Bệnh gai cột sống có chữa khỏi được không?
Gai cột sống là thuật ngữ đề cập đến sự phát triển xương bất thường ở đốt sống. Bệnh lý này là hệ quả do thoái hóa cột sống gây ra. Vậy bệnh gai cột sống có thể chữa khỏi được không? Các biện pháp điều trị được áp dụng phổ biến là gì?
Bệnh gai cột sống có chữa khỏi được không?
Gai cột sống là bệnh lý liên quan đến sự phát triển xương bất thường tại đốt sống. Bệnh lý này hình thành mỏm xương nhỏ (gai xương) ở phía ngoài cột sống.
Gai xương hình thành có thể do sự thoái hóa của cấu trúc cột sống, chấn thương hoặc do rối loạn chuyển hóa khiến canxi lắng đọng tại vị trí bất thường.
Gai cột sống thường không gây ra triệu chứng khi kích thước còn nhỏ. Tuy nhiên theo thời gian, gai xương phát triển và làm phát sinh những biểu hiện lâm sàng như đau cổ, đau lưng, đau cánh tay, cứng cổ, cứng thắt lưng, chóng mặt, khó khăn khi di chuyển, yếu cơ, mất kiểm soát ruột và bàng quang.
Bệnh gai cột sống không thể chữa trị hoàn toàn. Do đó các phương pháp được áp dụng chỉ có thể cải thiện triệu chứng và ngăn chặn tiến triển xấu của bệnh.
Mặc dù gai cột sống không thể chữa trị dứt điểm nhưng bệnh có tiến triển khá chậm nên bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được cơn đau, đồng thời phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm.
Vì vậy ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh, bạn cần tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp.
Một số biện pháp kiểm soát triệu chứng của gai cột sống
Nếu triệu chứng của gai cột sống gây khó khăn cho bạn trong các hoạt động sinh hoạt, làm việc, bạn cần tiến hành điều trị sớm nhằm hạn chế tình trạng chuyển biến xấu.
1. Dùng thuốc
Sử dụng thuốc là biện pháp điều trị gai cột sống phổ biến. Những loại thuốc được dùng cho bệnh nhân gai cột sống có tác dụng giảm đau và cải thiện các triệu chứng đi kèm.
Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ cơn đau để chỉ định loại thuốc thích hợp với từng trường hợp.
- Cyclobenzaprine – thuốc giãn cơ: Dùng cho bệnh nhân bị đau do co thắt đốt sống.
- Amitriptyline – thuốc chống trầm cảm: Dùng cho cơn đau từ trung bình đến nặng.
- Thuốc tiêm steroid – thuốc chống viêm: Dùng cho bệnh nhân có cơn đau đi kèm phản ứng sưng viêm dữ dội.
- Acetaminophen, NSAID – thuốc giảm đau: Dùng cho trường hợp đau có mức độ nhẹ đến trung bình.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật gai cột sống được chỉ định khi điều trị nội khoa thất bại. Phẫu thuật được thực hiện nhằm loại bỏ gai xương để giảm chèn ép lên dây thần kinh, mô mềm và đốt sống xung quanh.
Phương pháp này tác động đến căn nguyên của bệnh, giúp người bệnh chấm dứt cơn đau và cải thiện khả năng vận động. Tuy nhiên phẫu thuật có thể đi kèm với những rủi ro như xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch, nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh,…
3. Chăm sóc tại nhà
Tiến triển của bệnh gai cột sống có thể được kiểm soát tốt nếu bạn chăm sóc đúng cách.
- Áp dụng biện pháp thay thế: Ngoài việc dùng thuốc bạn có thể áp dụng biện pháp chườm nóng, chườm lạnh để cải thiện cơn đau.
- Thường xuyên thực hiện các hoạt động thể chất giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường độ dẻo dai của xương khớp, đồng thời ức chế sự tăng sinh bất thường của gai xương.
- Bổ sung các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, cá, sữa,…
- Có chế độ sinh hoạt khoa học (không dùng rượu bia, chất kích thích, nghỉ ngơi, làm việc vừa phải, tránh thức khuya, căng thẳng,…).
Nếu tiến hành điều trị sớm và đúng cách, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh gai cột sống.
Tình trạng chủ quan, không điều trị có thể khiến gai xương phát triển nhanh, gây chèn ép nặng nề lên mô mềm, dây thần kinh và đĩa đệm. Với những trường hợp nghiêm trọng, điều trị bảo tồn thường không đem lại hiệu quả và buộc phải can thiệp ngoại khoa.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Những bài thuốc Đông y chữa bệnh gai cột sống
- Chữa bệnh gai cột sống ở bệnh viện nào uy tín, chất lượng?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!