Dược liệu Thạch quyết minh và những bài thuốc chữa bệnh
Thạch quyết minh còn có tên gọi khác là Cửu khổng hoa, Cửu khổng, Ốc khổng, Bào ngư. Dược liệu có tính bình, vị mặn, qui vào hai kinh can và phế. Nhờ đặc tính này, dược liệu có tác dụng thanh can minh mục, bình can tiềm dương. Được sử dụng trong những trường hợp can phong nội động gây đau đầu, chóng mặt, can dương vượng, viêm kết mạc cấp tính, đau mắt đỏ, giảm thị lực do viêm thị thần kinh.
Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Cửu khổng hoa, Cửu khổng, Ốc khổng, Bào ngư
Tên khoa học: Haliotis sp.
Tên tiếng Trung: 石决明.
Thuộc họ: Haliotidae, lớp túc phúc (danh pháp khoa học: Gastropoda), ngành nhuyễn thể (danh pháp khoa học: Mollusca).
Thạch quyết minh (concha Haliontidis) là tổng hợp các vỏ phơi khô của nhiều loại Bào ngư Haliotis dverdicolor Rêve (Cửu khổng bào), Haliotidos oviva Gmelin (Dương bào) và Haliotidis gigantea discus Rêve (Bàn đại não).
Sở dĩ dược liệu có tên Thạch quyết minh là vì đây là một loại dược liệu giống với đá (thạch). Bên cạnh đó, vị thuốc lại có tính chất làm tan màng và giúp sáng mắt.
Tên Ốc khổng hay Cửu khổng xuất hiện là do ở phần mép của vỏ bào ngư có rất nhiều lỗ nhỏ tạo thành hàng, có khoảng 7 – 13 lỗ (thường là có 9 lỗ). Những lỗ này là chỗ để cho không khí ra vào giúp cho con bàu ngư có thể thở.
Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Bào ngư là một loại ốc xuất hiện với vỏ cứng như con sò. Tuy nhiên chúng thường dẹp hơn so với sò. Ở phần mép của vỏ bào ngư có rất nhiều lỗ nhỏ tạo thành hàng, có khoảng 7 – 13 lỗ (thường là có 9 lỗ). Những lỗ này là chỗ để cho không khí ra vào giúp cho con bàu ngư có thể thở. Trong trường hợp các lỗ trên vỏ bào ngư bị những sinh vật khác bám dính, chúng có thể chết vì ngạt.
Lớp vỏ ngoài của bào ngư có màu nâu sẫm, rất nhám. Phần trong của lớp vỏ tồn tại một lớp xà cừ lóng lánh. Chân của bào ngư là một khối thịt lớn gắn liền với phần thân và nằm xung quang mép vỏ. Trong trường hợp bào ngư muốn bò đi, khối thịt đó phải co giãn để giúp chân di chuyển.
Khi bào ngư bị bắt, khối thịt bên trong sẽ co rút vào đá. Chính vì thế mà những vùng bào ngư sống tuy luôn luôn có sóng lớn vỗ vào đá nhưng chúng vẫn sống một cách bình thường. Các loại rong rêu bám trên đá là thức ăn chính của các loại bào ngư.
Phân bố
Bào ngư thường xuất hiện và sinh sống ở ven biển hoặc trên những vùng hải đảo có rạn đá ngầm, độ mặn của nước biển phải cao. Chúng xuất hiện và sinh sống ở biển có độ nước sâu từ 2 – 12m. Khi còn nhỏ, bào ngư thường sống ở chỗ cạn. Khi lớn hơn, chúng sống ở những vùng nước có độ sâu cao hơn. Bên cạnh đó, đáy ở những nơi bào ngư sống phải có nhiều đá và sỏi. Ngoài ra, trên mặt của những tảng đá phải có phủ một lớp bùn mịn.
Ở miền Bắc của nước ta, bào ngư được khai thác nhiều ở các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Bà và chân núi đèo ngang. Đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ là những nơi khai thác bào ngư nhiều nhất. Tại Bạch Long Vĩ, khả năng khai thác bào ngư có thể lên đến 47 tấn.
Hiện nay, người ta còn tìm và bắt bào ngư sống tự nhiên. Tuy nhiên gần đây, để đảm bảo nguồn cung cấp, bào ngư đã được nhiều người nuôi.
Từ tháng 1 đến tháng 2 là mùa sinh đẻ của bào ngư ở miền Bắc nước ta. Từ tháng 7 đến tháng 10 là mùa bắt bào ngư. Đây là thời gian nước ấm thuận tiện cho việc bơi lặn. Ngoài ra từ tháng 7 đến tháng 10 cũng là lúc bào ngư béo nhất.
Bộ phận dùng, thu hoạch, chế biến và cách bảo quản
Bộ phận dùng: Vỏ bào ngư phơi khô (Thạch quyết minh)
Thu hoạch: Từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm
Chế biến:
Sau khi bắt bào ngư về, loại bỏ rêu rong bám vào, rửa sạch đất cát. Sau đó mang bào ngư ngâm và rửa cùng với nước muối pha loãng. Cậy lấy phần vỏ và phơi khô để làm thuốc (Thạch quyết minh). Phần ruột bào ngư có thể tách ra riêng, mang đi nấu chín. Sau đó mang ruột phơi khô và bán riêng để làm ra những món ăn rất quý.
Có những nơi, sau khi bắt về, mang bào ngư rửa sạch và nấu chín. Móc lấy phần vỏ và phần ruột để riêng. Sau khi lấy vỏ, mang vỏ ngâm và rửa thật sạch cùng với nước muối, phơi khô.
Phương pháp cậy lấy vỏ bào ngư khi chúng còn tươi khó hơn phương pháp nấu chín rồi mới lấy phần vỏ và phần ruột. Tuy nhiên khi lấy tươi, phần vỏ sẽ có màu sáng óng ánh, phẩm chất của phần vỏ lúc này cũng sẽ tốt hơn.
Khi sử dụng bào ngư để làm vỏ thuốc, có những nơi người ta dùng sống. Rửa sạch vỏ, mang vỏ phơi khô, sau đó tán nhỏ. Ngoài ra cũng có những nơi người ta nung lên trước khi tán nhỏ để dùng.
Bảo quản: Để dược liệu Thạch quyết minh ở những nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh để dược liệu ở những nơi ẩm ướt.
Thành phần hóa học
Bên trong vỏ bàu ngư chứa những chất vô cơ. Trong đó chủ yếu là canxi cácbonat, các chất hữu cơ và những loại muối canxi khác. Tuy nhiên sau khi nung, phần vỏ chỉ còn lại chất vô cơ.
Trong thịt bàu ngư có chứa:
- 73% nước
- 24,8% protit
- 0,44% chất béo
- 1,98% tro.
Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Thạch quyết minh có tác dụng an thần, thường dược sử dụng trong điều trị triệu chứng mất ngủ có tác dụng nhất định.
Vị thuốc Thạch quyết minh khi được nung lên có tác dụng giảm đau, cầm máu, giảm chua và có tác dụng thu liễm.
Theo Y học cổ truyền
Thạch quyết minh có tính bình, vị mặn, qui vào hai kinh can và phế. Nhờ đặc tính này, dược liệu có tác dụng thanh can minh mục, bình can tiềm dương. Được sử dụng trong những trường hợp can phong nội động gây đau đầu, chóng mặt, can dương vượng, viêm kết mạc cấp tính, đau mắt đỏ, giảm thị lực do viêm thị thần kinh.
XEM THÊM: Sơn thù du: Công dụng và hướng dẫn sử dụng
Chủ trị
Theo Biệt Lục
- Chủ mắt đau có mạng che, thanh thanh (đục nhân mắt).
Theo Hải Dược Bảo Thảo
- Chủ thanh thanh (đục nhân mắt)
- Can phế phong nhiệt
- Cố chưng lao lực.
Theo Cương Mục
- Thông ngủ lao.
Theo Bản Thảo Tòng Tân
- Khỏi mụn nhọt.
Theo Bản Thảo Cầu Nguyên
- Điều trị trĩ lậu
- Tư Thận
- Làm mềm chất rắn.
Theo Sổ tay Trung Thảo Dược Sơn Đông
- Sáng mắt
- Trấn Can
- Điều trị váng đầu hoa mắt.
Tính vị
Theo tài liệu cổ, vị thuốc Thạch quyết minh mang trong mình tính bình và vị mặn.
Tính bình, vị mặn (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
Tính lạnh, vị mặn (theo Trung Dược Học).
Tính bình, vị mặn, không độc (theo Biệt Lục).
Tính lạnh (theo Lục Bản Thảo).
Tính mát (theo Nhật Hoa Ngữ Bản Thảo).
Qui kinh
Qui vào hai kinh Can và Phế.
Qui vào kinh Can, Thận (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
Qui vào kinh can (theo Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
Qui vào kinh túc quyết âm, kinh thiếu âm (theo Bảo Thảo Hông Huyền).
Liều lượng và cách dùng
Dùng 3 – 6 gram/ngày trong trường hợp sử dụng vị thuốc Thạch quyết minh ở dạng bột.
Dùng từ 15 – 30 gram/ngày khi sử dụng vị thuốc Thạch quyết minh dưới dạng thuốc sắc.
Bài thuốc
Nhờ thành phần hóa học, đặc tính và tác dụng dược lý đa dạng, vị thuốc Thạch quyết minh thường xuyên được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị thong manh, quáng gà: Mang Thạch quyết minh cạo sạch phần vỏ đen ở phía ngoài. Sau đó mang dược liệu tán nhỏ và thủy phi 10 gram. Dùng gan dê hoặc gan lợi rửa sạch, bổ đôi, cho thuốc vào. Cho gan cùng với thuốc vào nồi và thực hiện đun cho đến khi sôi. Dùng phần hơi để xông mắt. Uống hết phần nước và ăn hết phần gan có chứa thuốc. Người bệnh cần kiên trì sử dụng bài thuốc 1 lần/ngày. Áp dụng bài thuốc cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị đau mắt ra nắng bị chói: Dùng 4 gram Thạch quyết minh, 4 gram cam thảo, 4 gram cúc hoa. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch. Cho các vị thuốc vào nồi cùng với 200ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc cùng với lửa nhỏ trong 15 phút hoặc cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 100ml. Để thuốc nguội và chắc lấy phần nước. Người bệnh uống 1 thang/ngày. Sử dụng thuốc liên tục trong 7 ngày sẽ nhận thấy bệnh tình thuyên giảm đáng kể. Hoặc cho các dược liệu vào ấm. Rót thêm nước sôi vào cùng, sau đó thực hiện hãm dược liệu trong 20 phút. Uống 2 ấm mỗi ngày. Rót nước và hãm thuốc nhiều lần để sử dụng thay cho nước uống hàng ngày.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị can dương thịnh, chóng mặt hoa mắt (bài thuốc 1): Dùng 16 gram Thạch quyết minh, 16 gram mẫu lệ, 16 gram sinh địa, 12 gram ngưu tất, 12 gram bạch thược, 12 gram nữ trinh tử, 8 gram cúc hoa. Sau khi rửa sạch, mang tất cả vị thuốc cho vào nồi. Rót thêm 800ml nước lọc vào cùng. Thực hiện sắc thuốc. Bạn nên sử dụng lửa nhỏ. Khi trong nồi chỉ còn lại 200ml nước thuốc. Để thuốc nguội bớt và chắc lấy phần nước. Uống thuốc ngay khi còn ấm. Người bệnh có thể chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày sử dụng 1 thang. Sau khi sử dụng thuốc liên tục trong 5 – 7 ngày, người bệnh sẽ nhận thấy bệnh tình thuyên giảm đáng kể.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị can dương thịnh, chóng mặt hoa mắt (bài thuốc 2): Dùng 20 gram Thạch quyết minh, 12 gram bạch thược, 12 gram đương qui, 12 gram kỉ tử, 10 gram cúc hoa, 8 gram câu đằng, 8 gram thiên ma, 16 gram hạt khô thảo. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch. Cho các vị thuốc cho vào nồi. Rót thêm 800ml nước lọc vào cùng. Thực hiện sắc thuốc cùng với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 200ml. Để thuốc nguội bớt và chắc lấy phần nước. Uống thuốc ngay khi còn ấm. Người bệnh có thể chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi lần uống cần nun nóng thuốc. Sử dụng 1 thang/ngày. Sau khi sử dụng thuốc liên tục trong 5 – 7 ngày, người bệnh sẽ nhận thấy bệnh tình thuyên giảm đáng kể.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị ù tai hoa mắt chóng mặt, tê bại tay chân, đau đầu, mắt sưng đỏ đau cấp: Mang 25 gram Thạch quyết minh tán thành bột mịn. Mang 10 gram thảo thuyết minh rửa sạch, để ráo nước, sau đó cho vào chảo và thực hiện sao vàng. Mang 15 gram cúc hoa rửa sạch. Sử dụng thêm 100 gram gạo tẻ. Mang gạo tẻ vo sạch và nấu thành cháo. Mang tất cả dược liệu vào nồi cùng với 600ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc cùng với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại một nửa. Hòa nước thuốc này cùng với cháo khi cháo đã chín, khuấy đều. Tiếp tục thêm vào cháo 6 gram đường phèn, khuấy cho đến khi tan hết. Tắt bếp và ăn ngay khi còn ấm. Sử dụng từ 3 – 4 lần/tuần cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị mờ mắt, giảm thị lực, viêm thị thần kinh: Dùng 30 gram Thạch quyết minh, 90 gram thương truật, 80 gram gan lợn. Mang Thạch quyết minh nung, sau đó tán mịn. Mang thương truật gọt bỏ phần vỏ ngoài, rửa sạch, sấy khô và tán thành bột mịn. Trộn cả hai loại thuốc bột cùng với nhau. Cho bột thuốc vào bình thủy tinh có nắp đậy và bảo quản tại nơi khô ráo. Khi cần lấy 10 gram thuốc bột nhét vào giữa lá gan đã rửa sạch và đã loại bỏ phần mỡ. Đặt gan lợn chứa thuốc bột vào nồi chưng cách thủy. Bắt lửa nhỏ và thực hiện hầm cho đến khi chín. Tắt bếp. Uống hết nước và ăn hết lá gan khi còn ấm. Sử dụng từ 3 – 4 lần/tuần cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị tăng nhãn áp (thiên đầu thống), hợp đục nhân mắt: Dùng 1 con ba ba nặng khoảng 500 gram, 20 gram Thạch quyết minh, 12 gram sinh địa hoàng, 15 gram cốc tinh thảo. Mang ba ba làm sạch. Mang Thạch quyết minh, sinh địa hoàng và cốc tinh thảo cho vào một túi vải xô sau khi đã rửa sạch. Đặt túi vải chứa dược liệu cùng với ba ba vào nồi. Rót thêm 1 lít nước lọc. Hầm chín thuốc. Chắt lấy phần nước hầm và bỏ phần bã thuốc. Nêm nếm gia vị sao cho phù hợp. Ăn ngay khi còn ấm. Ăn 1 lần/ngày. Sử dụng liên tục từ 5 – 7 ngày.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị mắt có màng trắng che (Sổ Tay Trung Thảo Dược Sơn Đông): Dùng 6 chỉ Thạch quyết minh, 2 chỉ huyền hồ phấn, 3 chỉ cúc hoa, 1,5 chỉ đại hoàng, 3 chỉ thiền thuế. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch. Cho các vị thuốc cho vào nồi. Rót thêm 600ml nước lọc vào cùng. Thực hiện sắc thuốc cùng với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 200ml. Để thuốc nguội bớt và chắc lấy phần nước. Uống thuốc ngay khi còn ấm. Người bệnh có thể chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi lần uống cần đun nóng thuốc. Sử dụng 1 thang/ngày. Sau khi sử dụng thuốc liên tục trong 5 – 7 ngày, người bệnh sẽ nhận thấy bệnh tình thuyên giảm đáng kể.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị mắt sinh đính ế, chân rẽ rất dày lâu ngày không khỏi (Thánh Huệ Phương – Thạch huyết minh tán): Dùng 3 phân Thạch quyết minh giã vụn nghiền nhỏ, sao đó mang đi phi phi qua. Dùng nửa lượng ô tặc ngư, 1 chỉ long não, 3 phân chân châu bột, 3 phân hỗ phách. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch, phơi ráo, nghiền nhỏ. Trộn đều các bột thuốc và cho vào bình thủy tinh có nắp đậy, bảo quản thuốc tại nơi khô ráo. Khi cần lấy đũa đồng lấy một lượng thuốc bột như hạt đậu lớn. Uống thuốc bột 3 lần/ngày cùng với nước ấm. Sử dụng liên tục trong 3 – 5 ngày.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị mắt sinh màng che ngoài: Dùng 1 lượng Thạch quyết minh (nung lửa), 1 lượng lá bạc hà rửa sạch, 2 lượng kinh giới tuệ rửa sạch, 2 lượng tật lê tử sao vàng và bỏ gai, nửa lượng nhân sâm mang đi chích mật. Mang tất cả vị thuốc để trên đất cho ra hỏa độc. Nghiền nhỏ tất cả vị thuốc. Uống sau mỗi bữa ăn.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị tỏa hầu phong: Mang Thạch quyết minh nung lửa nước giấm 3 lần. Nghiền nhỏ dược liệu. Sử dụng giấm gạo đều, lông ngỗng chấm giấm và thoa vào cổ họng. Khi đàm được ói ra ngoài là hiệu quả.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị ngoại thương ra máu: Sử dụng dược liệu với liều lượng thích hợp. Tán dược liệu thành bột mịn tơi, sau đó sàng qua. Rửa sạch vết thương và vùng da xung quanh. Rắc thuốc bột lên vị trí bị thương. Dùng băng gạc ép chặt vết thương.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị tạng can tích nhiệt, sợ ánh sáng mặt trời, mắt trước bị đỏ sưng đau nhức, nước mắt rít khó mở mắt, lúc đầu một mắt không thấy, về sau hai mắt đều bị, đột nhiên sanh màng che mắt sưng: Dùng 1 lượng Thạch quyết minh cho vào chảo và sao vàng, nửa lượng thảo thuyết minh sao vàng, nửa lượng khương hoạt rửa sạch, nửa lượng sơn chi tử và 5 chỉ mộc tặc rửa sạch. Dùng thêm 1 phân đại hoàng đã nướng, 1 phân kinh giới rửa sạch, nửa chỉ thược dược rửa sạch, nửa chỉ thanh tương tử cho vào chảo sao vàng. Mang tất cả vị thuốc nghiền nhỏ. Trộn đều các loại thuốc bột và uống cùng với nước ấm.
- Bài thuốc từ dược liệu Thạch quyết minh điều trị kinh kỳ và sản hậu do phong hàn gây ra co quắp, tay chân rút gân như móng gà: Dùng 60 gram Thạch quyết minh lửa nung. Mang dược liệu tán thành bột mịn. Phân thuốc bột thành 10 lần uống. Uống 3 – 4 lần/ngày. Sử dụng bài thuốc cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
Kiêng kỵ
- Những người tỳ vị hư hàn hoặc những người không thuộc chứng bệnh thực nhiệt cấm dùng dược liệu Thạch quyết minh.
Bài viết đã tổng hợp thông tin cơ bản về dược liệu Thạch quyết minh cũng như liều lượng, cách dùng và những phương thuốc chữa bệnh từ dược liệu. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về hiệu quả điều trị, mức độ an toàn và những điều cần lưu ý nếu có ý định sử dụng dược liệu. Ngoài ra người bệnh nên sử dụng Thạch quyết minh theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền trong thời gian điều trị bệnh.
Chúng tôi không đưa ra những thông tin, lời khuyên và các phương pháp chữa bệnh thay cho bác sĩ có chuyên môn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Bài thuốc trị bệnh từ ngũ gia bì và cách dùng đúng
- Ngọc trúc: Công dụng, cách dùng & bài thuốc
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!