Thuốc bôi ngoài da Arotabin: Thành phần, chỉ định và tác dụng phụ
Arotabin có chứa hoạt chất Acyclovir – có khả năng ức chế virus Herpes simplex type 1 và 2. Thuốc được chỉ định trong điều trị Herpes sinh dục, Herpes môi, nhiễm trùng da và niêm mạc do virus,…
- Tên thuốc: Arotabin
- Phân nhóm: Thuốc điều trị bệnh da liễu
- Dạng bào chế: Kem bôi ngoài da
Những thông tin cần biết về thuốc Arotabin
1. Thành phần
Một tuýp thuốc Arotabin 5g có chứa Acyclovir 250mg. Thành phần này có cấu trúc tương tự nucleoside – tác dụng chọn lọc lên tế bào nhiễm virus Herpes.
Acyclovir ức chế quá trình tổng hợp DNA của virus nhằm ngăn chặn sự phát triển, tăng trưởng của virus nhưng không gây ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh.
Hoạt chất này nhạy cảm nhất trên virus Herpes simplex type 1 và kém hơn ở virus Herpes simplex type 2.
2. Chỉ định
Arotabin được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Nhiễm Herpes type 1 và 2
- Nhiễm virus có nhạy cảm với các thành phần trong thuốc
- Herpes tiền phát và tái phát ở môi và cơ quan sinh dục
- Nhiễm trùng da và niêm mạc do virus
Thuốc có thể được sử dụng với mục đích không được đề cập trong bài viết. Vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết tác dụng đầy đủ của thuốc.
Tham khảo thêm: Thuốc Aerius có tác dụng gì?
3. Chống chỉ định
Arotabin chống chỉ định với các người có tiền sử mẫn cảm và dị ứng với các thành phần trong thuốc.
Trước khi sử dụng, bạn nên trình bày với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng bệnh lý để được cân nhắc về việc dùng thuốc. Nếu nhận thấy bạn có nguy cơ khi sử dụng Arotabin, bác sĩ sẽ chỉ định một loại thuốc thích hợp hơn.
4. Cách dùng – liều lượng
Tham khảo thông tin in trên bao bì để dùng thuốc đúng cách. Không tự ý thay đổi cách dùng hay tăng giảm liều nếu không có yêu cầu từ bác sĩ chuyên khoa.
Cách dùng thuốc:
- Làm sạch sau đó lau khô tay và vùng da cần điều trị
- Sử dụng một lượng thuốc tương ứng với phạm vi da tổn thương
- Thoa thuốc nhẹ nhàng và đợi vài phút để thuốc thẩm thấu hoàn toàn
- Rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi dùng thuốc – trừ khi bạn cần điều trị tại vùng da này
Không băng kín vùng da dùng thuốc. Điều này có thể làm tăng hàm lượng thuốc được hấp thu và gây ra tác dụng toàn thân.
Liều dùng:
Liều lượng và tần suất sử dụng thuốc phụ thuộc vào mức độ của các triệu chứng, tình trạng sức khỏe và phản ứng của cơ thể với liều dùng đầu tiên,… Do đó chúng tôi khuyến khích bạn nên gặp trực tiếp bác sĩ để được cung cấp thông tin về liều dùng cụ thể.
Thông tin được đề cập trong bài viết chỉ đáp ứng cho các trường hợp phổ biến nhất. Đồng thời không có giá trị thay thế cho chỉ dẫn từ nhân viên y tế!
Liều dùng thông thường khi điều trị Herpes sinh dục
- Dùng thuốc 6 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau 4 giờ đồng hồ
- Thời gian điều trị: 7 ngày
Liều dùng thông thường khi điều trị nhiễm virus Herpes thông thường
- Dùng thuốc 5 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau 4 giờ đồng hồ
- Thời gian điều trị: 5 ngày
- Có thể kéo dài thời gian điều trị lên đến 10 ngày nếu triệu chứng chưa dứt điểm
Trong trường hợp bạn nhận thấy liều dùng thông thường không đáp ứng được các triệu chứng, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc.
5. Bảo quản
Vặn chặt nắp sau khi sử dụng. Bảo quản thuốc ở nhiệt độ thoáng mát (dao động từ 15 – 30 độ C), tránh nơi ẩm thấp và ánh nắng trực tiếp. Tránh để thuốc trong tầm với của trẻ em và thú nuôi.
Không tiếp tục sử dụng khi nhận thấy thuốc có dấu hiệu hư hại, biến chất hoặc hết hạn. Tham khảo thông tin in trên bao bì để xử lý thuốc đúng cách. Không vứt thuốc vào nguồn nước hay môi trường tự nhiên.
Tham khảo thêm: Thuốc trị bệnh herpes Acrovy: cách sử dụng, liều lượng và tác dụng phụ
Những điều cần lưu ý khi sử dụng Arotabin
1. Thận trọng
Tránh để thuốc dính vào mắt, miệng và âm đạo. Những vùng da này rất nhạy cảm và có khả năng bị kích ứng mạnh nếu tiếp xúc với hoạt chất có trong thuốc.
Chưa có nghiên cứu cụ thể tác dụng không mong muốn của thuốc đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Cần trao đổi với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng thuốc.
Arotabin chỉ có tác dụng với virus. Nếu bạn mắc bệnh da liễu do nhiễm vi khuẩn/ vi nấm, việc sử dụng loại thuốc này sẽ không đem lại kết quả như mong đợi.
Trong trường hợp Arotabin không đáp ứng được triệu chứng, bạn nên thông báo với bác sĩ để xem xét lại chẩn đoán và chỉ định loại thuốc phù hợp hơn.
2. Tác dụng phụ
Arotabin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn trong thời gian sử dụng. Hầu hết các triệu chứng này đều thuyên giảm sau khi điều chỉnh liều hoặc ngưng thuốc. Nếu nhận thấy triệu chứng tiếp tục kéo dài và có xu hướng nặng nề hơn, bạn nên báo với bác sĩ để được khắc phục kịp thời.
Tác dụng phụ của thuốc:
- Có cảm giác bỏng (tạm thời)
- Da bong vảy
- Da khô
- Ban đỏ
- Ngứa da
- Viêm da tiếp xúc
Bạn có thể gặp phải các triệu chứng không được đề cập trong bài viết. Trong trường hợp này, cần chủ động báo với bác sĩ để được chẩn đoán và khắc phục. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để điều trị các tác dụng phụ do Arotabin gây ra.
Tham khảo: Thuốc Medrol có tác dụng gì?
3. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc là hiện tượng thành phần trong các loại thuốc phản ứng với nhau. Hiện tượng này làm thay đổi hoạt động của thuốc khiến tác dụng điều trị suy giảm, hoặc làm phát sinh những triệu chứng nghiêm trọng.
Trước khi sử dụng, bạn nên trình bày những loại thuốc mình đang dùng (bao gồm: thuốc uống, thuốc tiêm, vitamin và thảo dược) để được cân nhắc về tương tác có thể phát sinh.
Nếu nhận thấy có tương tác, bác sĩ có thể yêu cầu:
- Ngưng một trong hai loại thuốc
- Thay thế bằng một loại thuốc khác
- Điều chỉnh liều lượng và tần suất sử dụng
4. Cách xử lý khi dùng thiếu hoặc quá liều
Khi dùng thiếu liều: Sử dụng thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu sắp đến thời điểm dùng liều tiếp theo, bạn nên bỏ qua và dùng liều sau theo đúng kế hoạch. Không dùng gấp đôi để bù liều.
Việc dùng thiếu liều không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên tình trạng lặp lại thường xuyên khiến thuốc mất tác dụng hoàn toàn, triệu chứng bệnh không được điều trị dứt điểm.
Khi dùng quá liều: Dùng quá liều có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng. Khi nhận thấy mình sử dụng quá liều lượng khuyến cáo, bạn nên thông báo với bác sĩ để nhận được tư vấn chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm
- Mizolastine là thuốc gì?
- Kem lá trầu không Pizkie Cream có công dụng gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!