Thoái hóa đốt sống cổ là gì? Cách chẩn đoán và điều trị
Thoái hóa đốt sống cổ thường xảy ra ở những người cao tuổi. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc của cột sống mà còn chèn ép, gây tổn thương lên dây thần kinh, tủy sống và các cơ quan lân cận.
Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Cột sống được tạo thành từ 24 đốt sống. Các đốt sống này kết nối với nhau nhằm giúp cơ thể di chuyển và bảo vệ tủy sống. Trong đó, 7 đốt sống đầu tiên được gọi là đốt sống cổ.
Thoái hóa đốt sống cổ là thuật ngữ y học chỉ sự hao mòn của các đốt sống cổ. Thoái hóa thường là hệ quả của quá trình lão hóa, do đó phần lớn bệnh nhân mắc bệnh lý này đều có tuổi tác cao (thường trên 60 tuổi).
Nguyên nhân gây bệnh
Thoái hóa đốt sống cổ thường bắt nguồn từ quá trình lão hóa. Khi cơ thể già đi, đốt sống và đĩa đệm tạo nên cột sống có thể bị hư tổn và hao mòn. Những thay đổi này chính là nguyên nhân trực tiếp khiến tình trạng thoái hóa xuất hiện.
Đĩa đệm mất nước
Đĩa đệm là cơ quan nằm giữa mỗi đốt sống. Cơ quan này giúp giảm xóc và giảm ma sát khi cột sống vận động. Bên trong đĩa đệm chứa nhân nhầy, nhân nhầy chính là vật liệu giúp đĩa đệm duy trì khả năng đàn hồi và linh hoạt.
Tuy nhiên theo thời gian, lượng nhân nhầy có xu hướng khô dần. Điều này khiến bề dày của đĩa đệm giảm, đốt sống tiếp xúc và va chạm mạnh hơn khi vận động.
Thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm có thể bị nứt hoặc rách khiến nhân nhầy bên trong chảy ra ngoài. Nhân nhầy có thể chèn ép vào tủy sống, dây thần kinh và các đốt sống lân cận dẫn đến tình trạng tê cánh tay, đau nhức,…
Gai xương
Cột sống có xu hướng hình thành gai xương ở vị trí đĩa đệm bị tổn thương. Những gai xương này sẽ phát triển gây chèn ép vào tủy sống và các dây thần kinh lân cận.
Dây chằng cứng
Dây chằng là cơ quan kết nối các đốt sống với nhau. Dây chằng có xu hướng kéo giãn khi cột sống vận động. Tuy nhiên theo thời gian, dây chằng cột sống có thể bị cứng và thiếu linh hoạt. Điều này khiến đốt sống cổ trở nên cứng và khó khăn hơn khi chuyển động.
Ngoài những nguyên nhân trực tiếp trên, thoái hóa đốt sống cổ có thể phát triển do các yếu tố rủi ro sau:
- Tuổi tác: Thoái hóa đốt sống cổ là hệ quả của quá trình lão hóa do tuổi tác cao.
- Nghề nghiệp: Tính chất công việc ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan xương khớp. Nếu làm những công việc phải chuyển động cổ liên tục, bạn có nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ cao hơn những người bình thường.
- Chấn thương cổ: Chấn thương cổ có thể khiến đĩa đệm, dây chằng, đốt sống bị tổn thương. Tổn thương này sẽ phát triển và gây ra tình trạng thoái hóa.
- Yếu tố di truyền: Thoái hóa đốt sống cổ có xu hướng di truyền giữa những người thân cận huyết.
- Hút thuốc: Các thành phần độc hại trong khói thuốc lá có thể khiến dây thần kinh căng thẳng và làm tăng các cơn đau xương khớp.
Triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ thường không ra triệu chứng lâm sàng trong giai đoạn đầu. Chỉ khi bệnh tiến triển, các triệu chứng mới bắt đầu phát sinh. Cơn đau có thể xuất hiện thoáng qua và có xu hướng dai dẳng hơn theo thời gian.
Đôi khi, thoái hóa đốt sống cổ có thể thu hẹp không gian của tủy sống và rễ thần kinh. Nếu tủy sống và rễ thần kinh bị chèn ép, bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau:
- Đau nhói, tê bì và yếu ở tay, bả vai
- Đau nhức và cứng cổ – nhất là khi vừa ngủ dậy
- Khó khăn khi xoay, cúi đầu
- Đau đầu
- Co thắt cơ bắp ở cổ và vai
- Xuất hiện âm thanh khi bạn xoay cổ
Khi rễ thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng như mất thăng bằng, mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.
Biến chứng có thể gặp
Nếu tủy sống và rễ thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng, hai cơ quan này có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ
Trước tiên bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử bệnh lý của bạn và người thân trong gia đình. Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn kiểm tra thể chất, thực hiện xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm chức năng thần kinh.
Kiểm tra thể chất
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số hoạt động ở cổ, tay và vai nhằm kiểm tra:
- Phạm vi chuyển động của cổ
- Phản xạ và sức mạnh cơ bắp của vai, tay. Điều này giúp bác sĩ xác định xem có áp lực chèn ép lên dây thần kinh và tủy sống hay không.
Bác sĩ cũng có thể ấn nhẹ vào cổ, vai để xác định vị trí đốt sống bị thoái hóa.
Xét nghiệm hình ảnh
Bạn có thể được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm đáp ứng cho quá trình chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ.
Các xét nghiệm có thể được áp dụng, bao gồm:
- X-Quang: Xét nghiệm này cung cấp hình ảnh của cấu trúc xương. Qua hình ảnh này bác sĩ có thể quan sát được tình trạng ở đốt sống, gai xương và đĩa đệm.
- MRI (chụp cộng hưởng từ): Xét nghiệm MRI cho hình ảnh rõ nét về các mô mềm trong cơ thể, chẳng hạn như đĩa đệm, cơ bắp, tủy sống và dây thần kinh. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ xác định các mô mềm có bị tổn thương hay không.
- CT (chụp cắt lớp vi tính): Chụp CT giúp bác sĩ quan sát rõ hơn tình trạng của đốt sống.
- Myelogram: Khi thực hiện xét nghiệm này, bạn sẽ uống thuốc nhuộm để hình ảnh của tủy sống và rễ thần kinh được hiện lên rõ ràng hơn.
Xét nghiệm chức năng thần kinh
Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm chức năng thần kinh để xác định mức độ chèn ép của đốt sống thoái hóa.
Các xét nghiệm chức năng thần kinh phổ biến:
- EMG (điện cơ): Điện cơ được thực hiện nhằm đo xung điện của cơ bắp. Bằng chỉ số xung điện bác sĩ có thể đánh giá được hoạt động của dây thần kinh xung quanh đốt sống cổ.
- Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Các điện cực được gắn vào da trên dây thần kinh cổ. Khi điện cực phát xung điện, bác sĩ sẽ đo cường độ và tốc độ tín hiệu của dây thần kinh.
Phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Mặc dù thoái hóa đốt sống cổ không thể điều trị dứt điểm, nhưng hầu hết các triệu chứng đều đáp ứng tốt với điều trị nội khoa. Rất ít trường hợp phải can thiệp ngoại khoa.
1. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị nội khoa được chỉ định đầu tiên. Các bài tập vật lý trị liệu có thể giảm cơn đau và kiểm soát các triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Tác động vật lý từ các bài tập này còn hỗ trợ xương khớp phục hồi và làm chậm quá trình thoái hóa.
Nếu cơn đau phát sinh, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện các biện pháp giảm đau an toàn như chườm nóng, massage trị liệu,…
Vật lý trị liệu không tác động trực tiếp đến cơn đau, vì vậy bạn cần kiên trì thực hiện phương pháp này trong khoảng 6 – 8 tuần.
2. Dùng thuốc
Bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau, chống viêm để làm giảm cơn đau do thoái hóa đốt sống cổ gây ra.
Dựa vào mức độ và tần suất cơn đau ở từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bạn nên trình bày tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe để được cân nhắc loại thuốc phù hợp.
Các loại thuốc có thể được sử dụng trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ:
Thuốc giảm đau thông thường
Acetaminophen là loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ. Loại thuốc này có thể làm giảm cơn đau nhẹ và trung bình. Bác sĩ thường chỉ định loại thuốc này trước khi cho phép bạn sử dụng những loại thuốc có tác động mạnh hơn.
Acetaminophen ít gây tác dụng phụ hơn so với thuốc chống viêm không steroid. Tuy nhiên, loại thuốc này chuyển hóa hầu hết ở gan và thải trừ qua thận. Nếu có vấn đề ở hai cơ quan này, bạn nên báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng hoặc chỉ định một loại thuốc phù hợp hơn.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Khi Acetaminophen không làm giảm triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng NSAID để cải thiện. Khác với Acetaminophen, NSAID không chỉ giảm đau mà còn có khả năng giảm phản ứng sưng viêm.
Tùy vào mức độ cơn đau mà bác sĩ sẽ chỉ định loại NSAID phù hợp. Các NSAID thường được dùng trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ gồm có: Ibuprofen, Aspirin, Naproxen, Celecoxib,…
Nếu có vấn đề về dạ dày, bạn nên cân nhắc khi sử dụng nhóm thuốc này. NSAID kích thích mạnh lên cơ quan tiêu hóa và có khả năng gây loét, xuất huyết dạ dày.
Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ được chỉ định khi cơ bắp bị chèn ép dẫn đến co thắt thụ động.
Hiện tượng co thắt cơ bắp có thể dẫn đến tình trạng co cứng cơ và phát sinh cơn đau. Thuốc giãn cơ được sử dụng có thể là Cyclobenzaprine hoặc Carisoprodol.
Corticosteroid
Nếu cơn đau nghiêm trọng và không đáp ứng với các loại thuốc trên, bác sĩ có thể yêu cầu bạn dùng Corticosteroid trong thời gian ngắn.
Trong trường hợp Corticosteroid đường uống không cải thiện được cơn đau, bạn có thể được đề nghị tiêm steroid.
Corticosteroid gây ức chế hoạt động miễn dịch, vì vậy thuốc chỉ được sử dụng khi có yêu cầu từ bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc chống trầm cảm
Nhóm thuốc này có tác dụng an thần và ngăn chặn tín hiệu đau từ dây thần kinh lên não.
Thuốc chống động kinh
Nếu cơn đau phát sinh do dây thần kinh cổ bị tổn thương, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống động kinh để làm giảm cơn đau. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến như: Gabapentin, Pregabalin,…
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường không được khuyến khích khi điều trị thoái hóa đốt sống cổ. Tuy nhiên trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại, đốt sống và đĩa đệm bị tổn thương nghiêm trọng, khả năng vận động giảm đáng kể,… bác sĩ có thể cân nhắc để can thiệp điều trị ngoại khoa.
Phẫu thuật có thể được áp dụng:
- Loại bỏ đĩa đệm bị thoát vị
- Cắt bỏ gai xương
- Loại bỏ một phần của đốt sống thoái hóa
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!