Bệnh Viêm Tuyến Tiền Liệt

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi TRẦN MẠNH XUYÊN – Khoa Nam họcthầy thuốc y học cổ truyền – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh viêm tuyến tiền liệt gây ra tình trạng rối loạn tiểu tiện kèm theo đau và khó chịu khi xuất tinh. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng, trong đó thường gặp nhất là do vi khuẩn. Bệnh có nhiều thể lâm sàng và điều trị sẽ phụ thuộc vào hình thái cụ thể.

Tổng quan

Bệnh viêm tuyến tiền liệt (Prostatitis) là tình trạng tuyến tiền liệt bị viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cơ quan này nằm ở phía dưới bàng quang, bao bọc lấy phần đầu niệu đạo nên khi bị viêm sẽ gây khó tiểu, tiểu đau, tiểu rát…

bệnh viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt là bệnh nam khoa thường gặp ở người từ 30 - 50 tuổi đã quan hệ tình dục

Tuyến tiền liệt hay tiền liệt tuyến là bộ phận quan trọng trong tuyến sinh dục của nam giới. Chức năng của cơ quan này là tiết chất dịch chứa dưỡng chất nhằm nuôi dưỡng và bảo vệ tinh trùng, giúp tinh trùng di động thuận lợi và dễ dàng thụ thai.

Các vấn đề ở tuyến tiền liệt gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng tình dục và sinh sản ở nam giới. Thống kê cho thấy, viêm tuyến tiền liệt gặp chủ yếu ở người từ 30 - 50 tuổi. Bệnh được chia thành nhiều thể lâm sàng và điều trị sẽ phụ thuộc vào hình thái bệnh cụ thể.

Phân loại bệnh

So với viêm tinh hoànviêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt có biểu hiện đa dạng hơn. Dựa vào căn nguyên, bệnh lý này được chia thành các thể lâm sàng sau:

  • Loại 1: Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn
  • Loại 2: Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn
  • Loại 3: Viêm tuyến tiền liệt mãn tính không nhiễm khuẩn (hội chứng đau vùng chậu mãn tính)
  • Loại 4: Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm tuyến tiền liệt là do vi khuẩn. Ngoài ra, rối loạn miễn dịch, rối loạn hệ thống thần kinh, stress… cũng có thể là tác nhân gây ra hiện tượng viêm ở cơ quan này.

Các nguyên nhân gây bệnh viêm tuyến tiền liệt bao gồm:

Vi khuẩn:

Như đã đề cập, vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tuyến tiền liệt. Vi khuẩn có thể lây lan từ các cơ quan lân cận như niệu đạo, bàng quang, tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn. Các cơ quan này nằm liền kề nhau nên vi khuẩn có thể đi ngược dòng gây viêm tuyến tiền liệt.

Viêm tuyến tiền liệt dấu hiệu
Chlamydia Trachomatis là một trong những tác nhân gây viêm tuyến tiền liệt

Ngoài ra, trực khuẩn gram âm ở đường ruột hay vi khuẩn lao cũng có thể là tác nhân gây viêm tiền liệt tuyến. Một số trường hợp có thể do các vi khuẩn lây qua đường tình dục như Chlamydia Trachomatis, lậu cầu.

Rối loạn hệ thống thần kinh:

Viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn có thể bắt nguồn từ rối loạn hệ thống thần kinh. Sang chấn vùng hội âm hay phẫu thuật đường tiết niệu dưới có thể làm tổn thương thần kinh, từ đó gây viêm tuyến tiền liệt không có sự hiện diện của vi khuẩn.

Rối loạn miễn dịch:

Ở một số ít trường hợp, viêm tuyến tiền liệt có liên quan đến rối loạn miễn dịch. Rối loạn miễn dịch được hiểu là tế bào miễn dịch tự sản xuất kháng thể tấn công vào các tế bào khỏe mạnh. Viêm tuyến tiền liệt có thể là kết quả do hệ miễn dịch bị rối loạn. Tình trạng này thường gặp ở người mắc các bệnh tự miễn.

Stress, sang chấn tâm lý mạnh:

Viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn đôi khi là kết quả do sang chấn tâm lý mạnh. Tuy nhiên, tình trạng này ít gặp nên chưa được nghiên cứu nhiều.

Chấn thương:

Chấn thương cơ học có thể gây tổn thương tuyến tiền liệt khiến cơ quan này bị viêm, dẫn đến các triệu chứng như tiểu khó, tiểu đau, có cảm giác nóng rát khi tiểu.

Không rõ nguyên nhân:

Rất nhiều trường hợp viêm tuyến tiền liệt không tìm được nguyên nhân chính xác.

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm tuyến tiền liệt. Do đặc điểm giải phẫu và vị trí khá đặc biệt nên cơ quan này ít bị viêm hơn so với niệu đạo, bàng quang, mào tinh hoàn. Tuy nhiên, nguy cơ bị viêm tuyến tiền liệt có thể gia tăng khi có những yếu tố thuận lợi như:

  • Tiền sử bị viêm tuyến tiền liệt
  • Bị nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Bị viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn
  • Chấn thương vùng hội âm
  • Từng thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt
  • Đặt ống thông tiểu
  • Nhiễm HIV/ AIDS

Chưa rõ nguyên nhân nhưng viêm tuyến tiền liệt chủ yếu gặp ở nam giới trẻ tuổi và trung niên. Người cao tuổi, trẻ nhỏ và người chưa quan hệ tình dục gần như không mắc phải bệnh lý này.

Triệu chứng và chẩn đoán

Tuyến tiền liệt là cơ quan nằm ở dưới bàng quang, bao bọc lấy đầu niệu đạo. Hiện tượng viêm ở cơ quan này sẽ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, đặc biệt là trường hợp có liên quan đến nhiễm khuẩn.

Viêm tuyến tiền liệt dấu hiệu
Viêm tuyến tiền liệt đặc trưng bởi triệu chứng tiểu khó, tiểu rắt, đau và chảy máu khi xuất tinh

Các triệu chứng của bệnh viêm tuyến tiền liệt bao gồm:

  • Có cảm giác nóng rát, đau khi tiểu
  • Tiểu buốt, khó tiểu
  • Nước tiểu có màu đục, đôi khi có lẫn máu
  • Tiểu nhiều lần
  • Tiểu đêm
  • Vùng bìu có cảm giác đau, căng tức, khó chịu ở tinh hoàn
  • Đau vùng thắt lưng, hạ vị, đôi khi cơn đau lan xuống chân
  • Một số trường hợp đau ở vị trí giữa bìu và hậu môn
  • Xuất tinh kèm máu hoặc đau khi xuất tinh

Ngoài triệu chứng chung, bệnh viêm tuyến tiền liệt còn có một số biểu hiện đặc trưng cho từng thể lâm sàng. Cụ thể như sau:

  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn: Đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột, dữ dội. Ngoài những triệu chứng chung, bệnh nhân còn có biểu hiện sốt, ớn lạnh kèm theo buồn nôn, nôn mửa.
  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn: Triệu chứng tương tự như giai đoạn cấp nhưng mức độ nhẹ hơn. Một số trường hợp gần như không có triệu chứng. Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn thường do điều trị không triệt để khiến vi khuẩn tiềm ẩn bên trong và phát triển khi có điều kiện thuận lợi.
  • Hội chứng đau vùng chậu mãn tính: Hay viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn có các biểu hiện điển hình như vùng chậu đau âm ỉ, dai dẳng, kéo dài trong ít nhất 3 tháng.
  • Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng: Thể bệnh này hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào. Bệnh thường được phát hiện khi nam giới đến khám do bị vô sinh - hiếm muộn.

Ngay khi phát hiện các triệu chứng như tiểu khó, tiểu rắt, tiểu ra máu… nam giới cần đến chuyên khoa Nam học thăm khám sớm. Các bệnh nam khoa nói chung và bệnh viêm tuyến tiền liệt nói riêng đều có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu không được điều trị.

Viêm tuyến tiền liệt dấu hiệu
Nếu nghi ngờ bị viêm tuyến tiền liệt, cần chủ động thăm khám để được điều trị kịp thời

Trước tiên, bác sĩ sẽ trao đổi về các triệu chứng gặp phải, khai thác tiền sử bệnh lý và các vấn đề liên quan. Sau khi hỏi bệnh, bác sĩ sẽ khám cơ quan sinh dục và ngã trực tràng để đánh giá mức độ đau, nhạy cảm của tuyến tiền liệt.

Các xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện bao gồm xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm PSA, siêu âm tuyến tiền liệt, xét nghiệm dịch niệu đạo, chụp cắt lớp điện toán… Kết quả từ các kỹ thuật này sẽ giúp bác sĩ xác định liệu tuyến tiền liệt có bị viêm hay không và tìm ra nguyên nhân cụ thể (tùy trường hợp).

Biến chứng và tiên lượng

Tuyến tiền liệt là cơ quan giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng đối với sức khỏe và sinh lý nam. Nếu không điều trị sớm, viêm tuyến tiền liệt có thể gây vô sinh và rối loạn chức năng tình dục, đồng thời khiến hiện tượng nhiễm khuẩn lây lan sang các cơ quan khác như bàng quang, niệu đạo, tinh hoàn và mào tinh hoàn.

Như đã biết, tuyến tiền liệt bao bọc phần đầu của niệu đạo. Khi bị viêm, cơ quan này có thể chèn ép gây bí tiểu cấp tính, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Nghiêm trọng hơn, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm khuẩn. Áp xe tuyến tiền liệt cũng có thể xảy ra ở những trường hợp bị viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn.

Đối với viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn, nam giới sẽ phải đối mặt với tình trạng đau vùng chậu mãn tính. Cơn đau dai dẳng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và đời sống tình dục. Nhiều nam giới giảm ham muốn rõ rệt do thường xuyên bị đau vùng chậu, tiểu khó, đau rát khi tiểu và đau khi xuất tinh.

Viêm tuyến tiền liệt xảy ra do nhiều nguyên nhân và đôi khi không thể xác định được căn nguyên. Vì vậy, điều trị trong một số trường hợp còn khó khăn, mức độ đáp ứng chưa tốt. Tuy nhiên nhìn chung, các triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát đáng kể sau khi dùng thuốc.

Điều trị

Sau khi chẩn đoán và xác định nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Các thể lâm sàng của bệnh viêm tuyến tiền liệt có triệu chứng và căn nguyên khác nhau, vì vậy lựa chọn điều trị cũng có sự khác biệt ở từng trường hợp.

Điều trị viêm tuyến tiền liệt cấp/ mãn tính do vi khuẩn

Đa phần các trường hợp bị viêm tuyến tiền liệt đều có liên quan đến nhiễm khuẩn. Dù ở giai đoạn cấp hay mãn tính, kháng sinh sẽ được chỉ định để loại trừ vi khuẩn. Một số loại thuốc giảm đau, chống viêm cũng sẽ được chỉ định để cải thiện triệu chứng.

viêm tuyến tiền liệt là gì
Kháng sinh là loại thuốc chính trong điều trị viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn

  • Kháng sinh: Kháng sinh nhóm fluoroquinolone như Ciprofloxacin, Ofloxacin được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn. Để tránh tái nhiễm, kháng sinh cần phải được dùng lâu dài từ 4 - 6 tuần. Nếu đã phát sinh biến chứng nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân cần nhập viện và dùng kháng sinh phổ rộng tiêm tĩnh mạch (Ampicillin).
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID được sử dụng để giảm đau, sưng do viêm tuyến tiền liệt. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ ưu tiên các loại thuốc không kê toa như Naproxen, Diclofenac và Ibuprofen. Tuy nhiên, cần thận trọng với bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tiến triển và tiền sử xuất huyết tiêu hóa.
  • Thuốc chẹn alpha: Thuốc chẹn alpha được chỉ định trong trường hợp khó tiểu, bí tiểu. Ở bàng quang có nhiều thụ thể alpha 1 dẫn đến co thắt gây khó tiểu ở bệnh nhân viêm, phì đại tuyến tiền liệt. Thông qua cơ chế chẹn thụ thể alpha, thuốc giúp cải thiện tình trạng tiểu khó, tiểu rắt.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ (Cyclobenzaprine) có thể được sử dụng trong điều trị viêm tuyến tiền liệt. Thuốc có tác dụng chống co thắt ở bàng quang, từ đó cải thiện các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như khó tiểu, bí tiểu, tiểu rắt…

Khi điều trị viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn, quan trọng nhất là phải dùng kháng sinh đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp gặp phải tác dụng phụ, nên thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ. Không tự ý ngưng thuốc vì sẽ gia tăng nguy cơ viêm tuyến tiền liệt mãn tính.

Trường hợp tuyến tiền liệt bị áp xe, buộc phải phẫu thuật dẫn lưu mủ, tránh vỡ áp xe gây nhiễm khuẩn huyết.

Điều trị viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn

Viêm tuyến tiền liệt mãn tính gây đau vùng chậu dai dẳng, kéo dài. Vì nguyên nhân không rõ ràng nên trường hợp này sẽ được dùng thuốc để giảm đau. Bên cạnh đó, có thể kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu để làm giảm triệu chứng.

viêm tuyến tiền liệt là gì
Massage tuyến tiền liệt có thể làm giảm cơn đau do hội chứng đau vùng chậu mãn tính

Các lựa chọn khi điều trị viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn:

  • Thuốc giảm đau, chống viêm: Tương tự như viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn, thuốc giảm đau, chống viêm cũng được sử dụng để cải thiện triệu chứng của bệnh viêm tuyến tiền liệt mãn tính. Thuốc mang lại hiệu quả tương đối với tình trạng đau vùng chậu dai dẳng, kéo dài.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): SSRIs thường được sử dụng để điều trị trầm cảm nhưng cũng có hiệu quả giảm đau, căng thẳng ở nam giới bị viêm tuyến tiền liệt. Ngoài ra, thuốc an thần nhóm benzodiazepin cũng được cân nhắc sử dụng.
  • Kích thích thần kinh xương cùng: Kỹ thuật này được chỉ định trong trường hợp bí tiểu, khó tiểu dai dẳng. Kích thích thần kinh cùng được thực hiện bằng cách phẫu thuật đặt máy kích thích điện dưới da, thiết bị này sẽ liên tục gửi xung điện đến rễ thần kinh xương cùng. Nam giới bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính do tổn thương thần kinh sẽ được cân nhắc phương pháp này.
  • Liệu pháp phản hồi sinh học: Liệu pháp này không phải xâm lấn như kích thích thần xương cùng. Nếu giảm đau bằng thuốc không có hiệu quả, bệnh nhân sẽ được cân nhắc can thiệp liệu pháp phản hồi sinh học để giảm đau.
  • Massage tuyến tiền liệt: Xoa bóp tuyến tiền liệt sẽ hỗ trợ làm giảm cơn đau dai dẳng, kéo dài. Tuy nhiên, kỹ thuật này tương đối khó thực hiện nên không khả thi trên lâm sàng.
  • Liệu pháp nhiệt bằng vi sóng: Liệu pháp này sử dụng vi sóng để làm tăng nhiệt độ trong tuyến tiền liệt lên 40 độ C. Qua đó điều hòa miễn dịch và loại bỏ dịch tiết tích tụ bên trong gây viêm tuyến tiền liệt. Khoảng 90% trường hợp can thiệp liệu pháp này nhận thấy hiệu quả giảm đau rõ rệt.

Nhìn chung, điều trị hội chứng đau vùng chậu mãn tính còn nhiều khó khăn và đôi khi không mang lại hiệu quả.

Thể viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng sẽ không phải điều trị.

Phòng ngừa

Bệnh viêm tuyến tiền liệt là nguyên nhân hàng đầu gây đau vùng chậu và rối loạn tiểu tiện ở nam giới. Để phòng ngừa bệnh lý này, có thể thực hiện các biện pháp đơn giản sau:

viêm tuyến tiền liệt điều trị
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe và phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt hiệu quả

  • Quan hệ tình dục an toàn để tránh lây nhiễm bệnh lậu, Chlamydia Trachomatis…
  • Điều trị tích cực các bệnh viêm đường tiết niệu và sinh dục như viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm mào tinh hoàn - tinh hoàn…
  • Quan hệ với tần suất vừa phải, cân đối đã được chứng minh có thể giảm nguy cơ viêm tuyến tiền liệt. Khi hoạt động tình dục, tuyến tiền liệt sẽ sản sinh ra một lượng dịch nhằm bảo vệ tinh trùng. Nhờ đó, có thể hạn chế ứ đọng dịch và hiện tượng viêm ở cơ quan này.
  • Uống đủ 2 lít nước/ ngày và đi tiểu khi có nhu cầu. Tránh nhịn tiểu vì sẽ gây áp lực lên bàng quang, niệu đạo và tuyến tiền liệt.
  • Hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều gia vị, axit, rượu bia và thuốc lá để tránh các vấn đề tiết niệu.
  • Nên xây dựng lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để phòng ngừa căng thẳng, giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp tuyến sinh dục và tiết niệu hoạt động ổn định, ít bị viêm nhiễm và rối loạn chức năng.
  • Nam giới nên hạn chế đạp xe vì có thể làm gia tăng áp lực lên vùng đáy chậu.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt?

2. Tình trạng sức khỏe của tôi có nghiêm trọng không?

3. Phương pháp nào phù hợp nhất với bệnh trạng của tôi?

4. Điều trị viêm tuyến tiền liệt mất bao lâu?

5. Chi phí điều trị viêm tuyến tiền liệt khoảng bao nhiêu? Có được BHYT hỗ trợ?

6. Có cần kiêng quan hệ tình dục khi điều trị viêm tuyến tiền liệt?

7. Có phải điều trị kết hợp cho đối tác?

8. Có thể cải thiện viêm tuyến tiền liệt bằng các biện pháp tại nhà không?

9. Bị viêm tuyến tiền liệt có cần tái khám? Khi nào cần thiết?

10. Bệnh viêm tuyến tiền liệt có dẫn đến phì đại hay ung thư tuyến tiền liệt?

Bệnh viêm tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới từ 30 - 50 tuổi với nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn. Bệnh cần được điều trị để tránh biến chứng áp xe, nhiễm khuẩn huyết, vô sinh và các rối loạn chức năng tình dục. Trường hợp đau vùng chậu mãn tính cần lên kế hoạch điều trị, chăm sóc lâu dài hơn.