Công dụng của Mẫu lệ và những bài thuốc chữa bệnh
Mẫu lệ còn có tên gọi khác là Mẫu cáp, Hải lệ tử sắc, Hải lệ tử bì, Lệ cáp, Tả sác, Vỏ hà, Vỏ hàu. Vị thuốc mang trong mình tính hàn, vị mặn, sáp nên thường được dùng trong điều trị sốt rét nóng nhiều, hàn nóng lạnh. Ngoài ra dược liệu còn có tác dụng hóa đờm, thanh nhiệt, chỉ thống, trị kiết lỵ, băng huyết, ra khí hư…
Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Mẫu cáp (theo Biệt Lục), Hải lệ tử sắc, Hải lệ tử bì (theo Sơn Đông Trung Dược Chí), Lệ cáp (theo Bản Kinh), Tả sác (theo Trung Dược Chí), Vỏ hà, Vỏ hàu (theo Dược Liệu Việt Nam).
Tên khoa học: Ostrea sp.
Thuộc họ: Mẫu lệ (danh pháp khoa học: Ostreidae).
Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Mẫu lệ (vỏ hàu) 2 mảnh, dầy, chúng xuất hiện với hình trứng, hình tam giác hoặc hình tròn. Vỏ trái tương đối to và dày, úp vào vỏ phải. Phần vỏ ở trên (phải) hơi to và lệch hơn so với vỏ dưới (trái). Vị thuốc nhỏ, mặt ngoài của chúng là một tấm vẩy màu nâu vàng hoặc màu nâu tía, rất mỏng nhưng bằng phẳng, mọc khum.
Đối với hàu có độ tuổi từ 1 – 2 năm, tấm vẩy mỏng xốp, bằng, đôi lúc có dạng long lanh. Đối với hàu có độ tuổi từ 2 năm trở lên, chúng có mảnh vẩy bằng phẳng. Ở mé sau đôi lúc nổi và chìm thành dạng sóng nước nhỏ. Đối với những loại hàu sống nhiều năm, lớp vẩy xếp thành tầng chồng lên nhau, dày và cứng như đá. Vỏ xuất hiện với màu tro, nâu, xanh tía. Mé bên là màu tro tía, mặt trong sắc trắng. Ngấn cơ đóng vẩy rất to, có màu vàng nhạt, chúng xuất hiện với hình trứng hoặc có hình thù giống như quả thận. Dây chằng màu nâu tía đen.
Hàu là một loại ăn tạp. Chúng ăn các thực vật nhỏ đang lơ lửng trong nước và ăn cả động vật. Đối với thực vật, chúng ăn các loại khuê tảo là chủ yếu. Từ tháng 7 đến tháng 10 là mùa sinh đẻ. Sinh đẻ nhiều nhất là vào tháng 8 và tháng 9.
Phân bố
Hầu cửa sông là những loại hầu sống tại các cửa sông thông ra bể. Đây còn được gọi là những khúc sông nước lợ. Hàu thích nghi ở nhiệt độ từ 10 – 25 độ C, đáy sông có bùn và nồng độ muối là 10 – 20%. Chúng thường sinh sống tại những cửa sông của các tỉnh duyên hải miền Bắc Việt Nam. Đó là: Sông Chanh (Quảng Ninh, sông Diêm Điền (Thái Bình), sông Bạch Đằng (Hải Phòng), Tiên Yên (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa)…
Bộ phận dùng, thu hoạch, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng: Mai vỏ cứng. Vỏ con dày, to bằng bàn tay. Vỏ có màu trắng xám không lẫn với các loại vỏ khác, không vụn là tốt.
Thu hoạch: Từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là mùa khai thác hầu. Bởi thời gian này hầu béo. Tuy nhiên khi lấy vỏ hầu để làm thuốc, có thể thu nhặt quanh năm.
Chế biến:
Theo kinh nghiệm Việt Nam
Sau khi thu hoạch, lấy vỏ, rửa sạch, phơi khô và điều chế bằng 3 cách sau:
- Cho vị thuốc vào nồi đất trét kín. Mang nồi đi nung cho đến khi chín đỏ là được. Đối với những miếng chưa đỏ mang đi nung lại. Sau đó tán thành bột mịn.
- Dựng gạch lên ba phía. Trải than củi và lớp trấu, sau đó đến lớp Mẫu lệ. Làm như vậy liên tục cho đến hết. Lưu ý cần phải để một lỗ ở giữa để thông hơi. Phía trên cùng dùng một lớp than và trấu để phủ lên. Đốt từ dưới lên trên cho đến khi vỏ hàu bóp mềm, vụn, dùng kẹp gắp ra và tán thành bột mịn.
- Trong trường hợp số lượng hàu rất ít, người dùng có thể nung trực tiếp trên than hồng cho đến khi đỏ thì mang tán thành bột mịn.
Theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược
Đối với bột Mẫu lệ có thể tẩm ít giấm tùy thuộc vào đơn thuốc để điều trị các bệnh về Can huyết. Dùng 1 kg bột Mẫu lệ pha cùng với 100ml giấm.
Theo Đông Dược Học Thiết Yếu
Mẫu lệ có thể dùng sống hoặc nung lên dùng. Đối với việc dùng sống, nên giã vụn.
Bảo quản: Bột thuốc có màu xanh nhạt là tốt. Để thuốc tại những nơi khô ráo, tránh ẩm.
Thành phần hóa học
Theo Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam, một số thành phần có lợi trong vị thuốc Mẫu lệ gồm:
- 80-95% Calci carbonat
- Calci phosphat
- Calci sulfat
- Magne
- Nhôm
- Sắt oxid
- Chất hữu cơ.
Đối với chất hữu cơ sau khi nung sẽ không còn nữa.
Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Theo Thực Dụng Trung Y Học
Dùng 150 – 200 gram bột thuốc và 10 – 20 gram bột bạch cập có thể làm thuốc cản quang.
Theo y học cổ truyền
Vị thuốc Mẫu lệ có tác dụng:
Theo Bản Kinh
Chủ thương hàn nóng lạnh, kinh sợ, giận dữ, sốt rét nóng nhiều, mạch lương, trán kinh, xích bạch đới, mạnh khớp xương khi sử dụng lâu ngày.
Theo Biệt Lục
Trừ nhiệt lưu ở khớp đốt, phiền đầy, chỉ hãn, vinh vệ, lúc nóng lúc lạnh, chỉ khát, tim đau do khí kết, tiết tinh, sáp trường, ho tâm bĩ, họng nghẹn.
Theo Bản Thảo Cương Mục
Hóa đờm, thanh nhiệt, nhuyễn kiên, trị kiết lỵ, chỉ thống, trừ thấp, tiêu sán khí, tiểu đỏ đục, tích khối, trưng hà, kết hạch.
Theo Đông Dược Học Thiết Yếu
Tiềm dương, hóa đờm, tán kết, ích âm.
Điều trị lao khi dùng sống, mồ hôi ra nhiều, tràng nhạt sưng cứng, nóng trong xương.
Nung lên trị ra khí hư, băng huyết, di tinh, tiêu chảy, còn giữ vững được hạ tiêu.
Theo Thực Dụng Trung Y Học
Dùng sống có tác dụng tiềm dương, nhuyễn kiên, tư âm, hóa đờm.
Khi nung đỏ có tác dụng ức chế chất chua, cố sáp hạ tiêu.
Trị âm dương hư dương cang: Hồi hợp, đau đầu, mất ngủ, hay mơ, ù tai, tay chân tê, phiền táo.
Trị loa dịch (lao hạch), mồ hôi trộm, cốt chưng, lao nhiệt, đới hạ, di linh, dạ dày đau, tiêu chảy lâu ngày, nôn mửa, dạ dày dư chất chua.
Theo Hiện Đại Thực Dụng Trung Y Dược
Có tác dụng hòa vị, trấn thống, làm thuốc chống acid, trị dạ dày dư acid, mồ hôi trộm, cơ thể hư yếu, da thịt máy giật, hồi hợp lo sợ. Trẻ nhỏ và phụ nữ có thai thiếu calci, những người bị lao phổi.
Tính vị
Tính hàn, vị mặn, sáp (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
Hơi hàn, tính sáp, vị mặn (theo Thực Dụng Trung Y Học).
Qui kinh
Qui vào kinh Thận, Can, Đờm (theo Bản Thảo Kinh Sơ).
Qui vào kinh túc Thiếu âm Thận (theo Thang Dịch Bản Thảo).
Qui vào kinh Can, Thận, Đờm (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
Qui vào kinh Can, Thận, Đờm (theo Thực Dụng Trung Y Học).
Liều dùng và cách dùng
Liều dùng
12 – 40 gram/ngày.
Cách dùng
Mẫu lệ có thể dùng sống, nung đỏ hoặc tán thành bột mịn để sử dụng.
Bài thuốc
Từ những thành phần hóa học và công dụng hữu hiệu nêu trên, vị thuốc Mẫu lệ được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.
- Bài thuốc từ Mẫu lệ điều trị bách hợp, khát lâu ngày không khỏi (Qua Lâu Mẫu Lệ Tán – Kim Quỹ Yếu Lược): Dùng Mẫu lệ đã sao cùng với hoa lâu với liều lượng bằng nhau. Tán cả hai vị thuốc thành bột mịn. Khi dùng lấy 4 gram thuốc bột uống cùng với nước ấm. Uống 3 lần/ngày cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bài thuốc từ Mẫu lệ điều trị khí hư kiệt, băng huyết ra không ngừng (theo Thiên Kim Phương): Dùng 90 gram vị thuốc, 90 gram miết giáp rửa sạch. Tán cả hai vị thuốc thành bột mịn. Khi dùng lấy 4 gram thuốc bột uống cùng với nước ấm. Uống 3 lần/ngày. Kiên trì sử dụng trong 2 ngày sẽ nhận thấy bệnh tình thuyên giảm.
- Bài thuốc từ Mẫu lệ điều trị phong hư đầu đau, nằm ra mồ hôi trộm (Mẫu Lệ Tán – Thiên Kim Phương): Dùng 90 gram vị thuốc, 90 gram Phòng phong, 90 gram Bạch Truật rửa sạch với nước muối, phơi cho ráo. Tán tất cả vị thuốc thành bột. Khi dùng lấy 4 gram thuốc bột uống cùng với nước ấm. Uống 2 lần/ngày.
- Bài thuốc từ Mẫu lệ điều trị tăng dịch không bền chặt, cơ thể vốn suy yếu, tự ra mồ hôi lâu ngày không khỏi, ban đêm nặng hơn, kinh sợ, hoảng hốt, gầy ốm, phiền muộn, hơi thở ngắn, mỏi mệt (theo Hòa Tễ Cục Phương): Dùng 30 gram vị thuốc rửa sạch, tẩm qua nước gạo, sau đó mang đi nung đỏ. Dùng 30 gram rễ ma hoàng, 30 gram hoàng kỳ rửa sạch, phơi cho héo. Mang tất cả vị thuốc tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 9 gram thuốc bột. Kết hợp với 100 hạt tiểu mạch cho vào nồi cùng với 450ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại 300ml. Để nguội bớt, chắt lấy phần nước, bỏ bã. Chia nước thuốc thành 2 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc từ Mẫu lệ điều trị tiểu nhiều (theo Càn Khôn Sinh Lý): Mang vị thuốc rửa sạch. Cho vị thuốc vào chảo và thực hiện sao cho bốc khói. Đồng Tiện 3 thăng. Thực hiện sắc thuốc cho đến khi còn 2 thăng. Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày trong 5 – 7 ngày.
- Bài thuốc từ Mẫu lệ điều trị khó tiểu, tiểu buốt, đã uống thuốc về huyết mà không bớt (theo Y Học Tập Thành): Dùng Mẫu lệ và hoàng bá với liều lượng bằng nhau. Tán cả hai vị thuốc thành bột mịn, trộn đều. Khi cần lấy 3 gram bột thuốc uống cùng với nước sắc tiểu hồi hương.
- Bài thuốc từ Mẫu lệ điều trị hoạt thoát (Mẫu Lệ Hoàn – Chứng Trị Chuẩn Thằng): Dùng Mẫu lệ đã nung, xích bạch chi nung. Mang cả hai vị thuốc tán thành bột, trộn đều. Cho rượu và bột gạo vào nồi nấu thành hồ. Để nguội bớt và trộn với thuốc bột để làm viên. Uống thuốc cùng với nước lọc lúc đói cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
- Bài thuốc từ Mẫu lệ điều trị mộng tinh, di tinh, đại tiện phân sền sệt (theo Đan Khê Tâm Pháp): Dùng vị thuốc rửa sạch, tán thành bột. Mang thuốc bột trộn cùng với giấm để tạo thành hoàn to bằng hạt bắp. Uống 30 viên/lần x 2 lần/ngày.
- Bài thuốc từ Mẫu lệ điều trị làm việc hơi mệt thì chảy máu mũi, sau khi bệnh nặng mới khỏi (theo Bổ Khuyết Trừu Hậu Phương): Dùng 10 phần vị thuốc, 5 phần thạch cao. Tán cả hai nguyên liệu thành bột mịn. Uống 4 gram/lần cùng với rượu. Sử dụng từ 3 – 4 lần/ngày. Hoặc trộn thuốc bột với mật ong tạo thành viên to như hạt bắp. Uống thuốc mỗi ngày với nước ấm.
- Bài thuốc từ Mẫu lệ điều trị chóng mặt (theo Sơn Đông Trung Thảo Dược): Dùng 18 gram vị thuốc, 18 gram long cốt, 12 gram câu kỷ, 9 gram cúc hoa, 12 gram hà thủ ô. Mang tất cả nguyên liệu, rửa sạch và cho vào nồi cùng với 800ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc trong 30 phút với lửa nhỏ hoặc nung cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại một nửa. Chắt lấy phần nước thuốc và chia thành 2 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
- Bài thuốc từ Mẫu lệ điều trị lao phổi ra mồ hôi trộm (theo Hiện Đại Thực Dụng Trung Y Dược): Dùng 15 gram vị thuốc rửa sạch. Cho vị thuốc vào nồi và sắc cùng với 500ml nước lọc cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 200ml. Để nguội bớt và chắt lấy phần thuốc. Chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Trước khi uống có thể thêm đường vào cho dễ sử dụng. Sử dụng liên tục trong vài ngày. Sau khi mồ hôi đã ngừng ra, người bệnh cần uống tiếp 2 – 3 ngày để củng cố kết quả.
Kiêng kỵ
Theo Bản Thảo Kinh Sơ
Phàm bệnh hư mà nóng nhiều nên dùng vị thuốc Mẫu lệ, hư mà có lạnh thì không nên dùng. Thận hư không có hỏa, người có tinh lạnh tự ra không nên dùng vị thuốc.
Theo Bản Thảo Kinh Tập Chú
Bối mẫu làm sứ, được ngưu tất, viễn chí, xà sàng tử, cam thảo là tốt. Ghét ngô thù du, ma hoàng, tân di.
Theo Đông Dược Học Thiết Yếu
Nếu âm hư mà không có có hỏa, những người bị tiêu chảy thuộc hàn khí đều cấm dùng.
Theo Thực Dụng Trung Y Học
Những người hư yếu, có chứng hàn hoặc thận hư không có hỏa, người có tinh lạnh tự ra không nên dùng vị thuốc.
Bài viết là thông tin cơ bản về tác dụng dược lý, tính vị, qui kinh, liều dùng và những bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc Mẫu lệ. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Người bệnh nên chủ động liên hệ với bác sĩ chuyên khoa hoặc những người có trình độ chuyên môn cao để biết thêm thông tin về tính hiệu quả của bài thuốc. Ngoài ra để đảm bảo an toàn, bạn nên sử dụng những bài thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!