Cây nhàu và những bài thuốc chữa bệnh từ cây nhàu trong dân gian
Cây nhàu hay còn gọi là cây Giầu, cây Ngao, Nhầu núi thuộc họ Cà phê. Đây là một loại cây được trồng khá nhiều ở nước ta, chủ yếu trồng để làm thuốc chữa bệnh. Mỗi bộ phận của cây đều có thành phần và công dụng chữa bệnh riêng. Chính vì thế, bạn đọc hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết rõ hơn công dụng của loại cây này.
1. Tên gọi – Phân nhóm
- Tên gọi khác: Cây ngao, Giầu, Nhầu núi, Noni,…
- Tên khoa học: Morinda citrifolia L
- Họ: Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Cây nhàu là cây gỗ, cây cao chừng 4 – 8 mét, phân nhánh. Thân và cành non có màu lục hoặc nâu nhạt, thân nhẵn. Lá hình bầu dục, màu xanh bóng đậm ở mặt trên, mặt dưới màu xanh nhạt, mọc đối, lá dài tầm 12 – 30 cm, rộng 6 – 15 cm. Mép lá uốn lượn.
Gân lá có hình lông chim. Cuống lá dài khoảng 1 – 2 cm. Hoa đầu hình tròn hơi bầu, mọc thành cụm ở nách lá. Trục cụm hoa hình trụ, màu xanh, nhẵn. Quả hình trứng, xù xì, dài chừng 5 – 6 cm, khi còn non quả có màu xanh nhạt và chuyển dần sang màu trắng hồng khi già.
Phần thịt quả mềm ăn được, chính giữa là phần nhân cứng, có hai ngăn, mỗi ngăn chứa một hạt nhỏ mềm.
Phân bố: Cây nhàu thường mọc ở các vùng nhiệt đới và ôn đới. Ở Việt Nam, cây nhàu thường mọc hoang hoặc được trồng ở khắp các tỉnh miền Nam và rải rác các tỉnh miền Trung, các vùng ẩm thấp dọc hai bên bờ sông, suối, ao hồ, mương hoặc kênh rạch. Trên thế giới, cây nhàu xuất hiện ở các nước thuộc các vùng Đông Nam Á, Tây Ấn, Hawai, Đông Indonesia và một số nước khác.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng: Dùng phần quả, lá, vỏ và rễ của cây nhàu để làm thuốc chữa bệnh.
Thu hái: Mỗi bộ phận của cây nhàu được thu hái vào từng thời điểm khác nhau để có năng suất và chất lượng cao nhất. Rễ thu hái vào mùa đông, lá thu hái vào mùa đông và quả thu hái vào mùa hạ.
Chế biến: Đem những phần thu hoạch về rửa sạch để lọc bỏ bụi bẩn và tạp chất, rồi thái thành từng khúc nhỏ rồi đem phơi nắng hoặc sấy cho khô.
Bảo quản: Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Đối với dược liệu khô, cần bảo quản trong bao bì để được sử dụng lâu dài, đóng kín bao bì sau mỗi lần sử dụng.
4. Thành phần hóa học
Trong vỏ rễ cây nhàu có chứa các thành phần như: morindon, morindin, morindadiol, soranjidiol, axit rubichloric, alizarin a-methyl ete và rubiadin 1 – methyl ete. Trong vỏ, rễ và quả còn chứa glucozit anthraquinonie, alkaloids, polysaccharides, sterol,…
5. Tính vị – Quy kinh
Quả nhàu có vị hăng nồng, tính mát
Rễ nhàu vị hơi đắng, tính ấm
Chưa có tài liệu báo cáo về quy kinh của cây nhàu.
6. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Trong một số thí nghiệm trên các loài động vật như chuột, thỏ và gà đã cho thấy công dụng chữa bệnh của rễ cây nhàu như sau:
- Lợi tiểu nhẹ
- Nhuận tràng nhẹ và lâu dài
- Hạ huyết áp
- Làm dịu các dây thần kinh trên thần kinh giao cảm
- Loại bỏ các độc tố
- Tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, các loại vitamin, thảo dược và khoáng chất
- Chống oxy hóa, ngăn chặn sự hủy hoại của những gốc tự do
- Giảm các chứng đau ở cổ, lưng, cơ, thần kinh, đau nửa đầu và những cơn đau khác
- Hỗ trợ hệ miễn dịch cho cơ thể, kích thích sự sản xuất của các tế bào T
- Chống viêm, ngăn chặn các bệnh lý liên quan đến xương khớp
- Giảm đau các vết thương do bầm tím, bỏng, căng da
- Chữa trị vết loét, ngăn ngừa phát ban
Theo Y học cổ truyền
Trong Đông y, mỗi bộ phận của cây nhàu đều có mỗi công dụng chữa bệnh riêng, cụ thể như sau:
- Quả nhàu: có tác dụng nhuận tràng, được sử dụng để điều trị rối loạn kinh nguyệt, băng huyết, ho do cảm, hen, thũng, đau gân, bệnh đái đường
- Lá nhàu: có tác dụng trị mụn nhọt, chữa lỵ, sốt, bổ máu
- Rễ nhàu: chữa nhức mỏi, đau lưng, các bệnh về xương khớp, chữa bệnh cao huyết áp, viêm phế quản, ho hen, cảm mạo. Bên cạnh đó, trong dân gian, rễ nhàu còn được dùng để nhuộm màu quần áo, vải lụa
7. Cách dùng – Liều lượng
Cách dùng: Dùng thuốc dưới dạng thuốc sắc độc vị hoặc kết hợp với vị thuốc khác. Hoặc có thể dùng trực tiếp với ép từ quả cây nhàu. Hoặc dùng hãm nước trà để uống.
Liều lượng: Dùng 20 – 30 gram/ ngày đối với rễ cây nhàu ở dạng khô và 8 – 20 gram lá nhàu tươi.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của các nhà dược lý hiện đại, nước ép từ quả nhàu không thể sử dụng tùy tiện cho mọi đối tượng. Tùy vào từng bệnh lý sẽ có liều dượng sử dụng khác nhau. Liều dùng đối với nước ép quả nhàu được đề nghị như sau:
- Đối tượng bắt đầu chữa bệnh từ dược liệu này: Dùng 160 ml/ ngày.
- Những đối tượng bình thường: Dùng khoảng 30 ml.
- Người già, người lớn tuổi: Dùng 30 ml/ lần, mỗi ngày dùng hai lần vào buổi sáng và buổi tối.
- Các đối tượng bị chấn thương hoặc sau giải phẫu: Dùng 180 – 240 ml/ ngày (liều khởi đầu) và dùng 90 – 120 ml/ ngày (liều duy trì).
- Các đối tượng bị ung thư, bệnh tiểu đường hoặc một số bệnh lý nguy hiểm khác: Dùng 180 – 240 ml/ ngày.
- Đối với những trường hợp bệnh lý nguy hiểm đến mạng: Dùng 480 – 600 ml/ ngày, chia thành nhiều lần uống trong ngày.
8. Những bài thuốc từ cây nhàu
Dưới đây là những bài thuốc chữa bệnh từ cây nhàu:
Bài thuốc từ cây nhàu chữa huyết áp cao: Dùng 30 – 40 gram rễ cây nhàu hãm với uống nóng để uống thay cho nước trà. Kiên trừ sử dụng mỗi ngày, sau 2 tuần là có kết quả, tiếp tục giảm liều và sử dụng thêm 2 – 3 tháng.
Bài thuốc từ cây nhàu chữa tăng huyết áp, chóng mặt, nhức mỏi, mất ngủ: Dùng 20 – 30 gram rễ cây nhàu, đem rửa sạch để loại bỏ lớp đất, rồi thái thành từng lát mỏng để sắc lấy nước dùng. Hoặc phối hợp cùng với ngưu tất, sinh địa và hoa hòe mỗi vị 12 – 16 gram, sắc để lấy nước dùng.
Bài thuốc từ cây nhàu chữa huyết áp cao, chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh: Dùng 24 gram rễ nhàu, 12 gram thảo quyết minh (sao thơm), thổ phục linh, rau má mỗi vị 8 gram, 6 gram vỏ bưởi cùng với 3 lát gừng. Sắc một thang thuốc trên cùng với năm phần nước, sắc cô đặc còn hai phần để dùng. Chia phần nước sắc được thành hai phần nhỏ để dùng trong ngày. Dùng thuốc khi thuốc còn nóng.
Bài thuốc từ cây nhàu chữa rối loạn kinh nguyệt cho phụ nữ mắc bệnh cao huyết áp: Dùng rễ cây nhàu, ngũ trảo mỗi vị 12 gram cùng với cối xay, dây gùi, ngó bần, rau ngót, đậu săng, rễ ngà voi, tầm gửi cây dâu mỗi vị 8 gram. Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc trên. Sắc cùng với 500 ml nước, sắc cô đặc còn 250 ml. Chia phần nước sắc được thành 2 lần uống trong ngày. Người bệnh nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm. Hoặc có thể sử dụng bài thuốc khác: Dùng quả nhàu và ích mẫu mỗi vị 20 gram cùng với 12 gram hương phụ (tẩm giấm sao qua) và 6 gram cam thảo dây. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với nước để dùng. Chia phần nước sắc được thành 2 – 3 lầm dùng trong ngày. Lưu ý, dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
Bài thuốc từ cây nhàu chữa táo bón cho các đối tượng huyết áp cao: Dùng 1- 2 quả cây nhàu, đem rửa sạch bằng nước lạnh hoặc nước muối pha loãng để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. Dùng quả ăn cùng với muối hột để chữa táo bón.
Bài thuốc từ cây nhàu chữa đau lưng, nhức mỏi tay chân: Dùng 300 gram quả nhàu non,đem rửa sạch rồi thái mỏng, sau đó đem sao khô. Đem quả nhàu khô ngâm với rượu trắng 30 – 40º. Ngâm trong 2 tuần là có thể sử dụng, mỗi lần sử dụng 1 ly con (khoảng 30 – 40 ml), dùng mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.
Bài thuốc từ cây nhàu chữa đau nửa đầu, nhức đầu kinh niên: Dùng 20 gram rễ cây nhàu cùng với hạt muồng trâu, cối xay, rau má mỗi vị 12 gram và 8 gram củ gấu (tẩm mật và sao vàng). Đem một thang thuốc trên sắc cùng với năm phần nước, sắc cô đặc còn nửa phần để dùng. Chia thành hai lần uống trong ngày. Nên dùng thuốc khi còn nóng, nếu thuốc nguội nên hâm lại trước khi dùng.
Bài thuốc từ cây nhàu chữa phong thấp: Dùng rễ cây nhàu, dây đau xương, rễ cỏ xước, thổ phục linh mỗi vị 20 gram cùng với 6 gram cam thảo day. Mỗi ngày sắc một thang thuốc trên cùng với 500 ml nước, sắc cô đặc còn 250 ml. Chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Nên dùng thuốc khi còn nóng.
Bài thuốc từ cây nhàu giúp giải tỏa căng thẳng, bị chấn thương, hỗ trợ điều trị trầm cảm: Dùng 3 – 4 quả cây nhàu, rửa sạch nhiều lần bằng nước sạch để loại bỏ tạp chất và vi khuẩn. Sau đó cắt thành từng đoạn nhỏ rồi ép lấy nước dùng. Dùng nước cốt từng ngụm một, giữ trong lưỡi và cuống họng rồi nuốt trôi từ từ. Lưu ý, người bệnh nên dùng khi bụng đói hoặc trước bữa ăn.
Bài thuốc từ cây nhàu giúp cải thiện tình trạng da đầu, tóc chắc khỏe: Dùng nước ép của quả cây nhàu để thoa lên da đầu, giữ yên khoảng 15 – 20 phút, sau đó rửa lại bằng nước lạnh. Kiên trì thực hiện mỗi ngày để đạt được kết quả như mong muốn.
Bài thuốc từ cây nhàu chữa bệnh nấm và những bệnh liên quan đến da, những chấn thương bầm tím, cơ xương bị đau: Dùng một lá tươi và một vài quả nhàu, đem rửa sạch và vớt để ráo nước. Đem lá giã nhuyễn vào nước ép quả nhàu cùng với một ít nước ấm. Thoa một lượng ít hỗn hợp vào vùng đau, vùng tổn thương, giữ yên khoảng 10 – 15 phút rồi rửa lại với nước sạch. Kiên trì thực hiện mỗi ngày đến khi bệnh tình dứt hẳn.
Bài thuốc từ cây nhàu giúp bồi bổ sức khỏe, người bị suy nhược cơ thể: Dùng một nắm lá cây nhàu non, rửa sạch để loại tạp chất và bụi bẩn, vớt để ráo, sau đó thái thành các sợi nhỏ. Đem lá cây nhàu non vừa sơ chế nấu cùng với thịt bò nạc hoặc thịt lươn để dùng. Có thể dùng canh cùng với một ít cơm trắng.
Bài thuốc từ cây nhàu trị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ do huyết ứ: Dùng 50 gram rễ cây nhàu cùng với 20 gram ngưu tất và 15 gram thảo quyết minh sắc cùng với một lượng nước phù hợp để dùng. Dùng mỗi ngày một thang thuốc trên. Nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
Bài thuốc từ cây nhàu chữa bệnh kiết lỵ: Dùng 3 – 5 quả nhàu già, rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn rồi đem đi nướng để ăn trị bệnh. Hoặc có thể dùng một nắm lá cây nhàu (khoảng 10 – 20 gram) để sắc lấy nước dùng trong ngày. Có thể sử dụng phối hợp cùng với 10 gram cây cỏ sữa để sắc cùng lá cây nhàu.
Bài thuốc từ cây nhàu chữa các vết thương tụ máu, bầm tím do bị té ngã: Dùng 12 gram quả nhàu non, đem rửa sạch rồi nướng để ăn trị bệnh. Hoặc có thể dụng 12 gram quả nhàu non cùng với 10 gram rễ mía dò và 10 gram củ tầm sét. Đem tất cả các nguyên liệu phơi khô rồi tán thành một mịn. Mỗi lần sử dụng một ít để hãm thành bột hoặc sắc để uống mỗi ngày (nước sắc chia thành 3 phần nhỏ để dùng).
Bài thuốc từ cây nhàu chữa nhức mỏi cơ thể do thay đổi thời tiết: Dùng rễ cây nhàu, vòi voi mỗi vị 40 gram; nghệ đen, nghệ vàng, thiên niên kiện, trần bì, quế chi, đỗ trọng, chùm gửi cây dâu mỗi vị 20 gram, 10 gram quả ô môi, 500 gram đường cát cùng với 2 lít rượu trắng. Ngâm tất cả các dược liệu trên cùng với rượu trong khoảng 7 – 10 ngày. Lọc bỏ phần bã, chỉ lấy phần nước. Pha thuốc rượu cùng với đường, khuấy đều tay cho đường tan đều. Mỗi lần sử dụng 30 ml, mỗi ngày sử dụng 2 lần vào các buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
9. Một số lưu ý khi sử dụng
Ngoài việc sử dụng bài thuốc đúng cách, đúng bệnh lý, người bệnh cũng cần lưu ý đến một số vấn đề sau để không gây hại đến sức khỏe cũng như không khiến tình trạng bệnh tình chuyển hướng nghiêm trọng:
- Không sử dụng những bài thuốc từ cây nhàu cho các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu này.
- Thận trọng khi sử dụng bài thuốc từ cây nhàu cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Các đối tượng tỳ vị hư hàn và không có thực nhiệt không được sử dụng bài thuốc từ cây nhàu.
Trên đây là những thông tin về cây nhàu và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này. Chúng tôi hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về công dụng của loại dược liệu này. Đồng thời, người bệnh không được tự ý sử dụng những bài thuốc trên khi chưa có sự đồng ý của giới chuyên môn hoặc bác sĩ điều trị.
Xem thêm:
Những thông tin trong bài viết chỉ có giá trị tham khảo. ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!