Oxacillin là thuốc gì?
Oxacillin là một loại kháng sinh nhóm Penicillin được sử dụng để tiêu diệt một số vi khuẩn gây nhiễm trùng trong cơ thể, nhất là nhiễm khuẩn do tụ cầu.
- Tên khác: Oxacilin
- Phân nhóm: Chống nhiễm khuẩn, kháng nấm, kháng virus
- Các dạng điều chế: Bột pha tiêm, viên nang
Một số thông tin cần biết về Oxacillin
1. Công dụng
Oxacilin thường dùng để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng trong cơ thể. Loại kháng sinh này có tác dụng với cả vi khuẩn gram âm và gram dương, nhất là các tụ cầu tiết Penicilinase.
Đặc biệt, Oxacilin không bị ảnh hưởng bởi Peta Lactamase của vi khuẩn nên có tác dụng điều trị tốt. Tuy nhiên, Oxacillin lại không có tác dụng mạnh với các loại vi khuẩn nhạy cảm với Penicillin G. Chính vì thế mà khi điều trị nhiễm khuẩn do liên cầu, Oxacillin sẽ được kết hợp với một số kháng sinh khác.
2. Chỉ định và chống chỉ định
Oxacillin được chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Viêm xương – tủy
- Nhiễm khuẩn máu
- Viêm màng trong tim
- Nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương
- Các loại nhiễm khuẩn khác do tụ cầu tiết Penicilinase nhạy cảm
Oxacillin chống chỉ định với các trường hợp từng có phản ứng phản vệ với bất cứ một loại kháng sinh nhóm Penicillin nào, bao gồm:
- Ampicillin, Principen, Omnipen…
- Amoxicillin, Amoxicot, Dispermox, Biomox, Amoxil, Trimox…
- Dicloxacillin, Dynapen, Dycill…
- Carbenicillin, Geocillin…
- Penicillin, Ledercillin VK, Beepen -VK, Pfizerpen, V- cillin K, Pen-V, Pen- Vee K, Veetids…
- Những kháng sinh khác thuộc nhóm Penicillin
3. Liều lượng và cách sử dụng
Oxacillin có thể được sử dụng theo đường uống, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp sâu tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
Liều lượng dùng theo đường uống
- Đối với người lớn để chống vi khuẩn: 500mg đến 1g, 4 – 6 giờ 1 lần. (đối đa 6g 1 ngày)
- Trẻ em có cân nặng trên 40kg cũng dùng tương tự như người lớn.
- Trẻ em có cân nặng dưới 40kg dùng để chống vi khuẩn: Dùng 12,5 – 25mg/1kg thể trọng, 6 giờ 1 lần.
Liều dùng cụ thể còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cần tuân thủ đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định để đảm bảo hiệu quả điều trị.
* Lưu ý: Oxacillin dùng theo đường uống sẽ không được chỉ định khi bắt đầu điều trị nhiễm khuẩn nặng. Những người có chứng buồn nôn, không giãn được tâm vị, giãn dạ dày hay thụ động ruột cũng không dùng được Oxacillin theo đường uống.
Liều lượng dùng để tiêm
+ Đối với người lớn:
- Dùng để chống vi khuẩn: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 250mg – 1g, 4 – 6 giờ 1 lần.
- Điều trị viêm màng não do vi khuẩn hay nhiễm khuẩn huyết: Tiêm tĩnh mạch 1 – 2g, 4 giờ 1 lần.
+ Đối với trẻ em
- Trẻ sơ sinh nặng dưới 2kg để chữa viêm màng não do vi khuẩn: Tiêm tĩnh mạch hoặc bắp 25 – 50mg/1kg thể trọng, 12 giờ 1 lần trong tuần đầu sau sinh, 50mg/1kg thể trọng, 8 giờ 1 lần sau đó.
- Trẻ sơ sinh nặng trên 2kg để chữa viêm màng não do vi khuẩn: Tiêm tĩnh mạch hoặc bắp 50mg/1kg thể trọng, 12 giờ 1 lần ở tuần đầu sau sinh, 8 giờ 1 lần vào thời gian sau đó.
- Điều trị bệnh nhiễm khuẩn nặng cho trẻ em trên 1 tháng tuổi và dưới 40kg thể trọng: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 100 – 200mg/kg/ngày chia làm 4 liều, 4 – 6 giờ 1 lần.
Liều lượng sử dụng tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch của Oxacillin trên đây chỉ mang tính tham khảo. Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng thích hợp cho bạn sau khi đã chẩn đoán được tình trạng bệnh.
4. Cách bảo quản
Bảo quản Oxacillin ở nhiệt độ phòng, khoảng dưới 25 độ. Không để thuốc ở nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp.
Tuy nhiên đối với dung dịch Oxacillin đã pha, bạn sẽ phải bảo quản khác. Dung dịch uống đã pha có hạn dùng 3 ngày ở nhiệt độ phòng và 14 ngày khi bảo quản ở 2 – 8 độ. Dung dịch tiêm đã pha cũng có hạn dùng 3 ngày khi để ở nhiệt độ phòng, nhưng chỉ được 7 ngày khi bảo quản ở 2 – 8 độ.
Tuyệt đối tránh sử dụng khi thuốc đã có biến đổi về màu sắc do không được bảo quản tốt. Bởi lúc này, thuốc không còn đảm bảo được tác dụng. Ngoài ra, nó có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Những lưu ý khi sử dụng Oxacillin
1. Thận trọng
Nếu bạn đang mắc phải một số bệnh lý thì khả năng hấp thụ Oxacillin của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Hãy báo ngay với bác sĩ nếu bạn từng có tiền sử dị ứng hay bị các bệnh như hen suyễn, gan, thận…
Dù chưa có báo cáo về sự rủi ro của Oxacillin với phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, việc báo với bác sĩ khi bạn thuộc nhóm đối tượng này là cần thiết.
Rượu bia hay thuốc lá có thể làm thay đổi tác dụng của Oxacillin. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ để hiểu thêm về vấn đề này.
2. Tác dụng phụ
Trong quá trình sử dụng, Oxacillin có thể khiến bạn gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Sốt, nổi mề đay
- Phù Quincke
- Buồn nôn, nôn
- Tiêu chảy
- Viêm tĩnh mạch huyết khối
Ngoài ra, bạn còn có nguy cơ mắc phải các tác dụng phụ hiếm gặp khác, bao gồm:
- Tăng enzzym gan
- Giảm tiểu cầu, bạch cầu, tăng bạch cầu ưa eosin
- Phản ứng phản vệ
- Viêm thận kẽ
- Viêm đại tràng có giả mạc
Bạn cần tới ngay các cơ sở y tế để nhận được sự chăm sóc kịp thời từ bác sĩ khi gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào của thuốc Oxacillin.
3. Trường hợp quá liều
Khi dùng quá liều Oxacillin, bạn có thể gặp một số triệu chứng như:
- Quá mẫn thần kinh – cơ
- Mất thăng bằng cơ thể
- Trạng thái ảo giác, kích động
- Lú lẫn, co giật
- Mất cân bằng điện giải với muối natri hay kali
Lúc này, sự can thiệp của y tế để điều trị các triệu chứng quá liều là hết sức cần thiết.
4. Tương tác thuốc
Khi tương tác thuốc diễn ra, các tác dụng của thuốc có thể thay đổi. Các loại kháng sinh nhóm tetracyclin có thể khiến cho tác dụng của Oxacillin giảm xuống. Hay Oxacillin sẽ làm giảm hiệu lực của các loại thuốc tránh thai.
Ngoài ra, Probenecid và Disufiram lại làm tăng nồng độ của Oxacillin trong huyết thanh. Khi dùng Oxacillin tiêm tĩnh mạch với liều lớn sẽ làm tăng tác dụng của một số loại thuốc chống đông máu.
Bên cạnh đó, một số loại kháng sinh khác cũng có thể tương tác với Oxacillin. Điều này sẽ khiến bạn dễ gặp các phản ứng phụ. Để tránh được tình trạng tương tác thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trước khi dùng Oxacillin, bạn nên báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào khác.
Nếu gặp phải bất cứ vấn đề gì trong quá trình sử dụng Oxacillin bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
- Nebivolol là thuốc gì? Cách sử dụng và lưu ý
- Thuốc Lipitor: Công dụng và liều dùng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!