Cách sống khỏe cùng bệnh vôi hóa xương
Vôi hóa xương xảy ra khi canxi tích tụ bất thường tại xương khớp. Mặc dù không có biện pháp chữa trị dứt điểm nhưng bạn có thể sống hòa hợp với bệnh nếu có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và luyện tập hợp lý.
Vôi hóa xương là gì ?
Vôi hóa xương xảy ra khi canxi tích tụ tại xương khớp. Vị trí canxi tích tụ được gọi là gai xương.
Gai xương có thể do rối loạn chuyển hóa canxi, tuy nhiên đây cũng có thể là hệ quả do các bệnh lý thoái hóa xương khớp gây ra.
Các gai xương này chèn ép lên dây chằng và dây thần kinh xung quanh gây ra cảm giác đau đớn và tê bì.
1. Nguyên nhân gây vôi hóa xương
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh vôi hóa xương, bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Rối loạn chuyển hóa canxi gây tăng canxi huyết
- Rối loạn di truyền
- Bệnh viêm khớp và các bệnh lý thoái hóa xương khớp
2. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết vôi hóa xương
Vôi hóa xương có triệu chứng tương tự như những bệnh xương khớp thông thường.
Các triệu chứng thường gặp, bao gồm:
- Đau nhức xương khớp
- Giảm phạm vi vận động
- Tê bì
- Yếu cơ
- Cứng khớp
- Bề mặt da có dấu hiệu sưng, đỏ và nóng rát
→Xem thêm: 7 cây thuốc nam điều trị viêm khớp dạng thấp quen thuộc
Chẩn đoán vôi hóa xương
Trước khi tiến hành thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử bệnh lý của bạn và người thân trong gia đình. Sau đó có thể đặt câu hỏi về các triệu chứng lâm sàng mà bạn gặp phải.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện một số động tác để xem phản ứng của cơ bắp, dây thần kinh và phạm vi chuyển động của xương khớp.
Nếu nghi ngờ bạn bị vôi hóa xương, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm sau:
- X-Quang: Hình ảnh từ tia X sẽ giúp bác sĩ xác định sự hiện diện của gai xương.
- Xét nghiệm máu: Nhằm xác định có tình trạng rối loạn tự miễn hay có dấu hiệu tăng canxi huyết hay không.
- MRI: Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn chụp MRI để quan sát xem canxi có tích tụ tại các dây chằng và dây thần kinh quanh khớp hay không.
Điều trị bệnh vôi hóa xương
Không có bất cứ phương pháp nào có thể điều trị triệt để bệnh vôi hóa xương. Do đó bạn buộc phải điều trị để làm giảm triệu chứng, ngăn chặn tiến triển bệnh.
Vôi hóa xương chỉ được điều trị khi gai xương gây ra các triệu chứng lâm sàng. Nếu gai xương nhỏ và không có xu hướng phát triển, bác sĩ có thể không yêu cầu điều trị.
Trong trường hợp bệnh gây ra các triệu chứng đau nhức, tê bì, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau, chống viêm – (Acetaminophen, NSAID) để cải thiện tình hình. Tuy nhiên bạn chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết, lạm dụng nhóm thuốc này có thể tăng độc tính lên gan hoặc gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
Khi bệnh chuyển biến nặng nề và gây tổn thương nghiêm trọng lên dây chằng, dây thần kinh, bác sĩ mới cân nhắc can thiệp ngoại khoa.
Phẫu thuật được thực hiện nhằm loại bỏ gai xương để làm giảm chèn ép lên khớp, cơ bắp và dây chằng xung quanh.
Sống khỏe cùng bệnh vôi hóa xương
Mặc dù không thể chữa trị dứt điểm nhưng bạn hoàn toàn có thể sống hòa hợp với bệnh vôi hóa xương nếu có chế độ sinh hoạt, luyện tập và dinh dưỡng hợp lý.
1. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục là thói quen đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tác động từ những bài tập sẽ giúp cải thiện xương khớp, tăng phạm vi chuyển động và độ linh hoạt, dẻo dai của khớp.
Bên cạnh đó, tập thể dục còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chuyển hóa các thành phần trong cơ thể. Nếu bạn có dấu hiệu tăng canxi huyết, việc luyện tập sẽ hỗ trợ cơ thể thu nạp canxi và chuyển hóa vào các cơ quan cần thiết.
Ngoài ra, luyện tập còn kích thích khớp tiết dịch nhầy nhằm giảm ma sát khi vận động. Dịch nhầy này còn thúc đẩy mô sụn tái tạo và chữa lành những tổn thương do quá trình thoái hóa gây ra.
Luyện tập thường xuyên không chỉ giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và tiến triển của bệnh vôi hóa xương mà còn ngăn ngừa những bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường,…
2. Thói quen sinh hoạt
Bên cạnh việc luyện tập, thói quen sinh hoạt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe xương khớp.
Nếu bạn thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích, xương khớp rất dễ suy yếu và có xu hướng hình thành gai xương.
Các chuyên gia còn cho biết, sử dụng rượu thường xuyên gây rối loạn chuyển hóa và làm tăng nồng độ canxi trong máu.
Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc lá cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống xương khớp. Nicotine trong khói thuốc gây ức chế quá trình thu nhận canxi của xương khớp. Khi đó, lượng canxi này sẽ có xu hướng tích tụ bất thường ở bên ngoài xương hoặc ở các mô mềm.
Để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh vôi hóa xương, bạn nên thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học. Cần cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, không sử dụng rượu bia, chất kích thích và thuốc lá. Bên cạnh đó, cần ngủ trước 23 giờ và ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày.
3. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố mà bệnh nhân vôi hóa xương nên quan tâm. Một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp cải thiện hệ thống xương khớp, giảm sự hình thành gai xương và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Một vấn đề mà bệnh nhân vôi hóa cột sống thường gặp phải đó là tình trạng rối loạn chuyển hóa canxi. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên bổ sung vitamin D vào khẩu phần ăn hằng ngày.
Vitamin D là thành phần thúc đẩy khả năng thu nạp và chuyển hóa canxi. Từ đó hạn chế hiện tượng canxi tích tụ bất thường tại xương và các cơ quan khác.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất để tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể. Khi quá trình này được thúc đẩy, hàm lượng canxi sẽ được cơ thể hấp thu hoàn toàn và làm chậm sự phát triển của gai xương.
Ngoài ra, bạn cần hạn chế thu nạp một số thực phẩm và thức uống ảnh hưởng xấu đến bệnh vôi hóa cột sống, như:
- Nước ngọt có gas: Thức uống này có chứa axit phosphoric. Thành phần này gây ức chế quá trình tái tạo tế bào và khiến mật độ xương giảm dần. Thường xuyên uống nước ngọt có gas có thể khiến triệu chứng của bệnh vôi hóa cột sống trở nên nghiêm trọng hơn.
- Muối: Muối có chứa hàm lượng lớn clorua và natri. Các thành phần này làm giảm quá trình hấp thu và thúc đẩy bài tiết canxi qua đường tiết niệu. Khi canxi không được hấp thu, xương khớp sẽ có xu hướng suy yếu và phát sinh những vấn đề tiêu cực.
- Cà phê: Caffeine trong cà phê là chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Mặc dù đem lại trạng thái tỉnh táo nhưng thành phần này lại gây ức chế quá trình hấp thu canxi của cơ thể.
Với những người bị vôi hóa xương, việc kiêng cử những thực phẩm và thức uống này là điều rất cần thiết. Sau một thời gian áp dụng chế độ ăn khoa học, bạn sẽ nhận thấy triệu chứng ít xuất hiện hơn trước.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm:
- Vôi hóa xương bả vai: Nguyên nhân và cách điều trị
- Người bị vôi hóa cột sống nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!