Đau dạ dày cấp: Triệu chứng và cách điều trị, giảm cơn đau
Những cơn đau dạ dày cấp thường xuất hiện đột ngột khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Ăn uống và duy trì lối sống thiếu khoa học được cho là nguyên nhân khá phổ biến. Ngoài ra nó có thể là do nhiễm khuẩn hay sự tấn công của các tác nhân gây hại trong niêm mạc dạ dày. Cần can thiệp đúng cách để giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.
Nguyên nhân gây đau dạ dày cấp
Đau dạ dày cấp đặc trưng bởi những cơn đau xuất hiện đột ngột khi niêm mạc dạ dày bị kích ứng hay gặp tổn thương.Tình trạng này có thể khởi phát do nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau.
Dưới đây được cho là những nguyên nhân chính làm phát sinh tình trạng đau dạ dày cấp:
1. Nhiễm vi khuẩn
Những cơn đau dạ dày đột ngột phát sinh có thể là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp). Loại vi khuẩn này nếu phát triển quá mức sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày.
Tình trạng này diễn ra lâu ngày có thể khiến các phản ứng viêm kích hoạt và làm xuất hiện những cơn đau cấp tính. Trong nhiều trường hợp, vi khuẩn Hp hoạt động quá mức còn có thể khiến cho dạ dày bị xuất huyết.
2. Lạm dụng thuốc Tây
Đa phần các loại thuốc Tây nếu sử dụng trong thời gian kéo dài đều dễ gây ra các phản ứng phụ. Nhất là các loại thuốc giảm đau hay kháng viêm không steroid dùng kéo dài sẽ khiến cho niêm mạc dạ dày tá tràng bị kích ứng.
Nhiều khi, các phản ứng phụ phát sinh còn phá hỏng cả lớp niêm mạc dạ dày. Từ đó khiến những cơn đau cấp tính tại cơ quan này thường xuyên bùng phát.
3. Chế độ ăn uống – sinh hoạt
Chế độ ăn uống được cho là có sự ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống tiêu hóa. Thường xuyên dung nạp các nhóm thực phẩm thiếu lành mạnh cũng sẽ gây áp lực lên dạ dày và đường ruột. Từ đó khiến nhiều triệu chứng bất thường, nhất là đau tức dạ dày phát sinh.
Các loại đồ cay nóng, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh hay rượu bia, thuốc lá… đều có thể là những tác nhân. Ngoài ăn uống thì làm việc quá sức, thường xuyên stress, căng thẳng, thức khuya, ngủ không đủ giấc… cũng có thể làm phát sinh những cơn đau dạ dày đột ngột.
4. Các bệnh lý đường tiêu hóa
Thống kê ghi nhận rằng, tình trạng đau dạ dày cấp cũng có thể là triệu chứng thường gặp của các bệnh lý đường tiêu hóa. Điển hình nhất là bệnh tự miễn, bệnh Corhn, viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích…
Đa phần các bệnh lý này đều khiến cho niêm mạc đường tiêu hóa bị tổn thương. Ngoài gây đau dạ dày còn làm phát sinh nhiều triệu chứng đi kèm khác. Ví dụ như đầy hơi, chướng bụng, ợ nóng, tiêu chảy, đại tiện khó…
Các triệu chứng nhận biết cơn đau dạ dày cấp
Nhiều người thường hay bị nhầm lẫn giữa những cơn đau dạ dày cấp và tình trạng đau bụng thông thường. Đặc biệt là những cơn đau dạ dày kích hoạt ở mức độ nhẹ.
Chính vì thế cần nắm rõ triệu chứng để có thể nhận biết chính xác. Từ đó mới có thể can thiệp đúng cách, tránh nhầm lẫn dẫn đến sai sót trong điều trị.
Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của tình trạng đau dạ dày cấp:
1. Đau vùng thượng vị
Những cơn đau dạ dày cấp thường kích hoạt một cách đột ngột ở vùng thượng vị. Có thể là sau khi ăn no hoặc ngay trong lúc bụng còn đói. Đi kèm với đau là tình trạng nóng rát, cồn cào ngay tại vị trí này.
Trong rất nhiều trường hợp, cơn đau còn kích hoạt cả lúc nửa đêm khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi do giấc ngủ bị quấy nhiễu. Thông thường sẽ là đau dữ dội nhưng đôi khi cơn đau cũng có thể âm ỉ kéo dài và thỉnh thoảng mới quặn lên từng cơn.
Ngoài ra, cơn đau dạ dày cấp còn có thể lan tỏa trên diện rộng. Khiến người bệnh bị tức ngực hay đau nhức cả vùng lưng dưới.
2. Buồn nôn, nôn ói
Đây cũng là một triệu chứng điển hình đi kèm với những cơn đau dạ dày cấp. Ngay khi vừa ăn xong người bệnh có thể bị nôn hết thức ăn ra ngoài. Lúc này cơn đau bụng có thể sẽ giảm nhưng một lúc sau sẽ lại tái phát.
Tình trạng nôn ói quá nhiều không can thiệp còn khiến cho cơ thể bị mất nước và điện giải. Lúc này người bệnh sẽ trở nên xanh xao, mệt mỏi và nhợt nhạt, gầy sút thấy rõ.
3. Chán ăn
Tình trạng đau dạ dày cấp thường xuyên bị kích hoạt chứng tỏ rằng chức năng tiêu hóa cũng đang xuống cấp nặng nề. Tiêu hóa kém khiến cho người bệnh cảm thấy chán ăn, ăn không ngon. Lâu dần sẽ khiến cơ thể trở nên mệt mỏi và suy nhược.
4. Các triệu chứng khác
Ngoài những triệu chứng nêu trên, tình trạng đau dạ dày cấp có thể làm phát sinh nhiều triệu chứng liên quan khác. Phải kể đến như đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, chướng khí, tiêu chảy…
Ngoài ra, người bệnh cần đặc biệt chú ý khi ăn các loại độ ăn thô cứng và khó tiêu. Bởi chúng tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc dạ dày đang tổn thương sẽ dễ gây ra triệu chứng xuất huyết dạ dày.
Tham khảo: Đau Dạ Dày Từng Cơn Là Bị Gì? Có Nguy Hiểm Không?
Đau dạ dày cấp có nguy hiểm không?
Nhiều người bệnh thường chủ quan với tình trạng đau dạ dày cấp. Bởi ở thời điểm đầu, những cơn đau xuất hiện đột ngột và đôi khi tự biến mất mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, tình trạng đau này đã chứng tỏ rằng, niêm mạc dạ dày đang bị tổn thương. Nếu không can thiệp và điều trị thì không chỉ làm phát sinh các triệu chứng khác ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Bệnh đau dạ dày cấp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Xuất huyết tiêu hóa: Đây là biến chứng thường gặp nhất của đau dạ dày cấp nếu không can thiệp kịp thời. Lúc này người bệnh sẽ thường xuyên bị nôn ra máu, đại tiện có dính máu đỏ hay phân có màu đen.
- Hẹp môn vị: Nhiều trường hợp đau dạ dày cấp có thể là triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng. Nếu không can thiệp sớm có thể gây ra biến chứng hẹp môn vị. Dấu hiệu là người bệnh bị đau bụng và nôn mửa rất dữ dội. Cùng với đó có thể là ói ra thức ăn tồn đọng có mùi hôi thối.
- Thủng dạ dày: Lúc này người bệnh sẽ đột ngột gặp phải những cơn đau dữ dội như bị đâm, bụng thì gồng cứng lên như gỗ. Trường hợp này nếu không cấp cứu kịp thời có thể đe dọa đến cả tính mạng.
- Ung thư dạ dày: Đây có thể cho là biến chứng nguy hiểm nhất của đau dạ dày cấp. Đây là một dạng ung thư đường tiêu hóa thường gặp nhất.
Cách điều trị và làm giảm cơn đau dạ dày cấp
Để điều trị triệt để tình trạng đau dạ dày cấp thì người bệnh cần sớm thăm khám để bác sĩ xác định nguyên nhân. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh cùng nguyên nhân kích hoạt mà sẽ có phương án can thiệp cụ thể.
Việc điều trị và khắc phục những cơn đau dạ dày cấp có thể bao gồm:
1. Sử dụng thuốc Tây
Theo các bác sĩ chuyên khoa, cơ chế điều trị đau dạ dày cấp chính là ức chế hoạt động của các loại vi khuẩn gây hại. Cùng với đó là làm giảm tiết acid dịch vị, ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng và phục hồi tổn thương niêm mạc dạ dày.
Bác sĩ có thể sẽ lên toa cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc sau đây:
- Sử dụng các loại thuốc kháng acid:
Nhóm thuốc này mặc dù không thể tác động đến vết loét nhưng lại có thể hỗ trợ làm giảm một số triệu chứng do dư thừa acid gây ra. Đồng thời hạn chế tiết acid dịch vị để tổn thương ở niêm mạc dạ dày chóng lành hơn. Thuốc thường dùng bao gồm: nhôm hydroxit và magiê hydroxit (Maalox, Mylanta), natri bicarbonate (Alka-S), canxi cacbonat (Rolaids, Titralac, Tums)…
- Sử dụng thuốc kháng sinh:
Nhóm thuốc kháng sinh thường được dùng phổ biến trong trường hợp người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Hp. Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Hp thường được dùng với 1 liệu trình kéo dài khoảng từ 7 – 14 ngày. Amoxicillin, metronidazol, tinidazol… là những thuốc hay được bác sĩ kê toa.
Tất cả các thuốc dùng trong điều trị bệnh đau dạ dày cấp đều phải được sử dụng theo chỉ định từ bác sĩ. Nhất là các loại thuốc kháng sinh chữa vi khuẩn Hp. Tuyệt đối không tự ý mua về điều trị hay thay đổi kế hoạch dùng thuốc khi chưa nhận được yêu cầu.
2. Giảm đau dạ dày cấp với mẹo tại nhà
Thông thường, những cơn đau dạ dày cấp sẽ xuất hiện 1 cách đột ngột. Chính vì thế mà người bệnh có thể áp dụng các mẹo giúp giảm đau nhanh ngay tại nhà. Điều này sẽ giúp ức chế tạm thời cơn đau và mang đến cảm giác dễ chịu hơn.
Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể là:
- Sử dụng gừng: Gừng là vị thuốc quen thuộc trong Đông y có vị cay, tính ấm với tác dụng chống viêm và sát khuẩn rất tốt. Có thể sử dụng nguyên liệu này để khắc phục tạm thời chứng đau dạ dày cấp. Dùng 50g gừng tươi đem cạo vỏ, rửa sạch rồi thái lát mỏng và hãm với 200ml nước sôi. Chờ đến khi nước ấm rồi uống từ từ từng ngụm một.
- Dùng baking soda: Nguyên liệu này cũng có tác dụng rất tốt trong việc chữa lành những tổn thương ở niêm mạc tiêu hóa. Khi gặp tình trạng đau dạ dày cấp, bạn có thể dùng baking soda để ức chế nó. Chỉ cần sử dụng 1 thìa cà phê baking soda hòa tan trong 100ml nước ấm và uống trực tiếp.
- Uống nước dừa: Hàm lượng chất xơ cũng như khoáng chất dồi dào ở trong nước dừa có thể hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Đồng thời, nước dừa còn được cho là có thể khiến dạ dày giảm tiết acid dịch vị. Mỗi ngày uống 1 trái dừa tươi sẽ có thể giúp làm mát niêm mạc dạ dày và thải độc tố được tốt hơn.
Xem thêm: 3 Mẹo Chữa Đau Dạ Dày Bằng Lá Mơ Cực Nhanh Khỏi
3. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Ngoài việc điều trị theo phác đồ bác sĩ và áp dụng các mẹo tại nhà thì người bệnh cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống. Người bệnh nên chú ý đến các vấn đề sau đây:
- Nên bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ và các loại vitamin A, B, K, D… để tốt hơn cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Trứng, bánh mì và mật ong… đều là những thực phẩm an toàn có tác dụng giống như 1 lớp màng bảo vệ niêm mạc và làm giảm kích thích acid ở trong dạ dày.
- Các thực phẩm có hàm lượng Omega-3 dồi dào cũng có thể hỗ trợ để làm lành vết loét ở niêm mạc dạ dày.
- Tránh ăn các loại đồ ăn cay nóng, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh… Đồng thời không nên ăn các loại đồ chua hay trái cây có hàm lượng acid cao như bưởi, cam, chanh…
- Không nên sử dụng các loại thức uống có gas, rượu bia, cà phê, tránh hút thuốc lá…
- Cần ăn chậm, nhai kỹ, tuyệt đối không vận động mạnh hay nằm nghỉ khi vừa mới ăn xong.
4. Quản lý căng thẳng
Căng thẳng, mệt mỏi cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho những cơn đau dạ dày cấp xuất hiện thường xuyên hơn. Chính vì thế, người bệnh cần chú ý quản lý tốt căng thẳng để hỗ trợ đẩy lùi bệnh.
Nên dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, tuyệt đối không làm việc quá sức, thức khuya hay ngủ thiếu giấc. Đồng thời, tránh xa những áp lực, stress cả trong công việc lẫn cuộc sống.
Người bệnh có thể quản lý căng thẳng bằng cách dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày cho việc tập luyện thể dục. Ngồi thiền hay những động tác yoga đơn giản cũng được cho là cách tốt.
Đau dạ dày cấp mặc dù không phải là tình trạng quá nguy hiểm nhưng nếu không sớm can thiệp thì có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Người bệnh cần nghiêm túc điều trị và chú ý chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt để bệnh tình nhanh chóng được cải thiện.
Có thể bạn quan tâm:
- Ăn Xong Bị Đau Dạ Dày Là Vì Sao? Cách Khắc Phục Ít Người Biết
- Mẹo dùng trứng gà chữa đau dạ dày rất tuyệt vời mà bạn nên thử
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!