Những cách xét nghiệm và sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là một dạng ung thư hình thành nên khối u và phát triển ở tuyến tiền liệt – một cơ quan nằm trong hệ thống sinh dục nam giới có nhiệm vụ sản xuất chất nhờn và tinh dịch nuôi dưỡng tinh trùng. Bệnh có thể phát triển chậm và có khả năng di căn sang các cơ quan khác, nhất là xương và các hạch bạch huyết.
Đây là loại ung thư đứng thứ hai trong số các loại ung thư dễ mắc ở phái mạnh. Những yếu tố gây nên tình trạng ung thư tuyến tiền liệt thường là tuổi tác, gen di truyền, viêm nhiễm cơ quan sinh dục… do đó nam giới nên sớm tầm soát ung thư để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Những phương pháp tầm soát xem bạn có bị ung thư tuyến tiền liệt hay không
Một số tổ chức y tế khuyên nam giới nên xem xét việc kiểm tra và sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt ở độ tuổi 50, hoặc có thể sớm hơn nếu có các yếu tố gây ung thư tuyến tiền liệt. Hãy thảo luận về tình hình sức khỏe cụ thể của bạn với bác sĩ để cùng nhau thống nhất và đưa ra liệu pháp sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt phù hợp với bản thân.
Dưới đây là các xét nghiệm và sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt phổ biến hiệu nay:
1. Khám trực tràng (DRE)
Bác sĩ sẽ có những kiểm tra thủ công sơ bộ cho bạn. Đơn giản nhất là đeo găng tay y tế và dùng bôi trơn, sau đó cho ngón tay đưa vào trực tràng của bạn để cảm nhận những thay đổi bất thường của tuyến tiền liệt như vết sưng hoặc vùng cứng có phải là ung thư hay không.
Nếu bạn có những bất thường thì sẽ được bác sĩ hỏi về những triệu chứng bạn đang gặp phải về bài tiết, đường tiết niệu hoặc các vấn đề tình dục. Sau đó sẽ tìm hiểu các yếu tố gây rủi ro như tiền sử mắc bệnh trong gia đình. Bác sĩ có thể sẽ đưa ra các đề nghị, yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm nếu có nghi ngờ bạn bị ung thư tuyến tiền liệt.
2. Xét nghiệm máu PSA
Xét nghiệm máu theo phương pháp PSA được sử dụng để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới khi không có các triệu chứng cụ thể. Đây là xét nghiệm đầu tiên khi tiến hành kiểm tra bệnh lý này.
Nếu bạn không bị bệnh thì mức PSA không vượt quá 4/1ml máu. Nếu mức PSA tăng thì nguy cơ mắc chứng ung thư tuyến tiền liệt gia tăng. Và nếu mức PSA trên 10 thì nguy cơ bạn bị ung thư tuyến tiền liệt là 50%.
Xét nghiệm PSA mang lại những kết quả khá hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tiền liệt:
- Ở những người đàn ông vừa được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt, xét nghiệm PSA có thể cho kết quả kiểm tra thể chất và loại khối u để giúp bác sĩ đưa ra quyết định xem có nên làm các xét nghiệm khác hay không.
- Xét nghiệm PSA giúp xác định giai đoạn ung thư của bạn và giúp biết mức độ ung thư có lây sang cơ quan khác hay vẫn còn giới hạn ở tuyến tiền liệt. Nếu kết quả mức PSA của bạn rất cao, ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt. Dựa vào mức PSA mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp đối với sức khỏe cảu bệnh nhân như phẫu thuật, xạ trị…
- Các xét nghiệm PSA cũng góp phần quan trọng giúp theo dõi ung thư tuyến tiền liệt trong và sau khi điều trị.
3. Siêu âm cắt ngang (TRUS)
Đối với xét nghiệm này, bạn sẽ được cho một đầu dò nhỏ có chiều rộng bằng ngón tay được bôi trơn và đi vào trực tràng của bạn. Đầu dò này sẽ phát ra sóng siêu âm đi vào tuyến tiền liệt và truyền hình ảnh trắng đen của cơ quan này về chiếc máy tính mà nó được kết nối.
Phương pháp TRUS thường được dùng để kiểm tra tuyến tiền liệt ở nam giới có mức PSA cao bất thường. Nó có thể được sử dụng để đo kích thước của tuyến tiền liệt, phát hiện sớm ung thư và ảnh hưởng đến lựa chọn điều trị của nam giới.
4. Làm xét nghiệm sinh thiết tuyến tiền liệt
Nếu xét nghiệm máu PSA hoặc khám trực tràng DRE cho thấy bạn có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ tiến hành làm sinh thiết tuyến tiền liệt để xác định chính xác bạn có mắc bệnh hay không.
Phương pháp sinh thiết là một thủ tục dùng một đầu kim lấy các mẫu nhỏ của tuyến tiền liệt và quan sát dưới kính hiển vi để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Kỹ thuật này thường được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, bác sĩ phẫu thuật điều trị ung thư đường sinh dục, đường tiết niệu hoặc tuyến tiền liệt.
Phương pháp này thường được dùng để kết hợp với siêu âm cắt ngang TRUS để đưa một cây kim mỏng, rỗng xuyên qua thành trực tràng vào tuyến tiền liệt. Khi kim được kéo ra, nó sẽ mang theo một mô nhỏ của tuyến tiền liệt. Các bác sĩ sẽ tiến hành lấy khoảng 12 mẫu khác nhau của tuyến tiền liệt.
Tuy nghe có vẻ khá đau đớn, nhưng cảm giác này thường khá ngắn ngủi. Hầu hết các bác sĩ khi tiến hành làm sinh thiết sẽ làm tê vùng đó bằng cách tiêm thuốc gây tê cục bộ cạnh tuyến tiền liệt. Phương pháp sinh thiết chỉ mất khoảng 10 phút và bạn sẽ dùng kháng sinh trong một hoặc 2 ngày sau để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Trong vài ngày sau khi làm thủ thuật, bạn sẽ cảm thấy hơi đau ở khu vực này và có thể lẫn máu trong nước tiểu hoặc chảy máu nhẹ từ trực tràng, phân có lẫn ít máu. Nhiều nam giới thường thấy máu trong tinh dịch và thường kéo dài trong vài tuần tùy thuộc vào tần suất nam giới xuất tinh.
Các mẫu sinh thiết sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để quan sát dưới kính hiển vi để xem chúng có chứa tế bào ung thư hay không. Bạn sẽ nhận kết quả sau ít nhất 1 đến 3 ngày hoặc có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Tham khảo thêm: Ung thư tuyến tiền liệt sống được bao lâu?
Các xét nghiệm khác khi bạn đã bị ung thư tuyến tiền liệt
Những xét nghiệm này thường được tiến hành giúp các bác sĩ kiểm tra xem tế bào ung thư của tuyến tiền liệt đã lây lan qua các bộ phận khác chưa:
1. Quét xương
Khi bạn bị ung thư tuyến tiền liệt thì nó thường có xu hướng lan rộng và đi đến xương, nhất là vùng xương chậu, xương đùi. Xét nghiệm này sẽ giúp các bác sĩ xác nhận xem ung thư đã lan rộng trong xương của bạn hay chưa.
Trước khi quét xương, bạn sẽ được tiêm chất phóng xạ mức độ thấp vào các khu vực bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành camera thu nhận bức xạ và chụp ảnh hình ảnh từ xương của bạn.
2. Chụp CT
Đây là thủ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT) để theo dõi sự lây lan của ung thư trong cơ thể. Người ta thường sử dụng tia X để biết được chi tiết bên trong cơ thể bạn cũng như các mô mềm gần vùng bị ung thư.
Phương pháp này là một trong những manh mối giúp các bác sĩ biết được tế bào ung thư đã lây lan sang các hạch bạch huyết của bạn hoặc đến các cơ quan khác. Từ đó giúp các bác sĩ có phác đồ điều trị hợp lý cho sức khỏe của bạn.
3. Quét MRI
Đây là phương pháp quét hình ảnh cộng hưởng từ tạo ra hình ảnh của các mô mềm trong cơ thể bạn và nó sẽ chi tiết hơn chụp CT. Thay vì dùng tia X, quét MRI sẽ sử dụng nam châm và sóng radio để tạo ra hình ảnh.
Đối với ung thư tuyến tiền liệt, chụp MRI có thể cho hình ảnh rõ ràng về tình trạng ung thư của tuyến tiền liệt và các mô xung quanh để biết ung thư đã lan rộng hay chưa. Bác sĩ sẽ dùng một đầu dò đặc biệt đưa vào trong trực tràng để có bản quét chính xác nhất.
4. Sinh thiết hạch bạch huyết
Sinh thiết hạch bạch huyết là phương pháp cần thiết để xác định xem ung thư đã lan đến hạch bạch huyết hay chưa. Phương pháp này thường là một thủ tục riêng hoặc đi kèm với một thủ tục phẫu thuật khác.
Bạn sẽ được gây tê tại vị trí cần làm sinh thiết. Bác sĩ sẽ dùng một cây kim lấy hạch bạch huyết cần kiểm tra. Đối với ung thư tuyến tiền liệt, mẫu sinh thiết thường được lấy là hạch bạch huyết ở vùng háng.
5. Sinh thiết xương
Nếu phương pháp quét xương không giúp bác sĩ có được hình ảnh chính xác về bệnh ung thư tuyến tiền liệt có lan rộng hay chưa, họ có thể sẽ đề nghị bạn làm sinh thiết xương để chắc chắn ung thư không lan rộng.
Bạn sẽ được gây tê tại khu vực cần lấy mẫu xương. Một cây kim sẽ đâm thẳng xuyên qua màng cứng của xương, sau đó một lượng nhỏ tủy xương sẽ được rút ra và đưa đi kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm kiếm tế bào ung thư.
Các xét nghiệm mà bạn được bác sĩ khuyến nghị sẽ giúp họ có thêm thông tin về bệnh ung thư tuyến tiền liệt của bạn. Đôi khi các bác sĩ có thể nhận được kết quả họ cần từ một xét nghiệm mà không phải làm thêm bất kỳ xét nghiệm nào khác. Những cũng có trường hợp họ cần làm thêm xét nghiệm để hoàn toàn chắc chắn về bệnh tình của bạn.
*ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!