Thuốc Liothyronine: Công dụng, liều dùng và thận trọng
Thuốc Liothyronine được sử dụng để điều trị tình trạng suy giáp, ngăn ngừa bướu cổ hoặc các trường hợp bị rối loạn tuyến giáp… Nắm rõ các thông tin về loại thuốc này sẽ giúp bệnh nhân dùng thuốc được an toàn và hiệu quả.
- Tên chung: liothyronine
- Tên biệt dược: Triuler, Cytomel
- Nhóm thuốc: Hormon tuyến giáp
- Dạng thuốc: Viên nén, dung dịch tiêm
I. Các thông tin cần biết về thuốc Liothyronine
Trước khi điều trị bằng Liothyronine, bệnh nhân cần nắm rõ các thông tin sau đây:
1. Thành phần
Liothyronine
2. Chỉ định
Liothyronine là một loại hormone được sử dụng để điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, cụ thể:
- Các trường hợp bị suy giáp (hormone tuyến giáp bị suy giảm)
- Hôn mê do bị giảm năng tuyến giáp.
- Điều trị và phòng ngừa bướu cổ (do tuyến giáp mở rộng)
- Được sử dụng để kiểm tra khả năng ức chế triiodothyronin trong việc chẩn đoán bệnh tăng hoạt động tuyến giáp hoặc quyết định chữa trị tăng năng giáp. Với các trường hợp bị giảm năng tuyến giáp, nên được điều trị bằng levothyroxin thay thế cho liothyronin.
- Người chuẩn bị dùng liệu pháp 131I trong chữa trị ung thư tuyến giáp.
Ngoài ra, thuốc còn có thể được dùng trong nhiều trường hợp khác mà không được chúng tôi đề cập. Trao đổi với các bác sĩ để được cung cấp thêm thông tin.
3. Chống chỉ định
Thuốc Liothyronine chống chỉ định với các trường hợp sau:
- Các trường hợp bị suy vỏ tuyến thượng thận, suy tuyến yên chưa được điều trị.
- Người bị nhiễm độc tuyến giáp chưa được chữa trị.
4. Dạng điều chế
Liothyronine được điều chế ở 2 dạng là viên nén và dung dịch tiêm tĩnh mạch. Mỗi dạng lại được điều chế ở nhiều hàm lượng khác nhau. Cụ thể:
Thuốc dạng viên nén:
- 5 mcg (microgam)
- 25 mcg
- 50 mcg
Dung dịch tiêm tĩnh mạch:
- 10 mcg/1 ml
5. Liều lượng sử dụng
Thông thường, Liothyronine được dùng với liều lượng là 20- 25 mcg natri liothyronin , tương đương với gần 100mcg natri thyroxin (levothyroxin). Tuy nhiên, tùy vào từng đối tượng và mục đích điều trị mà liều lượng của thuốc được chỉ định với những hàm lượng khác nhau. Cụ thể như sau:
Liều dùng cho người trưởng thành:
+ Điều trị giảm năng tuyến giáp:
- Liều khởi đầu là 10 – 20 mcg/lần/ngày với những người bệnh nặng 70 kg.Trong trường hợp cần thiết, cần tăng liều lên 80 – 100 mcg/ngày, chia thành 2 – 3 lần uống để mang đến tác dụng tốt.
- Liều duy trì: Uống thuốc Liothyronine với liều lượng 20 – 25mg/ngày.
Đối với những người lớn tuổi, người giảm năng tuyến giáp đã lâu, người mắc các bệnh lý về tim mạch cần phải điều trị từ từ. Nên dùng Liothyronine với liều khởi đầu thấp hơn (2,5 – 5 mcg/ngày), tăng liều thấp hơn và thời gian tăng liều cũng cần phải kéo dài hơn.
+ Với các trường hợp bị bướu giáp đơn thuần:
- Liều khởi đầu: Dùng 5 mcg/ngày. Sau 1 – 2 tuần, tăng liều lên 5 – 10 mcg/ngày cho đến khi liều dùng đạt mức 25 mcg/ngày. Tiếp theo đó, cách 1 – 2 tuần tiếp, tăng liều lên 12,5 mcg hoặc 25 mcg/ngày để mang đến hiệu quả chữa trị tốt.
- Liều duy trì: Uống 50 – 100 mcg/ngày.
+ Bị hôn mê phù niêm:
- Tiêm tĩnh mạch chậm với liều khởi đầu là 5 – 20 mcg. Có thể lặp lại nếu cần, thông thường khoảng cách sử dụng giữa các lần là 12 tiếng đồng hồ. Trong trường hợp bệnh nhân đã biết hoặc đang nghi ngờ bị bệnh tim, dùng thuốc với liều lượng: 5 – 2 mcg. Nếu dùng liều bổ sung, sử dụng trong thời gian ít nhất là 4 giờ sau liều đầu tiên. Nhưng không được vượt quá 12 tiếng để tránh làm dao động nồng độ của thuốc trong cơ thể.
- Sau khi được tiêm tĩnh mạch, cần dùng liệu pháp uống ngay khi thấy tình trạng bệnh đã được ổn định và có khả năng dùng được thuốc dạng uống. Tuy nhiên, cần dùng thuốc với liều khởi đầu thấp để đảm bảo an toàn.
+ Dùng để thử nghiệm ức chế triiodothyronin:
Uống 75 – 100 mcg/ngày trong thời gian từ 5 – 7 ngày. Với phương pháp này, người ta sẽ xác định được lượng iod phóng xạ 131I được cơ thể hấp thu trước và sau khi uống liothyronin. Nếu bị tăng năng tuyến giáp, lượng iod phóng xạ được hấp thu sẽ không có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, đối với người có chức năng tuyến giáp bình thường, lượng iod được hấp thu sẽ giảm đi.
Liều dùng cho trẻ em:
Trong trường hợp trẻ em bị giảm năng tuyến giáp bẩm sinh, thuốc Liothyronine được sử dụng với liều lượng: 5 mcg/lần/ngày. Cứ sau 3 – 4 ngày, tăng liều một lần, mỗi lần tăng 5 mcg/ngày cho đến khi thuốc mang đến tác dụng như mong muốn.
6. Cách dùng
- Dùng thuốc theo đúng sự chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian chữa trị. Tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm liều.
- Nếu là thuốc dạng viên, uống cả viên cùng với nước. Không nghiền nát ra để dùng, tránh nguy cơ mắc tác dụng phụ cho bản thân.
- Nếu là thuốc dạng tiêm, chỉ được tiêm tĩnh mạch và cần phải có các dụng cụ đo lường chuyên dụng để xác định đúng liều lượng cần sử dụng.
- Thường xuyên đi thăm khám để nắm rõ được tình trạng bệnh lý của bản thân.
- Không tự ý đem thuốc của mình cho người khác dùng, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.
- Nếu thấy cơ thể các các biểu hiện bất thường trong quá trình điều trị, ngưng dùng thuốc và liên hệ với các bác sĩ để được hướng dẫn xử lý.
7. Bảo quản
- Nếu là thuốc dạng viên, bảo quản trong lọ kín ở nhiệt độ phòng. Nếu là thuốc dạng tiêm, bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8°C.
- Để thuốc xa tầm với của trẻ nhỏ.
II. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Liothyronine
1. Tác dụng phụ
Trong quá trình điều trị bằng Liothyronine, bệnh nhân có thể gặp phải những vấn đề sau đây:
- Rụng tóc, lông tạm thời (nhất là ở trẻ em)
- Tim đập nhanh, loạn nhịp
- Mất ngủ, sốt, nhức đầu, dễ kích động
- Làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
- Hơi thở gấp
- Đau cơ, run bàn tay
- Toát nhiều mồ hôi
- Sút cân, tiêu chảy, co cứng cơ bụng
Ngoài ra, thuốc Liothyronine có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác mà không được chúng tôi đề cập. Cần liên hệ với các bác sĩ để được hướng dẫn xử lý khi gặp phải các biểu hiện bất thường.
2. Thận trọng
Trước khi sử dụng Liothyronine, thông báo với bác sĩ về tình trạng bệnh lý, tiền sử sức khỏe của bản thân. Đặc biệt, khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Người bị suy vỏ tuyến thượng thận hoặc suy tuyến yên, trước khi sử dụng liệu pháp thay thế bằng nội tiết tố tuyến giáp cần phải điều trị bằng corticosteroid trước.
- Các trường hợp bị bệnh cơ tim, suy tim, trong quá trình điều trị cần có sự theo dõi sát sao về tình hình bệnh tim của bản thân.
- Theo các nghiên cứu cho thấy, có thể dùng thuốc Liothyronine cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, cần phải thận trọng và phải tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ.
- Nếu chuẩn bị hoặc đã được chỉ định làm phẫu thuật, cần thông báo với bác sĩ. Có thể bệnh nhân sẽ phải ngưng dùng thuốc Liothyronine một thời gian ngắn trước khi thực hiện ca mổ.
3. Tương tác thuốc
Liothyronine có thể tương tác với các loại thuốc sau đây:
- Các loại thuốc chống trầm cảm
- Digoxin
- Epinephrine hoặc norepinephrine
- Chất làm loãng máu như warfarin.
- Insulin hoặc các loại thuốc trị tiểu đường khác được dùng bằng đường uống.
- Salicylat (aspirin, Pamprin Cramp Formula, Pepto-Bismol…)
- Các loại thuốc chứa iot.
- Thuốc tránh thai
- Nhóm thuốc steroid như prednison
- Estrogen
- Các loại thuốc kháng acid.
Ngoài ra, Liothyronine có thể tương tác với các loại thuốc khác mà không được chúng tôi đề cập. Vì tương tác thuốc có thể thay đổi cơ chế hoạt động, làm giảm tác dụng hoặc tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ cho bệnh nhân. Do đó, cần phải thông báo với bác sĩ tất cả những loại thuốc mà bản thân đang dùng. Kể cả vitamin và thảo dược.
4. Cách xử lý khi dùng thuốc thiếu/ quá liều
- Thiếu liều: Dùng liều đã quên đã quên ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời gian dùng liều kế tiếp, bỏ qua liều cũ. Tuyệt đối không được tăng gấp đôi liều lượng trong một lần sử dụng.
- Quá liều: Nếu thấy cơ thể có các phản ứng quá liều như đau đầu, tiêu chảy, kinh nguyệt không đều, gây lú lẫn, tim đập nhanh, ngực đau, khó thở, ngất xỉu…. cần liên hệ với các trung tâm y tế để được cấp cứu sớm hoặc để được hướng dẫn xử lý.
Trên đây là những thông tin tham khảo về thuốc Liothyronine. Để được cung cấp đầy đủ và chính xác hơn thông tin về liều dùng, cách sử dụng, giá thuốc Liothyronine, hãy liên hệ với các bác sĩ hoặc dược sĩ.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Cialis: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
- Thuốc trị rối loạn cương dương Caverject và thông tin cần biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!