Cây bạc hà: Tính vị, Quy kinh và Cách thực hiện một số bài thuốc
Cây bạc hà là vị thuốc nam quý. Thảo dược này được sử dụng để điều trị các bệnh lý thường gặp như đau đầu, đau răng, lở loét, lao hạch và chảy máu cam,…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Anh sinh, Thạch bạc hà, Nam bạc hà, Liên tiền thảo,….
Tên khoa học: Mentha Arvensis Linn
Họ: Hoa môi (danh pháp khoa học: Lamiaceae)
Phân nhóm: Bạc hà nam (Bạc hà Á), bạc hà cay (Bạc hà Âu)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Bạc hà là cây thân thảo, sống lâu năm. Thân mềm có hình vuông có màu xanh lục hoặc tía, chiều cao trung bình khoảng 30 – 40cm. Lá mọc đối xứng, có hình bầu dục – đôi khi lá có hình dạng tương tự quả trứng, răng đều.
Hoa bạc hà nở vào tháng 7 đến tháng 10 hằng năm, có màu trắng, tím hồng hoặc hồng, mọc ở cuống lá và thân tạo thành chùm hoa. Quả có kích thước nhỏ, gồm khoảng 4 hạt. Thân, lá, hoa của cây bạc hà có lông nhỏ để bảo vệ cây và bài tiết tinh dầu.
Phân bố:
Cây bạc hà thường phân bố ở các vùng Âu Á có khí hậu ôn đới. Ở nước ta, bạc hà thường mọc hoang nơi đất ẩm ở các vùng núi cao.
Hiện nay cây bạc hà được di thực và trồng ở nhiều nơi.
3. Bộ phận thu hái, sử dụng, chế biến, bảo quản
+Bộ phận thu hái: Thu hái vào khoảng tháng 5, 8 và tháng 11 khi cây vừa ra hoa. Có thể rửa sạch và dùng trực tiếp hoặc phơi khô (phơi trong râm, cần hạn chế ánh nắng trực tiếp).
+Bộ phận sử dụng: Dùng thân và cành mang lá của cây bạc bà.
+Chế biến: Rửa sạch, để ráo nước. Sau đó cắt ngắn khoảng 2cm phơi trong râm cho khô hoàn toàn.
+Bảo quản: Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm.
4. Thành phần hóa học
Trong cây bạc hà có chứa các thành phần hóa học sau: Camphene, Menthol, Menthone, Isomenthone, Menthyl Acetate, Rosmarinic acid, Ethyl – n – Amylketone, Piperitenone, d-Neomenthol,…
Thành phần chủ yếu trong bạc hà là tinh dầu. Tinh dầu chiếm khoảng 0.5 – 1.5%. Thành phần và nồng độ có trong tinh dầu tùy thuộc vào từng loại bạc hà.
5. Tính vị
Bạc hà có vị cay, the, tính mát/ lạnh.
6. Qui kinh
Qui kinh Phế, Can, Đởm.
Xem thêm: Cây xấu hổ – Công dụng và lưu ý khi dùng
7. Tác dụng dược lý
+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Bạc hà có tác dụng dược lý đa dạng. Dưới đây là một số tác dụng được tổng hợp từ nghiên cứu dược lý hiện đại.
- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc từ cây bạc hà có khả năng ức chế virus Salmonella Typhoit và ECHO (Trung Dược Học ghi chép).
- Tác dụng sát khuẩn mạnh: Thành phần trong bạc hà được sử dụng giảm ngứa đối với một số bệnh ngoài da, tai mũi họng,… (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam ghi chép).
- Tác dụng trên cơ trơn: Thực nghiệm trên thỏ cho thấy thành phần Menthol và Menthone có khả năng ức chế ruột thỏ.
- Tác dụng ức chế cơn đau: Tinh dầu bạc hà, đặc biệt là Menthol có khả năng bốc hơi nhanh gây ra cảm giác tê và mát tại chỗ. Do đó được sử dụng trong trường hợp đau dây thần kinh (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam ghi chép).
- Tác dụng ức chế hô hấp và tuần hoàn: Tinh dầu bạc hà có thể ức chế hô hấp dẫn đến ngưng thở và tim ngưng đập hoàn toàn ở trẻ nhỏ – đặc biệt là trẻ sơ sinh (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam ghi chép).
- Tác động đến thân nhiệt: Tinh dầu bạc hà có thể gây hưng phấn và tăng bài tiết của tuyến mồ hôi khiến thân nhiệt hạ thấp (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam ghi chép).
- Tác dụng ức chế thần kinh trung ương.
- Giảm khả năng vận động và chống co thắt của trực tràng.
- Ở liều cao, tinh dầu bạc hà còn kích thích tủy sống và gây tê liệt phản xạ.
+Theo Y học cổ truyền:
- Thông các khớp, điều trị cảm, đau đầu, tác dụng long đờm (Bản Thảo Đồ Kinh ghi chép).
- Chủ trị trung phong, uất nhiệt, thương táo và điên giản (Bản Thảo Thuật ghi chép).
- Tác dụng thanh nhiệt, tiêu tích thực và hóa đờm.
- Tác dụng phát hãn và trừ phong nhiệt (Thực Liệu Bản Thảo ghi chép)
- Kích thích tiêu hóa, trừ tặc phong. Trị trúng phong gây hạ khí, đầu đau, nôn ra đờm, mất tiếng (Nhật Hoa Tử Bản Thảo ghi chép).
- Điều trị răng đau, chỉ huyết lỵ, ho do nhiệt, thông tiểu tiện (Y Lâm Toản Yếu ghi chép).
- Trị thương hàn đầu đau, ung nhọt, ngứa, hoắc loan và thổ tả (Trấn Nam Bản Thảo ghi chép).
8. Cách dùng, liều lượng
Có thể dùng bạc hà trực tiếp, bạc hà khô, tinh dầu hoặc các chế phẩm có chiết xuất từ thảo dược này. Liều lượng thông thường: 4 – 8g bạc hà và 0.06 – 0.6ml tinh dầu bạc hà/ ngày.
9. Bài thuốc
Một số bài thuốc dân gian từ bạc hà:
- Bài thuốc trị mắt toét: Đem bạc hà ngâm với nước gừng trong 1 đêm (khoảng 8 tiếng), sau đó sấy khô và tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 4g bột hòa tan với nước sôi, đợi nước nguội và đem rửa mắt.
- Bài thuốc trị lao hạch, nhọt có mủ và gây đau: Dùng 20 – 30g Bạc hà, 10 trái Tạo giác, loại bỏ vỏ đen, sau đó đem đi tẩm giấm và sao cho vàng, cuối cùng đem tán bột. Đem ngâm với 200ml rượu trong 3 đêm, phơi khô và tiếp tục ngâm trong 3 đêm. Đem sấy khô, tán bột làm hoàn – hoàn to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 20 viên trước khi ăn, trẻ nhỏ dùng 10 viên.
- Bài thuốc trị lỵ ra máu: Đem bạc hà sắc lấy nước uống đến khi triệu chứng dứt điểm.
- Bài thuốc trị ngứa do phong: Dùng Bạc hà và Thuyền thoái, mỗi loại 4g dùng với rượu ấm.
- Bài thuốc trị ong chích: Dùng bạc hà tươi, rửa sạch và giã nát. Sau đó đắp lên nơi bị ong chích.
- Bài thuốc trị chảy máu cam: Lấy bạc hà tươi giã và vắt lấy nước. Thấm vào bông và nhét vào mũi.
- Bài thuốc trị đau tai: Dùng bạc hà tươi, giã lấy nước và nhỏ vào tai.
- Bài thuốc trị hỏa độc sinh lở loét: Dùng bạc hà tươi, vắt nước và bôi lên vùng da lở loét.
- Bài thuốc trị sốt cao, miệng khát, bứt rứt: Dùng 20g lá Bạc hà với 40g Thạch cao sống đem tán bột. Mỗi lần hòa tan từ 2 – 4g với nước nóng, ngày uống 3 lần.
- Bài thuốc trị ban sởi giai đoạn đầu: Dùng Bạc hà, Thuyền thoái, Cam Thảo mỗi thứ 4g và Ngưu bàng tử 12g. Sắc uống.
- Bài thuốc trị răng đau do phong hỏa: Dùng Lá bạc hà, Cúc hoa, Tổ ong mỗi thứ 10g, Bạch chỉ 6g và Hoa tiêu 2g sắc uống.
10. Lưu ý
- Người bị đổ mồ hôi do hư không nên dùng bạc hà (Dược Tính Luận ghi chép).
- Uống lâu ngày làm tổn Phế, thương Tâm (Bản Thảo Tùng Tân ghi chép).
- Bệnh nhân suy nhược toàn thân, trẻ dưới 1 tuổi, cao huyết áp hoặc táo bón không nên dùng bạc hà (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam ghi chép).
- Dùng bạc hà lâu ngày dễ lạnh người, sốt, tự đổ mồ hôi, ho (Bản Thảo Phùng Nguyên ghi chép).
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các bài thuốc từ bạc hà.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có ý định dùng bạc hà để điều trị các vấn đề về sức khỏe, cần trao đổi với người có chuyên môn để được tư vấn cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
- Dị ứng bạc hà: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Mẹo dùng lá bạc hà trị ho đơn giản, hiệu quả tại nhà
- Chữa Hôi Miệng Bằng Lá Bạc Hà với 6 Mẹo Dùng Hay Nhất
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!