Cảnh báo 5 nguyên nhân gây viêm da dị ứng thường hay mắc phải
Có nhiều nguyên nhân gây viêm da dị ứng trong đời sống. Thường mắc phải nhất là nhóm nguyên nhân liên quan đến môi trường sống, chế độ sinh hoạt, các thói quen và một số yếu tố khác có liên quan đến sức khỏe làn da.
Những nguyên nhân viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng (Atopic Dermatitis) là một trong những bệnh ngoài da do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Đến thời điểm hiện tại, các bác sĩ và chuyên gia da liễu vẫn chưa thống kê đầy đủ và chính xác những nguyên nhân có thể gây ra viêm da dị ứng. Hiện tại, có một số nguyên nhân viêm da dị ứng thường gặp như:
1. Viêm da dị ứng do yếu tố môi trường, thời tiết
Môi trường, thời tiết là những yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp lên da một cách thường xuyên. Những yếu tố nóng, ẩm, không khí lạnh, hanh khô, ánh nắng mặt trời,… cũng đều có khả năng ảnh hưởng đến da, gây thương tổn trên bề mặt da, dẫn đến khô da, tổn thương trên bề mặt. Thời điểm giao mùa trong năm, nhất là vào giai đoạn xuân – hè, thu – đông dễ gây ra ảnh hưởng cho da và kích ứng viêm da cơ địa do đây là những thời điểm nền nhiệt độ thay đổi mạnh nhất.
2. Viêm da dị ứng do các yếu tố kích ứng tiếp xúc với da
Những yếu tố kích ứng mạnh sử dụng hằng ngày trong cuộc sống đều có thể dẫn đến thay đổi độ ẩm, thay đổi độ pH. Điều này khiến cho da dễ bị viêm da dị ứng và một số vấn đề ngoài da khác. Những yếu tố kích ứng da rất đa dạng như:
- Các loại xà phòng, thuốc tẩy, các loại dung môi mạnh,…
- Những vật dụng kim loại, các lớp bọc kim loại trên vật dụng, thiết bị. Đặc biệt là Crom, Niken, vốn là những kim loại rất dễ gây dị ứng.
- Đất bẩn, nước bẩn, một số yếu tố vệ sinh không đảm bảo cũng góp phần gây kích ứng da, viêm da dị ứng.
Tùy theo mức độ nhạy cảm của mỗi người mà viêm da dị ứng cũng có thể xảy ra với mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
3. Viêm da dị ứng do các loại thực phẩm
Rất nhiều thực phẩm có thể gây ra tình trạng kích ứng, dị ứng tùy theo cơ địa của mỗi người. Nếu ăn phải các loại thực phẩm này, người có cơ địa dị ứng sẽ có các phản ứng viêm da dị ứng rất đặc trưng như viêm sưng ngoài da, ngứa ngáy, phát ban, nổi mẩn sau khoảng vài chục phút cho đến vài giờ sau khi ăn.
Mỗi người có thể bị kích ứng, dị ứng với một hoặc một số loại thực phẩm khác nhau. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA), có hơn 160 loại thực phẩm có khả năng gây kích ứng, dị ứng cao. Cũng theo thống kê của FDA, 90% những trường hợp kích ứng, dị ứng ngoài da có liên quan đến một số nhóm thực phẩm sau:
- Sữa và các thực phẩm từ sữa.
- Một số loại trứng.
- Một số loại cá nước ngọt và cá nước mặn.
- Các loại hải sản, động vật có vỏ, giáp xác như tôm, cua,…
- Một số loại hạt như đậu phộng, đậu nành.
- Lúa mì và một số thực phẩm giàu tinh bột khác.
4. Viêm da dị ứng do di truyền
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Eczema Quốc gia (National Eczema), nếu trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh ngoài da và một số bệnh mãn tính thì khả năng con bị viêm da cơ địa sẽ cao hơn so với bình thường. Huyết thống càng gần thì tỉ lệ viêm da dị ứng do di truyền càng cao hơn. Những trường hợp cả bố lẫn mẹ đều có tiền sử mắc bệnh ngoài da thì con cái có trên 50% nguy cơ di truyền viêm da dị ứng.
5. Viêm da dị ứng do cơ địa
Những trường hợp người có làn da nhạy cảm thường dễ bị kích ứng, dị ứng cũng như có nguy cơ bùng phát bệnh ngoài da cao hơn so với những trường hợp khác. Da nhạy cảm rất dễ kích ứng với những yếu tố xung quanh như thời tiết, môi trường sống, môi trường làm việc, các yếu tố tiếp xúc với da thường xuyên,… Đây là những điều kiện có thể làm cho viêm da dị ứng bùng phát mạnh hơn.
Viêm da dị ứng là một trong những bệnh ngoài da có thể gặp phải do nhiều nguyên nhân trong cuộc sống, sinh hoạt. Chủ động phòng tránh những nguyên nhân gây ra viêm da dị ứng là một trong những biện pháp giúp bạn tránh được căn bệnh ngoài da khó chịu này.
Thông tin tham khảo trong bài viết không có giá trị thay thế cho việc chẩn đoán, hướng điều trị, toa thuốc của bác sĩ điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!