Xét nghiệm ure và creatinin – Ý nghĩa các chỉ sổ
Xét nghiệm ure và creatinin là hai phương pháp xét nghiệm chẩn đoán chức năng thận phổ biến hiện nay. Thông qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của thận, đồng thời đưa ra phương án điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
Xét nghiệm chức năng thận là gì? Khi nào nên tiến hành
Thận có nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy vận hành của cơ thể. Bộ phận này giữ vai trò như máy lọc độc tố và chất thải trong máu, sau đó thải chúng ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu hoặc mồ hôi. Bên cạnh đó, thận còn là cơ quan bài tiết giúp duy trì mực nước, nồng độ của các khoáng chất thiết yếu.
Không những thế, một số quá tình như sản sinh tế bào, nội tiết trong cơ thể cũng có sự góp mặt của thận. Điển hình như quá trình sản sinh hồng cầu hoặc hormone điều hòa huyết áp. Chính vì thế, thận là cơ quan quan trọng có nhiệm vụ duy trì sức khỏe của cơ thể.
Khi thận gặp vấn đề, chịu tác động bởi nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra nhiều triệu chứng và hệ lụy đối với sức khỏe tổng thể. Trong đó, tình trạng thận yếu, suy thận là những trường hợp thường gặp nhất và cũng gây ra nhiều nguy cơ nếu không sớm nhận biết và điều trị.
Người bệnh cần được thăm khám và hướng dẫn điều trị bằng biện pháp phù hợp. Các bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm kiểm tra chức năng thận như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, sinh thiết hoặc chẩn đoán bằng hình ảnh.
Thông qua kết quả, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị với các phương pháp tương ứng với tình trạng của bệnh nhân. Các chuyên gia khuyến khích bạn nên đến gặp bác sĩ sớm ngay khi nhận thấy:
- Tiểu đêm thường xuyên.
- Đau lưng, chân tay lạnh.
- Thị lực kém, hay chóng mặt, hoa mắt, khó tập trung.
- Giảm ham muốn tình dục.
Đây là một số dấu hiệu cảnh báo bệnh thận yếu mà bạn không nên chủ quan. Thăm khám và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn phòng tránh được các rủi ro đối với sức khỏe. Một vài xét nghiệm sẽ được tiến hành, nội dung dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về hai phương pháp cụ thể là xét nghiệm ure và creatinin trong chẩn đoán chức năng thận.
Tham khảo thêm: Viêm đài bể thận là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị
Xét nghiệm ure và creatinin – Ý nghĩa các chỉ số
Xét nghiệm ure và creatinin là hai phương pháp xét nghiệm máu được chỉ định cho đối tượng người bệnh nghi ngờ đang gặp phải các vấn đề về thận. Cụ thể:
Xét nghiệm ure
Ure hay còn được gọi là carbamide. Đây là chất được sản sinh từ quá trình chuyển hóa protein. Ure được đánh giá là chứa khá ít độc ngay cả khi hàm lượng có trong máu tăng cao. Thông thường, để đánh giá tình trạng lọc độc tố của thận, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm ure máu. Kết quả thận hoạt động kém là khi chỉ số ure vượt mức cho phép.
Ở trạng thái bình thường, ure trong máu sẽ nằm trong khoảng 2,5 mmol/l cho đến 7,5 mmol/l. Hàng ngày, cơ thể người sẽ không ngừng sản sinh ure thông qua quá trình tiếp nhận protein từ thức ăn.
Những protein này được gọi là dạng ngoại sinh, sau khi đi vào cơ thể sẽ được protease chuyển hóa thành axit amin. Cuối quá trình chuyển hóa, protein sẽ sản sinh thành NH3 và CO2. Trong đó, NH3 là chất độc sau đó chuyển thành Ure.
Ure rất dễ hòa tan trong nước. Do đó, một lượng lớn chất độc này sẽ được đào thải thông qua nước tiểu, một lượng nhỏ còn lại sẽ theo tuyến mồ hôi thoát ra ngoài. Trung bình một người trưởng thành mỗi ngày sẽ thải ra 30g Ure.
Ý nghĩ chỉ số: Nồng độ Ure trong máu bình thường khi:
- Nam: 3,0 mmol/l đến 9,2 mmol/l.
- Nữ: 2,6 mmol/l đến 7,2 mmol/l.
Ngoài ra, nồng độ Ure trong nước tiểu cũng đo được ở người bình thường là từ 0,43 mmol/24h đến 0,72 mmol/24h. Nếu nồng độ Ure giảm hoặc tăng cao hơn so với mức quy định, chẩn đoán các bệnh lý như suy thận, viêm cầu thận hoặc vấn đề về tiền liệt tuyến.
Xét nghiệm creatinin
Phương pháp xét nghiệm creatinin được thực hiện nhằm đo nồng độ creatinin có trong máu hoặc nước tiểu của người bệnh. Creatinin là một chất được thải ra trong quá trình phân hủy creatine. Theo đó, creatine là chất cung cấp năng lượng cho cơ bắp con người.
Ở người bình thường, creatine và creatinin được sản xuất theo một tốc độ khá ổn định, chúng được bài tiết qua thận. Vì thế, để kiểm tra chức năng thận, thông thường bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm đo nồng độ creatine có trong máu.
Yếu tố về kích thước, khối lượng cơ thể có mối liên hệ mật thiết đến kết quả sản xuất creatine. Do đó, nồng độ creatine của nam giới thường sẽ cao hơn so với phụ nữ, trẻ nhỏ. Thông thường, kết quả thử nghiệm creatine trong máu và nước tiểu trong 24 giờ có thể được dùng để tính độ thanh thải của creatinin.
Phương pháp xét nghiệm này sẽ được tiến hành kết hợp với xét nghiệm ure để đưa ra chẩn đoán về chức năng thận của người bệnh. Các trường hợp sử dụng xét nghiệm nghiệm ure và creatinin cùng lúc là:
- Khám sức khỏe sàng lọc định kỳ cho người khỏe mạnh.
- Kiểm tra, đánh giá bệnh đối với bệnh nhân mắc bệnh cấp và mãn tính.
- Nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận.
Kết quả thu được nếu nhận thấy có sự bất thường, người bệnh sẽ được theo dõi và điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Hai phương pháp này cũng có thể được tiến hành trước khi bác sĩ kiểm tra bệnh lý của người bệnh bằng các biện pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
Ý nghĩa chỉ số: Nồng độ creatinin ghi nhận bình thường trong huyết tương:
- Đối với nam giới là từ 60 µmol/l đến 120 µmol/l.
- Đối với nữ giới là từ 44 µmol/l đến 88 µmol/l.
Nồng độ creatinin bình thường được ghi nhận trong nước tiểu thường từ 7,1 µmol/24h đến 15,9 µmol/24h.
Theo các chuyên gia, xét nghiệm creatinin thường cho kết quả đáng tin cậy hơn so với xét nghiệm tương đương là ure. Bởi, xét nghiệm creatinin thường ít chịu ảnh hưởng của chế độ ăn uống, mặt khác kết quả phụ thuộc vào khối lượng cơ của người bệnh.
Trường hợp những thay đổi bất thường về chỉ số creatinin cho thấy khả năng người bệnh mắc phải những bệnh lý như:
- Creatinin trong máu cao bất thường: Bệnh suy thận, tổn thương cầu thận, ống thận, sỏi thận, ung thư tiền liệt tuyến,…
- Creatinin trong máu giảm bất thường: Hội chứng hormone ADH không phù hợp, mang thai, suy dinh dưỡng, teo cơ, hòa loãng máu,…
Xét nghiệm ure và creatinin là hai kỹ thuật trong số các kỹ thuật xác định chất dư thừa có trong máu và nước tiểu của người bệnh. Thông qua các chỉ số thu được, bác sĩ sẽ nhận định mức độ hoạt động của thận và những vấn đề liên quan khác. Từ đó, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị tương ứng với tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người bệnh.
Tham khảo thêm: Tại sao thận yếu lại đau lưng?
Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm chức năng thận
Khi tiến hành xét nghiệm ure và creatinin hay những biện pháp xét nghiệm khác được bác sĩ chỉ định, người bệnh nên tuân thủ nghiêm chỉnh hướng dẫn. Để tránh làm kết quả chẩn đoán sai lệch, bạn đọc nên lưu ý một vài vấn đề như:
- Khai báo trung thực với bác sĩ tình trạng sức khỏe và những loại thuốc đang sử dụng, nhất là các loại kháng sinh, thuốc ức chế H2. Bởi, những loại thuốc này có tác động làm tăng creatinin khiến cho sai lệch thông số xét nghiệm chức năng thận.
- Quá trình lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm nên được tiến hành theo đúng quy trình. Người bệnh nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, nhất là việc tự lấy mẫu nước tiểu.
- Nên vệ sinh vùng kín trước khi thực hiện các xét nghiệm thận để đảm bảo kết quả thu được chính xác nhất. Tuy nhiên, tránh việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc vùng kín trước khi xét nghiệm. Do các chất trong sản phẩm có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Lựa chọn cơ sở y tế thăm khám uy tín, đảm bảo dịch vụ và cơ sở vật chất tốt. Ngoài ra, nên chọn nơi có bác sĩ, đội ngũ y tế có kinh nghiệm để tiến hành thăm khám và điều trị. Những yếu tố này đóng vai trò quan trọng đối với kết quả chẩn đoán và công tác chữa bệnh ngay sau đó.
Xét nghiệm ure và creatinin là các phương pháp chẩn đoán bệnh lý được sử dụng rộng rãi. Thông qua những chỉ số thu được, bác sĩ có thể đưa ra kết luận xoay quanh các vấn đề về chức năng thận cũng như xây dựng phác đồ điều trị cho từng đối tượng bệnh nhân.
Có thể bạn quan tâm
- Các xét nghiệm kiểm tra, đánh giá chức năng thận
- Ý nghĩa chỉ số Creatinin bình thường – Cao – Thấp
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!