Chlorpropamide Là Thuốc Gì? Dược Lực Học Và Lưu Ý Khi Dùng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Chlorpropamide là thuốc chống đái tháo đường thuộc nhóm Sulfonylurê. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm lượng đường huyết trong máu chủ yếu nhờ khả năng kích thích tế bào beta tuyến tụy tăng cường tiết insulin nội sinh. Cơ chế hoạt động của thuốc tương tự như những loại Sulfonylurê khác. Do đó loại thuốc này thường được sử dụng để chữa bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin (đái tháo đường tuýp 2) mà không ổn định được đường huyết bằng chế độ ăn.

Chlorpropamide là thuốc gì? Dược lực học và lưu ý khi dùng
Tìm hiểu Chlorpropamide là thuốc gì? Dược lực học, tác dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng

Thông tin cơ bản về thuốc Chlorpropamide

  • Nhóm thuốc: Thuốc chống đái tháo đường thuộc nhóm Sulfonylurê
  • Tên biệt dược: Novo Propamide, Apo chlorpropamide, Chlorpropamid 250mg
  • Dạng bào chế và hàm lượng: Viên nén bao phim, viên nén 100mg, 250mg
  • Quy cách đóng gói: Hộp 1 chai 100 viên, 1000 viên

1. Thành phần

Thuốc Chlorpropamide có thành phần chính là hoạt chất Chlorpropamide và lượng tá dược vừa đủ trong một viên nén.

2. Dược lực học và cơ chế tác dụng

Thuốc Chlorpropamide có tác dụng làm giảm lượng đường huyết trong máu chủ yếu nhờ khả năng kích thích tế bào beta tuyến tụy tăng cường tiết insulin nội sinh. Cơ chế hoạt động của thuốc tương tự như những loại Sulfonylurê khác. Cụ thể loại thuốc này chỉ phát huy tác dụng khi những tế bào beta còn một phần hoạt động.

Khi sử dụng thuốc trong nhiều ngày, các sulfonylurê còn có tác dụng tăng sử dụng glucose ở ngoại vi, tăng số lượng hoặc tính nhạy cảm của insulin ở ngoại vi và ức chế tăng tạo glucose ở gan. Thời gian tác dụng của Chlorpropamide dài nhất so với những loại sulfonylurê chống đái tháo đường hiện có.

Sau khi sử dụng, hoạt chất Chlorpropamide dễ dàng được hấp thu qua đường tiêu hóa. Sau khi uống một liều đơn trong vòng 1 giờ đồng hồ, Chlorpropamide được tìm thấy trong huyết tương và nồng độ này đạt mức cao nhất trong khoảng từ 2 đến 4 giờ. Thuốc Chlorpropamide phát huy tác dụng hạ đường huyết trong vòng 1 giờ, tác dụng đạt ở mức cao nhất trong vòng 3 đến 6 giờ, tác dụng còn tồn tại trong vòng 24 giờ sau đó.

Thuốc không tíc lũy trong huyết tương sau khi uống dài ngày. Nguyên nhân là do tốc độ đào thải và hấp thu ổn định trong khoảng từ 5 – 7 ngày. Thuốc chuyển hóa và thải trừ thông qua nước tiểu ở dạng không biến đổi và dạng thủy ngân hoặc dạng hydroxyl hóa. Khoảng 80 – 90% liều uống đơn thải trừ thông qua nước tiểu trong vòng 96 giờ. Nửa đời của thuốc Chlorpropamide khoảng 36 giờ. Thuốc liên kết mạnh với protein huyết tương.

3. Chỉ định

Thuốc Chlorpropamide được chỉ định cho những bệnh nhân bị đái tháo đường, đái tháo đường nhạt (không bao gồm dạng do thận).

Thuốc Chlorpropamide được sử dụng để chữa bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin
Thuốc Chlorpropamide được sử dụng để chữa bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin

4. Chống chỉ định

Thuốc Chlorpropamide không được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị đái tháo đường phụ thuộc insulin (đái tháo đường tuýp 1)
  • Đái tháo đường thiếu niên
  • Người bị suy gan, suy thận hoặc tuyến giáp nặng
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú
  • Dị ứng với sulfamid
  • Những người bị nhiễm khuẩn nặng, phẫu thuật lớn hoặc bị chấn thương nặng
  • Tiền hôn mê đái tháo đường, đái tháo đường nhiễm toan – ceton.

5. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Chlorpropamide

Thuốc Chlorpropamide được sử dụng bằng đường uống, uống thuốc mỗi ngày 1 lần cùng với bữa ăn sáng. Trong trường hợp kém dung nạp, người bệnh có thể chia thuốc thành 2 lần uống mỗi ngày, uống trước bữa ăn sáng và tối.

Liều dùng thuốc Chlorpropamide ở người lớn

Liều dùng thuốc Chlorpropamide ở người lớn như sau:

  • Liều trung bình: 250 – 500mg Chlorpropamide/ ngày, chia thuốc dùng 2 lần sử dụng.
  • Liều duy trì: 250mg/ ngày.
  • Liều tối đa: 750 mg/ ngày.

Liều khởi đầu thường dùng 250mg/ ngày. Giảm hoặc tăng thêm 50 – 125mg sau khoảng từ 3 – 5 ngày cho đến khi bệnh đái tháo đường được kiểm soát. Liều duy trì thường ở mức 250mg/ ngày hoặc thấp hơn (100mg/ ngày). Những trường hợp nặng cần uống 500mg/ ngày. Thông thường nếu bệnh nhân không có đáp ứng tốt với liều 500mg/ ngày thì cũng không thể đáp ứng với liều cao hơn.

Liều dùng thuốc Chlorpropamide ở người cao tuổi

Đối với người cao tuổi, bệnh nhân dễ nhạy cảm với khả năng hạ đường huyết của Chlorpropamide nên thường được dùng với liều như sau:

  • Liều khởi đầu: 100 – 125mg Chlorpropamide/ ngày, chia thuốc dùng 2 lần sử dụng. tăng thêm 50 – 125mg sau khoảng từ 3 – 5 ngày cho đến khi đạt hiệu quả kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Trong thời gian sử dụng thuốc, người bệnh cần lưu ý tiếp tục duy trì chế độ ăn kiêng dành riêng cho bệnh nhân bị đái tháo đường.

Liều khởi đầu thường dùng 250mg Chlorpropamide/ ngày
Liều khởi đầu thường dùng 250mg Chlorpropamide/ ngày, sau đó giảm hoặc tăng thêm 50 – 125mg sau khoảng từ 3 – 5 ngày

6. Độ ổn định và bảo quản

Thuốc Chlorpropamide thuộc nhóm thuốc độc bảng B. Người bệnh cần bảo quản Chlorpropamide trong bao gói kín, bảo quản dưới 40 độ C, tốt nhất là từ 15 đến 30 độ C.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Chlorpropamide

Trước khi đưa thuốc chống tiểu đường Chlorpropamide vào quá trình điều trị, bệnh nhân cần chú ý đến những điều sau đây:

1. Thận trọng khi dùng

Dùng Chlorpropamide hoặc những loại sulfonylurê khác có thể làm phát sinh tình trạng hạ glucose huyết. Để phòng ngừa, thuốc Chlorpropamide cần được sử dụng thận trọng (tốt nhất tránh dùng) cho những bệnh nhân mắc bệnh gan, thận. Nguyên nhân là do cả hai bệnh lý này đều có khả năng làm tăng nguy cơ hạ glucose huyết nghiêm trọng.

Những người thiếu dinh dưỡng, người cao tuổi, yếu ớt hoặc những người bị thiểu năng tuyến yên hay tuyến thượng thận thường rất nhạy cảm với khả năng giảm glucose huyết của những loại thuốc chống đái tháo đường. Ngoài ra khó có thể nhận ra tình trạng hạ glucose huyết ở những người đang dùng thuốc chẹn beta adrenergic và bệnh nhân cao tuổi.

Do nửa đời của thuốc Chlorpropamide dài nên những bệnh nhân có dấu hiệu hạ glucose huyết trong quá trình điều trị sẽ phải ăn nhiều bữa ít nhất trong khoảng từ 3 đến 5 ngày và phải theo dõi sát liều. Ngoài ra bệnh nhân có thể tiêm tĩnh mạch glucose và nằm viện.

Khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định theo một phác đồ điều trị nào đó mà bị những vấn đề như chấn thương, sốt, phẫu thuật hoặc nhiễm khuẩn phải nhất thời thay bằng insulin và ngừng Chlorpropamide. Bởi đối với trường hợp này, Chlorpropamide cũng như những sulfonylurê khác thường không đủ khả năng kiểm soát bệnh đái tháo đường. Người bệnh phải theo dõi định kỳ glucose niệu và glucose huyết.

Việc sử dụng Chlorpropamide cho phụ nữ đang mang thai có thể gây chậm phát triển và dị dạng thai. Để thay thế bệnh nhân sẽ được dùng các loại Insulin. Phụ nữ cho con bú cũng không nên sử dụng Chlorpropamide vì thuốc có thể bài tiết vào sữa.

Dùng Chlorpropamide có thể gây hạ glucose huyết
Dùng Chlorpropamide có thể gây hạ glucose huyết, đặc biệt là khi sử dụng thuốc sai liều hoặc có tiền sử bệnh gan, thận

2. Tác dụng phụ

Chlorpropamide gây ra những tác dụng sau trong thời gian điều trị.

Tác dụng phụ thường gặp

  • Giữ nước
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy
  • Chán ăn
  • Ngứa, ngoại ban
  • Không dung nạp rượu.

Tác dụng phụ ít gặp

  • Buồn ngủ
  • Yếu ớt
  • Co giật
  • Phù mặt
  • Chuột rút
  • Phù cổ chân hoặc tay
  • Mất ý thức
  • Suy tim sung huyết (thở nông, khó thở) ở bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh từ trước
  • Hội chứng Lyell, mề đay
  • Vàng da, ứ mật trong gan
  • Hạ glucose máu.

Tác dụng phụ hiếm gặp

  • Mất bạch cầu hạt
  • Giảm tiểu cầu
  • Thiếu máu bất sản, thiếu máu tan huyết
  • Da nhạy cảm ánh sáng
  • Enzym gan cao
  • Phù nề kèm giảm natri huyết xảy ra do hoạt tính của hormone chống lợi tiểu.

Những triệu chứng hạ glucose máu có thể khác nhau ở mỗi người bệnh và biến đổi từ tình trạng đổ nhiều mồ hôi, kích động và run, đánh trống ngực, suy giảm y thức đến hôn mê nặng. Tuy nhiên có thể không xuất hiện những triệu chứng tiền niệu mà bất tỉnh và hôn mê ngay.

3. Tương tác thuốc

Rượu và những loại thuốc dưới đây có thể tương tác với Chlorpropamide, gồm:

  • Rượu: Làm tăng nguy cơ hạ đường huyết và phản ứng giống disulfiram (đỏ bừng, nhức đầu, buồn nôn, nôn, co cứng cơ bụng, hạ đường huyết) của thuốc Chlorpropamide.
  • Thuốc tránh thai, glucocorticoid, amphetamin, barbiturat, baclofen, bumetanid, thuốc chẹn calci, salbutamol, terbutalin, hydantoin, acetazolamid, clorthalidon, furosemid, thuốc lợi tiểu thiazid, hormon tuyến giáp, ACTH, dextrothyroxin, adrenalin, acid ethacrynic: Làm tăng nồng độ glucose trong máu, cần phải điều chỉnh liều.
  • Allopurinol: Do Allopurinol có khả năng ức chế tiết Chlorpropamide ở ống thận nên có thể tăng nguy cơ hạ đường huyết, cần theo dõi chặt chẽ.
  • Steroid tăng dưỡng, androgen: Sự tương tác thuốc làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, cần điều chỉnh liều dùng thuốc đái tháo đường.
  • Dẫn xuất coumarin, Indandion, thuốc chống đông máu: Liều khởi đầu có khả năng làm tăng nồng độ của cả sulfonylurê và thuốc chống đông máu trong huyết tương. Tăng chuyển hóa sulfonylurê ở gan và giảm nồng độ thuốc chống đông máu trong huyết tương khi tiếp tục điều trị.
  • Cloramphenicol, clofibrat, các thuốc chống viêm không steroid, các chất ức chế monoaminoxydase, sulfonamid, probenecid, salicylat: Làm tăng nguy cơ hạ đường huyết do những thuốc này có khả năng đẩy sulfonylurê ra khỏi quá trình liên kết với protein huyết thanh.
  • Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta có khả năng che lấp một số triệu chứng của tình trạng hạ đường huyết như nhịp tim nhanh, đánh trống ngực). Vì thế cần phải tăng cường theo dõi bệnh nhân.
  • Ketoconazol, miconazol: Ketoconazol, miconazol có khả năng làm giảm quá trình chuyển hóa của sulfunylurê và gây hạ đường huyết nặng.
  • Rifampicin: Do kích thích những enzym ở microsom gan nên có thể làm tăng quá trình chuyển hóa của sulfunylurê. Bệnh nhân cần phải được điều chỉnh liều dùng thuốc Chlorpropamide trong và sau khi chữa bệnh với thuốc Rifampicin.
Rượu làm tăng nguy cơ hạ đường huyết và phản ứng giống disulfiram
Rượu làm tăng nguy cơ hạ đường huyết và phản ứng giống disulfiram của Chlorpropamide khi sử dụng đồng thời

4. Quá liều và cách xử lý

Triệu chứng quá liều

Việc sử dụng Chlorpropamide quá liều sẽ gây hạ glucose huyết với những triệu chứng gồm:

  • Đổ mồ hôi, liên tục ớn lạnh, giảm thân nhiệt, bồn chồn, lú lẫn
  • Da tái nhợt
  • Khó khăn trong việc tập trung suy nghĩ
  • Đói cồn cào
  • Buồn ngủ
  • Liên tục nhức đầu, đau bụng
  • Liên tục buồn nôn
  • Nhịp tim nhanh, tình trạng kích động, run, xuất hiện cơn động kinh
  • Mệt mỏi, đi không vững hoặc yếu ớt
  • Liên tục nôn
  • Thị giác thay đổi
  • Hôn mê.

Những triệu chứng nêu trên có thể kéo dài trong nhiều ngày vì thuốc thải trừ chậm.

Cách xử lý

  • Trường hợp nhẹ: Uống nước hoa quả, ăn ngay một ít đường viên glucose để điều trị hạ đường huyết, hoặc có thể uống một ly nước pha thêm 2 đến 3 thìa cà phê đường. Sau đó đến bệnh viện để thăm khám, điều chỉnh liều dùng thuốc điều trị đái tháo đường, đồng thời điều chỉnh lại khẩu phần ăn nếu cần.
  • Trường hợp nặng: Phải cấp cứu ngay khi có triệu chứng hạ đường huyết nặng. Trong trường hợp chẩn đoán hôn mê hạ glucose máu, bác sĩ sẽ dùng dung dịch ưu trương glucose 50% để tiêm truyền nhanh. Sau đó tiếp tục dùng truyền dung dịch glucose 10% để tiêm truyền với tốc độ có thể duy trì nồng độ glucose huyết ở mức trên 5,6 mmol/lít (tương đương 1000 mg/lít). Ngoài ra người bệnh cần được theo dõi sát sao ít nhất 24 đến 48 giờ. Nguyên nhân là do tình trạng hạ glucose máu có thể tái phát mặc dù về mặt lâm sàng có vẻ hồi phục. Quá trình này có thể kéo dài liên tục trong 3 đến 5 ngày hoặc lâu hơn.
Phải cấp cứu ngay khi có triệu chứng hạ đường huyết nặng
Phải cấp cứu ngay khi có triệu chứng hạ đường huyết nặng do sử dụng Chlorpropamide quá liều

Chlorpropamide được đánh giá là loại thuốc có thời gian tác dụng kéo dài nhất so với những loại sulfonylurê chống đái tháo đường hiện có. Tuy nhiên việc đưa loại thuốc này vào quá trình điều trị cần có sự hướng dẫn và điều chỉnh liều dùng từ bác sĩ chuyên khoa. Nguyên nhân là do thuốc có thể gây hạ đường huyết và nhiều tác dụng phụ khác, nhất là khi dùng sai liều, bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định hoặc dùng đồng thời với những thuốc có khả năng tương tác với Chlorpropamide.

Hạ đường huyết là gì? Dấu hiệu và cách cấp cứu nhanh

Hạ đường huyết là một tình trạng nguy hiểm. Tình trạng này có thể xảy ra khi bệnh nhân bị...

Các thuốc trị tiểu đường của Mỹ tốt nhất và giá bán

Để kiểm soát và ổn định được lượng đường trong máu hay các triệu chứng của bệnh tiểu đường thì...

Bị tiểu đường thai kỳ sau sinh có tự hết không?

Bị tiểu đường thai kỳ sau sinh có tự hết không là một trong những vấn đề mà không ít...

Đái tháo đường thứ phát là gì? Nguy hiểm không?

Đái tháo đường thứ phát là gì? Nguy hiểm không?

Đái tháo đường thứ phát có thể hình thành do một số nguyên nhân như phụ nữ mang thai, tình...

Bị tiểu đường có ăn, uống, dùng mật ong được không?

Mật ong là một loại thực phẩm chứa nhiều khoáng chất và vitamin có lợi cho sức khỏe nên được...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.