Người bị vôi hóa cột sống nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất?
Để kiểm soát cơn đau do vôi hóa cột sống, bạn cần thay đổi các tư thế sai lệch, duy trì hoạt động thể chất và thực hiện chế độ ăn uống khoa học. Chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ giảm thiểu cơn đau mà còn giúp cải thiện cân nặng và ổn định cấu trúc cột sống.
Bị vôi hóa cột sống nên ăn gì và kiêng gì ?
Chế độ dinh dưỡng dành cho người bị vôi hóa cột sống cần đảm bảo hai yếu tố:
- Bổ sung những loại thực phẩm lành mạnh nhằm thúc đẩy sức khỏe của cột sống và các cơ quan xương khớp.
- Loại bỏ những thực phẩm, đồ uống làm xương khớp suy yếu. Đồng thời khiến triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
→Xem thêm: 10 cách chữa vôi hóa cột sống tại nhà tốt nhất hiện nay
1. Người bị vôi hóa cột sống nên ăn gì?
Nước
Đĩa đệm chứa hơn 80% nước, vì vậy việc uống đủ nước đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân gặp vấn đề về cột sống. Khi đĩa đệm mất nước, khả năng đàn hồi và linh hoạt của cơ quan này sẽ giảm đi đáng kể. Điều này khiến các đốt sống, dây thần kinh và tủy sống chịu áp lực lớn khi cơ thể vận động.
Thiếu nước dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Do đó bạn nên uống từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày. Nếu thường xuyên vận động và tiết nhiều mồ hôi, bạn có thể bổ sung từ 2.5 – 3 lít nước.
Canxi và vitamin D
Canxi là nguyên tố vi lượng cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào xương. Nguyên tố vi lượng này có trong nhiều loại thực phẩm, ví dụ như sữa chua, phô mai, sữa, rau xanh đậm, cá hồi, cá mòi,…
Để thúc đẩy quá trình hấp thu canxi của cơ thể, bạn nên bổ sung Vitamin D. Thành phần này giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa canxi, ngăn ngừa tình trạng canxi bị đào thải khi chưa được hấp thu. Bạn có thể bổ sung vitamin D qua những loại thực phẩm như trứng, sữa, hải sản,…
Magie
Tương tự như Canxi, Magie là khoáng chất quan trọng trong cấu trúc xương. Bệnh nhân vôi hóa cột sống nên bổ sung đủ lượng Magie mà cơ thể cần.
Khoáng chất này giúp duy trì mật độ xương, ngăn ngừa các vấn đề về lưng, hỗ trợ cơ bắp thư giãn, tăng cường hoạt động của các dây thần kinh và dây chằng ở cột sống.
Magie có trong những loại thực phẩm sau: rau có màu xanh đậm, cá, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua, chuối, bơ, socola đen,…
Vitamin K2
Vitamin K2 điều tiết lượng Canxi ở trong mô mềm di chuyển vào cơ quan xương khớp. Để canxi được thu nạp và chuyển hóa đúng cách, bệnh nhân vôi hóa cột sống nên bổ sung vitamin K2 vào chế độ ăn hàng ngày. Thực phẩm giàu vitamin K2 gồm có: thịt, phô mai, lòng đỏ trứng, rau bina, bông cải xanh,…
Vitamin C
Vitamin C là thành phần cần thiết cho sự hình thành collagen – một loại protein có mặt trong hầu hết các cơ quan của cơ thể. Collagen giúp mô sụn dẻo dai, xương khớp linh hoạt và đảm bảo độ đàn hồi cho các dây thần kinh.
Ngoài ra, vitamin C còn có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ. Bổ sung vitamin C giúp phục hồi các tế bào bị tổn thương và làm chậm quá trình thoái hóa đốt sống.
Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như dâu tây, kiwi, cam, ổi, bưởi, quýt và trong nhiều loại rau củ như cà chua, bông cải xanh, ớt đỏ và khoai tây.
Đạm
Bổ sung đạm mỗi ngày giúp duy trì, phục hồi và sửa chữa xương khớp, sụn và các mô mềm. Đạm chính là yếu tố sản sinh collagen, glucosamine và chondroitin có trong xương, mô sụn. Theo thời gian, cơ thể sẽ giảm tổng hợp những thành phần này. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các vấn đề về xương khớp phát sinh.
Tuy nhiên, thu nạp nhiều đạm có thể gây ra nhiều vấn sức khỏe như béo phì, tim mạch, bệnh gout,… Vì vậy, bạn cần trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung hàm lượng đạm thích hợp. Đạm có trong các loại thịt như thịt bò, lợn, gà,… và các loại hải sản như cá, hàu, nghêu,…
Vitamin B12
Vitamin B12 là thành phần cần thiết cho sự hình thành tế bào hồng cầu trong tủy xương. Thiếu vitamin B12 không chỉ gây thiếu máu mà còn ảnh hưởng đến mật độ xương trong cơ thể.
Do đó bạn cần bổ sung thành phần này để đảm bảo chức năng của cột sống và các cơ quan xương khớp khác. Vitamin B12 có trong những loại thực phẩm như trứng, cá, thịt gia cầm, sữa chua, phô mai, sữa,…
Sắt
Sắt có vai trò sản xuất collagen và chuyển đổi vitamin D thành dạng cần thiết. Hơn nữa, nguyên tố vi lượng này còn thúc đẩy sản xuất hemoglobin và myoglobin – hai protein chịu trách nhiệm cung cấp oxy cho cơ thể, bao gồm các mô, dây thần kinh ở cột sống.
Sắt có mặt trong những loại thực phẩm như gan, thịt lợn, thịt bò, rau xanh đậm, đậu nành, trứng và ngũ cốc nguyên hạt,…
2. Người bị vôi hóa cột sống nên kiêng gì?
Nước ngọt có gas
Nước ngọt có gas có chứa axit phosphoric. Tiêu thụ axit phosphoric thường xuyên dẫn đến tình trạng mật độ xương thấp. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề về xương khớp – phổ biến nhất là bệnh loãng xương.
Ngoài ra, nước ngọt có gas còn chứa hàm lượng đường và chất bảo quản cao. Những thành phần này khiến trọng lượng cơ thể tăng nhanh, vô tình gây áp lực lên các đốt sống và các cơ quan xương khớp khác.
Rượu
Tương tự như nước ngọt, rượu chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng giảm mật độ xương. Uống nhiều rượu còn khiến cơ thể thừa cân – béo phì gây tác động tiêu cực đến các cơ quan nội tạng – đặc biệt là gan.
Các chuyên gia cho rằng rượu có mối quan hệ mật thiết với những cơn đau mãn tính. Uống nhiều rượu có thể kích thích cơn đau phát sinh với tần suất và mức độ nặng nề hơn.
Hơn nữa, lạm dụng rượu còn khiến các mạch máu bị tổn thương. Lúc này, oxy và hồng cầu không thể tuần hoàn đến các cơ quan trong cơ thể khiến xương khớp dần suy yếu và dễ phát sinh những vấn đề nghiêm trọng.
Muối
Muối ăn có chứa natri và clorua. Hai nguyên tố vi lượng này làm tăng quá trình bài tiết canxi qua đường nước tiểu.
Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tế bào xương, giúp xương chắc khỏe và dẻo dai. Chính vì vậy khi nồng độ canxi bị đào thải tăng lên, cơ thể sẽ không đủ dưỡng chất để tái tạo những tế bào xương hư hại.
Vì vậy, cần hạn chế những thực phẩm chứa nhiều muối như đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh,… Bên cạnh đó khi chế biến món ăn, bạn cần hạn chế muối và các loại gia vị khác như đường, ớt, bột ngọt,…
Caffeine
Caffeine trong cà phê, trà và nước ngọt gây ức chế quá trình hấp thu canxi của cơ thể.
Tiêu thụ nhiều caffeine khiến cơn đau và các triệu chứng của bệnh vôi hóa cột sống trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bạn nên hạn chế các loại thức uống có chứa thành phần này trong thời gian điều trị.
Nếu bạn gặp phải các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, huyết áp cao, dị ứng thực phẩm,… bạn cần trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng trước khi thay đổi chế độ ăn. Bên cạnh đó, bạn nên thay đổi các thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, thường xuyên hoạt động thể chất để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh vôi hóa cột sống.
Có thể bạn quan tâm
- 5 Cách chữa vôi hóa cột sống bằng thuốc nam quanh nhà
- Vôi hóa cột sống uống thuốc gì? Các loại phổ biến nhất
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!