Thuốc bôi ngoài da Locatop: tác dụng, cách dùng và chống chỉ định
Locatop là thuốc bôi ngoài da, được sử dụng để điều trị các bệnh da liễu thường gặp như chàm, viêm da thể tạng, bệnh vảy nến, tổ đỉa,…
- Tên thuốc: Locatop
- Tên hoạt chất: Desonide
- Phân nhóm: thuốc điều trị bệnh da liễu
Những thông tin cần biết về thuốc Locatop
Locatop được bào chế ở dạng kem bôi ngoài da, là dược phẩm của Công ty Pierre Fabre Medicament production. Thuốc có giá thành dao động từ 80 – 200.000 đồng.
1. Tác dụng
Locatop có tác dụng điều trị bệnh chàm, viêm da thể tạng, bệnh vảy nến, tổ đỉa và các bệnh da liễu thường gặp khác.
Một số tác dụng của Locatop không được nhắc đến trong bài viết. Bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ để biết tác dụng đầy đủ của loại thuốc này.
2. Chống chỉ định
Locatop chống chỉ định với các trường hợp sau:
- Người dị ứng với Desonide hoặc các thành phần khác trong thuốc
- Vùng da cần điều trị bị tổn thương nặng nề hoặc bị loét
- Trứng cá đỏ
- Bệnh da liễu do virus như thủy đậu, zona và herpes,…
- Chốc lở
- Nấm da
- Viêm da do nhiễm ký sinh
Sử dụng thuốc Locatop có thể ảnh hưởng đến một số bệnh lý trong cơ thể. Bạn nên báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe hiện tại để được cân nhắc về việc dùng thuốc.
3. Cách dùng – liều lượng
Trước khi bôi thuốc, bạn nên làm sạch tay và vùng da cần điều trị, sau đó lau khô bằng khăn sạch. Dùng một lượng kem vừa đủ với phạm vi vùng da bị bệnh, thoa nhẹ nhàng để thuốc thấm hoàn toàn.
Cần lấy đủ lượng kem, sử dụng quá ít có thể khiến hiệu quả điều trị không được đảm bảo. Ngược lại, sử dụng lượng kem quá nhiều gây lãng phí và bí tắc da. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định liều lượng cụ thể.
Sau khi dùng thuốc, bạn nên rửa sạch tay ngay cả khi bạn có đeo bao tay, trừ khi bạn cần điều trị ở vùng da này. Nên thận trọng với vùng da bôi thuốc, tránh tiếp xúc với da của người khác. Thuốc có thể truyền qua da và gây kích ứng ở vùng da khỏe mạnh.
Nếu vùng da bôi thuốc nằm ở vùng được che phủ bởi quần áo, bạn nên mặc quần áo rộng và thoáng để tránh tổn thương da. Không băng kín vùng da này nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
Sử dụng thuốc 2 lần/ngày và giảm dần liều lượng nếu các triệu chứng thuyên giảm. Tuyệt đối không ngưng thuốc đột ngột.
4. Bảo quản thuốc
Nên vặn chặt nắp sau khi sử dụng, bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng. Tránh nơi ẩm thấp và ánh nắng trực tiếp.
Không đưa thuốc cho người khác sử dụng ngay cả khi họ có triệu chứng giống bạn. Nên khuyến khích họ đến gặp bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp. Nếu không còn ý định sử dụng thuốc, hãy tham khảo thông tin trên bao bì để xử lý thuốc đúng cách.
Tham khảo thêm: Thuốc Explaq có công dụng gì?
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Locatop
1. Thận trọng
Không có nghiên cứu cụ thể về tác dụng của thuốc đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng để cân nhắc về các tình huống rủi ro có thể phát sinh.
Nếu có ý định sử dụng Locatop cho trẻ em dưới 12 tuổi và người già, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn.
Locatop có chứa corticoid vì vậy bạn nên hạn chế sử dụng trên diện rộng. Đồng thời không nên băng kín vùng da bôi thuốc, điều này có thể khiến lượng thuốc được hấp thu tăng lên và gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Nếu vùng da cần điều trị có phạm vi lớn, bạn nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định một loại thuốc khác.
2. Tác dụng phụ
Locatop có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Teo da
- Giãn mao mạch
- Rạn da
- Viêm da quanh miệng
- Trứng cá bộc phát
- Kích ứng da
Bạn có thể gặp phải những tác dụng phụ hiếm gặp nếu có làn da nhạy cảm. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào khác lạ, bạn nên báo với bác sĩ để được khắc phục kịp thời. Tình trạng có thể chuyển biến nghiêm trọng hơn nếu bạn không can thiệp điều trị.
3. Tương tác thuốc
Trong thời gian sử dụng Locatop bạn nên ngưng các loại thuốc bôi ngoài da khác. Nếu muốn sử dụng cùng lúc, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Chưa có danh sách những loại thuốc có thể tương tác với Locatop. Bạn cần chủ động phòng ngừa hiện tượng này bằng cách trình bày với bác sĩ những loại thuốc đang sử dụng (bao gồm thuốc uống và thuốc bôi ngoài da). Trong trường hợp có xuất hiện tương tác, bác sĩ có thể thay đổi liều dùng hoặc chỉ định một loại thuốc khác.
4. Nên ngưng thuốc khi nào?
Bạn nên ngưng sử dụng Locatop trong các trường hợp sau:
- Có yêu cầu từ bác sĩ
- Vùng da bị tổn thương nặng nề hơn
- Cơ thể xuất hiện những biểu hiện khác lạ
Để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế được những rủi ro phát sinh, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc Locatop.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Kedermfa Cream có tác dụng gì?
- Thuốc bôi da Fucidin H: công dụng, liều dùng & hướng dẫn sử dụng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!