Tràn dịch khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và thuốc điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Vật Lý Trị LiệuGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Tràn dịch khớp gối xảy ra do sự tích tụ chất lỏng dư thừa trong hoặc xung quanh khớp gối, gây sưng. Những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, điều trị sau đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về bệnh lý này. 

bệnh tràn dịch khớp gối
Tràn dịch khớp gối – nguyên nhân, triệu chứng, điều trị.

I- Tràn dịch khớp gối là gì?

Cấu tạo cơ thể đã khiến cho chúng ta có một lượng nhỏ nước ở trong khớp gối (và các khớp khác). Chất lỏng đó hoạt động như một chất bôi trơn, giúp giảm ma sát và thúc đẩy quá trình xoay khớp được trơn tru.

Dịch khớp nằm trong bao chứa dịch khớp, tràn dịch khớp xảy ra khi có quá nhiều dịch dư thừa tích tụ xung quanh khớp.Tất cả các khớp trong cơ thể đều có thể bị tràn dịch, khi điều này xảy ra ở đầu gối thì được gọi là tràn dịch khớp gối.

Tràn khớp gối có tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cụ thể, bệnh không chỉ khiến cho khớp gối sưng to ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà còn mang đến cảm giác đau rát rất khó chịu và ngăn cản những hoạt động thường ngày. Tràn khớp gối cần được điều trị càng sớm thì càng mang lại hiệu quả cao.

II- Triệu chứng của bệnh tràn dịch khớp gối

Tuy có thể xảy ra ở hầu hết các khớp trên cơ thể nhưng tràn dịch khớp gối chỉ thường xuất hiện ở đầu gối. Khi bị tràn khớp gối, bạn sẽ cảm thấy một cảm giác nặng nề ở đầu gối. Quan sát bằng mắt thường sẽ thấy đầu gối phồng lên, sưng to lên so với người bình thường.

Đi kèm với dấu hiệu mang tính đặc trưng trên là các triệu chứng sau đây:

  • Da đỏ và sưng ở quanh xương bánh chè (xương đầu gối) của bạn, màu đỏ nhìn thấy rất rõ ràng.
  • Khớp bị cứng lại, rất khó khăn trong việc duỗi thẳng và uốn cong. Khớp đặc biệt cứng vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy với thời gian cứng kéo dài từ 30 phút -1h đồng hồ.
  • Cảm giác đau càng lúc càng tăng lên, từ đau châm chích đến đau nhức theo độ sưng của khớp. Đặc biệt, khi bệnh nhân thực hiện các động tác đặt trọng lượng lên đầu gối thì cơn đau càng dữ dội hơn.
  • Sờ vào đầu gối thấy ấm. Mặc dù đối với các loại viêm khớp thì cũng xảy ra tình trạng này, nhưng tràn dịch khớp gối sẽ khiến cho vùng da bị phù lên sờ vào thấy ấm và hơi mềm như có ứ nước.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể bị sốt nhẹ, co giật và hay cảm thấy mệt mỏi. Nếu tràn dịch khớp gối có nguyên nhân từ chấn thương thì sẽ có vết bầm tím ở mặt trước, sau và 2 bên đầu gối.

Vậy, khi nào thì bệnh nhân bị tràn dịch khớp gối cần được đưa đến để gặp bác sĩ? Câu trả lời có ngay sau đây:

  • Có những chấn thương đặc biệt nghiêm trọng ở đầu gối.
  • Không thể xoay, uốn cong, duỗi đầu gối trong nhiều giờ liền.
  • Không thể đứng lên, đi lại trong hơn 30 phút.
  • Cảm giác đau đầu gối ngày càng dữ dội, đến mức không thể chịu được.
triệu chứng của tràn dịch khớp gối
Người bị tràn dịch khớp gối sẽ bị đau, nóng và sưng to ở đầu gối.

III- Nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối

Bạn cần biết, chất lỏng bị tràn ra khỏi bao dịch khớp được hình thành từ các tế bào bạch cầu cùng một số hoạt chất khác, chúng giải phóng và kết hợp với các tế bào hồng cầu, chất bôi trơn tự nhiên. Khi chúng ta bị chấn thương đầu gối, phản ứng đầu tiên của cơ thể là sản xuất ra chất lỏng để nhanh chóng bảo vệ.

Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến khiến cho đầu gối của bạn bị tích nước:

  • Các chấn thương lặp đi lặp lại ở đầu gối, thời gian nghỉ ngơi sau chấn thương không đủ.
  • Rách dây chằng.
  • Gãy hoặc nứt xương đầu gối.
  • Nhiễm khuẩn.
  • Viêm xương khớp.
  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Bệnh Gout.
  • Khối u trong xương hoặc u nang.
  • Thừa cân, tăng cân đột ngột.

Trong đó, cân nặng vượt quá mức cho phép sẽ khiến cho khớp gối bị hao mòn do phải nâng đỡ. Theo thời gian chống đỡ quá sức, các khớp sẽ tự sản xuất ra chất lỏng khớp dư thừa.

Có một sự thật là bất cứ ai cũng có nguy cơ bị tràn dịch khớp gối. Song, có một số vấn đề có thể làm tăng khả năng mắc bệnh của bạn, bao gồm:

  • Tuổi tác: Khi chúng ta già đi, các khớp sẽ bắt đầu lão hóa. Quá trình lão hóa khiến cho các khớp mất đi sự dẻo dai và làm chậm lại quá trình tái sản sinh tế bào mới. Đó cũng là lí do các bệnh nhân bị tràn dịch khớp gối rơi vào độ tuổi trung niên trở lên.
  • Tập thể thao: Tập thể dục tốt cho khớp gối, nhưng có nhiều môn thể thao chẳng hạn như quyền anh, bóng rổ, điền kinh, tennis, bóng đá v.v…rất dễ gây ra những tổn thương cho đầu gối.
  • Đặc thù công việc: Một số công việc đòi hỏi chúng ta phải sử dụng đầu gối khá thường xuyên, đứng lâu hoặc ngồi lâu, di chuyển nhiều, mang vác vật nặng v.v…sẽ tăng nguy cơ tích tụ dịch khớp.

Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác gây ra bệnh tràn dịch khớp gối chưa được liệt kê ở trên, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để biết thêm chi tiết.

IV- Tràn dịch khớp gối được chẩn đoán như thế nào?

Để có thể chẩn đoán được bạn có thật sự có bị tràn dịch khớp gối hay không, bạn cần cung cấp cho bác sĩ về tiền sử bệnh của mình. Bao gồm tất cả các vấn đề trước đây đã xảy ra với đầu gối, những hoạt động thể chất mà bạn đã tham gia (vì nó có thể để tác động xấu đến đầu gối của bạn). Phạm vi chuyển động của bạn cũng sẽ được kiểm tra một cách cẩn thận.

Bước tiếp theo, bác sĩ sẽ đề nghị được rút chất lỏng từ đầu gối (còn gọi là hút dịch khớp) để kiểm tra. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách chèn một cây kim dài và mỏng vào trong khớp gối đang bị sưng của bạn và kéo một ít chất lỏng ra. Thời gian để hút dịch khớp kéo dài chưa đến 20 phút.

chẩn đoán tràn dịch khớp gối
Bác sĩ sẽ dùng một số kỹ thuật để có thể chẩn đoán một người có bị tràn dịch khớp gối hay không.

Sau quá trình xét nghiệm chất lỏng, bác sĩ có thể xác định được các vấn đề dưới đây:

  • Các vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng khớp.
  • Tinh thể, Protein, Glucose.
  • Tình trạng của các tế bào máu.

Loại bỏ một lượng nhỏ chất lỏng cũng có thể làm giảm áp lực ở đầu gối của bạn nhưng đây không phải là giải pháp có thể áp dụng về lâu dài.

Bên cạnh đó, các xác nghiệm hình ảnh như chụp X-Quang, MRI, chụp CT, siêu âm có thể giúp bác sĩ điều trị xác định được nguyên nhân gây bệnh một cách chính xác hơn. Cụ thể:

  • Chụp X-Quang: Kỹ thuật này sẽ giúp cho bác sĩ quan sát được cấu trúc của khớp gối ở bên trong, từ đó xem xét lí do dẫn đến sự tích tụ bất thường của dịch khớp. Đồng thời loại trừ được nguyên nhân gãy xương, trật khớp gối hoặc các chấn thương khác.
  • Siêu âm: Viêm khớp và viêm dây chằng sẽ được xác định có phải là nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối hay không, sau khi bác sĩ tiến hành siêu âm.
  • MRI: Trong trường hợp các kỹ thuật trên không đưa ra kết quả chính xác, MRI sẽ được áp dụng. Kỹ thuật này giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh rất hiệu quả.

Sau khi hoàn thành chẩn đoán, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho bệnh nhân.

V- Các phương pháp điều trị chứng tràn dịch khớp gối

1- Các biện pháp sơ cứu

  • Nghỉ ngơi: Tránh các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động có sự tác động đến khớp đầu gối để tránh va chạm làm dịch khớp tràn ra nhiều hơn.
  • Chườm lạnh: Liệu pháp chườm lạnh được áp dụng để có thể kiểm soát cơn đau tức thời. Để thực hiện, bệnh nhân chuẩn bị túi chườm lạnh và đặt vào đầu gối trong 15-20 phút, mỗi ngày chườm 3 lần. Nâng nhẹ đầu gối lên khi thực hiện để tăng hiệu quả.
  • Thuốc giảm đau: Nếu cảm thấy đau đến mức không chịu được, bạn có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê toa có hiệu quả tức thời.

2- Đến gặp bác sĩ chuyên khoa

Như đã trình bày ở trên, tràn dịch khớp gối ảnh hưởng rất đáng kể đến cuộc sống của người bệnh và hơn hết, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu như trên, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ ngay để được khám và điều trị.

Thuốc điều trị

Một số loại thuốc thường dùng để điều trị chứng tràn dịch đầu gối bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau thông thường như Ibuprofen có thể được dùng để kiểm soát cơn đau, sưng đầu gối.
  • Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp nhiễm trùng là nguyên nhân chính gây tràn dịch khớp gối thì thuốc kháng sinh sẽ rất thích hợp. Loại thuốc này có khả năng điều trị và ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng.
  • Corticosteroid: Được sử dụng để điều trị những cơn đau ngắn hạn, thuốc có thể có tác dụng phụ nên cần dùng theo chỉ định của bác sĩ.
điều trị tràn dịch khớp gối
Người bị tràn dịch khớp gối sẽ được điều trị bằng thuốc nếu ở dạng nhẹ.

Phẫu thuật

  • Rút dịch khớp: Đối với thủ tục này, chất dịch dư thừa có trong khớp đầu gối sẽ được các bác sĩ hút ra bằng kim tiêm. Sau khi loại bỏ được chúng, bệnh nhân sẽ được tiêm Steroid để làm dịu viêm sưng.
  • Nội soi khớp: Bằng cách rạch một đường nhỏ và đặt máy nội soi vào để soi tình trạng của khớp (có gắn camera thu nhỏ). Kỹ thuật này có thể xem xét kỹ cấu trúc bên trong của khớp gối để từ đó sửa chữa được các vị trí gặp vấn đề.
  • Thay khớp: Trong trường hợp tràn dịch khớp nặng do biến dạng khớp, các bác sĩ sẽ tiến hành thay khớp gối nhân tạo cho bệnh nhân.

3- Các biện pháp tự chăm sóc

  • Sau điều trị, đầu gối của bạn vẫn cần được nghỉ ngơi rất nhiều. Chính vì vậy, hãy đảm bảo tránh các hoạt động tăng áp lực lên đầu gối. Có thể xem xét việc từ bỏ các bộ môn thể thao mà bạn đang theo đuổi, hoặc các động tác có sự lặp đi lặp lại ở đầu gối.
  • Thực hiện theo đúng chỉ định, lời khuyên của bác sĩ, uống đúng và đủ thuốc, chăm chỉ tập vật lý trị liệu.
  • Có thể sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm khi cảm thấy đau nhưng tuyệt đối không được lạm dụng thuốc.
  • Duy trì cân nặng ở mức an toàn để có thể tránh các áp lực không cần thiết lên đầu gối.
  • Thường xuyên luyện tập chân nhẹ nhàng để giúp xây dựng các cơ hỗ trợ xung quanh đầu gối. Có thể mang nẹp đầu gối khi tập để tránh việc vô tình tạo áp lực lên khớp.

Trên đây là những thông tin xoay quanh bệnh lý tràn dịch khớp gối mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên, thuocdantoc.vn không đưa ra lời khuyên về điều trị y khoa nên những thắc mắc liên quan, bạn vui lòng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.

Có thể bạn quan tâm

Nguy cơ tràn dịch khớp gối sau chấn thương

Tràn dịch khớp gối sau chấn thương là tình trạng khá phổ biến. Để giảm nguy cơ gặp phải tình...

Sưng khớp đầu gối là dấu hiệu của một số bệnh như viêm khớp, chấn thương

Sưng khớp đầu gối: Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm

Sưng khớp đầu gối là một tình trạng bệnh phổ biến có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào,...

Chọc hút dịch khớp gối giúp chẩn đoán và chữa trị bệnh liên quan đến tràn dịch khớp gối

Chọc hút dịch khớp gối: Vị trí và quy trình cần lưu ý

Chọc hút dịch khớp gối là một phương pháp điều trị bệnh tràn dịch khớp gối khá hiệu quả. Vì...

Tràn dịch khớp gối gây ra những biến chứng nguy hiểm. Thời gian chữa khỏi bệnh còn tùy thuộc ở từng trường hợp bệnh nhân.

Bệnh tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không? Chữa bao lâu thì khỏi ?

Tràn khớp gối là tình trạng dịch trong khớp gối tăng đột ngột. Điều này dẫn đến đau sưng và...

Tràn dịch khớp gối chữa ở đâu?

Tràn dịch khớp gối chữa ở đâu? Danh sách 9 địa chỉ uy tín nhất

Tràn dịch khớp gối là tình trạng khớp gối bị tổn thương làm cho lượng dịch tăng lên và tràn...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *