Thoát vị đĩa đệm thắt lưng: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là một dạng phổ biến của chứng thoát vị đĩa đệm, xảy ra khi các dịch nhầy ở giữa đĩa đệm của cột sống bị thoát ra khỏi vị trí ban đầu và chèn ép lên các cơ quan xung quanh, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Nắm rõ các thông tin về chứng bệnh này chính là điều kiện tiên quyết để giúp bạn xác định được hướng điều trị chính xác. Đồng thời có thể chủ động đưa ra các biện pháp phòng bệnh cho chính bản thân mình.
I/ Tìm hiểu về chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Hiểu như thế nào về thoát vị đĩa đệm thắt lưng?
Cột sống của chúng ta được cấu tạo từ các đốt sống xếp chồng lên nhau, bao gồm 7 xương đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực và 5 đốt sống thắt lưng, tiếp theo là xương cụt ở đáy. Ở giữa mỗi đốt sống sẽ được đệm bởi một đĩa đệm. Các đĩa này có chức năng giống như bộ phận giảm xóc để bảo vệ các đốt sống, nâng đỡ các bộ phận phía trên và cho phép cơ thể xoay được theo nhiều hướng khác nhau.
Giữa mỗi đĩa đệm có chứa một dịch nhầy được gọi là nhân tủy, bao bọc xung quanh nó là một lớp vỏ sợi có tác dụng ngăn không cho những dịch nhầy bên trong thoát ra ngoài. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó làm cho các sợi này bị xơ cứng, rách hoặc vỡ khiến cho nhân tủy bị thoát ra ngoài, làm ảnh hưởng đến các bộ phận lân cận. Tình trạng này được gọi là thoát vị đĩa đệm. Khi thoát vị đĩa đệm xảy ra ở vị trí 5 đốt sống thắt lưng thì được gọi là thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
Hiểu theo cách đơn giản hơn, thoát vị đĩa đệm thắt lưng là một dạng của thoát vị đĩa đệm, xảy ra khi các dịch nhầy bên trong các đĩa đệm của 5 đốt sống thắt lưng bị thoát ra ngoài và chèn ép lên các cơ quan lân cận như rễ thần kinh, tủy sống… gây ra những vấn đề nghiêm trọng khác cho sức khỏe người bệnh. Đây là chứng bệnh khá phổ biến, bất cứ ai cũng có thể mắc phải tình trạng này. Tuy nhiên, những người trong độ tuổi từ 35 – 50 thường là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Một khi các dịch nhầy bị thoát ra ngoài, chúng sẽ tạo áp lực các bộ phận xung quanh như rễ thần kinh, tủy sống gây ra cảm giác đau đớn lan dọc theo chiều dài của các dây thần kinh xuống vùng chân. Từ đó gây ra các tình trạng sau:
- Đau chân: Khi bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng, các dây thần kinh tọa chạy dọc từ lưng dưới xuống chân sẽ bị ảnh hưởng, gây đau và thậm chí cảm giác đau ở chân còn trầm trọng hơn đau vùng thắt lưng dưới – nơi xảy ra thoát vị đĩa đệm. Tình trạng này được gọi là đau thần kinh tọa hoặc bệnh lý phóng xạ.
- Hoạt động của các dây thần kinh bị rối loạn: Người bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng thường sẽ xuất hiện các triệu chứng tê bì, ngứa hoặc rát vùng chân, bàn chân, ngón chân. Vì căn bệnh này sẽ khiến cho các dây thần kinh bị rối loạn.
- Chứng thả bàn chân: Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng bất thường trong dáng đi, mà đặc trưng của nó thể hiện ở chỗ chân mất hoặc suy giảm khả năng nâng ngón và bàn chân khiến cho việc đi lại của bạn không được diễn ra bình thường. Tình trạng này có thể diễn ra tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy thuộc vào mức độ yếu cơ.
- Bị đau vùng lưng dưới: Cảm giác đau vùng lưng dưới có thể là đau nhói hoặc đau âm ỉ kéo dài, đôi khi còn đi kèm với triệu chứng cứng khớp. Đau vùng lưng dưới có thể giảm đi sau khoảng 1 vài ngày được nghỉ ngơi và tự điều trị bằng cách chườm đá hoặc sưởi ấm… Tuy nhiên, không phải ai bị chứng bệnh này cũng sẽ bị đau vùng lưng dưới.
- Cảm giác đau xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau: Tùy vào mức độ bệnh mà các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể diễn ra ở nhiều vị trí khác nhau như vùng mông, lưng thấp, bắp chân, ngón chân và thông thường các cảm giác này chỉ xuất hiện ở một bên của cơ thể.
- Đau đớn tăng lên khi di chuyển: Đứng, ngồi trong thời gian dài, đi bộ hoặc chỉ cần cười, hắt hơi… cũng sẽ làm cho các cơn đau đớn trầm trọng hơn.
- Đau khi cúi người: Không ít người bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng thấy rằng cảm giác đau vùng lưng dưới hoặc vùng chân sẽ tăng lên khi họ cúi người về phía trước hoặc gập người ra phía sau.
- Các triệu chứng khởi phát nhanh chóng: Những triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thắt lưng thường xảy ra một cách nhanh chóng mặc dù không hề có một nguyên nhân nào được xác định là gây ra tình trạng này.
Ngoài những biểu hiện thường gặp, thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn nữa mà đặc biệt là bệnh có thể gây ra hội chứng Equina cauda. Khi bị hội chứng này, người bệnh sẽ bị mất đi khả năng kiểm soát bàng quang, đau ruột và lưng dưới, yếu cả 2 chân. Nguy hiểm hơn, Equina cauda có thể làm cho các dây thần kinh ở cuối cột sống bị tê liệt hoặc bị suy yếu vĩnh viễn. Do đó, người bệnh cần phải được điều trị khẩn cấp bằng phẫu thuật.
Nguyên nhân nào gây thoát vị đĩa đệm thắt lưng?
Các triệu chứng của thoát vị đĩa nệm thắt lưng thường xảy ra một cách đột ngột, nhưng lại là kết quả của một quá trình diễn tiến lâu dài của bệnh. Ở trẻ em, các đĩa đệm thường có hàm lượng nước cao, các sợi tơ bao bọc xung quanh cũng vì vậy mà chắc khỏe hơn, không bị xơ cứng. Do đó nó thực hiện tốt chức năng ngăn cản nhân tủy, khiến chất dịch này không dễ gì mà thoát ra ngoài. Tuy nhiên khi càng lớn tuổi, sự xuất hiện của các quá trình lão hóa sẽ làm cho đĩa đệm bị khô lại, khiến cho lớp sợi bao bọc cũng trở nên giòn hơn, dễ bị rách vỡ làm cho dịch nhầy bị thoát ra ngoài dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
Ngoài ra, bị chấn thương cột sống do tai nạn hoặc vận động mạnh, tác động đến các đĩa đệm cũng là một trong những yếu tố gây bệnh.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên các trường hợp sau đây thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác:
- Người lớn tuổi: Bệnh xảy ra phổ biến ở những người có độ tuổi từ 30 – 50. Hiếm gặp ở những người trên 80 tuổi.
- Giới tính: Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với nữ giới.
- Làm các công việc đòi hỏi nhiều thể lực: Những người làm các công việc nặng nhọc, phải thường xuyên bưng bê và nâng đỡ vật sẽ có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm.
- Béo phì: Theo các chuyên gia, trọng lượng của cơ thể có ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng. Trọng lượng cơ thể càng lớn thì áp lực lên các đốt sống vùng thắt lưng càng tăng. Do đó những người bị béo phì sẽ có nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm cao hơn người bình thường và cao gấp 12 lần.
- Thường xuyên hút thuốc lá: Những người hút nhiều thuốc lá cũng thường bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Vì chất nicotin trong thuốc lá sẽ làm cho lưu lượng máu đến cột sống bị giảm đi, tình trạng này sẽ khiến cho tốc độ thoái hóa diễn ra nhanh hơn. Đĩa đệm khô hơn, cứng hơn sẽ khiến nó dễ bị rách hoặc đứt dẫn đến thoát vị.
- Các đối tượng có cha hoặc mẹ đã từng bị thoát vị đĩa đệm: Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng thoát vị đĩa đệm thắt lưng có khả năng di truyền. Nếu cha hoặc mẹ đã từng bị chứng bệnh này thì con cái của họ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đứa trẻ khác.
II/ Chẩn đoán và điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Chẩn đoán
♦ Tiến hành khám thực thể:
Trước tiên, các bác sĩ sẽ tìm hiểu về các yếu tố liên quan có thể gây thoát vị đĩa đệm như công việc, tiền sử bệnh lý của bản thân và của các thành viên trong gia đình của bạn. Sau đó bạn sẽ được tiến hành khám thực thể dựa trên những triệu chứng đang gặp phải. Bước chẩn đoán này sẽ được tiến hành bằng các cách sau:
- Kiểm tra hệ thần kinh: Đây là một trong những phương pháp thường được dùng trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. Bệnh nhân có thể được yêu cầu vận động các ngón chân, di chuyển tay chân một cách bình thường để xác định xem có sự bất thường ở những bộ phận này hay không rồi từ đó đưa ra những khẳng định ban đầu.
- Khám vùng cột sống thắt lưng (5 đốt sống cuối vùng thắt lưng): Các bác sĩ sẽ dùng tay để ấn vào những vị trí này, nếu bị tổn thương thì vùng da sẽ có những biểu hiện bất thường và làm cho người bệnh đau đớn khi bị tác động.
- Kiểm tra chức năng của chân: Bệnh nhân sẽ được nằm xuống, lúc này các bác sĩ sẽ tiến hành nâng chân của người bệnh lên cho đến khi thấy đau. Nếu người bệnh bị đau khi nâng chân ở một góc từ 30 – 70 độ thì sẽ được chẩn đoán là bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Tuy nhiên, cách này không mang lại những kết quả chính xác ở những người trên 60 tuổi, do đó nó thường không được áp dụng để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thắt lưng cho những trường hợp này.
- Chẩn đoán dựa trên sự thay đổi tư thế của cơ thể: Các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cúi hoặc ưỡn người ra phía sau. Nếu cảm thấy đau đớn khi thực hiện những hành động này thì có thể bạn đã bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
♦ Xét nghiệm bằng hình ảnh:
Phương pháp này cho phép các bác sĩ quan sát được trực tiếp các hình ảnh của cột sống thắt lưng, từ đó có thể xác định được bạn có bị mắc bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng hay không. Đồng thời, việc áp dụng cách chẩn đoán này có thể loại trừ được những nguyên nhân gây bệnh khác như bị gãy xương, có khối u hoặc bị nhiễm trùng. Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh sẽ được thực hiện bằng cách áp dụng một trong các biện pháp sau:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Thông qua các hình ảnh thu được, các bác sĩ sẽ xác định được vị trí thoát vị đĩa đệm, các dây thần kinh bị ảnh hưởng. Do đó, nó thường được chỉ định trong những trường hợp chuẩn bị phẫu thuật.
- Chụp X – quang: Phương pháp này thường được dùng để nhằm mục đích loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác như bị gãy xương, nhiễm trùng hoặc những vấn đề khác có liên quan đến cột sống. Nó ít khi được dùng để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Thông thường chụp CT sẽ được tiến hành để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thắt lưng khi phương pháp MRI không được sử dụng.
- Chụp CT myelogram: Đây là phương pháp sử dụng thuốc nhuộm tương phản với tủy sống và tia X để có thể đưa ra các hình ảnh về tình trạng thoát vị cũng như là mức độ xâm lấn của chúng ra các bộ phận xung quanh.
- Điện cơ (EMG): Các bác sĩ có thể chỉ định chẩn đoán bệnh bằng phương pháp điện cơ, chúng sẽ giúp xác định chính xác các rễ thần kinh bị ảnh hưởng trong cột sống.
Các xét nghiệm bằng hình ảnh có thể giúp các bác sĩ quan sát được những bất thường trong cột sống. Tuy nhiên, chúng thường không được dùng riêng lẻ. Việc chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thắt lưng thường là sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau, lúc đó mới có thể xác định được phạm vi ảnh hưởng, mức độ trầm trọng của bệnh, từ đó giúp các bác sĩ đưa ra được các biện pháp điều trị phù hợp.
Điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng sẽ được điều trị bằng các biện pháp như sau:
♦ Điều trị không phẫu thuật:
Thông thường, thoát vị đĩa đệm thắt lưng sẽ tự khỏi sau khoảng 6 tuần. Do đó, người bệnh thường được chỉ định áp dụng các biện pháp chữa trị không cần phẫu thuật. Các biện pháp được áp dụng để kiểm soát cơn đau bao gồm:
- Chườm lạnh: Sử dụng đá lạnh hoặc khăn lạnh để chườm lên vùng cột sống bị đau, kết hợp với các động tác massage nhẹ nhàng là một biện pháp hữu ích nhằm làm giảm cảm giác đau đớn do thoát vị đĩa đệm gây ra.
- Uống thuốc giảm đau: Để làm giảm các cơn đau đớn, bạn có thể sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm đau không chứa steroid như naproxen, ibuprofen…
- Thuốc giãn cơ: Khi bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng, các loại thuốc giãn cơ cũng sẽ được các bác sĩ kê đơn cho bạn nhằm mục đích giảm đau.
- Nhiệt trị liệu: Chườm nóng hoặc tắm nước nóng cũng là cách có thể áp dụng khi bị thoát vị đĩa đệm.
- Kết hợp chườm nóng – lạnh: Sử dụng kết hợp giữa chườm ấm và chườm lạnh sẽ giúp bạn giảm được cảm giác đau do bệnh gây ra.
Bên cạnh đó, các liệu pháp điều trị bổ sung cũng sẽ được các bác sĩ chỉ định cho bạn để làm giảm các cơn đau. Những liệu pháp thường được sử dụng bao gồm:
- Áp dụng các bài tập vật lý trị liệu.
- Tiêm màng cứng.
- Châm cứu.
- Liệu pháp xoa bóp.
Ngoài ra, để bệnh nhanh được chữa lành, bạn cũng cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh di chuyển nhiều. Đồng thời, bạn cũng không nên tham gia các hoạt động như chơi thể thao, tập thể dục… khi đang trong quá trình điều trị.
♦ Phẫu thuật điều trị chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng:
Phương pháp này thường được chỉ định cho các trường hợp sau:
- Đau dữ dội, các hoạt động đi lại diễn ra một cách khó khăn.
- Các dây thần kinh bị tổn thương ngày càng trầm trọng.
- Mất chức năng kiểm soát hoạt động của bàng quang và ruột.
- Việc áp dụng các phương pháp điều trị không phẫu thuật không mang lại tác dụng.
Phẫu thuật đĩa đệm thắt lưng nhằm mục đích làm giảm đi các áp lực của các dịch tủy lên rễ thần kinh, tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhanh được chữa lành. Thông thường phương pháp này được tiến hành bằng các thủ thuật sau:
- Phẫu thuật vi phẫu: Với thủ thuật này, các bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường nhỏ ở vị trí bị thoát vị để loại bỏ phần dịch nhầy chèn lên rễ thần kinh.
- Phẫu thuật vi phẫu nội soi: Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt mà ở đây là các ống nội soi nhỏ có gắn đầu camera để đưa vào vị trí bị thoát vị. Thông qua các thiết bị hỗ trợ, bác sĩ có thể dễ dàng thực hiện các thao tác phẫu thuật cho bệnh nhân.
Các bệnh nhân sau khi được phẫu thuật đều sẽ được chỉ định ở lại qua đêm trong bệnh viện để tiện cho việc theo dõi. Sau khoảng 1 – 3 tuần, họ có thể đi lại và hoạt động bình thường.
III/ Biện pháp ngăn ngừa thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Một trong các nguyên nhân chủ yếu gây chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng là do bị thoái hóa. Với trường hợp này thì không có cách nào để ngăn ngừa. Tuy nhiên, với những yếu tố khác bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho bản thân bằng cách áp dụng các biện pháp như sau:
- Tránh bưng bê các vật nặng hoặc cần phải cẩn thận khi làm các công việc đòi hỏi dùng nhiều sức.
- Hạn chế hoặc không nên hút thuốc lá. Vì không chỉ có thể gây ra chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng mà nó còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.
- Cẩn thận trong khi tập thể dục hoặc chơi thể thao.
- Nên ăn các thực phẩm lành mạnh, các thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa. Chúng sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa, cột sống của bạn cũng được khỏe mạnh hơn.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!