Thuốc Evaldez là thuốc gì? Tác dụng và liều dùng như thế nào?
Evaldez là nhóm thuốc điều hòa tiêu hóa với thành phần cấu tạo chính là Levosulpiride. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng tiêu hóa khó chịu như trướng bụng, khó tiêu, đau bụng, buồn nôn,…
- Tên gốc: Levosulpirid
- Phân nhóm: Thuốc điều hòa tiêu hóa, chống đầy hơi và kháng viêm
- Tên biệt dược: Evaldez
- Dạng bào chế: Viên nén
I. Tác dụng của thuốc Evaldez là gì?
Evaldez là thuốc tiêu hóa thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng khó tiêu như:
- Ợ hơi
- Chướng bụng
- Khó chịu vùng thượng vị
- Buồn nôn và nôn
- Ợ nóng
Ngoài ra, thuốc còn được ứng dụng đề điều trị bệnh tâm thần phân liệt cấp và mạn tính. Mặt khác, Evaldez cũng được bác sĩ chỉ định sử dụng với nhiều mục đích khác nhau không được liệt kê trên nhãn thuốc.
Thuốc Evaldez chống chỉ định dùng ở các trường hợp sau:
- Người bệnh dị ứng hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào chứa trong thuốc
- Người bị u tủy thượng thận
- Hôn mê, trạng thái thần kinh trung ương bị ức chế, ngộ độc rượu và thuốc ức chế thần kinh
- Người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp
II. Hướng dẫn cách sử dụng thuốc Evaldez
Người bệnh nên sử dụng thuốc Evaldez theo hướng dẫn in trên nhãn thuốc hoặc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không nên uống thuốc với lượng nhỏ hoặc lớn hơn quy định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không nên sử dụng thuốc trong thời gian dài.
Trong quá trình sử dụng Evaldez, để thuốc hấp thu và phát huy tác dụng điều trị tốt, người bệnh nhân nên sử dụng thuốc này sau khi ăn. Chưa kể đến, việc dùng thuốc sau ăn giúp làm giảm cảm giác khó chịu ở dạ dày.
III. Liều dùng thuốc Evaldez như thế nào?
Theo chỉ định của bác sĩ, trẻ em dưới 14 tuổi không được sử dụng thuốc Evaldez để điều trị bệnh. Còn với các trường hợp hợp còn lại, liều dùng thông thường thường được sử dụng như sau:
1/ Liều dùng thông thường dành cho người lớn
- Trong trường hợp làm giảm triệu chứng khó tiêu: Người bệnh sử dụng 75 mg thuốc Evaldez chia làm 3 lần và uống trong ngày.
- Liều dùng điều trị tâm thần phân liệt cấp và mạn tính: Sử dụng 200 – 300 mg Evaldez chia đều làm 3, uống trong ngày.
- Đối với trẻ em trên 14 tuổi: Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ giảm hoặc thay đổi liều phù hợp.
2/ Liều dùng thông thường dành cho người suy thận
Đối với người bị suy thận, tùy thuộc vào độ thanh thải creatinin mà bác sĩ sẽ phải giảm liều dùng. Cụ thể:
- Độ thanh thải creatinin 30 – 60 ml/ phút: Người bệnh chỉ nên dùng liều bằng 2/3 liều dùng bình thường.
- Đối với độ thanh thải creatinin 10 – 30 ml/ phút: Sử dụng Evaldez với liều dùng bằng 1/2 liều dùng bình thường.
- Độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/ phút: Dùng thuốc Evaldez với liều bằng 1/3 liều bình thường.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tăng khoảng cách giữa các lần uống thuốc Evaldez giữa các liều bằng 1,5; 2 hoặc 3 so với lần uống bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp suy thận ở mức độ vừa và nặng, nếu có thể bệnh nhân không nên dùng thuốc Evaldez để điều trị.
(*) Trường hợp sử dụng thuốc Evaldez quá liều
Thuốc Evaldez quá liều có thể không gây tử vong ngay cả khi bạn dùng ở liều 16 g. Tuy nhiên, người bệnh nên hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc. Bởi thuốc có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào liều dùng, chẳng hạn như:
- Ở liều 1 – 3 g: Evaldez có thể khiến người bệnh cảm thấy bồn chồn, u ám và hiếm gặp các triệu chứng ngoại tháp.
- Ở liều từ 3 – 7 g: Thuốc gây ra tình trạng lú lẫn, kích động, hội chứng ngoài tháp xuất hiện nhiều hơn.
- Với liều dùng trên 7 g: Ngoài các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp và hôn mê. Các biểu hiện này có thể mất sau đó vài giờ. Nhưng nếu ở liều cao hơn, hôn mê có thể kéo dài tới 4 ngày.
Khi xảy ra triệu chứng do sử dụng thuốc Evaldez quá liều, bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện để rửa dạ dày và uống than hoạt tính hoặc kiềm hóa nước tiểu để tăng thải thuốc. Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng một số thuốc điều trị hội chứng Parkinson hay một số phương pháp điều trị khác để giảm thiểu triệu chứng do uống thuốc quá liều gây ra.
Xem thêm: Các thuốc trị đau dạ dày tốt nhất 2020 – Giảm đau nhanh
IV. Tác dụng phụ của thuốc Evaldez
Khi dùng thuốc Evaldez người bệnh có thể gặp phải một vài tác dụng phụ ít gặp như:
- Tác dụng phụ trên thần kinh: Hội chứng Parkinson, kích thích quá mức, hội chứng ngoại tháp bao gồm cơn quay mắt, ngồi không yên, vẹo cổ,…
- Trên tim: Khoảng QT kéo dài gây xoắn đỉnh, loạn nhịp
Một số tác dụng phụ thường gặp sau khi bệnh nhân sử dụng thuốc Evaldez, cụ thể:
- Phản ứng phụ trên thần kinh: Buồn ngủ hoặc mất ngủ
- Trên nội tiết: Gây rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, tăng prolactin máu hoặc cũng có thể gây tăng tiết sữa,…
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ hiếm gặp như:
- Trên nội tiết: Xuất hiện chứng vú to ở đàn ông
- Trên huyết áp: Loạn hoặc chậm nhịp tim, hạ huyết áp thế đứng
- Trên thần kinh: Hội chứng sốt cao ác tính do thuốc an thần, loạn vận động muộn
- Một số tác dụng phụ hiếm gặp khác như nhạy cảm với ánh sáng, hạ thân nhiệt hoặc vàng da do ứ mật,…
Nếu gặp phải các phản ứng phụ hiếm gặp này bệnh nhân nên ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ biết. Tránh trường hợp tiếp tục dùng Evaldez bệnh không những không thuyên giảm mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
V. Thuốc Evaldez có tương tác với bất kỳ loại thuốc nào không?
Thuốc Evaldez khi kết hợp chung với một số loại thuốc khác nhau có thể tương tác và làm thay đổi khả năng hoạt động của nhau. Do đó, trước khi sử dụng thuốc bệnh nhân nên liệt kê cho bác sĩ biết danh sách các loại thuốc đang sử dụng bao gồm kê đơn, không kê đơn, thảo dược,…
Một số loại thuốc tương tác với Evaldez như:
- Thuốc kháng acid có chứa nhôm – magnesi hydroxyd hoặc thuốc Sucralfat: Hai loại thuốc này có thể làm giảm khả năng hấp thu thành phần levosulpirid có trong Evaldez. Chính vì vậy, để tránh sự tương tác thuốc, bệnh nhân nên sử dụng thuốc này sau khi uống các loại thuốc kháng acid khoảng 2 giờ.
- Thuốc Lithi: Sử dụng Evaldez và Lithi có thể làm tăng khả năng gây rối loạn ngoại tháp của levosulpirid. Nguyên nhân là do Lithi làm tăng khả năng gắn kết levosulpirid vào thụ thể dopaminergic D2 ở não.
- Thuốc Levodopa: Bác sĩ chống chỉ định dùng Levodopa chung với thuốc Evaldez. Nguyên do là do loại thuốc này đối kháng cạnh tranh với các loại thuốc an thần và levosulpirid.
- Thuốc hạ huyết áp: Evaldez có tác dụng làm hạ huyết áp. Vì vậy, khi phối trộn chung các loại thuốc này lại với nhau chúng sẽ làm tăng tác dụng hạ huyết áp và có thể gây hạ huyết áp tư thế.
- Thuốc ức chế thần kinh trung ương khác: Kết hợp các loại thuốc này với Evaldez sẽ làm tăng tác dụng ức chế thần kinh và gây ra nhiều ảnh hưởng xấu. Vì vậy, những người bệnh cần tập trung tinh thần, độ an toàn như người lái xe, người vận hành máy móc nên hết sức lưu ý khi phối trộn.
Ngoài các loại thuốc nêu trên, người bệnh cũng nên cẩn thận khi dùng thuốc Evaldez chung với rượu. Bởi rượu làm tăng tác dụng an thần của thuốc.
VI. Trước khi sử dụng thuốc Evaldez người bệnh nên lưu ý những gì?
Thuốc Evaldez có tác dụng phụ gây buồn ngủ, rối loạn thần kinh và chóng mặt. Vì vậy, bệnh nhân không nên uống thuốc nếu đang sử dụng máy móc, lái xe hoặc làm công việc đòi hỏi sự tỉnh táo. Bên cạnh đó, người đang hoặc đã từng mắc các bệnh lý như suy thận nặng, động kinh hoặc suy gan nên thận trọng khi sử dụng Evaldez. Tốt nhất, bạn nên thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng bệnh cũng như các loại thuốc đang sử dụng.
Ngoài ra, đối với phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc. Tốt nhất không nên dùng Evaldez trong 16 tuần đầu của thai kỳ. Bởi thuốc có thể đi qua nhau thai và gây ra tác dụng phụ không mong muốn đối với thai nhi. Mặt khác, phụ nữ đang cho con bú cũng không nên dùng Evaldez. Vì các hoạt chất chứa trong thuốc có thể đi vào sữa và gây ra phản ứng tác động xấu đến sự phát triển toàn diện của con.
Thuốc Evaldez thường được nhiều bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân sử dụng với mục đích là giúp làm giảm nhanh các triệu chứng khó chịu ở hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc bệnh nhân nên tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ, tránh tình trạng thuốc gây tác dụng phụ.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Prevacid: Công dụng và những khuyến cáo trước khi dùng
- Thuốc Ovac có công dụng gì? Cách dùng và lưu ý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!