ 4-6 tuần điều trị. Trong một số trường hợp hiếm, bác sĩ có thể sẽ kê cho trẻ một vài liều thuốc uống kèm với liệu pháp điều trị tại chỗ.
2. Ngăn ngừa hắc lào ở trẻ sơ sinh
Phòng bệnh lúc nào cũng quan trọng hơn chữa bệnh, nắm rõ được cách ngăn ngừa sẽ giúp cả bạn và bé tránh được những phiền phức do hắc lào mang lại. Các biện pháp dưới đây cũng có hiệu quả trong việc ngăn bệnh tái phát.
- Giữ cho da trẻ luôn được khô thoáng: Làn da ẩm ướt, bám bụi bẩn là môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các loại nấm trên da.
- Luôn giữ vệ sinh cho trẻ là điều rất cần thiết. Hắc lào là một bệnh có khả năng lây lan, vì vậy bạn phải phân biệt rõ ràng vật dụng cá nhân của mình và của em bé. Không cho bé dùng khăn mặt chung với các bé khác ở trong nhà, thường xuyên làm sạch vỏ áo gối, chăn mền.
- Giữ cho thú nuôi luôn được sạch sẽ. Hãy đảm bảo rằng chó mèo nhà bạn đã được tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời tắm cho chúng 2 ngày/ lần để tiêu diệt nơi trú ẩn của nấm gây hắc lào.
- Nếu trong nhà có người nghi ngờ bị hắc lào, việc cần làm lúc này là đưa người đó đến bệnh viện để được điều trị. Cũng lưu ý, ít nhất 2 tuần sau khi khỏi bệnh hoàn toàn thì bệnh nhân hắc lào mới được tiếp xúc với trẻ sơ sinh.
- Môi trường sinh hoạt của bé phải được làm sạch, giữ nguyên tình trạng khô thoáng thường xuyên.
- Dưỡng ẩm da trẻ dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ để tăng cường sức đề kháng của da.
Hắc lào ở trẻ sơ sinh tuy không thường gặp như trẻ trên 2 tuổi, nhưng một khi đã mắc bệnh thì việc khắc phục sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Nếu phát hiện bé có những bất thường về da như đã nói ở trên, hãy đưa bé đến bệnh viên càng sớm càng tốt.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Dấu hiệu bị hắc lào nặng và cách chữa trị
- Thuốc trị hắc lào Lax giá bao nhiêu? Cách dùng và lưu ý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!