Hướng dẫn cách bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ
Bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ có tác dụng kích thích lưu thông máu, giảm chèn ép và cải thiện cơn đau nhức. Phương pháp này giúp kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa chuyển biến của bệnh và ít khi gây ra tác dụng phụ.
Tác dụng của bấm huyệt đối với thoái hóa đốt sống cổ
Bấm huyệt là phương pháp điều trị có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Phương pháp này bao gồm các động tác xoa bóp và day ấn vào các huyệt đạo có mối liên hệ với cơ quan bị tổn thương. Chính vì vậy, xoa bóp bấm huyệt có khả năng giải phóng chèn ép, tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện cơn đau.
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý do quá trình lão hóa xương khớp gây ra. Khi đốt sống bị thoái hóa, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, thường xuyên mỏi cổ và giảm phạm vi chuyển động.
Đây là bệnh mãn tính chưa thể chữa trị dứt điểm. Vì vậy, người bệnh buộc phải thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu.
Hầu hết các bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ đều được điều trị nội khoa trước khi can thiệp phẫu thuật. Bên cạnh việc sử dụng thuốc giảm đau, bệnh nhân có thể kết hợp với xoa bóp bấm huyệt để làm giảm cơn đau và cải thiện đốt sống.
Bấm huyệt có khả năng làm giảm cơn đau nhưng không gây tổn thương lên các cơ quan khác trong cơ thể. Tuy nhiên người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện phương pháp này. Bấm huyệt không đúng cách có thể gây tổn thương đốt sống và khiến quá trình thoái hóa diễn ra nhanh chóng.
Ngoài ra, bệnh nhân cần ý thức phương pháp này chỉ có vai trò hỗ trợ. Do đó để sống hòa hợp với bệnh thoái hóa đốt sống cổ, cần kết hợp bấm huyệt với các biện pháp chuyên sâu và lối sống khoa học.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng châm cứu
Hướng dẫn cách xoa bóp bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ
Trước khi tiến hành bấm huyệt, người bệnh nên xoa bóp vùng cổ để làm giãn cơ, kích thích máu tuần hoàn và giảm hiện tượng co cơ bắp.
1. Xoa bóp đốt sống cổ
Thực hiện xoa bóp đốt sống cổ theo các bước sau đây:
- Xát cổ: Sử dụng tay phải chà xát lên cổ trái, thực hiện từ trên xuống dưới. Tiếp tục tương tự với tay trái. Thực hiện mỗi bên 15 lần.
- Xát gáy: Đan các ngón tay của hai bàn tay với nhau, thực hiện chà xát ở gáy từ trên xuống dưới. Thực hiện trong khoảng 10 – 12 lần.
- Xát vùng xương bả vai: Cúi đầu về phía trước, sử dụng tay chà xát lên vùng bả vai. Thực hiện ở cả hai bên, mỗi bên từ 10 – 15 lần.
- Véo gân vùng dưới cánh tay: Vùng dưới cánh tay có chứa các cơ gân và dây thần kinh quan trọng. Để giảm cơn đau do thoái hóa đốt sống cổ, nên dùng ngón tay cái và ngón tay trở véo các gân ở vị trí này. Thực hiện ở cả hai bên.
- Bóp vùng gáy: Hơi cúi đầu về phía trước. Sử dụng hai bàn tay để bóp cơ ở hai bên cổ, thực hiện từ 10 – 15 lần.
Khi xoa bóp nên thực hiện nhẹ nhàng để kích thích tuần hoàn máu và thư giãn cơ bắp. Sử dụng lực quá mạnh có thể gây đau đớn và bầm tím.
Không nên xoa bóp quá nhanh, điều này có thể khiến cơ bắp không được làm mềm và giãn ra. Nên thực hiện đều đặn và nhẹ nhàng, nghỉ khoảng 1 phút trước khi chuyển sang động tác khác.
2. Bấm huyệt đốt sống cổ
Bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ tập trung vào các huyệt như huyệt á thị, kiên tỉnh, hậu khê và phong trì.
- Huyệt á thị: Huyệt á thị tương ứng với vị trí đau của bệnh nhân. Để xác định được huyệt này, cần ấn đầu ngón tay vào các đốt sống để tìm được điểm gây đau. Sau khi tìm được huyệt này, nên day ấn ngón tay trong khoảng 1 – 2 phút.
- Huyệt phong trì: Nằm ở vị trí lõm giữa cơ ức, đòn, chũm và phần trên của cơ thang. Sử dụng hai ngón tay đặt vào huyệt kiên tỉnh, 4 ngón còn tay ôm lấy đầu. Dùng một lực vừa phải ấn nhẹ vào huyệt, tăng lực cho đến khi có cảm giác nóng (thời gian từ 1 – 2 phút).
- Huyệt hậu khê: Nằm ở phía sau đầu, ở nếp ngang thứ hai của ngón tay út khi bàn tay hơi nắm lại. Dùng ngón tay cái bấm vào huyệt đối diện huyệt hậu khê và ngược lại (thực hiện trong 1 – 2 phút).
- Huyệt kiên tỉnh: Nằm ở chỗ lõm đỉnh vai khi dơ ngang tay. Sử dụng ngón trỏ bấm huyệt bên đối diện trong khoảng 1 – 2 phút.
Khi bấm huyệt nên dùng đầu ngón tay có nhiều lực (ngón cái, ngón trỏ), đồng thời nên bấm vuông góc với huyệt để tác động trực tiếp đến huyệt.
Vùng đốt sống cổ có chứa nhiều dây thần kinh quan trọng, do đó người bệnh cần lựa chọn chuyên viên có tay nghề cao để thực hiện. Bấm huyệt tại các cở y tế nhỏ lẻ có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
3. Bài tập cho cổ
Ngoài việc xoa bóp bấm huyệt, bạn có thể tự thực hiện các bài tập cổ ngay tại nhà để cải thiện phạm vi chuyển động của đốt sống và giảm thiểu cơn đau.
- Khởi động: Nghiêng cổ từ trái sang phải, mỗi bên thực hiện khoảng 10 lần. Tiếp tục cúi cổ về phía trước – cố gắng kéo cổ xuống sát ngực, sau đó ngửa cổ về phía sau, thực hiện từ 10 – 12 lần.
- Xoay cổ: Hơi cúi đầu về phía trước và xoay cổ theo chiều kim đồng hồ. Thực hiện khoảng 5 lần.
- Nhấc vai: Nhấc vai trái khoảng 10 lần, thực hiện tương tự với vai phải. Sau đó thực hiện cùng lúc hai bên vai khoảng 10 lần.
Nên thực hiện những bài tập này vào mỗi buổi sáng và trước khi ngủ để hạn chế tình trạng cứng khớp. Ngoài ra bạn cũng có thể thực hiện nếu cơn đau và các triệu chứng mỏi cổ, cứng cổ xuất hiện trong thời gian làm việc.
Ngoài phương pháp bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ, bạn nên kết hợp với các biện pháp khác để kiểm soát cơn đau và các triệu chứng đi kèm. Bên cạnh đó, cần trao đổi với bác sĩ để thiết lập chế độ dinh dưỡng, luyện tập và sinh hoạt hợp lý nhằm hỗ trợ quá trình điều trị.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- 5 bài thuốc chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng Đông y
- Mổ thoái hóa đốt sống cổ – những điều cần biết trước khi mổ
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!