Củ Riềng - Tác Dụng Chữa Bệnh Hay Và Những Bài Thuốc Hay

Củ riềng hay còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Cao lương khương, Tiểu lương khương,… với danh pháp khoa học là Alpinia officinarum Hance. Trong một số tài liệu của Đông y cổ truyền cho biết, riềng có vị cay, tính nóng và được quy vào kinh Tỳ, Vị. Loại dược liệu này có tác dụng ôn trung, tiêu thực, tán hàn, giảm đau, hỗ trợ điều trị đau dạ dày, sốt rét, đầy bụng, giúp ăn ngon miệng, kích thích hệ tiêu hóa,…

củ riềng
Củ riềng là một loại cây thuộc họ Gừng, còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Cao lương khương, Tiểu lương khương,… với danh pháp khoa học là Alpinia officinarum Hance

Tên gọi – Phân nhóm

  • Tên gọi khác: Riềng, Riềng thuốc, Cao lương khương, Phong khương, Tiểu lương khương,…
  • Danh pháp khoa học: Alpinia officinarum Hance
  • Tên tiếng Trung: 高良姜
  • Họ: Gừng (Zingiberaceae)

Đặc điểm sinh thái củ riềng

+ Mô tả củ riềng

Cây riềng là một loại cây cỏ nhỏ, cao trung bình từ 0,7 – 1,2m. Cây có thân rễ bò ngang và phát triển thành củ có hình dạng giống củ gừng. Vỏ ngoài có màu nâu đỏ, phù nhiều lớp vảy và chia thành nhiều đốt không đều nhau. Bên trong lớp thịt có màu trắng nhạt, mùi thơm, vị cay.

Lá hình mác, dài khoảng 22 – 40cm và rộng khoảng 24mm, mặt lá nhẵn. Lá không có cuống, có bẹ, gân hiện rõ trên mặt lá.

Cụm hoa hình chùy, thường mọc ở đầu cành. Học mọc sát nhau, mặt trong có màu trắng, mép cánh hoa hơi mỏng kèm hai lá bắc hình mo, một có màu trắng và cái còn lại có màu xanh. Tràng hình ống có 3 thùy tù hình thoi, thùy giữa hơi lớn hơn so với các thùy khác. Cánh môi to, có vân đỏ.

Quả hình cầu có lông. Hạt có áo hạt.

Cây thường ra hoa và quả từ tháng 5 đến tháng 9, có khi kéo dài đến hết năm.

+ Củ riềng chủ yếu phân bố ở đâu?

Cây riềng thường mọc hoang ở những vùng đất ẩm ướt, nhiều nắng như gần bờ ao, đồng ruộng. Hiện nay, cây riềng thường được trồng khá nhiều để lấy củ làm gia vị.

Không chỉ tìm thấy ở nước ta, loại cây riềng còn được tìm thấy nhiều ở một số tỉnh thành thuộc nước Trung Quốc như: Đài Loan, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông,…

cây riềng
Cây riềng thường mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ làm gia vị

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

+ Bộ phận dùng: Dùng phần thân rễ (hay còn được gọi là củ) của cây riềng để làm thuốc chữa bệnh.

+ Thu hái: Thu hoạch những phần củ của cây riềng hơn 1 năm tuổi, có thể thu hoạch quanh năm. Thời điểm thích hợp để thu hoạch là vào mùa đông hoặc sang xuân trước vụ mưa phùn.

+ Chế biến: Những củ riềng đã được thu hoạch cần đem rửa sạch qua nhiều lần nước để loại bỏ bụi bẩn, đất cát và tạp chất. Sau đó, cắt bỏ rễ con và cắt thành từng lát mỏng rồi đem phơi khô.

+ Cách bảo quản: Đối với củ riềng tươi, sau khi rửa sạch cần phơi ít nắng để vỏ khô hoàn toàn. Có thể bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh hoặc cất trữ nơi khô ráo, thoáng mát. Còn củ riềng khô, nên bảo quản trong bao bì hoặc hũ nhựa để sử dụng được lâu ngày và nên đậy kín bao bì sau mỗi ngày sử dụng.

Thành phần hóa học của củ riềng

Thân rễ của cây riềng – củ riềng chứa nhiều tinh dầu mà thành phần chủ yếu là hoạt chất metylcinnamit và cineol. Bên cạnh đó, trong củ riềng còn chứa chất dầu mang vị cay là galangol và các dẫn chất của falvon (ở dạng tinh thể) như: kaempferin, alpinin, galangin,…

Tác dụng dược lý của dược liệu củ riềng:

+ Theo Y học hiện đại:

  • Dầu thơm của củ riềng có tác dụng kiện Vị;
  • Nước sắc của củ riềng có tác dụng hưng phấn ruột cô lập ở một số động vật. Ở nồng độ cao, dược liệu này lại có tác dụng ức chế;
  • Có tác dụng ức chế một số vi khuẩn như: trực khuẩn lao, tụ cầu vàng, trực khuẩn bạch cầu, song cầu khuẩn viêm phổi, trực khuẩn thương hàn,…;
  • Khi thí nghiệm trên chuột, nước sắc củ riềng có tác dụng giảm bớt khả năng tiêu chảy do phan tả diệp gây ra nhưng không có tác dụng đối với dầu thầu dầu;
  • Thí nghiệm trên chó bằng cách cho nước sắc củ riềng trộn với thức ăn cho thấy tổng tiết dịch axit dạ dày tăng rõ rệt nhưng không làm ảnh hưởng đến men pepsin.

+ Theo Đông y cổ truyền:

  • Công dụng: Củ riềng có tác dụng ôn trung, giảm đau, tiêu sưng tán hàn, tiêu thực.
  • Chủ trị: Riềng được sử dụng chữa chứng đau bụng, đau dạ dày, đau vùng thượng vị, hay buồn nôn, ăn uống không tiêu, ợ hơi, ợ chua, nôn mửa, đau nhức xương khớp, sốt rét, lang beng, hắc lào,…
củ riềng
Củ riềng có vị cay, tính nóng, mùi thơm, được quy vào kinh Tỳ và Vị

Tính vị và quy kinh của dược liệu củ riềng

Trong Đông y, củ riềng mang tính vị và được quy kinh sau:

  • Tính vị: Riềng có vị cay, tính nóng, mùi thơm gần giống gừng
  • Quy kinh: Riềng được quy vào kinh Tỳ và Vị

Cách dùng và liều lượng sử dụng dược liệu củ riềng

Tùy vào từng bài thuốc và mục đích sử dụng sẽ có cách dùng và liều lượng khác nhau. Thông thường, liều lượng sử dụng dao động từ 8 – 16gr, dùng ở dạng thuốc sắc, ngâm rượu để bôi ngoài hoặc tán thành bột mịn rồi hoàn thành viên. Có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị dược liệu khác.

Tổng hợp những bài thuốc hay từ dược liệu củ riềng

Dưới đây là 12 bài thuốc chữa bệnh hay từ dược liệu củ riềng theo sự ghi nhận của giới Đông y cổ truyền. Bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng khi cần thiết:

những bài thuốc từ củ riềng
Riềng có vị cay thơm, tính ấm, có tác dụng giảm đau, tiêu sưng, tiêu thực, trừ hàn, ôn trung

1. Bài thuốc chữa đau bụng, nôn mửa

  • Nguyên liệu: 8gr củ riềng cùng với 1 quả đại táo.
  • Cách thực hiện: Đem hai nguyên liệu đã được chuẩn bị sắc cùng với 350 – 400ml nước. Tiến hành sắc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 100ml rồi chia thành 3 phần nhỏ để dùng hết trong ngày.

2. Bài thuốc chữa chứng nôn mửa

  • Nguyên liệu: Củ riềng, gừng và bán hạ mỗi vị 10gr
  • Cách thực hiện: Mang toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị sắc để lấy nước uống. Nên uống thuốc khi thuốc còn ấm. Dùng mỗi ngày 2 – 3 lần.

3. Bài thuốc chữa sốt, sốt rét, ăn không ngon miệng

  • Nguyên liệu: Củ riềng tẩm dầu vừng sao và can khương mỗi vị 40gr.
  • Cách thực hiện: Đem hai nguyên liệu trên tán thành bột mịn. Thêm một ít mật lợn rồi hoàn thành viên với kích thước mỗi viên bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng 15 – 20 viên/ ngày, có thể chia thành nhiều lần uống trong ngày.

4. Bài thuốc chữa sốt rét

  • Nguyên liệu: 300gr bột củ riềng cùng với bột quế khô và bột thảo quả mỗi vị 100gr.
  • Cách thực hiện: Trộn toàn bộ các loại bột để thành hỗn hợp bột. Thêm một ít mật rồi hoàn thành viên to bằng hạt ngô. Sau đó đem cất trữ trong hũ thủy tinh có nắp đậy để sử dụng trong nhiều ngày. Mỗi ngày sử dụng 15 viên cùng với ly nước ấm trước khi lên cơn sốt, có thể chia thành nhiều lần uống trong ngày.

5. Bài thuốc chữa đau dạ dày, đau thượng vị, viêm loét tá tràng mãn tính

  • Nguyên liệu: Củ riềng và hương phụ mỗi vị 60gr.
  • Cách thực hiện: Mang hai nguyên liệu tán nhỏ thành bột mịn, thêm một ít mật rồi hoàn thành viên. Mỗi lần sử dụng 3gr cùng với cốc nước ấm và dùng mỗi ngày 3 lần.

6. Bài thuốc chữa đau dạ dày do hư hàn (biểu hiện: đau bụng khi trời lạnh hoặc khi đói, có cảm giác đầy bụng, buồn nôn, sợ lạnh, đại tiện lỏng,…)

  • Nguyên liệu: Củ riềng và hương phụ mỗi vị 6 – 10gr; bách hợp và đan sâm mỗi vị 30gr; 3 – 6gr sa nhân; 9 – 12gr ô dược cùng với 6 – 9gr đinh hương.
  • Cách thực hiện: Mang một thang thuốc trên sắc cùng với 700ml nước. Tiến hành sắc thuốc trên ngọn lửa nhỏ sao cho lượng nước cô đặc lại còn khoảng 200ml. Chắt lọc lấy phần nước rồi chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày.

7. Bài thuốc chữa đau dạ dày cấp (biểu hiện: đau bụng, nôn, buồn nôn. chán ăn,…)

  • Nguyên liệu: Củ riềng, trần bì, mộc hương, thanh bì và thạch xương bồ mỗi vị 6gr; 15gr sơn tra cùng với 4gr đinh hương.
  • Cách thực hiện: Sắc một thang thuốc trên cùng với 700 ml nước. Sắc cô đặc còn lại khoảng 200ml thì tắt bếp. Chắt lọc lấy phần nước sắc rồi chia thành 2 phần nhỏ để uống hết trong ngày.

8. Bài thuốc chữa đau dạ dày (triệu chứng: đau bụng, trướng bụng, chân tay lạnh,…)

  • Nguyên liệu: Củ riềng, tô mộc và cam thảo chích mỗi vị 10gr, 15gr bạch chỉ cùng với 30gr bạch thược (sao).
  • Cách thực hiện: Mang tất cả các nguyên liệu đã được chuẩn bị tán thành bột mịn rồi pha với nước sôi để nguội hoặc đem sắc để lấy nước dùng. Dùng mỗi ngày 1 thang thuốc.

9. Bài thuốc chữa lang ben

  • Nguyên liệu: Củ riềng.
  • Cách thực hiện: Làm sạch củ riềng để loại bỏ bụi bẩn và lớp đất cát. Sau đó, giã nát toàn bộ riềng rồi ngâm cùng với rượu hoặc giấm. Sau 7 – 10 ngày ngâm là có thể sử dụng để thoa lên vùng da bị tổn thương.

10. Bài thuốc chữa hắc lào

  • Nguyên liệu: 100gr củ riềng già.
  • Cách thực hiện: Giã nát toàn bộ củ riềng đã được làm sạch rồi đem ngâm cùng với 200ml rượu hoặc cồn 70 độ. Sau 3 – 5 ngày ngâm là có thể sử dụng, mỗi lần sử dụng  một lượng vừa đủ để thoa lên vùng da bị hắc lào. Mỗi ngày bôi 2 – 3 lần.

11. Bài thuốc chữa viêm họng, ho, đau rát cổ họng, tiêu hóa kém

  • Nguyên liệu: Củ riềng.
  • Cách thực hiện: Thái lát củ riềng thành từng lát mỏng rồi đem muối chua. Mỗi lần sử dụng vài lát để ngậm cùng với vài hạt muối hoặc nhai nát rồi nuốt trôi dần.

12. Bài thuốc chữa phong thấp

  • Nguyên liệu: Củ riềng, trần bì và hạt tía tô mỗi vị 60gr.
  • Cách thực hiện: Mang toàn bộ nguyên liệu sấy khô rồi tán nhuyễn thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 4gr cùng với ly nước sôi để nguội hoặc có thể uống cùng với rượu ấm. Mỗi ngày uống 2 lần vào mỗi buổi sáng và tối. Dùng thuốc liên tục trong 7 – 10 ngày.

Dược liệu củ riềng có gây ra tác dụng phụ không?

Đa phần, củ riềng không chứa độc, khá an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, ở một số bài báo cáo gần đây cho biết, loại dược liệu này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ:

  • Dị ứng da, phát ban da;
  • Nóng da, nóng trong người;
  • Tăng tiết dịch axit dạ dày.

Thông thường, những triệu chứng trên thường tiêu biến sau vài giờ và không làm ảnh hưởng quá nhiều đối với sức khỏe. Nhưng, người bệnh cũng không được quá chủ quan với sức khỏe của chính mình. Tốt nhất nên tìm gặp bác sĩ để được hỗ trợ và có những biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Những lưu ý khi sử dụng những bài thuốc từ củ riềng

Trong quá trình sử dụng củ riềng để làm thuốc chữa bệnh, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong củ riềng cần cân nhắc trước khi sử dụng loại dược liệu này;
  • Không sử dụng củ riềng cho các trường hợp bị cảm phong nhiệt, nôn mửa hoắc loạn hay thương thử;
  • Thận trọng khi sử dụng củ riềng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Trên đây là những thông tin liên quan đến công dụng và những bài thuốc chữa bệnh từ củ riềng. Hy vọng bài viết có thể giúp ích được cho bạn đọc trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Để dược liệu phát huy tối đa công dụng cũng như phòng ngừa một số trường hợp rủi ro, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, lương y trước khi sử dụng.

Những thông tin trong bài viết chỉ mang giá trị tham khảo. Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Có thể bạn đọc quan tâm: 

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Đối tác

Ông Phạm Minh Đức - 0914530xxx
Thanh Trì, Hà Nội
Đặt mua 1 kg Cỏ Ngọt cách đây 1 phút