Tìm hiểu cấu tạo của đĩa đệm và nguyên nhân gây thoát vị
Đĩa đệm là một bộ phận trong đốt sống, giữ vai trò giảm xóc và nâng đỡ cơ thể. Bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu cấu tạo của đĩa đệm và các nguyên nhân gây thoát vị thường gặp nhất.
Cấu tạo của đĩa đệm cột sống
Đĩa đệm là cơ quan nằm giữa hai đốt sống, có tác dụng giảm ma sát và giảm xóc khi cơ thể vận động. Cơ thể có tổng cộng hai mươi ba đĩa đệm.
Cấu tạo hoàn chỉnh của một đĩa đệm bao gồm:
Nhân nhầy:
Nhân nhầy của đĩa đệm là một hoạt dịch lỏng, hơi nhầy và có màu trong suốt. Nhân nhầy được tạo thành từ các proteoglycans. Thành phần của các proteoglycans bao gồm: hyaluronic acid , kratosulphate, dermatan sulphate,… và nước.
Hàm lượng nước ở trong nhân nhầy phụ thuộc vào độ tuổi. Ở trẻ em, hàm lượng nước chiếm đến 80%, trong khi đó ở người già chỉ còn khoảng 60%.
Bao xơ:
Bao xơ là bộ phận bao bọc nhân nhầy bên trong đĩa đệm. Bao xơ được tạo thành từ các sợi collagen có độ đàn hồi cao. Bộ phần này có vai trò bảo vệ đĩa đệm và giữ cột sống ở vị trí cân bằng.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm xuất hiện phổ biến nhất ở người già và người trung niên, rất hiếm khi xảy ra ở trẻ em. Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng màng bao xơ bị rách, nứt khiến nhân nhầy bên trong thoát ra. Lượng nhân nhầy này tràn ra và gây áp lực lên dây thần kinh và các đốt sống lân cận khiến cơn đau xuất hiện.
Có rất nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm, bao gồm:
- Thoái hóa: Khi bạn già đi, đĩa đệm cột sống sẽ mất một hàm lượng nước nhất định. Điều này làm cho đĩa đệm kém linh hoạt và dễ bị rách hoặc vỡ khi có tác động vật lý.
- Cân nặng: người có cân nặng dư thừa thường có nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cao hơn người bình thường. Áp lực từ trọng lượng của cơ thể sẽ khiến đĩa đệm bị tổn thương và dễ bị rách màng bao xơ. Từ đó dẫn đến tình trạng thoát vị.
- Nghề nghiệp: những người làm công việc nặng nhọc, thường xuyên mang vác nặng sẽ dễ bị tổn thương các cơ quan ở cột sống, trong đó có đĩa đệm.
- Di truyền: thoát vị đĩa đệm có nguy cơ di truyền từ cha mẹ sang con cái.
- Chấn thương: chấn thương ở vị trí lưng có thể làm tổn thương đĩa đệm và gây ra tình trạng thoát vị. Một tác động vật lý mạnh có thể khiến bao xơ của đĩa đệm bị rách khiến nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài.
- Do thoái hóa đốt sống: đốt sống bị thoái hóa khiến áp lực lên đĩa đệm tăng cao hơn bình thường. Điều này làm cho đĩa đệm dễ bị tổn thương và có nguy cơ thoát vị.
- Cấu trúc cột sống yếu: một số người có cấu trúc cột sống yếu thường dễ mắc phải những bệnh lý liên quan đến cơ quan này, ví dụ như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm,…
- Loãng xương: người bị loãng xương có hệ thống xương khớp yếu. Lúc này áp lực từ cơ thể và các hoạt động sinh hoạt sẽ tập trung vào đĩa đệm và khiến cơ quan này dễ bị tổn thương hơn bình thường.
Thoát vị đĩa đệm là bệnh xương khớp mãn tính. Bệnh lý này vẫn chưa được điều trị dứt điểm. Mục đích của việc điều trị là giảm cơn đau và ngăn chặn mức độ tiến triển của bệnh.
Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
Bạn nên thực hiện những biện pháp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
- Giảm cân: việc duy trì cân nặng vừa phải không chỉ giúp bạn có ngoại hình ưa nhìn mà còn hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như bệnh xương khớp, tim mạch, tiểu đường,…
- Tập thể dục: để cải thiện xương khớp và ngăn ngừa những bệnh lý nguy hiểm, bạn nên luyện tập đều đặn mỗi ngày. Nên lựa chọn những bộ môn thể thao phù hợp với thể trạng và độ tuổi.
- Chế độ dinh dưỡng: cần duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh để bảo vệ xương khớp và đĩa đệm. Chú trọng những thực phẩm lành mạnh và kiêng cử nhóm thực phẩm có hại như đồ ăn nhanh, rượu bia,…
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về cấu tạo của đĩa đệm hay bệnh thoát vị đĩa đệm, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!