Cách sử dụng & Liều dùng thuốc chống loạn nhịp Disopyramide
Thuốc Disopyramide thuộc nhóm chống loạn nhịp nhóm IA. Thuốc có tác dụng ức chế cơ tim, giảm tốc độ dẫn truyền, tính co của cơ tim và giảm tính dễ bị kích thích nên được sử dụng trong điều trị loạn nhịp thất gây đe dọa sự sống.
- Tên thuốc: Disopyramide
- Tên khác: Disopyramid
- Phân nhóm: Thuốc chống loạn nhịp
Những thông tin cần biết về thuốc Disopyramide
1. Tác dụng
Disopyramide là thuốc chống loạn nhịp nhóm IA. Thuốc có tác dụng ức chế cơ tim, giảm tốc độ dẫn truyền, tính co của cơ tim và giảm tính dễ bị kích thích tương tự Quinidine và Procainamide.
Disopyramide được chuyển hóa qua gan và được thải trừ qua đường tiểu. Tuy nhiên khả năng thanh thải của thuốc không bị ảnh hưởng bởi độ pH của nước tiểu.
2. Chỉ định
Thuốc Disopyramide được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Dự phòng và điều trị nhịp tim nhanh trên thất (cuồng động nhĩ, rung động nhĩ,…).
- Ngăn chặn và dự phòng tái phát loạn nhịp thất (nhanh thất kéo dài), đặc biệt là trong trường hợp đe dọa sự sống.
Disopyramide ít khi được sử dụng để điều trị loạn nhịp tim ít nghiêm trọng.
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Disopyramide với những trường hợp sau:
- Sốc do tim
- Khoảng Q-T kéo dài bẩm sinh
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Chống chỉ định phối hợp Disopyramide với Sparfloxacin
- Block nhĩ thất độ II hoặc III
- Suy tim sung huyết mất bù hoặc đi kèm với triệu chứng giảm huyết áp
4. Dạng bào chế – hàm lượng
- Viên nang – 100mg, 150mg (chủ yếu được dùng dưới dạng Disopyramide phosphate).
- Viên nang giải phóng kéo dài – 100mg, 150mg (chủ yếu đường dùng dưới dạng Disopyramide phosphate).
5. Cách dùng – liều lượng
Sử dụng thuốc Disopyramide bằng đường uống. Khi dùng thuốc, cần theo dõi điện tâm đồ chặt chẽ nhất là đối với bệnh nhân bị bệnh tim nặng, huyết áp không ổn định và người có vấn đề về gan, thận.
Cần linh động hiệu chỉnh liều dùng thuốc Disopyramide tùy vào đáp ứng, yêu cầu và trạng thái tim mạch của từng trường hợp.
Bên cạnh đó, bệnh nhân suy gan hoặc suy thận, người có cân nặng dưới 50kg, bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tính,… cần thông báo với bác sĩ để được giảm liều lượng.
Liều dùng thông thường cho người trưởng thành
- Dùng 400 – 800mg/ ngày, chia thành nhiều liều nhỏ
- Viên nang: Dùng 150mg/ lần, cứ 6 giờ nhắc lại 1 lần
- Viên nang giải phóng kéo dài: Dùng 300mg/ lần, cứ 12 giờ nhắc lại liều
- Với người có cân nặng dưới 50kg: Dùng 100mg/ lần, cứ 6 giờ dùng thêm liều
Liều dùng khi cần kiểm soát nhanh loạn nhịp thất
- Liều khởi đầu: Dùng 300mg/ lần
- Sau đó dùng 150mg/ lần, mỗi liền cách nhau 6 giờ
- Không sử dụng viên nang giải phóng kéo dài trong thời gian mới bắt đầu điều trị
Liều dùng thông thường cho trẻ em
- Trẻ dưới 1 tuổi: Dùng 10 – 30mg/ kg/ ngày, chia thành nhiều liều nhỏ bằng nhau. Cứ 6 giờ dùng lại 1 liều.
- Trẻ từ 1 – 4 tuổi: Dùng 10 – 20mg/ kg/ ngày, chia thành nhiều liều bằng nhau.
- Trẻ từ 4 – 12 tuổi: Dùng 10 – 15mg/ ngày, chia thành nhiều liều bằng nhau.
- Trẻ từ 12 – 18 tuổi: Dùng 6 – 15mg/ ngày, chia thành nhiều liều nhỏ.
Liều dùng dành cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận
- Độ thanh thải creatinin > 40ml/ phút: Dùng 100mg/ lần (viên nang thường), mỗi liều cách nhau 6 giờ đồng hồ. Hoặc dùng 200mg (dạng viên nang giải phóng kéo dài), mỗi liều cách nhau 12 giờ.
- Trong trường hợp cần kiểm soát nhanh nhịp nhanh thất, có thể dùng 200mg/ lần (dạng viên nang thường).
- Độ thanh thải creatinin < 40ml/ phút: Dùng 100mg/ lần (dạng nang thường). Không dùng viên nang giải phóng kéo dài cho nhóm bệnh nhân này.
Tham khảo thêm: Thuốc Simvastatin có công dụng gì?
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc Disopyramide trong nhiệt độ từ 20 – 25 độ C. Để thuốc xa tầm với của trẻ nhỏ và thú nuôi, tránh ánh sáng trực tiếp và môi trường ẩm thấp.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Disopyramide
1. Thận trọng
Thuốc Disopyramide chỉ được sử dụng khi loạn nhịp đe dọa sự sống. Vì vậy trong thời gian đầu dùng thuốc, người bệnh cần ở lại bệnh viện để được theo dõi chặt chẽ.
Disopyramide có tác dụng kháng cholinergic nên không sử dụng cho bệnh nhân bị bí tiểu. Chỉ sử dụng cho nhóm bệnh nhân này khi đã áp dụng các phương pháp điều trị bí tiểu.
Thuốc có thể giảm hiệu lực khi sử dụng cho người bệnh bị giảm kali huyết. Vì vậy cần điều trị giảm kali huyết trước khi dùng thuốc.
Người bệnh bị tăng nhãn áp góc đóng cần sử dụng thuốc nhỏ mắt pilocarpine hoặc liệu pháp cholinergic để làm mất tác dụng kháng cholinergic của Disopyramide đối với mắt.
Thuốc có thể làm bùng phát triệu chứng ở người bệnh nhược cơ. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho những đối tượng này. Tránh dùng Disopyramide cho người bệnh suy tim sung huyết không bù hoặc kém bù.
Xem xét khả năng hạ đường huyết ở bệnh nhân suy dinh dưỡng mãn tính, người suy tim sung huyết, bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận và người đang sử dụng rượu hoặc thuốc chẹn beta-adrenergic trước khi dùng thuốc Disopyramide.
Những người bệnh có khoảng Q-T kéo dài khi sử dụng Quinidine có thể phát triển triệu chứng này khi điều trị bằng thuốc Disopyramide.
Thận trọng khi dùng thuốc cho người có hội chứng Parkinson, block bó nhánh, hội chứng suy nút xoang,… vì không thể tiên đoán được tác dụng của thuốc với những bệnh nhân này.
Cần điều trị bằng Digitalis cho bệnh nhân cuồng động hoặc rung nhĩ trước khi sử dụng Disopyramide. Thận trọng khi sử dụng thuốc cho người bệnh bị suy gan hoặc suy thận.
Đã có ghi nhận về tác dụng gây co bóp tử cung khi sử dụng Disopyramide cho sản phụ. Vì vậy chỉ dùng thuốc trong mang thai khi có đe dọa tính mạng.
Ngoài ra, Disopyramide có thể đi vào sữa mẹ và gây ra một số tác dụng không mong muốn cho trẻ nhỏ. Cần ngưng cho trẻ bú nếu bắt buộc phải điều trị bằng Disopyramide trong thời gian này.
Tham khảo thêm: Thuốc Hydrochlorothiazid có tác dụng gì?
2. Tác dụng phụ
Tác dụng không mong muốn của thuốc Disopyramide phụ thuộc vào liều dùng và tình trạng sức khỏe của người sử dụng.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Bí tiểu
- Suy tim sung huyết
- Giảm kali huyết
- Trướng bụng
- Yếu cơ
- Đau ngực
- Hạ huyết áp
- Khô miệng
- Đau dạ dày
- Nhìn mờ
Tác dụng phụ ít gặp:
- Ngất xỉu
- Mệt mỏi
- Kích động
- Trầm cảm
- Nhức đầu
- Giảm đường huyết
- Tăng cholesterol
- Buồn nôn
- Ỉa chảy
- Chán ăn
- Họng khô
- Mắt khô
- Rối loạn dẫn truyền (kéo dài khoảng Q-T, block nhĩ thất,…)
- Khó chịu
- Loạn tâm thần cấp
- Chóng mặt
- Đau đớn
- Phát ban toàn thân
- Tăng kali huyết
- Khô mũi
- Táo bón
- Nôn mửa
- Đầy hơi
- Tăng cân
- Ứ mật do men gan tăng
- Khó thở
Ngưng sử dụng Disopyramide ở bệnh nhân giảm huyết áp không phải do loạn nhịp gây ra và bệnh nhân bị suy tim sung huyết có tiến triển nghiêm trọng.
Ngoài ra, phải giảm liều thuốc ở người bị block nhĩ thất cấp độ I. Nếu tình trạng block nhĩ thất không có cải thiện, nên cân nhắc về nguy cơ để ngưng thuốc trong trường hợp cần thiết. Khi xảy ra block nhĩ thất cấp độ II và III, nên kiểm soát bằng máy tạo nhịp hoặc chủ động ngưng sử dụng thuốc.
Tham khảo: Thuốc Lipitor điều trị các bệnh tim mạch
3. Tương tác thuốc
Disopyramide có thể tương tác với những loại thuốc sau:
- Verapamil: Sử dụng đồng thời với Disopyramide làm tăng tác dụng và suy giảm chức năng thất trái.
- Thuốc ảnh hưởng đến enzyme microsom của gan (Phenytoin): Những loại thuốc này làm thúc đẩy chuyển hóa và làm giảm tác dụng của Disopyramide.
- Thuốc chống loạn nhịp (Quinidin, Lidocain, Propafenon, Procainamide, Flecanid,…): Dùng kết hợp với Disopyramide có thể đối kháng hoặc cộng hưởng với tác dụng của thuốc Disopyramide. Vì vậy chỉ kết hợp trong trường hợp loạn nhịp đe dọa sự sống không đáp ứng với một loại thuốc đơn lẻ.
- Thuốc kháng cholinergic: Sử dụng với Disopyramide làm tăng tác dụng kháng cholinergic.
- Erythromycin, Sparfloxacin: Erythromycin, Sparfloxacin làm tăng nồng độ thuốc Disopyramide và kéo dài khoảng Q-T.
4. Quá liều và cách xử trí
Triệu chứng khi sử dụng thuốc Disopyramide quá liều lượng khuyến cáo: Hạ huyết áp, nghẹt thở, mất ý thức, ngừng thở, loạn nhịp, rối loạn dẫn truyền tim, vô tâm thu, chậm nhịp tim, động kinh,… và có thể dẫn đến tử vong.
Cần điều trị quá liều thuốc Disopyramide ngay cả khi không phát sinh triệu chứng. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ gây nôn và rửa dạ dày. Theo dõi điện tâm đồ và điều trị triệu chứng trong trường hợp cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Meken có tác dụng gì?
- Thuốc Veinofytol có tác dụng gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!