Thỏ ty tử: công dụng, hướng dẫn sử dụng & liều dùng
Thỏ ty tử (tên khoa học là Cuscutasinesis, Lamk, họ bìm bìm Colvolvulaceae) là tên gọi dược liệu của hạt sấy khô từ cây tơ hồng – một loài thực vật dây leo sống ký sinh trên cây khác. Theo Đông Y, vị thuốc có vị cay, tính ấm, quy vào kinh thận, can, tỳ, có tác dụng bổ thận tráng dương, dưỡng can, ích tinh tủy, sáng mắt…
Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Cây tơ hồng, đậu ký sinh, miễn tử, hạt cây tơ hồng, Thỏ ty thực, Thỏ lư, Thỏ lũ, Xích cương, Thổ khâu, Thỏ lũy, Ngọc nữ, Hỏa diệm thảo, Đường mông, Dã hồ ty, Hồ ty, Lão thúc phu, Ô ma, Kim cô, Nghinh dương tử, Nàn đại lan…
Tên khoa học: Cuscuta hygrophilae Pears.
Họ khoa học: Bìm bìm (Convolvulaceae).
Đặc điểm dược liệu
Mô tả: Thỏ ty tử hạt của cây tơ hồng – một loài thực vậy dây leo, sống ký sinh trên các loại cây khỏe mạnh khác. Thân dây leo có hình sợi, màu vàng hoặc đỏ nhạt, lá biến thành vẩy. Phần hoa có màu trắng nhạt, gần như không cuống, mỗi chùm tụ lại khoảng 10 – 30 bông. Quả có hình trứng, bên trong chứa 2 -4 hạt, mỗi hạt dài chừng 2mm.
Phân bố: Cây mọc hoang, thường ký sinh vào cây Cúc tần (Pluchea indica), thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Bộ phận dùng, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Hạt (tên khoa học: Semen Cuscutae Chinensis). Dược liệu tốt là những loại hạt chắc, mập.
Vị thuốc thỏ ty tử có hình tròn, đường kính nhỏ (0.1cm). Vỏ ngoài hơi xù xì, có màu đỏ hoặc vàng nâu, soi dưới kính lúp thấy có những nếp vân nhăn nhỏ. Khi nấu với nước sôi, phần nhân hình tròn màu trắng lộ ra.
Thu hoạch: Mùa thu, khi hạt chín.
Sơ chế: Đến mùa thu hoạch, cắt dây tơ hồng về, đập dập lấy hạt rồi phơi khô.
Bào chế:
- Rửa sạch, phơi khô rồi đem tẩm với nước muối (hoặc dùng với nước để làm bánh).
- Thỏ ty tử bính: Nguyên liệu đem rửa sạch, đun với nước sôi cho đến khi nở hoa, đặc như cháo, màu nâu xám thì giã nát, làm thành bánh (bính). Hoặc, bạn cũng có thể trộn nguyên liệu trên với bột mì, rượu nếp để làm bánh rồi cắt thành miếng nhỏ, phơi khô.
Bảo quản: Dược liệu nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Thành phần hóa học
Theo một số nghiên cứu tại Trung Quốc, vị thuốc có chứa các chất hóa học sau:
- glycoside
- quercetin
- lecithin
- carotenoid
- vitamin A
- Các chất khác.
Tính vị
Thỏ ty tử có bị cau, ngọt, tính ấm.
- Vị cay, tính bình (theo Bản Kinh).
- Vị ngọt, không độc (theo Biệt Lục).
- Vị cay, ngọt, tính hơi ôn (theo Cảnh Nhạc Toàn Thư).
- Vị ngọt, tính bình, không độc (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Vị cay, ngọt, tính ấm (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Quy kinh
Vị thuốc quy vào các kinh sau:
- Kinh Tỳ, Thận, Can (theo Bản Thảo Kinh Thư).
- Kinh Tâm, Thận, Can (theo Bản Thảo Tân Biên).
- Kinh Thận, Can (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu y học hiện đại:
- Tăng trương lực co bóp tim, hạ huyết áp.
- Tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.
- Ức chế sự phát triển tế bào ung thư.
- Trị đục thủy tinh thể.
Theo y học cổ truyền:
Vị thuốc có tác dụng:
- Bổ dương, ích âm
- Cố tinh
- Súc niệu
- Minh mục (sáng mắt)
- Chỉ tả
- Dưỡng cơ, kiện cốt
- Ôn thận, tráng dương.
Nhờ vào đặc tính dược lý trên, vị thuốc có thể được dùng để chủ trị các vấn đề bệnh lý sau:
- Đau lưng, mỏi gối
- Tiết tinh, di tinh
- Thận hư, dương hư
- Tiểu nhiều
- Tiêu chảy lâu ngàu
- Mờ mắt (do can thận suy).
Liều dùng và cách dùng
- Liều dùng: 12 -16 gam/ ngày.
- Cách dùng: Phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc
Thỏ ty tử được ứng dụng trong các bài thuốc trị bệnh sau:
Trị mặt mọc mụn nhọt, đau nhức:
- Giã nát Thỏ ty tử, lấy nước cốt bôi lên vết thương.
Trị sưng phù thân thể, mặt sưng to:
- Ngâm 1 thăng thỏ ty tử với 5 thăng rượu. Khi dùng, lấy ra uống 1 thăng, dùng 3 lần mỗi ngày.
Chữa ngứa do trĩ, sưng đau hậu môn
- Chưng thỏ ty tử đến khi dược liệu ngả màu vàng đen thì đem tán nhuyễn, hòa với trúng gà bôi lên vết thương.
Tráng dương, bổ thận khí, trợ tình thần, giảm đau lưng
Phụ tử (chế) 136 gam, thỏ ty tử (chưng rượu, sấy khô) đem tán với bột rồi trộn đều với rượu hồ để làm viên, mỗi viên có kích thước bằng hạt ngô đồng lớn. Mỗi lần dùng 50 viên kèm rượu.
Trị họng khô, tai ù, đầu váng, mờ mắt, da sạm đen, lưng đau, gối đau
Thỏ ty tử (chưng rượu) 80g, ngũ vị tử 40g đem tán thành bột, trộn làm hoàn to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng khoảng 70 viên, kèm với nước muối hoặc rượu.
Trị tâm thận bất túc, huyết khô, phiền nhiệt, tinh hư, huyết ít:
Thỏ ty tử (chưng rượu) 80g, mạch môn (trút bỏ lõi) 80g đem tán thành bột, trộn với mật làm hoàn, mỗi viên to bằng hạt ngô đồng. Khi dùng,lấy ra 70 viên uống với nước muối hoặc nước sôi trước khi ăn.
Trị thận hư, di tinh, liệt dương, đau lưng, tiểu nhiều:
Thỏ ty tử, Tế tân, Ngũ vị tử, Thỏ ty tử đều 40g, Thục địa, Sung úy tử đều 80g, Hoài sơn 60g đem tán bột, trộn mật làm hoàn, dùng 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 8g.
Trị bạch trọc, di tinh:
Thỏ ty tử 12g, Phục linh, Hạt sen đều 12g. Ngũ vị tử 6g, dùng Sơn dược hồ, làm hoàn. Khi dùng, lấy ra 8g uống với nước muối nhạt hoặc sắc uống.
Trị tiêu chảy do thận hư:
Thỏ ty tử, Đảng sâm, Câu kỷ, Phục linh đều 12g, Hạt sen 12g, Sơn dược 16g. Đem tất cả nguyên liệu trên tán bột, dùng gạo hồ làm hoàn. Ngày uống 2 -3 lần, mỗi lần dùng khoảng 12g.
Trị mờ mắt do can thận suy:
Thục địa, Thỏ ty tử, Xa tiền tử đều 12g. Đem tất cả nguyên liệu trên tán thành bột, trộn với mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g kèm rượu.
Tiêu khát:
Uống nước sắc hoặc bột thỏ ty tử.
Trị tỳ thận hư, tiêu lỏng:
Sắc uống Thỏ ty tử, Thạch liên tử đều 9g, Hoài sơn 15g, Phục linh 12g.
Kiêng kỵ
Trong quá trình dùng thuốc, cần lưu ý một số điều sau:
- Không dùng thịt thỏ
- Không dùng cho người thận có hỏa, táo bón.
- Phụ nữ đang mang thai, băng huyết tuyệt đối không dùng,
- Người có hỏa vượng, thận hư, âm hư cần đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc.
Thông tin được đề cập đến trong bài viết mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán & phương pháp điều trị thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!