Viêm ruột thừa cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Viêm ruột thừa cấp là nguyên nhân phổ biến gây đau bụng dẫn đến phải phẫu thuật tại Mỹ. Cụ thể, khoảng 5% người Mỹ thừa nhận mình đã mắc phải bệnh này. Hiểu được nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị sẽ giúp bạn không còn lo sợ về viêm ruột thừa. 

tìm hiểu về bệnh viêm ruột thừa cấp
Viêm ruột thừa cấp nếu không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Viêm ruột thừa cấp là gì? Biến chứng của bệnh?

Bệnh viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm cấp tính của ruột thừa, được xác định là một vấn đề nghiêm trọng mà trong đó, cơ quan chịu tổn thương trực tiếp là ruột thừa. Đây là một mẩu ruột nhỏ hình ngón tay, gắn liền với ruột già ở hố chậu phải. Thông thường, tình trạng viêm xảy ra khi bên trong niêm mạc ruột bị tắc nghẽn hoặc viêm nhiễm.

Vị trí bị đau khi viêm ruột thừa (cấp) là ở góc dưới – bên phải ổ bụng. Tuy vậy, nhiều bệnh nhân cho biết là cơn đau thường bắt đầu ở quanh rốn và sau đó di chuyển xuống góc bên phải.

Bên cạnh đó, viêm ruột thừa cấp có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời của bạn, nhưng theo các ca bệnh từ thực tế thì độ tuổi dễ bị nhất là từ 10-30 tuổi. Nam giới bị viêm ruột thừa cấp nhiều hơn nữ giới. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ khiến cho ruột thừa của chúng ta bị vỡ, vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng dẫn đến nhiễm trùng và thậm chí là gây tử vong. Cụ thể, các biến chứng nghiêm trọng của viêm ruột thừa cấp bao gồm:

  • Ruột thừa vỡ ra, lan truyền nhiễm trùng khắp ổ bụng (còn gọi là viêm phúc mạc). Lúc này, tính mạng của người bệnh đang gặp nguy hiểm, đòi hỏi phải được phẫu thuật ngay lập tức để có thể cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng.
  • Tình trạng nhiễm trùng sẽ rất có thể hình thành nên các ổ áp xe. Để khắc phục ngay lập tức, bác sĩ phẫu thuật sẽ dẫn lưu áp xe bằng cách đặt một ống qua thành bụng vào ổ áp xe, đồng thời dùng kháng sinh cho bệnh nhân trong 2 tuần.

Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ, trong trường hợp bạn nghi ngờ mình đã bị viêm ruột thừa cấp. Các loại thuốc này sẽ khiến cho ruột thừa của bạn nhanh chóng bị vỡ ra.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm ruột thừa cấp

Khi bị viêm ruột thừa cấp, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng cụ thể bao gồm:

  • Cảm thấy khó chịu ở vùng quanh rốn, sau vài tiếng thì chuyển thành cơn đau di chuyển xuống hố chậu phải.
  • Đau dữ dội và đau liên tục trong vài giờ.
  • Cảm giác đau rõ ràng hơn khi xoay, thở mạnh, hắt hơi hoặc đi lại đụng vào bụng.
  • Xì hơi nhiều hơn, táo bón nhưng đôi khi kèm theo tiêu chảy.
  • Ruột thừa có hình thành ổ áp xe sẽ khiến người bệnh bị sốt cao hoặc cơ thể lạnh run (nhiệt độ thay đổi thất thường).
  • Nhịp tim đập nhanh.
  • Ở giai đoạn tiến triển của bệnh, bụng của bạn sẽ bị chướng lên, sờ vào thấy bụng hơi nổi phồng lên (đặc biệt là trẻ nhỏ).
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng.
  • Lưỡi dơ (dù đã đánh răng), hơi thở có mùi hôi khó chịu.
  • Đi tiểu ra máu, tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường.

Ngoài ra, người bị viêm ruột thừa cấp còn có một số triệu chứng mang tính chủ quan hoặc hiếm gặp hơn.

triệu chứng bệnh viêm ruột thừa cấp
Khi bị viêm ruột thừa cấp tính, bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như đau bụng, táo bón, hôi miệng v.v…

Nguyên nhân gây viêm ruột thừa cấp

Sự tắc nghẽn là nguyên nhân chủ yếu khiến ruột thừa của chúng ta bị viêm cấp tính. Theo đó, có khá nhiều vấn đề gây ra sự tắc nghẽn ấy, bao gồm:

  • Sỏi ruột thừa, đây là một chứng bệnh phổ biến ở trẻ em hơn là ở người lớn. Bệnh xảy ra khi phân không được bài tiết hết ra ngoài cơ thể, lâu dần bị vôi hóa và trở thành sỏi.
  • Các bệnh về kí sinh trùng như giun kim, sán dây v.v…
  • Các rối loạn kéo dài gây kích thích và loét ở đường tiêu hóa như bệnh Crohn, bệnh viêm loét đại tràng.
  • Những chấn thương ở vùng bụng hoặc bị tấn công bởi các dị vật.
  • Người bệnh bị u lành tính hoặc ác tính trong đại tràng.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa dẫn đến sự hình thành của các mô bạch huyết.

Bên cạnh việc tắc nghẽn, viêm ruột thừa cấp tính cũng sẽ xảy ra do nhiễm virus, vi khuẩn như:

  • Ecoli, đây là những vi khuẩn được tìm thấy trong môi trường, trên thực phẩm và trong ruột của động vật. Hầu hết các chủng vi khuẩn đều không có tác hại đáng kể, nhưng với số lượng lớn thì chúng có thể khiến bạn bị tiêu chảy, viêm ruột thừa v.v…
  • Một loại vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước, các khu vực ẩm ướt (bồn rửa mặt, nhà vệ sinh, ao tù…) tên Pseudomonas cũng là một nguyên nhân gây nhiễm trùng ruột thừa.
  • Vi khuẩn Bacteroides sống trong hệ tiêu hóa của con người có khả năng khiến cho thành niêm mạc ruột bị viêm sưng.
  • Một loại virus thường gặp, lây lan qua tiếp xúc, không khí và gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh tên Adenovirus cũng có thể khiến ruột và bàng quang của chúng ta bị nhiễm trùng.
  • Vi khuẩn Salmonella gây khó chịu đường tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn và viêm ruột thừa.
  • Vi khuẩn Shigella là một loại vi trùng có khả năng lây lan rất cao trong không khí và thường dẫn đến tiêu chảy, lâu ngày gây nhiễm trùng đường ruột.
  • Người mắc phải virus sởi cũng sẽ rất dễ bị viêm ruột thừa sau này.
  • Một số người bị nhiễm nấm niêm mạc – một bệnh nhiễm nấm mốc hiếm gặp. Không phải tất cả bệnh nhân nhiễm nấm niêm mạc đều bị nhiễm trùng ruột nhưng nguy cơ gặp phải vấn đề này là rất cao.

Ruột thừa vốn là nơi chứa nhiều lợi khuẩn, giúp tái tổ hợp ruột sau nhiễm trùng. Tuy nhiên, một khi bị nhiễm khuẩn hoặc tắc nghẽn thì vi khuẩn sẵn có trong ruột thừa sẽ nhanh chóng nhân lên, khiến cơ quan này sưng lên và chứa mủ – chất lỏng chứa vi khuẩn, tế bào mô, mảnh vụn viêm, tế bào bạch cầu.

Bên cạnh 2 nguyên nhân chính gây viêm ruột thừa cấp tính, chúng ta cũng cần điểm qua các yếu tố làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh, cụ thể bao gồm:

  • Gia đình có người bị viêm ruột thừa hoặc các vấn đề về ruột.
  • Rất nhiều trường hợp viêm ruột thừa xảy ra ở độ tuổi thanh thiếu niên.
  • Yếu tố giới tính, nam giới dễ bị viêm ruột thừa cấp tính hơn nữ giới.
  • Người bị viêm ruột kéo dài.
  • Một chế độ ăn có hàm lượng Carbonhydrate cao và chất xơ thấp là yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh. Theo đó, chế độ ăn không đủ chất xơ sẽ khiến cho nhu động ruột chậm lại và tăng nguy cơ tắc nghẽn ruột.
  • Ô nhiễm không khí đã được chứng minh là có sự ảnh hưởng đến viêm ruột thừa cấp, nguyên nhân là vì điều kiện không khí sẽ làm yếu đi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
  • Mùa hè là mùa có tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì đau/viêm ruột thừa cấp nhiều nhất trong năm.

Mặt khác, cơ địa và thể trạng của từng người cũng là một yếu tố tăng giảm khả năng mắc bệnh.

nguyên nhân gây viêm ruột thừa cấp
Tắc ruột và vi khuẩn là 2 nguyên nhân chính khiến cho ruột thừa bị viêm.

Chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa cấp

Công tác chẩn đoán một bệnh nhân có bị viêm ruột thừa cấp hay không sẽ bắt đầu với một bài kiểm tra lâm sàng. Mục đích của đợt khám này là để loại trừ các bệnh khác có các triệu chứng tương tự. Theo đó, cơn đau ruột thừa sẽ biểu hiện bởi sự quằn quại ở vùng hố chậu phải, trong khi đối với phụ nữ mang thai thì vị trí ruột thừa sẽ cao hơn.

Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ và xác định tình trạng viêm ruột thừa của bệnh nhân. Các xét nghiệm cần thiết bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Nhằm loại trừ bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi thận.
  • Khám vùng chậu: Các bác sĩ cần kiểm tra kỹ càng khu vực này để khẳng định bệnh nhân không gặp phải bất cứ vấn đề về sinh sản nào, đồng thời họ cũng có thể loại trừ một số bệnh về nhiễm trùng khác.
  • Xét nghiệm mang thai: Xác định người đang bị đau có phải là vì mang thai ngoài tử cung hay không.
  • Chụp X-Quang, siêu âm ổ bụng: Sớm xác định ổ áp – xe, các biến chứng (nếu có) và mức độ sưng viêm của ruột thừa.

Sau quá trình chẩn đoán không mất quá nhiều thời gian, các bác sĩ sẽ bắt đầu tiến hành điều trị viêm ruột thừa cấp cho bệnh nhân.

Tham khảo thêm: Cảnh giác với các biến chứng nguy hiểm của viêm ruột thừa

Điều trị viêm ruột thừa cấp và các biện pháp phòng bệnh

1. Điều trị viêm ruột thừa cấp

Phần lớn các ca bị viêm ruột thừa cấp đều cần phẫu thuật cắt bỏ phần ruột đã bị sưng viêm. Trước khi được tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được dùng một liều kháng sinh với mục đích ngăn ngừa nhiễm trùng.

Cắt bỏ ruột thừa hiện nay được thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi, không còn phải rạch vết mổ lên đến 5-10cm như trước kia. Theo đó, bác sĩ sẽ chèn các dụng cụ chuyên dụng trong phẫu thuật và máy quay vào ổ bụng của bệnh nhân và nhẹ nhàng cắt đi phần ruột đã bị viêm. Nhờ kỹ thuật nội soi mà vết mổ được thu nhỏ lại chỉ còn 2-3 lỗ tròn trên ổ bụng.

Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi không phù hợp với tất cả mọi người. Cụ thể, nếu ruột thừa của bệnh nhân đã bị vỡ, nhiễm trùng và lây lan ra các phần lân cận, bị áp xe thì bắt buộc các bác sĩ phải tiến hành mổ hở để có thể làm sạch khoang bụng.

Trường hợp áp xe hình thành xung quanh ruột thừa, lượng mủ đó sẽ được bác sĩ lưu dẫn bằng cách đặt một ống qua da của người bệnh, chọc thẳng vào ổ áp xe.

Cần bao nhiêu lâu để phục hồi sau phẫu thuật?

Nếu thực hiện nội soi, bạn sẽ có thể rời bệnh viện sau vài ngày phẫu thuật. Lý do là vì mổ nội soi ít gây xâm lấn nên thời gian hồi phục tương đối nhanh hơn so với mổ hở.

Trường hợp bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật hở hoặc gặp phải các biến chứng bổ sung như viêm phúc mạc, thời gian ở lại bệnh viện có thể kéo dài tới hơn 1 tuần. Và nếu cơ bụng của bạn cần được cắt thì thời gian hồi phục sẽ có thể lâu hơn nhiều.

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể sẽ cảm thấy đau và vùng da vừa thực hiện nội soi bị bầm tím. Tình trạng này sẽ cải thiện theo thời gian và bằng các thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen (Tylenol) và Ibuprofen (Advil). Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ bị táo bón tạm thời, nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ hòa tan hơn.

điều trị viêm ruột thừa cấp
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là cách điều trị hiệu quả nhất và duy nhất khi bị viêm ruột thừa cấp tính.

2. Các biện pháp chăm sóc bệnh nhân viêm ruột thừa cấp

Sau một vài tuần thực hiện nội soi, bạn đã có thể hoạt động và ăn uống lại như bình thường. Tuy nhiên, để giúp cho cơ thể của bạn hoàn toàn khỏe mạnh, cần lưu ý thực hiện những biện pháp chăm sóc dưới đây:

  • Tránh vận động mạnh: Thời gian để thực hiện các vận động bình thường sau nội soi là 3-5 ngày, đối với phẫu thuật cắt ruột thừa hở là 10-14 ngày. Để đảm bảo an toàn, hãy luôn hỏi bác sĩ về những hoạt động cần tránh làm sau khi phẫu thuật.
  • Cẩn thận khi hoHo là một phản xạ của cơ thể trước các tác nhân gây dị ứng, chúng ta không thể ngăn nó xảy ra được. Tuy nhiên, đối với tình trạng sức khỏe hiện tại thì bệnh nhân cần cẩn thận khi ho (hoặc cười) để tránh cho ruột bị vận động mạnh. Cách mà nhiều người hay áp dụng là đặt một chiếc gối lên bụng mỗi khi ho và cười.
  • Thông báo với bác sĩ nếu thuốc giảm đau không có tác dụng: Cảm giác đau sẽ khiến cho tất cả các hệ cơ quan của chúng ta gặp căng thẳng và làm chậm quá trình hồi phục. Hãy chắc chắn rằng bạn được giảm đau đúng và đủ thuốc.
  • Di chuyển nhẹ nhàng: Tuy chỉ cắt ruột thừa nhưng toàn bộ đại tràng của bạn cũng phải chịu những ảnh hưởng đáng kể, vì vậy hãy di chuyển càng nhẹ nhàng càng tốt.
  • Ngủ khi mệt: Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cảm thấy buồn ngủ hơn bình thường do tác động của các loại thuốc. Lúc này, hãy để cho cơ thể được nghỉ ngơi khi nó muốn, điều này sẽ giúp cho sức đề kháng của bạn được ổn định.
  • Trao đổi với bác sĩ về lịch làm việc: Ngay khi bản thân cảm thấy mọi thứ đã ổn thì bạn cũng vẫn cần đợi thêm vài ngày để làm việc và sinh hoạt lại như bình thường. Đối với trẻ em, các em có thể trở lại trường sau 1 tuần nội soi. Người lớn và cả trẻ em đều cần 2-4 tuần để có thể tham gia thể dục thể thao trở lại.

Viêm ruột thừa cấp là một căn bệnh không thể xem thường, bạn cần nắm rõ những thông tin về bệnh để có thể chủ động ngừa và trị bệnh. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào khác, bạn có thể liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa, thuocdantoc.vn không đưa ra lời khuyên về điều trị y khoa.

Có thể bạn quan tâm

Mổ ruột thừa và những điều bạn nên biết trước khi phẫu thuật

Mổ ruột thừa hay còn gọi là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Đây là thủ thuật đơn giản và khá phổ biến, thường được chỉ định với bệnh nhân...

Vừa mổ ruột thừa có được uống nước cam không? Vì sao?

Nếu biết cách sử dụng đúng lượng và đúng thời điểm, nước cam sẽ mang lại nhiều lợi ích tuyệt...

Tại sao mổ ruột thừa xong lại béo hơn?

Nhiều người thắc mắc là tại sao mổ ruột thừa xong lại béo hơn? Họ lo lắng vì có thể...

Những cách chữa đau ruột thừa giúp bạn khắc phục được cơn đau

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ nếu chẩn đoán bạn bị viêm ruột thừa. Tuy...

Đau ruột thừa nên ăn gì và kiêng gì?

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân gặp vấn đề về tiêu hóa nói chung và...

dính ruột sau khi mổ ruột thừa

Nên làm gì khi bị dính ruột sau mổ ruột thừa?

Sau khi mổ ruột thừa, không ít bệnh nhân thừa nhận mình gặp phải tình trạng dính ruột. Đây là...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *