Bệnh học viêm đại trực tràng chảy máu
Viêm đại trực tràng chảy máu là bệnh viêm tự miễn mạn tính, khiến đại trực tràng bị loét gây tổn thương lan tỏa cả lớp niêm mạc và dưới niêm mạc dẫn tới hiện tượng chảy máu. Bạn có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như chảy máu ồ ạt, thủng đại tràng, ung thư hóa… nếu không sớm phát hiện và điều trị bệnh.
Nguyên nhân gây viêm đại trực tràng chảy máu
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm đại trực tràng chảy máu.
Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây được cho là nguy cơ khiến bệnh khởi phát:
- Yếu tố di truyền: Khoảng 20% bệnh nhân có thành viên trong gia đình từng bị viêm ruột mạn tính tự phát. Thường những người có gen DR2 sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn so với những người có gen DR4.
- Yếu tố nhiễm khuẩn: Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiễm khuẩn không chỉ dẫn đến sự khởi phát mà còn có thể là nguyên nhân cho một đợt tái phát khác. Bệnh thường liên quan đến nhiễm trùng đường ruột, bao gồm E.Coli, Salmonella, Clostridium difficile, Campylobacter.
- Yếu tố tâm lý: Stress tinh thần, căng thẳng mệt mỏi cũng được cho là những nguyên nhân khiến bệnh nặng nề thêm.
- Các yếu tố khác: miễn dịch, chế độ ăn uống, thuốc tránh thai… cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình khởi phát của bệnh.
Triệu chứng viêm đại trực tràng chảy máu
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng khác nhau. Thông thường, bệnh viêm đại trực tràng chảy máu sẽ gây ra các triệu chứng sau:
- Đau bụng
- Đại tiện phân lỏng kèm theo nhầy máu, phân màu đỏ
- Đại tiện nhiều lần trong ngày
Các triệu chứng ngoài tiêu hóa khác, bao gồm:
- Viêm xơ hóa đường mật
- Đau khớp
- Viêm màng bồ đào
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp một số biểu hiện toàn thân như:
- Sốt
- Gầy sút cân
- Thiếu máu
- Phù do suy dinh dưỡng
Chẩn đoán bệnh viêm đại trực tràng chảy máu
Để có thể đưa ra hướng điều trị tốt nhất, bác sĩ cần chắc chắn rằng bạn đang mắc phải bệnh viêm đại trực tràng chảy máu dựa vào các phương pháp chẩn đoán.
1. Chẩn đoán Lâm sàng
Đối với bệnh viêm đại trực tràng chảy máu, bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà người bệnh gặp phải để đưa ra chẩn đoán ban đầu. Đau bụng, đại điện phân có nhầy máu sẽ là dấu hiệu đầu tiên mà bệnh gây ra.
Tuy nhiên, khi bệnh diễn biến phức tạp hơn, người bệnh có khi đại tiện chỉ toàn nhầy máu mà không có phân. Đôi khi, người bệnh còn gặp phải triệu chứng sốt, protein máu giảm gây cảm giác mệt mỏi.
Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân thường đại tiện có máu hơn 6 lần 1 ngày, diễn ra nhiều hơn vào ban đêm. Một số biểu hiện đi kèm như huyết áp hạ, nhịp tim nhanh, sốt cao, bụng trướng.
2. Chẩn đoán Cận lâm sàng
Để kết luận chính xác bệnh thì dựa vào những triệu chứng lâm sàng là chưa đủ, một số phương pháp cận lâm sàng có thể sẽ được bác sĩ chỉ định.
Nội soi toàn bộ đại trực tràng
Việc nội soi và quan sát hình ảnh nội soi sẽ giúp bác sĩ phân loại được từng giai đoạn của bệnh.
- Giai đoạn 0: niêm mạc thường nhạt màu, các mạch máu dưới niêm mạc mỏng hơn so với bình thường.
- Giai đoạn 1: niêm mạc sần sùi, chỉ nhìn thấy 1 phần mạch máu.
- Giai đoạn 2: niêm mạc bị mất nếp ngang, xuất hiện các ổ loét, dễ chảy máu khi đèn chạm phải.
- Giai đoạn 3: niêm mạc bị phù nề, xung huyết, xuất hiện các ổ loét lớn, chảy máu niêm mạc tự phát.
Chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm
Ngoài việc nội soi, bác sĩ có thể cần đến một số phương pháp khác để hỗ trợ chẩn đoán:
- Chụp khung đại tràng: Một số dấu hiệu có thể thấy thông qua hình ảnh như đại tràng dạng ống chì, hẹp đại tràng, phình giãn đại tràng…
- CT Scan ổ bụng: thành đại tràng dày liên tục tập trung ở đại tràng sigma và quanh trực tràng.
- Xét nghiệm máu: Hematocrit thường giảm, Protein phản ứng C tăng, máu lắng tăng…
Biến chứng của bệnh viêm đại trực tràng chảy máu
Bệnh viêm đại trực tràng chảy máu nếu không sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ khiến người bệnh phải đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Rò hậu môn và áp-xe hậu môn, nứt hậu môn
- Chảy máu trầm trọng, xuất huyết ruột
- Phình đại trạng nhiễm độc, hẹp đại tràng
- Thủng đại tràng dẫn đến ung thư
- Đông máu rải rác động mạch
Hướng điều trị bệnh viêm đại trực tràng chảy máu
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp với từng đối tượng người bệnh.
1. Sử dụng thuốc
Thông thường, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng kết hợp các loại thuốc như corticoid, sulfasalazin cùng một số dẫn chất của nó. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ bệnh mà có chỉ định về liều lượng cụ thể.
Bệnh ở mức độ nhẹ
- Nhóm thuốc 5 – ASA đường uống: Dùng pentasa 0,5g, 4 lần/ngày, 2 viên/lần.
- Nhóm thuốc 5 – ASA tại chỗ: Dạng nang đạn để đặt hậu môn dùng trong 3 tuần vào mỗi tối trước khi ngủ.
- Các loại kháng sinh uống: metronidazol 1g/ngày hay ciprofloxacin 1g/ngày dùng trong 7 ngày.
Bệnh ở mức độ vừa
- Nhóm thuốc 5 – ASA đường uống: Dùng pentasa 0,5g, 4 lần/ngày, 2 viên/lần.
- Nhóm thuốc 5 – ASA tại chỗ: Dùng ở dạng bột hoặc dung dịch bột.
- Dùng dung dịch hydrocortison 100mg: thụt 1 lần/ngày vào buổi sáng.
- Các loại kháng sinh uống: metronidazol 1g/ngày hay ciprofloxacin 1g/ngày chia làm 2 lần, dùng trong 7 ngày.
- Trường hợp không đáp ứng: kết hợp dùng corticoid đường uống 40 – 60mg/ngày trong khoảng từ 10 – 14 ngày.
- Nếu tiếp tục không đáp ứng: Dùng thêm methylprednisolon 40 – 80mg/ngày trong khoảng từ 7 – 10 ngày.
Bệnh ở mức độ nặng
- Nhóm thuốc 5 – ASA đường uống: Dùng pentasa 0,5g, 4 lần/ngày, 2 viên/lần.
- Thuốc Prednisolon: dùng 40 – 60mg/ngày trong vòng 7 – 10 ngày. Khi các triệu chứng có dấu hiệu cải thiện thì giảm liều dần mỗi 5mg/tuần.
- Trường hợp không đáp ứng: Dùng corticoid liều cao tiêm tĩnh mạch trong vòng 7 -10 ngày. Dùng methylprednisolon 16 -20mg trong mỗi 8 giờ. Hoặc dùng hydrocortison 100mg cũng trong mỗi 8 giờ. Có thể giảm liều mỗi 5mg/tuần nếu các triệu chứng có dấu hiệu thuyên giảm.
- Azathioprin: chỉ dùng 2 – 2,5mg/kg/ngày.
- Cyclosprorin: áp dụng truyền tĩnh mạch với liều 2 – 4mg/kg/ngày.
- Kháng thể kháng TNF (infliximab): tiêm tĩnh mạch với liều 5 – 10mg/kg/ tuần.
- Kháng sinh: có thể dùng đường uống hay truyền tĩnh mạch, metroni-dazol 1g/ngày, ciprofloxacin 1g/ngày trong vòng 7 ngày.
Tất cả các loại thuốc nêu trên đều phải được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không được thay đổi liều lượng khi chưa có bất cứ chỉ định nào từ bác sĩ chuyên khoa.
XEM THÊM: 10+ cách chữa viêm đại tràng tại nhà giúp giảm đau, mau khỏi
2. Can thiệp phẫu thuật
Khi bệnh viêm đại trực tràng chảy máu diễn biến phức tạp không kiểm soát được, bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc can thiệp phẫu thuật.
Phẫu thuật cắt một đoạn đại trực tràng hoặc cắt toàn bộ đại tràng nối tràng hậu môn thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Phình giãn đại tràng nhiễm độc
- Chảy máu quá nhiều khi điều trị nội khoa không có tác dụng
- Thủng đại tràng
- Dị sản mức độ nặng
- Ung thư hóa
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin về bệnh viêm đại trực tràng chảy máu. Nắm được những kiến thức này sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Viêm đại tràng co thắt: Dấu hiệu và cách trị tốt nhất
- Bị viêm đại tràng có nên ăn sữa chua không? Nên lưu ý gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!