Những thông tin cần biết về cây riềng nếp và cách sử dụng
Riềng nếp là loại cây bản địa của vùng Nam Á và Indonesia, được trồng nhiều ở các nước như Lào, Thái Lan, Indonesia… Loại dược liệu này có vị cay, tính ôn, có tác dụng vào 2 kinh tỳ và vị, thường được dùng để chữa trị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, lỵ… Tùy vào mục đích điều trị mà các bài thuốc được áp dụng cũng khác nhau.
I. Thông tin chung về cây riềng nếp
1. Tên gọi
- Tên khoa học: Alpinia galanga hoặc Languas galanga.
- Tên gọi khác: Sơn khương tử, hồng đậu khấu, sơn nại.
- Họ: Gừng
2. Đặc điểm
+ Đặc điểm hình thái:
- Riềng nếp là loại cây thân thảo, mọc cao khoảng 2m hoặc hơn. Lá hình mũi mác, đầu thuôn nhọn, mép có viền trắng, cả 2 mặt đều nhẵn, mặt trên bóng, dài khoảng 35 – 40cm, hầu như không có cuống, gốc lá thót lại, lưỡi bẹ tròn. Chúng mọc so le và xếp thành 2 dãy đều nhau.
- Thân rễ của nó to, màu hồng nhạt và có đường kính khoảng 2 – 3cm.
- Cây riềng nếp có hoa và quả vào tháng 5 – 7. Hoa có màu trắng, vạch hồng, mọc thành cụm ở ngọn thân thành chùy, được phân thành nhiều nhánh. Nó có hình ống, 3 răng, có cánh lõm, tràng hình ống, cánh môi có hình dải – trái xoan, móng hẹp và chia thành 2 thùy ở đầu. Lá bắc con hình dải, lá bắc hình mác dễ bị rụng. Nhị hoa riềng nếp lép hình giùi, bầu có lông.
- Quả hình cầu, mọng, lúc chín có màu đỏ nâu và chứa khoảng 3 – 5 hạt bóng.
+ Đặc điểm sinh thái:
- Riềng nếp là loại cây bản địa của vùng Nam và đất nước Indonesia, được trồng ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Lào và Việt Nam. Ở nước ta, loại cây này được trồng để làm gia vị cho nhiều món ăn. Tuy nhiên nó cũng có thể mọc tự nhiên ở nhiều vùng khác nhau, nhất là ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai. Ngoài ra, nó cũng có thể được phân bố ở một vài tỉnh trung du miền núi khác ở phía Bắc và cả Tây Nguyên.
- Đây là loại cây ưa ẩm, hơi chịu bóng. Do đó, riềng nếp thường mọc hoang rải rác ở các vùng rừng rậm, đặc biệt là dọc theo bờ sông suối, ven rừng, rừng thưa hoặc trong thung lũng với độ cao khoảng 300 – 600m, thậm chí cao hơn. Ở Việt Nam, nguồn riềng nếp mọc hoang khá phong phú. Tuy nhiên, ở giai đoạn từ năm 1996 – 1998, nó bị khai thác nhiều.
- Loại cây này sinh trưởng mạnh và phát triển nhất vào mùa hè – thu. Đến cuối mùa thu, nó bắt đầu có quả, được nhân giống bằng cách gieo hạt. Riềng nếp có thể phát triển nhánh nhiều lên theo cấp số nhân mỗi năm từ thân rễ. Một đặc điểm nữa của loại cây này là quả và hoa của chúng chỉ xuất hiện trên những nhánh được khoảng 1 năm tuổi. Sau đó, những nhánh đã ra hoa và quả sẽ lụi dần, quá trình này thường diễn ra trong vòng một năm.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
- Thân rễ: Được thu hái vào mùa xuân. Sau khi được thu về sẽ mang đi rửa sạch, cắt phiến rồi phơi khô.
- Quả chín (thường được gọi là hồng đậu khấu): Thu hái vào mùa thu. Sau khi được hái về sẽ được phơi khô. bảo quản để sử dụng dần.
4. Thành phần hóa học
Theo các nghiên cứu của nền khoa học hiện đại cho thấy, trong thành phần của riềng nếp có các thành phần hóa học sau đây:
- 1′-acetoxychavicol acetat
- Acetat
- Caryophyllenol I. II
- Caryophyllene oxide
- Chứa một loại flavonol có tên là galangin
5. Tính vị, tác dụng
- Tính vị: Có vị cay, tính ấm
- Tác dụng: Ôn trung tán hàn, hết đau, tiêu thực, hành khí chỉ thống
6. Công dụng
- Được dùng để chữa tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, bệnh lỵ. Bên cạnh đó, nó còn được kết hợp với than tóc để điều trị cho các trường hợp bị ngộ độc thịt cóc.
- Giải khát, giảm căng thẳng mệt mỏi trong quá trình làm việc.
- Thân rễ được nền y học cổ truyền và nhiều nước châu Âu dùng để chữa bệnh hô hấp, ngoài da, thuốc kích thích hệ tiêu hóa sau khi sinh, chữa chứng đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, lỵ, ung thư dạ dày và miệng, dịch tả, được dùng làm thuốc long đờm… Ở các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia, riềng nếp được sử dụng để chữa co giật, long đờm, chữa viêm phế quản, trị thấp khớp, điều trị bệnh ghẻ, ngứa, nấm da, đau răng, trị giun, chống co thắt, đầy hơi…
- Ở Philippin, thân rễ của loại cây này có tác dụng kích thích, trung tiện, chữa đau bụng, tiêu chảy, trị lách to, các bệnh thấp khớp và dị ứng da….
- Người dân Ấn Độ dùng cây riềng nếp để trị xuất tiết khí quản, dùng làm thuốc lợi tiêu hóa, chữa bệnh thấp khớp…
II. Các bài thuốc chữa bệnh từ riềng nếp
Tùy vào mục đích điều trị mà các bài thuốc từ riềng cũng được áp dụng theo những cách khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc từ riềng nếp mà bạn có thể tham khảo:
Chữa đau bụng, tiêu chảy
- Cách 1: Lấy 20g riềng tươi, 20g lá nhót, 20g lá mã đề mang đi rửa sạch, để ráo. Đem lá nhót cho vào chảo rồi rang vàng hạ thổ. Sau đó, cho tất cả các nguyên liệu trên cho vào ấm rồi sắc lên với nước để uống. Thực hiện khoảng 2 – 3 lần trong ngày để mang đến tác dụng tốt.
- Cách 2: Chuẩn bị 20g riềng tươi, 20 lá lốt. Mang riềng đi gọt vỏ, rửa sạch, thái lát. Lá lốt rửa sạch rồi cho tất cả các nguyên liệu trên vào ấm chuyên để hãm với nước sôi. Khoảng 20 phút sau rót nước này ra để uống trong ngày.
- Cách 3: Chuẩn bị 20g riềng tươi, 16g bạch truật, 20g lệ chi, 8g quế tốt. Các nguyên liệu đem đi rửa sạch, riềng gọt vỏ, rửa rồi thái lát. Bạch truật sao vàng hạ thổ. Cho tất cả chúng vào ấm và đem sắc lên với nước, chia lượng thuốc thành 2 – 3 lần dùng trong ngày.
- Cách 4: Lấy 20g củ riềng tươi, 30g vỏ chuối xanh, 20g búp ổi. Đem vỏ chuối bỏ vào chảo rồi sao qua, sau đó cho hết các nguyên liệu trên vào ấm, đun sôi khoảng 10 phút rồi chắt nước để uống dần. Bài thuốc này có tác dụng ôn ấm tỳ vị, cầm tiêu chảy.
Chữa các bệnh ngoài da từ củ riềng nếp
+ Trị hắc lào:
- Chuẩn bị: 100g củ riềng nếp, 200ml cồn 90 độ.
- Cách làm: Củ riềng gọt vỏ, rửa sạch rồi mang đi giã nát hoặc tán nhỏ. Sau đó, đem chúng ngâm với cồn 90 độ một thời gian, càng ngâm được lâu thì tác dụng nó mang lại càng tốt. Dùng bột này để bôi lên vùng da cần điều trị, mỗi ngày vài lần sẽ thấy hiệu quả.
- Chuẩn bị: 100g củ riềng, một quả chanh, 100g củ chút chít.
- Cách làm: Riềng và củ chút chít gọt vỏ, rửa sạch, giã nát. Trộn 2 thứ bột này với nhau và vắt thêm chanh vào. Sau đó, cho hỗn hợp này vào nồi rồi đun nóng.
- Cách dùng: Lấy bông y tế thấm dung dịch để thoa lên vùng da bị tổn thương. Cứ thực hiện đều đặn mỗi ngày 2 lần, dùng trong 5 – 7 ngày để nó mang đến hiệu quả tốt.
Riềng nếp chữa ho, chống khát nước, đau răng, viêm họng
+ Chuẩn bị:
- Củ riềng tươi (nên chọn những củ to và già)
- Muối ăn
- Chanh tươi
+ Cách thực hiện:
- Gừng tươi mang đi cạo sạch vỏ.
- Đem muối pha với nước theo tỷ lệ cứ 10g muối ăn sẽ pha trong 100ml nước đun sôi để nguội để tạo nên dung dịch nước muối 10%. Cho gừng vào dung dịch này để ngâm khoảng vài ngày rồi vớt ra, giã nhỏ, phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc đem sấy cho khô.
- Sau đó, đem bột riềng đã phơi khô ngâm vào nước chanh tươi. Khoảng 10 – 15 phút sau lại mang đi sấy hoặc phơi khô. Thực hiện liên tục như vậy khoảng 3 – 4 lần là được.
+ Cách sử dụng:
Mỗi ngày, lấy một dúm bột riềng khô cắn nhẹ dưới răng rồi ngậm, nuốt nước một cách từ từ. Mỗi ngày, ngậm khoảng 2 – 3 lần là được. Vì riềng muối vừa có vị mặn, vị chua, vị cay dịu, do đó nó sẽ làm giảm bớt các triệu chứng bệnh viêm họng, ho, đầy bụng…
Bài thuốc từ riềng nếp trị đau xương khớp
Để điều trị các vấn đề xương khớp từ riềng nếp, bệnh nhân có thể áp dụng theo cách sau đây:
+ Chuẩn bị:
- 20g riềng phơi khô
- 24g quế
- 16g thiên niên kiện
- 16g trần bì
- 20g nhân hạt gấc
- 20g thạch xương bồ
- Rượu trắng
+ Cách làm:
- Trần bì, nhân hạt gấc đem cho vào chảo rồi sao vàng.
- Những vị thuốc trên thái nhỏ, bỏ vào một cái lọ thủy tinh. Sau đó, đổ thật đầy rượu vào để ngâm.
- Cứ ngâm như vậy trong khoảng 10 ngày là có thể sử dụng được.
+ Cách dùng:
Cứ mỗi lần dùng thuốc, lấy bông y tế để tẩm vào rượu thuốc rồi thoa lên vị trí bị đau kết hợp với day, bấm nhẹ.
Bài thuốc này được dùng trong trường hợp sưng và đau xương khớp, đau do bị ngã, sang chấn, đau thần kinh tọa, đau nhức cục bộ…
Chữa phong thấp từ củ riềng
Để thực hiện bài thuốc này, các bạn cần áp dụng theo cách sau:
+ Chuẩn bị:
- 60g riềng
- 60g vỏ quýt
- 60g hạt tía tô
+ Cách thực hiện:
- Riềng gọt vỏ, rửa rồi thái lát mỏng.
- Các nguyên liệu trên mang đi sấy khô, tán thành bột. Mỗi lần dùng, lấy ra 4g để pha với một ly nước sôi để nguội hoặc rượu trắng rồi uống. Kiên trì thực hiện ngày 2 lần, dùng trong khoảng 5 – 7 ngày sẽ thấy hiệu quả mà bài thuốc đem lại.
Trên đây là các bài thuốc chữa bệnh từ riềng nếp được áp dụng phổ biến. Vì đây cũng là những bài thuốc dân gian, do đó hiệu quả của nó cũng sẽ phát huy ở những mức độ khác nhau tùy vào tình trạng bệnh và cơ địa của mỗi người. Do đó, đối với người bệnh, tốt nhất là nên đi khám và nhận sự chỉ định điều trị từ bác sĩ khi thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!