Dị ứng và cảm lạnh: Làm thế nào để phân biệt và điều trị đúng?
Nếu bạn bị nghẹt mũi và chảy nước mũi, hắt hơi, ho thì có thể nhiều người sẽ cho đó là triệu chứng của bệnh cảm lạnh. Tuy nhiên đây cũng là những dấu hiệu của dị ứng. Chúng ta nên tìm hiểu sự khác biệt giữa dị ứng và cảm lạnh. Từ đó có các phương pháp điều trị thật sự phù hợp.
Cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh có thể do cảm lạnh thông thường hoặc cảm lạnh do virus. Nhiều loại virus khác nhau có thể tác động và gây ra bệnh cảm lạnh. Mặc dù có triệu chứng và mức độ bệnh nghiêm trọng khác nhau nhưng nhìn chung cảm lạnh cũng có một vài đặc điểm cơ bản giống nhau.
Khi bị cảm lạnh thông thường thì cần chú ý một vài điều như sau:
- Virus gây bệnh cảm lạnh có thể lây truyền qua ho, hắt hơi.
- Ngoài ho và hắt hơi, người bệnh có thể bị đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Trường hợp nặng hơn có thể đau đầu, sốt, đau nhức cơ thể.
- Bệnh có thời gian phục hồi khá nhanh, thông thường từ 7 đến 10 ngày. Nếu kéo dài từ 1-2 tuần thì virus có thể phát triển gây nhiễm trùng và gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn: nhiễm trùng xoang, viêm phổi, viêm phế quản.
- Những người bị dị ứng có thể dễ bị cảm lạnh hơn.
Những triệu chứng của bệnh cảm lạnh có thể gặp phải vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Trung bình mỗi người lớn thường bị cảm lạnh từ 2-3 lần mỗi năm. Trẻ nhỏ hay bị cảm lạnh hơn do hoạt động của hệ miễn dịch còn kém.
Dị ứng là gì?
Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn có phản ứng bất lợi với một số chất. Khi bạn tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, hay còn gọi là chất gây dị ứng thì hệ miễn dịch sẽ giải phóng một số chất gọi là histamin. Sự giải phóng histamin là nguyên nhân gây ra các triệu chứng dị ứng.
Dị ứng và cảm lạnh thường hay có một số triệu chứng chung như: hắt xì, ho, viêm họng, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt…
Dị ứng cũng có thể gây phát ban và ngứa mắt mà cảm lạnh thông thường thì không có.
Mỗi năm, ở Mỹ có khoảng 50 triệu người bị dị ứng. Các tác nhân gây bệnh có thể từ cây cỏ, phấn hoa, hoặc có thể do một số tác nhân khác: mạt bụi, lông động vật, thực phẩm…
Cảm lạnh và dị ứng khác biệt như thế nào?
Vì cảm lạnh và dị ứng có nhiều triệu chứng khá giống nhau, nên việc phân biệt hai căn bệnh này gặp rất nhiều khó khăn.
Thông thường cảm lạnh hay làm người bệnh: mệt mỏi, đau nhức, viêm họng, sốt… Còn dị ứng có thể gây ra: ngứa mắt, thở khò khè, phát ban.
Trẻ em có sức đề kháng yếu cùng hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên có thể có các triệu chứng khác. Thông thường khi bị dị ứng mũi của trẻ hay bị ngứa, hay gãi,… Cha mẹ nên kiểm soát việc gãi của bé vì hành động này dễ làm cho da bị trầy xước, nhiễm trùng.
# Thời gian trong năm tác động đến bệnh dị ứng và cảm lạnh
Thời điểm trong năm có thể gây nên các triệu chứng bệnh. Thông thường, cơ thể dễ bị cảm lạnh vào mùa thu và mùa đông, nhưng điều đó không có nghĩa là bệnh không xuất hiện vào hai mùa còn lại (mùa xuân và mùa hạ).
Dị ứng cũng có thể tấn công vào bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng dị ứng do phấn hoa phổ biến nhất vào các tháng mùa xuân, dị ứng do các loại cỏ thì hay xuất hiện vào cuối mùa xuân đến mùa hè.
Thời gian diễn tiến của bệnh cũng giúp xác định được là bệnh nhân bị dị ứng hay cảm lạnh. Bệnh cảm lạnh thường chỉ kéo dài trong 1 tuần còn dị ứng thì không thể tự khỏi nếu không điều trị hoặc dùng các biện pháp tác động. Thậm chí dị ứng theo mùa cứ khoảng 2-3 tuần lại xuất hiện một đợt.
Chẩn đoán cảm lạnh và dị ứng
Khi có các triệu chứng bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thực hiện các biện pháp kiểm tra và chẩn đoán.
Nếu bác sĩ cho rằng bạn bị mắc các bệnh nhiễm vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn viêm phổi… thì cần thực hiện các kiểm tra khác như xét nghiệm, chụp X-quang ngực…
Khi nghi ngờ bị dị ứng, bạn nên gặp bác sĩ tai mũi họng hoặc bác sĩ da liễu. Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, nếu nghiêm trọng có thể bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nhập viện.
Điều trị cảm lạnh thông thường
Cơ thể của bạn có thể tự kháng lại virus gây cảm lạnh theo thời gian. Dùng thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn chứ không có khả năng chống lại virus gây bệnh. Tuy nhiên, những loại thuốc có thể làm giảm những triệu chứng khi bệnh cảm lạnh diễn ra.
Thông thường, khi cảm lạnh bác sĩ hay chỉ định dùng:
- Siro trị ho và thuốc cảm lạnh không kê đơn. Chú ý không dùng cho trẻ dưới 4 tuổi
- Thuốc xịt mũi nhằm thông mũi. Không nên dùng thuốc này cho trẻ dưới 6 tuổi.
- Thuốc giảm đau: ibuprofen (Advil) hoặc acetaminophen (Tylenol)
Hãy hỏi bác sĩ trước khi bạn định dùng bất cứ loại thuốc không kê đơn nào. Nhất là khi đang dùng các loại thuốc khác hoặc đang mang thai.
Đừng dùng thuốc cảm trong thời gian dài vì có thể gây ra tác dụng phụ làm cho những biểu hiện bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
Ngoài ra cũng có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà để giảm cảm lạnh như:
- Tăng cường uống nhiều nước lọc, nước trái cây, trà thảo dược.
- Hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều caffein
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, họng thường xuyên.
Điều trị dị ứng
Một cách hiệu quả để ngăn ngừa các triệu chứng là tránh xa các tác nhân gây bệnh. Nếu không tránh được các tác nhân gây bệnh thì bạn nên dùng thuốc để cải thiện triệu chứng
# Thuốc kháng histamin
Có tác dụng ngăn chặn sự giải phóng histamin, bao gồm các loại thuốc sau: diphenhydramine, cetirizine, fexofenadine…
Chú ý nhóm thuốc này thường hay gây buồn ngủ nên hãy cân nhắc uống vào buổi tối.
# Thuốc thông mũi
Hoạt chất trong thuốc có tác dụng giảm sưng màng mũi, giảm nghẹt ở xoang. Bao gồm các loại thuốc: guaifenesin-pseudoephedrine, pseudoephedrine…
Việc dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Chẳng hạn như thuốc oxymetazoline không nên dùng quá 3 ngày liên tục.
# Thuốc corticosteroid mũi
Có tác dụng giảm sưng ở mũi bằng cách ngăn chặn tình trạng viêm. Nó cũng làm hạ thấp lượng tế bào miễn dịch kích ứng phản ứng dị ứng ở mũi.
Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị khác như: dùng nước muối sinh lý, dùng máy tạo độ ẩm… để làm giảm triệu chứng bệnh.
Khi xác định được sự khác nhau giữa dị ứng và cảm lạnh, người bệnh sẽ có phương pháp điều trị đúng và bệnh sẽ nhanh chóng được cải thiện. Nếu các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng thì hãy đến gặp bác sĩ sớm. Đồng thời không nên điều trị tại nhà nếu triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày.
Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!