Bệnh Nổi Mề Đay

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh nổi mề đay xảy ra khi cơ thể dị ứng với các tác nhân nội sinh và ngoại sinh. Ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên, da sẽ nổi các sẩn, mảng kèm theo ngứa ngáy, khó chịu. Đa phần các trường hợp bị mề đay có thể tự biến mất, nhưng đôi khi cũng cần điều trị để ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tổng quan

Nổi mề đay (Hives) là bệnh da liễu phổ biến, đặc trưng bởi sang thương là các mảng, sẩn có hình tròn hoặc hình dáng bất kỳ. Các sẩn, mảng có bờ tròn, nổi cộm và có ranh giới rõ so với vùng da lành. Sang thương da do mề đay thường có màu hồng hoặc đỏ, sờ vào có cảm giác cứng chắc.

Mề đay còn được biết đến với những tên gọi khác như mày đay, phong ngứa. Bệnh lý da liễu này có liên quan đến phản ứng dị ứng với vai trò quan trọng của chất trung gian gây dị ứng (histamin). Sau khi tiếp xúc với dị nguyên, cơ thể sẽ giải phóng histamin vào trung bì gây ra hiện tượng giãn mạch và tăng tính thấm mao mạch. Đây là cơ chế trực tiếp làm da xuất hiện các đốm, sẩn, mảng đi kèm với cảm giác ngứa ngáy.

nổi mề đay là gì
Thống kê cho thấy, mỗi người sẽ bị nổi mề đay ít nhất 1 lần trong đời

Phần lớn trường hợp nổi mề đay đều lành tính, thuyên giảm nhanh sau 24 - 48 giờ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mề đay dai dẳng, mãn tính ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Ở một số ít trường hợp, mề đay có thể là dấu hiệu cảnh báo phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) đe dọa đến tính mạng.

Về bản chất, mề đay là phản ứng da lành tính. Ảnh hưởng lớn nhất của bệnh là ngứa ngáy, khó chịu và làm giảm yếu tố thẩm mỹ của da. Tuy nhiên, mề đay liên quan đến phản ứng dị ứng nên cần phải chú ý để tránh sốc phản vệ và các vấn đề sức khỏe đi kèm.

Phân loại bệnh

Nổi mề đay là biểu hiện ngoài da vô cùng phổ biến và mỗi người sẽ gặp phải tình trạng này ít nhất 1 lần trong đời. Dựa vào thời gian tiến triển, mày đay được chia thành 2 loại:

Mề đay cấp tính

Mề đay cấp tính là tình trạng mày đay khởi phát đột ngột, triệu chứng rầm rộ gây ngứa ngáy nhiều. Tuy nhiên, sang thương da có thể biến mất hoàn toàn chỉ sau vài giờ đến vài ngày mà không để lại sẹo hay bất cứ dấu vết nào.

phân loại mề đay
Mề đay cấp tính có đặc điểm là khởi phát đột ngột, rầm rộ nhưng thuyên giảm nhanh sau vài giờ đến vài ngày

Mề đay cấp tính được xác định khi sang thương da kéo dài không quá 6 tuần. Khoảng 80% trường hợp bị mề đay thuộc dạng cấp tính.

Mề đay mãn tính

Mề đay mãn tính chiếm khoảng 5 - 10% các trường hợp mắc bệnh. Dạng mày đay này được xác định khi triệu chứng kéo dài quá 6 tuần. So với mề đay cấp, mề đay mãn tính khởi phát triệu chứng không quá đột ngột nhưng dai dẳng, khó dứt điểm. Một số thời điểm sẽ có các đợt cấp xen kẽ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nổi mề đay là bệnh ngoài da có liên quan đến phản ứng dị ứng với vai trò rõ rệt của histamin. Điều này có nghĩa là triệu chứng có thể khởi phát sau khi tiếp xúc với dị nguyên. So với viêm mũi dị ứng, dị nguyên gây mày đay đa dạng và có phạm vi rộng hơn.

Không phải ai cũng có phản ứng dị ứng và nổi mề đay khi tiếp xúc với tác nhân đó. Nguyên nhân sâu xa là do cơ địa và một số vấn đề sức khỏe tiềm. Nhìn chung, nổi mề đay có nguyên nhân vô cùng đa dạng. Trong đó phổ biến nhất là những nguyên nhân, yếu tố sau:

nguyên nhân gây nổi mề đay
Tiếp xúc với nọc độc, dịch tiết của động vật là một trong những nguyên nhân gây nổi mề đay

  • Cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng
  • Tiếp xúc với nhựa của các loài thực vật và dịch, nọc đọc của các loài động vật
  • Dị ứng thuốc (thường gặp nhất là kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid)
  • Các tác nhân vật lý cũng có khả năng gây nổi mề đay như nóng, lạnh, tiếp xúc với tia cực tím, tia xạ, gió, hơi lạnh,...
  • Các tác nhân cơ học (gãi cào, ma sát, đè, ấn,...)
  • Dị ứng thức ăn (thường là dị ứng hải sản, sữa, thực phẩm chứa gluten, casein, đậu phộng, mè,...).
  • Tâm lý căng thẳng, xúc động mạnh
  • Cơ thể suy nhược, gắng sức quá mức
  • Các bệnh hệ thống làm gia tăng nguy cơ nổi mề đay bao gồm Reticulose, Amyloidosis, Collagenose,...
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nhiễm ký sinh trùng,...

Tất cả các yếu tố kể trên đều có thể gây nổi mề đay. Các yếu tố này khiến cho hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm và phản ứng lại bằng cách giải phóng kháng nguyên, chất dị ứng vào các mô. Với mề đay, vai trò quan trọng nhất thuộc về chất trung gian gây dị ứng histamin.

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng của nổi mề đay rất dễ nhận biết. Biểu hiện bệnh đa dạng, trong đó có một số trường hợp ít gặp và khó nhận biết. Đặc điểm chung của mề đay là khởi phát đột ngột, rầm rộ nhưng biến mất nhanh, không để lại sẹo hay bất cứ dấu vết gì.

Các triệu chứng nhận biết bệnh nổi mề đay:

  • Da xuất hiện các đốm sẩn hoặc mảng màu hồng, đỏ với kích thước đa dạng.
  • Sẩn, mảng do mề đay gây ra có đặc biệt là nổi cộm, ranh giới rõ với vùng da lành, sờ vào có cảm giác cứng chắc và trung tâm của sang thương có màu trắng đục.
  • Mề đay thường sẽ xuất hiện ở những khu vực tiếp xúc với dị nguyên. Với phản ứng dị ứng toàn thân (thuốc, thức ăn, thời tiết...), mề đay thường xuất hiện trên diện rộng.
  • Sang thương da do mề đay sẽ đi kèm với triệu chứng cơ năng là ngứa nhẹ cho đến ngứa dữ dội. Một số trường hợp có biểu hiện nóng rát, đỏ bừng thoáng qua.
  • Có biểu hiện phù dưới da nếu mề đay xuất hiện ở những vùng da mỏng, chùng như mí mắt, môi và vùng kín.

Mề đay có thể đi kèm với các triệu chứng hô hấp (ngứa mũi, nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa cổ họng,...) và rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, khó chịu vùng thượng vị). Triệu chứng của bệnh khá đa dạng, phụ thuộc vào cơ địa, thể trạng của người bệnh và tác nhân gây dị ứng.

nguyên nhân gây nổi mề đay
Nên chủ động thăm khám nếu mề đay kéo dài, không thuyên giảm sau khi dùng thuốc không kê toa

Như đã đề cập, nổi mề đay có thể là dấu hiệu cảnh báo sốc phản vệ. Vì vậy, cần gọi cấp cứu ngay khi có các triệu chứng như:

  • Nổi mề đay
  • Khó thở, sưng cổ họng
  • Buồn nôn
  • Tụt huyết áp
  • Đau đầu
  • Ngất xỉu

Đa số các trường hợp nổi mề đay đều tự thuyên giảm hoặc giảm nhanh sau khi dùng thuốc. Nếu nhận thấy sang thương da không biến mất sau khoảng 4-5 ngày, chủ động thăm khám là điều nên làm.

Chẩn đoán mề đay chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng giống như các bệnh da liễu khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khai thác bệnh sử cá nhân, tiền sử gia đình và yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng (xét nghiệm máu, tìm Cryoglobulin do lạnh, đo nồng độ IgE và Eosin do dị ứng,...).

Biến chứng và tiên lượng

Mề đay là bệnh da liễu rất thường gặp, có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ trẻ nhỏ cho đến người cao tuổi. Phần lớn các trường hợp nổi mày đay đều thuyên giảm nhanh mà không cần điều trị. Số khác có thể kiểm soát triệu chứng bằng thuốc và các biện pháp chăm sóc tại nhà.

Tuy nhiên, vẫn có khoảng 5-10% trường hợp tiến triển thành mề đay mãn tính. Đa phần những trường hợp này đều có liên quan đến các bệnh hệ thống, nhiễm ký sinh trùng và một số không thể xác định được nguyên nhân (gọi là mề đay vô căn).

Mề đay là bệnh da liễu lành tính nhưng gây ngứa ngáy dai dẳng. Với những trường hợp mề đay mãn tính, sẽ không tránh khỏi cảm giác khó chịu, bứt rứt. Mức độ ngứa ngáy gia tăng khi thời tiết lạnh/ nóng, ma sát do cào gãi, mặc quần áo chật,... Cảm giác ngứa ngáy kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, giảm khả năng tập trung khi làm việc, học tập,... Ngoài ra, các sẩn, mảng do mề đay gây ra cũng ảnh hưởng đến ngoại hình.

Nhìn chung, mề đay chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ da và cảm giác khó chịu do ngứa ngáy kéo dài. Về bản chất, bệnh lý này không nguy hiểm và không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, mề đay có thể cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng như sốc phản vệ, dị ứng thời tiết, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn,...

Trường hợp mề đay mãn tính, bắt buộc phải thăm khám để xác định nguyên nhân toàn diện. Bởi đa phần những trường hợp này đều có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Điều trị

Mề đay khởi phát do tiếp xúc với dị nguyên nên bắt buộc phải hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Có thể dùng một số loại thuốc bôi, thuốc uống để giảm ngứa và cải thiện sang thương da.

Trường hợp mề đay mãn tính cần phải xác định nguyên nhân để điều trị tận gốc. Dù nguyên nhân khá đa dạng nhưng nếu được điều trị sớm và tích cực, đa phần các trường hợp đều thuyên giảm hoàn toàn.

Điều trị tại chỗ

Mề đay cấp tính có thể tự thuyên giảm sau vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, nếu có cảm giác ngứa và nóng rát, có thể dùng một số loại thuốc bôi. Kem bôi thường chỉ được sử dụng trong trường hợp sang thương khu trú ở phạm vi nhỏ.

Các loại thuốc, kem bôi được dùng trong điều trị mề đay:

  • Thuốc bôi chứa chất kháng histamin H1
  • Thuốc bôi chứa menthol (chiết xuất bạc hà) có tác giảm ngứa, làm dịu da
  • Kem dưỡng chứa Panthenol, Glycerin, vitamin E,... giúp làm dịu da, giảm ngứa

Điều trị toàn thân

Khi mề đay xảy ra trên diện rộng, có thể dùng các loại thuốc uống. Trường hợp nhẹ, dược sĩ sẽ tư vấn dùng thuốc kháng histamin H1. Nếu tình trạng không có cải thiện, cần đến thăm khám để được bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp.

điều trị nổi mề đay
Dùng thuốc có thể làm giảm sang thương và cảm giác ngứa ngáy do nổi mề đay gây ra

Các loại thuốc uống được dùng trong điều trị nổi mề đay:

  • Thuốc kháng histamin H1 (Chlorpheniramine, Fexofenadine, Desloratadine, Cetirizine, Levocetirizine…)
  • Thuốc kháng histamin H2 (được dùng kết hợp với thuốc kháng histamin H1 để tăng hiệu quả)
  • Corticoid đường uống (dùng ngắn hạn trong mề đay cấp có triệu chứng nặng)
  • Thuốc kháng cholinergic
  • Trường hợp mề đay mãn tính có thể được chỉ định dùng kèm viên uống bổ sung vitamin, khoáng chất để nâng cao hệ miễn dịch.

Điều trị các bệnh tiềm ẩn

Nổi mề đay có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe như nhiễm giun sán, nhiễm trùng tai mũi họng, nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh hệ thống,... Trường hợp mề đay kéo dài, không thuyên giảm sau khi dùng thuốc, nên thăm khám tổng quát để xác định bệnh lý tiềm ẩn.

Điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn sẽ giúp kiểm soát mề đay và các phản ứng về da khác. Nếu chỉ tập trung dùng thuốc giảm triệu chứng, tình trạng mề đay có thể không mang lại cải thiện như mong đợi.

Các biện pháp chăm sóc

Tương tự như các bệnh cơ địa khác, cần phải thực hiện thêm các biện pháp chăm sóc để kiểm soát mề đay hiệu quả. Với những trường hợp mề đay nhẹ, không nhất thiết phải dùng thuốc. Áp dụng kịp thời các biện pháp chăm sóc có thể giảm đáng kể triệu chứng.

Các biện pháp chăm sóc, cải thiện mề đay:

  • Kiêng tiếp xúc với các tác nhân dị ứng (đã biết hoặc nghi ngờ) như hóa chất, xà phòng, phấn hoa, mạt bụi, lông chó mèo, thuốc lá,...
  • Trường hợp bị mề đay mãn tính, nên tránh thức uống chứa cồn và thuốc lá để hạn chế tình trạng tái đi tái lại.
  • Đeo khẩu trang, mặc quần áo dài tay khi ra ngoài - nhất là khi thời tiết lạnh và không khí có nhiều phấn hoa, bụi mịn.
  • Tắm nước mát, chườm khăn ẩm lên da để giảm ngứa ngáy, nóng rát.
  • Hạn chế các tác nhân khiến mề đay nặng hơn và có thể gia tăng mức độ ngứa ngáy như mặc quần áo bó sát, chất liệu vải dày cứng, cãi gào lên sang thương da,...
  • Tránh căng thẳng, ngủ nghỉ đúng giờ, ăn uống điều độ để nâng đỡ thể trạng.

Phòng ngừa

Mề đay có thể khởi phát duy nhất 1 lần trong đời nhưng cũng có thể tái đi tái lại. Để phòng ngừa bệnh tái phát, có thể thực hiện các biện pháp sau:

điều trị nổi mề đay
Đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc với mạt bụi, phấn hoa, bào tử nấm mốc,... sẽ giúp phòng ngừa mề đay và các bệnh cơ địa

  • Tránh tiếp xúc với dị nguyên là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa nổi mề đay. Không dùng thuốc, thức ăn đã từng bị dị ứng, không tiếp xúc với nọc độc, dịch tiết côn trùng và nhựa thực vật,...
  • Hạn chế ma sát bằng cách đi giày dép đúng kích cỡ, mặc quần áo rộng rãi.
  • Mặc đồ dài, đeo khẩu trang khi thời tiết trở lạnh.
  • Vệ sinh không gian sống thường xuyên.
  • Nâng cao hệ miễn dịch bằng lối sống lành mạnh, khoa học.
  • Xổ giun định kỳ 1 - 2 lần/ năm, khám sức khỏe tổng quát thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề bất thường.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nổi mề đay có lây không? Có tự hết không?

2. Nổi mề đay mẩn ngứa có nguy hiểm không?

3. Bị nổi mề đay có được tắm không?

4. Nổi mề đay mẩn ngứa có phải kiêng gió không?

5. Nổi mề đay có nên uống thuốc?

6. Ăn gì, kiêng gì để cải thiện mề đay?

7. Bị mề đay khi mang thai, cho con bú phải lưu ý gì?

8. Nổi mề đay có di truyền không?

9. Nổi mề đay cần kiêng gì?

Nổi mề đay (mày đay) là bệnh da liễu lành tính và vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát. Những thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp bạn chủ động tìm gặp bác sĩ khi cần thiết và biết cách phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.