Các biến chứng sỏi niệu quản tuyệt đối không được xem thường
Sỏi niệu quản được coi như một bệnh cấp cứu trì hoãn vì nếu không xử lý kịp thời bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Sỏi niệu quản là bệnh lý đường tiết niệu thường gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt tỷ lệ mắc bệnh thường khá cao ở người trưởng thành. Theo các chuyên gia khoa tiết niệu, sỏi thường hình thành ở thận sau đó di chuyển xuống niệu quản. Càng xuống cuối niệu quản càng hẹp lại. Chính vì vậy, khi sỏi chuyển dần đến cuối niệu quản nếu không được xử lý kịp thời rất dễ làm tắc đường dẫn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe.
Dưới đây là một vài biến chứng của sỏi niệu quản, người bệnh cần phải biết.
1. Ứ nước tại thận và niệu quản
Cũng giống như sỏi thận, sỏi niệu quản một khi khởi phát cũng gây nên những cơn đau nhức ở vùng thắt lưng và vùng hông. Ban đầu đau có thể âm ỉ nhưng càng về sau đau dữ dội, nhất là khi sỏi lớn hơn 10 mm. Và khi sỏi di chuyển xuống niệu quản, chúng chính là nguyên nhân làm tắc đường dẫn nước. Hậu quả của việc này là nước bị ứ đọng lại vị trí phía bên trên sỏi. Điều này có nghĩa là ứ nước ở phần niệu quản phía trên sỏi và thận.
2. Giãn đài bể thận gây vỡ thận
Giãn đài bể thận hay giãn bể thận được xem là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi niệu quản. Là yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận. Nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là do nước ứ lại trong bể thận sau một thời gian dài có thể gây giãn đài, giãn niệu quản và bể thận. Nếu bệnh không được chữa trị đúng lúc, lâu dần sẽ làm cho thận bị biến dạng, có thể phình to và mỏng dần đi. Lúc này thận có hình dạng giống như một chiếc túi và có thể vỡ ra bất kỳ lúc nào.
3. Viêm hoặc nhiễm khuẩn niệu quản
Trong quá trình sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản có thể gây tổn thương niêm mạc niệu quản dẫn đến chảy máu. Và nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây viêm.
4. Viêm đài bể thận
Viêm đài bể thận là một trong những biến chứng thường gặp của sỏi niệu quản. Nguyên nhân là do quá trình ứ đọng nước tiểu trong thận do sỏi di chuyển gây tắc nghẽn niệu quản. Thông thường, nếu tình trạng này được điều trị sớm khi bệnh mới khởi phát sẽ giúp làm lành tổn thương, ngăn ngừa viêm và hỗ trợ phục hồi chức năng của thận.
Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài một thời gian và không điều trị triệt để nguyên nhân, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào đường tiết niệu từ niệu đạo và bàng quang, gây viêm nhiễm. Tại đây, chúng sẽ nhân lên, phát triển mạnh mẽ và ngược dòng lên phía trên gây viêm đài bể thận.
5. Suy thận cấp
Nếu niệu quản bị tắc nghẽn hoàn toàn cả 2 bên trong thời gian dài có thể gây giãn bể thận dẫn đến tình trạng nhu mô thận bị tổn thương nặng và không thể phục hồi. Khi đó, chức năng của thận mất tạm thời do mức lọc cầu thận bị suy giảm hoặc ngưng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận cấp. Thông thường, bệnh suy thận cấp tính thường phát triển nhanh chóng sau đó vài ngày nếu không có biện pháp can thiệp đúng lúc.
6. Suy thận mạn tính
Suy thận mạn tính được xem là một biến chứng nặng nề nhất mà bệnh sỏi tiết niệu gây ra. Viêm thận mạn tính hoặc viêm bể thận do sỏi kéo dài có thể khiến chức năng thận mất dần. Khi đó, lượng nephron của thận bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến xơ hóa, mất dần chức năng và không thể phục hồi. Đây chính là yếu tố khiến bệnh suy thận cấp nhanh chóng chuyển sang mạn tính, gây khó khăn trong việc chữa trị.
Sỏi niệu quản nếu không được điều trị sớm có thể gây xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm đe đọa đến tính mạng người bệnh. Chính vì vậy, khi thấy dấu hiệu bệnh, người bệnh nên đến viện thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh cạnh đó, để phòng bệnh, mỗi người cần uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày. Đặc biệt nên bổ sung nhiều nước trong những ngày nắng nóng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Nội soi sỏi niệu quản: Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh
- Sỏi niệu quản nên ăn gì và kiêng gì tốt cho người bệnh?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!