Bạch thược (Thược dược): Tính vị, Qui kinh và Tác dụng dược lý

Bạch thược (Thược dược) là dược liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thảo dược này có vị đắng, chua, khí hơi hàn, được dùng để điều trị tiêu chảy, bụng đau, tiểu đường, hen suyễn, táo bón kinh niên,…

công dụng của bạch thược
Bạch thược thuộc họ Mao lương (danh pháp khoa học: Ranuncuaceae)

1. Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Bạch thược dược, Thược dược, Kim thược dược, Thổ cẩm, Tương ly, Giải thương, Kỳ tích, Dư dung, Một cốt hoa,…

Tên thực vật:  Paeonia lactiflora Pall.

Tên khoa học: Radix Pacomiae Lactiflorae..

Họ: Mao lương (danh pháp khoa học: Ranuncuaceae).

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả:

Bạch thược là cây thân thảo sống lâu năm, mọc thành khóm, cao trung bình từ 50 – 80cm. Thân mọc thẳng đứng, không có lông phủ, có nhiều rễ to, chắc, rễ chính dài khoảng 30cm, đường kính từ 1 – 3cm. Vỏ rễ có màu nâu nhạt, mặt cắt ngang có hồng nhạt hoặc trắng.

bạch thược yhoccotruyen
Lá thược dược mọc so le, phiến lá hình trứng chia thành 3 – 7 thùy

Lá mọc so le, có màu xanh nhạt hoặc sẫm, phiến lá hình trứng, có 3 – 7 thùy, rộng 2 – 4 cm, dài 8 – 12cm, cuống lá hơi hồng. Hoa to, mọc đơn, cánh hoa màu trắng hoặc hồng, thuộc loại hoa kép. Nhị hoa màu vàng, có điểm hồng. Mùa hoa rơi vào tháng 5 – 7, sai quả vào tháng 6 – 7 hằng năm.

Bạch thược ưa ẩm, ánh sáng, thích hợp trồng ở vùng núi và nơi có khí hậu mát mẻ. Cây ra hoa khi trồng được 4 – 5 năm.

Phân bố:

Bạch thược có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện nay cây đã được di thực vào nước ta và được trồng chủ yếu ở Sa Pa.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: Rễ.

Thu hái: Thu hái ở cây ít nhất 4 năm tuổi. Thời gian thu hái rơi vào tháng 8 – 10 hằng năm. Tại Triết Giang Trung Quốc, rễ thược dược có thể thu hái bắt đầu từ mùng 10 tháng 6. Tứ Xuyên thu hái vào giữa tháng 7.

Chế biến: Chọn ngày nắng ráo để thu hái rễ thược dược. Sau khi đào rễ, giũ sạch cắt đất, sau đó cắt thành từng rễ riêng, bỏ rễ con, rễ phụ. Phân loại rễ và phơi khô. Nếu thu hoạch vào ngày mưa, nên vùi rễ với đất ẩm không quá 2 – 3 ngày. Sau khi phơi khô có thể tẩm rượu hoặc tẩm giấm rồi sao qua.

Bảo quản: Đem sấy lưu huỳnh và bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm.

4. Thành phần hóa học

Thược dược có các thành phần hóa học sau:

+ Paeonol, Trierpenoids, Paeoniflorin, Paeonin, Sistosterol ( theo Trung Dược Học).

+ Paeoniflorigenone

+ Galloylpaeoniflorin

+ Oxypaeoniflorin, Paeoniflorin, Benzoylpaeonilorin (theo Vu Tân, Dược Học Học Báo 1985).

5. Tác dụng dược lý

+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Glucozit trong thược dược có tác dụng ức chế trung khu thần kinh nên có khả năng giảm đau và an thần (theo Trung Dược Học).
  • Nước sắc từ thược dược có khả năng ức chế cơ trơn của ruột, dạ dày, tử cung, ức chế tiết dịch vị toan và ngừa loét ở chuột cống thực nghiệm (theo Trung Dược Học).
  • Glucozit trong thược dược chống hình thành huyết khối, bảo vệ gan, hạ men transaminaza, tăng lưu lượng máu dinh dưỡng cơ tim (theo Trung Dược Học).
  • Thược dược có khả năng hạ áp nhẹ và giãn mạch ngoại vi nhờ vào cơ chế chống co thắt cơ trơn mạch máu (theo Trung Dược Học).
  • Nước sắc từ thược dược có khả năng ức chế trực khuẩn đại trường, tụ cầu khuẩn vàng, phế cầu khuẩn, các loại nấm ngoài da, trực khuẩn lỵ thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, liên cầu khuẩn tán huyết (theo Trung Dược Học).
  • Glucozit trong thược dược có khả năng hạ nhiệt và chống viêm (theo Trung Dược Học).
  • Thược dược có tác dụng lợi tiểu và cầm mồ hôi (theo Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).

+Theo y học cổ truyền

Tác dụng:

  • Phá kiên tích, chỉ phúc thống, thu can khí nghịch lên gây đau đớn, trừ huyết tích, tả tỳ nhiệt, chỉ thủy tả, điều dưỡng tâm can tỳ kinh huyết, giáng khí, thư kinh (theo Trấn Nam Bản Thảo).
  • Nhu can, chỉ thống, thu hãn, dưỡng huyết, hoãn trung, liễm âm (theo Trung Dược Đại Từ Điển).

Chủ trị:

  • Trị bụng đau, trúng ác khí, lưng đau (theo Biệt Lục).
  • Trị Phế có tà khí, huyết khí ít, bụng giữa đau quặn.
  • Trị cốt chưng, ích tụ, trúng ác khí, lưng đau, bụng đau (theo Dược Tính Luận).
  • Trị hen suyễn, can huyết bất túc, đái mạch bệnh làm cho bụng đau, phế cấp trướng nghịch, mắt dính, dương duy mạch có hàn nhiệt (theo Thang Dịch Bản Thảo).

6. Tính vị

Vị đắng, chua, khí hơi hàn (theo Thang Dịch Bản Thảo).

7. Qui kinh

Qui vào kinh Tỳ, Can (theo Bản Thảo Kinh Sơ).

Vào kinh túc Thái âm, kinh thủ (theo Thang Dịch Bản Thảo).

8. Liều dùng, cách dùng

Dùng mỗi ngày từ 6 – 12g, có thể sắc thược dược uống, đem tán bột làm hoàn,…

9. Bài thuốc

Bài thuốc từ bạch thược dược:

dược liệu bạch thược
Dược liệu thược dược được ứng dụng vào nhiều bài thuốc khác nhau
  • Bài thuốc trị cơ co giật: Dùng cam thảo, thược dược mỗi thứ 16g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
  • Bài thuốc trị lỵ tiêu ra máu mủ: Dùng đương quy 20g, binh lang 8g, chích thảo 8g, hoàng cầm 40g, thược dược 40g, hoàng liên 20g, mộc hương 8g, đại hoàng 12g, quan quế 6g. Đem tán bột, mỗi lần dùng 20g bột sắc với 2 chén nước, còn lại 1 chén. Uống khi thuốc còn ấm.
  • Bài thuốc trị can âm bất túc gây hoa mắt, cơ run giật, đầu váng, tai ù, chân tay tê: Dùng đương quy 16g, toan táo nhân 20g, xuyên khung 8g, cam thảo 4g, bạch thược 20g, thục địa 16g, mạch môn 12g, mộc qua 8g. Đem các vị sắc lấy nước uống.
  • Bài thuốc trị chóng mặt, đầu đau do can dương vượng thượng lên: Dùng trúc nhự, câu đằng, bối mẫu, tang diệp, thược dược, phục thần, cúc hoa mỗi thứ 12g, linh dương giác, cam thảo mỗi thứ 4g, sinh địa 16g. Đem sắc lấy nước uống.
  • Bài thuốc trị có thai đau bụng lâm râm: Dùng xuyên khung 6g, phục linh 8g, trạch tả 10g, đương quy 6g, bạch thược 20g, bạch truật 8g. Đem các vị tán bột, mỗi ngày dùng 8g uống với rượu.
  • Bài thuốc trị bụng đau lúc hành kinh: Dùng đương quy, hương phụ, bạch thược mỗi thứ 8g, sinh địa, xuyên khung, thanh bì, sài hồ mỗi thứ 3,2g đem sắc với cam thảo 2g.
  • Bài thuốc trị loét dạ dày: Dùng chích cam thảo 12 – 15g với thược dược 15 – 20g.
  • Bài thuốc trị xương tăng sinh: Dùng mộc qua 12g, uy linh tiên 15g, thược dược 30 – 60g, kê huyết đằng 15g, cam thảo 12g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị hen suyễn: Dùng cam thảo 15g, thược dược 30g, đem tán bột. Mỗi lần dùng 30g nấu với 100 – 150ml nước sôi trong khoảng 3 – 5 phút. Đợi bột lắng xuống và uống nóng.
  • Bài thuốc trị can khí bất hòa sinh tay chân co rút, đau xóc bụng sườn, bụng đau, tiêu chảy: Dùng chích thảo 4g, thược dược tẩm rượu 12g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị nữ giới hông sườn đau: Dùng diên hồ sách, hương phụ, thược dược, nhục quế các lượng bằng nhau. Đem tất cả đi tán bột, mỗi lần dùng 8g uống với nước sôi.
  • Bài thuốc trị bụng đau, tiêu chảy: Dùng thược dược sao 8g, phòng phong 8g, bạch truật sao khử thổ 12g, trần bì 6g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị kiết lỵ, bụng đau: Dùng hoàng cầm, thược dược mỗi vị 12g, cam thảo 6g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị rong kinh, băng lậu hạ huyết, ốm yếu gầy mòn: Dùng thục địa, quế lâm, mẫu lệ, lộc giác giao, thược dược, can khương, long cốt, hoàng kỳ mỗi vị 8g. Đem tán bột, mỗi lần dùng 8g với rượu nóng. Nên dùng trước khi ăn, ngày dùng 3 lần.
  • Bài thuốc trị táo bón kinh niên: Dùng cam thảo sống 10 – 15g, thược dược sống 24 – 40g đem sắc uống. Duy trì 2 – 4 thang là khỏi.
  • Bài thuốc trị ho gà: Dùng cam thảo 3g, thược dược 15g đem sắc uống. Ngày dùng 1 thang.
  • Bài thuốc trị hội chứng rung đùi: Dùng cam thảo, thược dược mỗi thứ 15g. Đem sắc với 600ml nước, còn lại 200ml. Chia thành 2 lần dùng (uống vào sáng sớm, 2 giờ sau uống liều tiếp theo).

10. Kiêng kỵ

Một số điều kiêng kỵ khi áp dụng bài thuốc từ bạch thược:

+ Không dùng cho người có huyết hư hàn (theo Bản Thảo Diễn Nghĩa).

+ Mụn đậu: Không nên dùng (theo Dược Phẩm Hóa Nghĩa).

+ Bao tử lạnh, ngực đầy: Cấm dùng (theo Trung Quốc Dược Đại Từ Điển).

+ Thược dược sợ mang tiêu, thạch hộc, ghét tiểu kế, tiêu thạch, miết giáp, phản lê lô (theo Bản Thảo Kinh Tập Chú).

+ Tỳ khí hàn, bụng đầy trướng, không tiêu: Không dùng (thao Bản Thảo Chính).

+ Hạ lỵ ra toàn máu, tỳ khí hư hàn, sản hậu: Không nên dùng (theo Đắc Phối Bản Thảo).

+ Tiêu chảy, bụng đau do hàn tà gây ra: Không dùng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Bài viết đã cung cấp một số thông tin cơ bản về dược liệu thược dược. Tuy nhiên thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, đồng thời không thể thay thế cho hướng dẫn từ nhân viên y tế. Vui lòng tham vấn bác sĩ nếu có ý định thực hiện những bài thuốc từ dược liệu này.

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Đối tác

Ông Phạm Minh Đức - 0914530xxx
Thanh Trì, Hà Nội
Đặt mua 1 kg Cỏ Ngọt cách đây 1 phút