Cây mã đề: Tính vị, Qui kinh và Ứng dụng lâm sàng
Cây mã đề là dược liệu quý. Thảo dược này có tác dụng lợi niệu, mát gan, sáng mắt nên được ứng dụng vào nhiều bài thuốc chữa bệnh như bài thuốc trị tiêu chảy, trị ho, trị sạn tiết niệu, đái ra máu, đái buốt,…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Xa tiền thảo, Mã đề thảo, Nhả én, Xa tiền tử,…
Tên khoa học: Plantago asiatica L
Họ: Mã đề (danh pháp khoa học: Plantaginaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Cây mã đề cho các dược liệu sau: Xa tiền tử (hạt phơi khô), mã đề thảo/ xa tiền thảo (toàn bộ cây bỏ rễ phơi khô), lá mã đề (lá tươi hoặc đã được sấy khô).
Mô tả:
Mã đề là cây thân cỏ sống lâu năm. Thân ngắn, lá tập trung ở dưới gốc, phiến lá hình thìa hoặc hình trứng, gân chạy dọc theo sống lá, đồng quy tại gốc và ngón lá. Cuống lá dài. Hoa có cán dài, hoa dài, lưỡng tính. Quả hộp, cho hạt màu nâu hoặc đen bóng.
Phân bố:
Cây mã đề mọc hoang ở nhiều địa phương ở nước ta. Mã đề ưa ẩm vừa phải, đất tốt. Được trồng bằng hạt, nên trồng vào mùa thu.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Toàn bộ cây.
Thu hái: Thu hái vào tháng 7 – 8 khi quả chín. Lá có thể được thu hái quanh năm.
Chế biến: Thu hái toàn bộ cây, đem về phơi hoặc sấy khô. Đập rũ lấy hạt, bỏ tạp chất, rây rồi phơi khô.
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng gió.
4. Thành phần hóa học
Thân cây mã đề có chứa glucozir (aucubin). Lá chứa chất đắng, vitamin C, chất nhầy, vitamin K, yếu tố T. Hạt chứa choline, adnin và axit plantenolic.
5. Tác dụng dược lý
+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng lợi tiểu: Khi uống nước sắc từ cây mã đề nhận thấy nước tiểu tăng lên, nồng độ axit uric, muối và ure đều tăng.
- Tác dụng trị ho: Nước sắc từ cây mã đề có tác dụng trừ đờm, tác dụng mạnh nhất sau khi uống khoảng 3 – 6 giờ và có thể kéo dài từ 6 – 7 giờ.
- Tác dụng kháng sinh: Nước sắc từ cây mã đề có tác dụng với các vi khuẩn gây bệnh ngoài da. Dùng mã đề tán bột đắp lên mụn nhọt thấy bớt viêm tấy, đỡ mưng mủ.
- Không có độc tính: Cho uống Aucubin – một thành phần trong cây mã đề không có triệu chứng độc.
- Nước sắc từ cây mã đề còn có tác dụng chữa cao huyết áp.
+Theo y học cổ truyền:
- Mát gan, sáng mắt, lợi niệu thẩm thấp.
6. Tính vị
Vị ngọt, tính hàn.
7. Qui kinh
Vào thận, can và bàng quang.
8. Liều dùng, cách dùng
Mã đề không có độc tính nên không có quy định về liều dùng tối đa. Có thể sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với các dược liệu khác.
9. Bài thuốc
Một số ứng dụng lâm sàng của cây mã đề:
- Bài thuốc trị đái rắt tiểu buốt, viêm đường tiết niệu: Dùng xa tiền tử, biển súc, cù mạch, chi tử, mộc thông mỗi thứ 10g, cam thảo 3g, hoạt thạch 20g, đại hoàng 6g, đăng tâm 2g đem sắc nước, uống.
- Bài thuốc trị đái máu, sạn tiết niệu: Dùng xa tiền thảo 40g hoặc xa tiền tử 20g sắc uống với trách tả, bạch linh, bạch truật mỗi thứ 10g.
- Bài thuốc trị đau mắt sưng đỏ do can nhiệt: Dùng mật mông hoa, bạch tật lê, hoàng cầm, cúc hoa, xa tiền tử, thảo quyết minh, long đởm thảo, khương hoạt lượng bằng nhau. Đem tán bột mịn, mỗi lần dùng 10g đem uống với nước cơm. Ngày dùng 3 lần.
- Bài thuốc trị ho: Dùng toàn cây mã đề 40 – 100g đem sắc nước uống.
- Bài thuốc trị ho, tiêu đờm: Xa tiền thảo 10g, cát cánh, cam thảo đun sôi với 400ml nước trong vòng 30 phút. Đem chia thành 3 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc trị tiêu chảy: Xa tiền tử, trư linh, đẳng sâm, bạch phục linh, hương nhu mỗi thứ 12g với đăng tâm 2g đem sắc uống. Hoặc dùng bột xa tiền tử 3 – 6g đem uống với nước cháo đường.
- Bài thuốc trị tiêu chảy: Dùng xa tiền tử 30g bọc vải sắc nước, gia thêm đường, uống.
10. Lưu ý
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Thông tin về dược liệu mã đề trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn có ý định thực hiện các bài thuốc từ dược liệu này.
XEM THÊM
- Chè dung – công dụng và cách dùng đem lại hiệu quả chữa bệnh vượt trội
- Bạch thược (Thược dược): Tính vị, Qui kinh và Tác dụng dược lý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!