Ích trí nhân: Tác dụng dược lý, liều dùng & bài thuốc
Ích trí nhân là tên dược liệu của quả cây ích trí. Vị thuốc có tác dụng nổi bật là sáp tinh, cố khí, uất kết khí, súc tiểu tiện. Đông Y thường dùng nguyên liệu trên để chủ trị bệnh về tiết niệu như tiểu đêm nhiều lần, tiểu dắt, di tinh hư lậu…
Tên gọi, phân nhóm
- Tên gọi khác: Ích trí, Ích Trí Tử.
- Tên khoa học: Alpinia oxyphylla Miq.
- Họ khoa học: Gừng (Zingiberraceae).
Đặc điểm dược liệu
Mô tả:
Ích trí nhân là tên gọi dược liệu của quả chín từ cây ích trí đem sấy khô. Cây ích trí cao khoảng 1 – 1.5m, lá hình mũi mác, rộng khoảng 3 – 6 cm, dài khoảng 17 – 33 cm. Hoa màu trắng, đốm tím, mọc thành chùm ở đầu cành.
Quả cây ích trí hình bầu dục, đường kính từ 1 – 1.3 cm, 2 đầu nhọn. Vỏ quả có màu nâu đỏ hoặc nâu xám, nhiều đường chỉ gồ lên, lồi lõm không đồng đều. Bên trong hạt là một chất bột màu trắng. Quả thơm, vị đắng, hơi cay.
Phân bố: Cây mọc hoang ở nhiều vùng rừng núi.
Bộ phận dùng, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Quả gần chín đem phơi hoặc sấy khô của cây ích trí. Nên chọn những quả mập, hạt to để thu được dược liệu tốt nhất.
Thu hoạch: Tháng 7 – 8, khi quả từ xanh ngả sang màu vàng.
Sơ chế: Đem phơi hoặc sấy khô.
Chế biến:
- Dùng sống: Loại bỏ tạp chất và vỏ ngoài rồi đem giã nát.
- Diêm ích trí nhân (chế muối): Cho nguyên liệu vào trong chảo lớn có chứa cát, sao cho đến khi vỏ có màu vàng thì lấy ra lọc sạch, giã bỏ vỏ. Dùng phần nhân trộn với nước muối (cứ 50 gam ích trí nhân trộn với 1.4 kg muối), sao khô rồ để nguội rồi giã nát khi cần dùng.
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm thấp, mối mọt.
Thành phần hóa học
Dược liệu ích trí nhân có chứa các thành phần hóa học chính sau đây:
- 0.7% tinh dầu, trong đó có Sesquitecpen C10H24 và Sesquitecpenancola, Tecpen C10H16.
- 1.7% saponin.
Tính vị
Dược liệu có:
- Vị cay, tính ôn, không độc (theo Khai Bảo Bản Thảo).
- Vị đắng, cay, tính nhiệt (theo Bản Thảo Tiện Độc).
- Tính ôn, vị cay (theo Trung dược Đại từ điển).
Quy kinh
Vị thuốc quy vào các kinh sau:
- Kinh Tỳ, thận (theo Trung dược Đại từ điển).
- Kinh túc Thái âm Tỳ, Thủ thái âm Phế, túc Thiếu âm Thận (theo Thang Dịch Bản Thảo).
- Kinh Vị, tỳ (theo Lôi Công Bào Chích Luận).
- Kinh thủ Thái âm Phế, túc Quyết âm Can (theo Bản Thảo Kinh Giải).
Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu y học hiện đại:
Một số nghiên cứu y học hiện đại cho biết ích trí nhân có khả năng ức chế thụ thể muscarinic, chống viêm, giảm co thắt cơ bàng quang và hạn chế cơn són tiểu. Với các trường hợp tiểu không tự chủ được, cơ bàng quang đã bị suy yếu, dão, dược liệu còn hỗ trợ phục hồi cơ bàng quang.
Theo y học cổ truyền:
Dược liệu có tác dụng:
- Ôn tỳ
- Cố tinh
- Ấm thận
- Chỉ tả
- Súc niệu
- Xầm chảy nước bọt.
Với đặc tính trên, vị thuốc được chỉ định cho các đối tượng sau:
- Tỳ hàn tiêu chảy
- Đau bụng
- Nôn mửa
- Miệng nhiều bọt dãi
- Đầy hơi
- Đái nhiều về đêm, đái dầm
- Tiểu đục
- Di tinh.
Liều dùng và cách dùng
- Liều dùng: 6 – 12 gam/ ngày.
- Cách dùng: Thuốc sắc, thường phối hợp với nhiều loại thuốc đặc trị khác.
Bài thuốc
Vị thuốc có thể được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý sau đây:
Chữa đau bụng, đau nhức tay chân do lạnh, tiêu chảy:
- Chuẩn bị: 4g ích trí tử, xuyên ô, 0.5g cam khương, 3 g thanh bì, 1g sinh khương, 2g đại táo.
- Thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu trên sao khô, tán thành bột mịn. Khi dùng, lấy ra 10g pha với nước, có thể thêm một ít đường cho dễ uống.
Trị bạch đới, sa tử cung ở nữ giới:
- Chuẩn bị: ích trí tử.
- Thực hiện: Sao vàng, tán thành bột mịn. Khi dùng, lấy ra 3g bột hòa với nước sôi hoặc cháo.
Trị đái dầm, tiểu đêm nhiều lần:
- Chuẩn bị: 20 hạt ích trí tử, muối, 200 ml nước.
- Thực hiện: Uống trước khi ngủ.
Trị di niệu ở người lớn tuổi:
- Chuẩn bị: 15g ích trí tử, tang phiêu tiêu, bạch truật, phúc bồn tử; 5g thang ma.
- Thực hiện: Đem tất cả nguyên liệu trên sắc uống, dùng 2 lần/ ngày.
Trị tiểu đục, bạch trọc:
- Chuẩn bị: ích trí tử tẩm nước muối, hậu phác tẩm nước gừng sống.
- Thực hiện: Đem sao nguyên liệu trên rồi sắc uống với 1 quả đại táo, 3 lát gừng.
Giúp thơm miệng:
- Chuẩn bị: 8g cam thảo, 40g ích trí tử.
- Thực hiện: Nghiền nát, cho bào lọ nhỏ, đậy kín, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Khi dùng, lấy ra một ít để liếm. Kiên thì thực hiện một thời gian bệnh sẽ thuyên giảm.
Kiêng kỵ
Không dùng ích trí nhân cho người bị âm hư hoặc thuộc chứng táo nhiệt.
Một số thông tin về vị thuốc ích trí nhân được liệt kê trong bài viết hy vọng sẽ hữu ích đến bạn. Để dùng thuốc an toàn và hiệu quả, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của chuyên gia.
ThuocDanToc.vn không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán & phương pháp điều trị thay thế chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Hy thiêm (Cây chó đẻ hoa vàng): Công dụng và Bài thuốc chữa bệnh
- Giảo cổ lam: Công dụng trị bệnh và cách dùng
Hỏi đáp cùng chuyên gia
“Sao ích trí nhân dùng phần nhân trộn với nước muối :50g với 1.4kg “?Có lẽ là đánh máy nhầm mà không kiểm tra khi đăng,Phải là 50 KG ích trí tử với 1,4kg muối mới đúng ,chứ nếu trộn nhưTHUỐC DÂN TỘC.VN thì mặn chát uống sao được !