5 biện pháp tự nhiên điều trị bệnh ghẻ tại nhà
Nhiều người gặp phải bệnh ghẻ đều khá ngứa ngáy và gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống. Do đó, nhiều bệnh nhân luôn tìm những phương pháp từ Tây y đến các loại thuốc bôi da có nguồn gốc tự nhiên để giảm ngứa ngáy.
Bệnh ghẻ là tình trạng ngứa da do ký sinh trùng sarcoptes scabiei (cái ghẻ) gây ra. Đây là bệnh nhiễm trùng da sau khi cái ghẻ bám và xâm nhập vào da để đào hang và đẻ trứng. Các triệu chứng của bệnh ghẻ khiến cho người bệnh bị ngứa da dữ dội, bệnh gây nhiều phiền toái nếu không được điều trị triệt để.
I. Những phương pháp tự nhiên điều trị bệnh ghẻ tại nhà
Khi trên da xuất hiện cảm giác ngứa ngáy, các nốt phát ban có màng thì đây là dấu hiệu của bệnh ghẻ. Căn bệnh này điều trị không khó, tuy nhiên thời gian điều trị khá dài nên đòi hỏi bạn phải kiên trì. Hãy áp dụng những biện pháp sau ngay tại nhà để cải thiện tình trạng nhiễm trùng da do bệnh ghẻ gây nên:
1. Củ nghệ
Nghệ là một loại gia vị có chứa các thành phần kháng khuẩn và chống viêm cực mạnh. Củ nghệ còn được biết đến là một chất tăng cường hệ miễn dịch. Việc tiêu thụ nghệ hàng ngày có thể đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng da do bệnh ghẻ gây nên.
Bạn nên chuẩn bị hỗn hợp bột nghệ và nước, sau đó pha với nhau để có được hỗn hợp sền sệt. Thoa hỗn hợp bột nghệ trên các khu vực da bị ảnh hưởng do bệnh ghẻ thật cẩn thận. Bạn sẽ thấy kết quả khả quan chỉ sau 15 ngày.
2. Gỗ đàn hương
Gỗ đàn hương chứa các đặc tính làm dịu da và ngăn ngừa viêm da, đây là nguyên liệu rất cần thiết để chữa lành vùng da bị kích thích hoặc bị ký sinh trùng tấn công.
Bạn có thể trộn bột gỗ đàn hương với nước và thoa lên vùng da bị ngứa, tấy đỏ nhằm làm giảm triệu chứng bệnh ghẻ. Các thành phần kháng khuẩn từ bột gỗ đàn hương giúp chữa lành nhiễm trùng da và ngăn ngừa cái ghẻ ký sinh trở lại.
3. Dầu cây tràm
Dầu cây tràm từ lâu đã được xem là một chất khử trùng và chống viêm cho da khá tốt. Nó có thể giúp giảm ngứa ngáy và sưng tấy trên da.
Tác dụng diệt khuẩn của dầu cây tràm rất hữu ích đối với việc diệt ve, rận và ký sinh trùng gây nên bệnh ghẻ. Bạn có thể thoa dầu cây tràm lên vùng da bị bệnh, vỗ nhẹ để tinh dầu thấm sâu để tiêu diệt cái ghẻ và trứng chôn sâu trong da.
4. Nha đam
Gel nha đam có tác dụng làm dịu, chữa lành da bị cháy nắng, giảm tình trạng ngứa ngáy và có tác dụng tiêu diệt bệnh ghẻ khá tốt. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy gel nha đam có tác dụng tương tự như benzyl benzoate – một loại thuốc điều trị bệnh ghẻ – mà lại không có tác dụng phụ cho sức khỏe người dùng.
Bạn có thể cắt nha đam thành từng miếng nhỏ đắp lên vùng da bị ghẻ giảm ngứa ngáy. Nên thực hiện ít nhất ba lần một tuần.
5. Nước ép hành tây
Hành tây là một loại củ có vị hăng và đặc tính kháng viêm cao, bên trong hành tây chứa một lượng lớn chất lưu huỳnh giúp giảm ngứa ngáy và kháng khuẩn, hạn chế nhiễm trùng da rất tốt.
Đây được xem là vị thuốc tự nhiên giúp tiêu diệt trứng của cái ghẻ và ngăn ngừa sự nhiễm trùng trên da có thể thực hiện tại nhà. Bạn nên dùng nước ép hành tây để thoa lên da để ngăn chặn sự lây lan của bệnh ghẻ. Lưu ý, sau 1 phút thoa nước ép hành tây thì hãy rửa lại với nước sạch để tránh da bị kích ứng và ửng đỏ.
II. Phòng ngừa bệnh ghẻ an toàn và ngăn tái phát
Ghẻ là bệnh ngoài da mà ai cũng có nguy cơ gặp phải. Đây là căn bệnh dễ lây từ người này sang người khác. Bạn cần có kế hoạch chữa trị và phòng ngừa thích hợp để bảo vệ làn da của mình.
1. Khi nào đi thăm khám bác sĩ?
Bệnh ghẻ là căn bệnh khá dai dẳng và không hết ngay lập tức. Vì vậy bạn phải kiên trì điều trị ngay từ khi có những dấu hiệu của bệnh. Tuy nhiên, đối với những trường hợp sau đây bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.
- Trên da xuất hiện tình trạng phát ban không rõ nguyên nhân
- Dấu hiệu cụ thể của bệnh ghẻ
- Đã qua tiếp xúc với bệnh nhân bị ghẻ
- Ngứa ngáy, phát ban kéo dài hơn một tuần.
Các bác sĩ sẽ trực tiếp thăm khám và xác định chắc chắn bạn có bị ghẻ không thông qua xét nghiệm da. Sau đó, bạn sẽ được kê toa bằng các loại thuốc uống hoặc kem bôi da để điều trị.
2. Phòng ngừa bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ có thể gặp ở bất kỳ ai, gây nên tình trạng nhiễm trùng. Hơn nữa, bệnh có thể lây từ người này sang người khác nên bạn cần phải thực hiện những biện pháp phòng ngừa như sau:
- Giữ gìn chăn ga, gối nệm và quần áo sạch sẽ. Nên ngâm quần áo, vật dụng cá nhân trong nước ấm khoảng 50 – 60 độ để tẩy trùng.
- Hút bụi và vệ sinh nhà cửa để tránh cho cái ghẻ có cơ hội sinh trưởng.
- Hạn chế tiếp xúc hoặc dùng chung đồ đạc với người bị ghẻ để tránh lây lan bệnh nhanh chóng.
- Nếu chẳng may bị bệnh ghẻ, ngứa ngáy thì bạn cần tránh hành động gãi để không gây trầy xước hoặc nhiễm trùng da. Việc này cũng tránh cho bệnh biến chuyển theo chiều hướng tệ hơn.
- Không nên xấu hổ hoặc tự ti khi bị mắc bệnh ghẻ. Nên chia sẻ với những người thân để tránh lây bệnh cho họ. Thăm khám bác sĩ để giúp bệnh nhanh chóng được đẩy lùi.
- Nên có một chế độ dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng. Tham khảo ý kiến của bác sĩ về những thực phẩm có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn để nhanh chóng phục hồi những vết mẩn đỏ và kích ứng trên da.
Bệnh ghẻ gây cho bạn nhiều ngứa ngáy, khó chịu và dễ nhiễm trùng. Bạn có thể tham khảo lựa chọn những cách điều trị tự nhiên tại nhà để nhanh chóng phục hồi. Tham khảo thêm ý kiến chuyên da để được kiểm tra kỹ lưỡng, tránh tổn thương da.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
THAM KHẢO THÊM:
- 10 cách trị ghẻ ngứa tại nhà đơn giản, hiệu quả nhanh
- Cái ghẻ là con gì? Hình ảnh nhận biết và tiêu diệt
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!