Bệnh Viêm Cột Sống Dính Khớp

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Viêm cột sống dính khớp là một trong những căn bệnh khá phổ biến thuộc nhóm các bệnh cột sống huyết thanh âm tính. Bệnh thường gặp ở những người trẻ tuổi, mức độ bệnh tăng theo thời gian. Trường hợp nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh, thậm chí gây tàn phế.

Tổng quan bệnh học

Viêm cột sống dính khớp (Ankylosing Spondylitis) được biết đến là một dạng bệnh thấp viêm, đặc trưng của bệnh là tổn thương vùng cột sống, xương chậu, các khớp chi dưới, đồng thời bị viêm ở các điểm bám gân. Bệnh có đặc điểm là phát triển từ rất sớm, nhưng tiến triển lại rất chậm và mức độ tăng theo thời gian.

Theo số liệu thống kê, có khoảng 1 - 1.4% dân số mắc hội chứng viêm cột sống dính khớp. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc bệnh luôn cao hơn nữ giới và cao gấp 2 - 3 lần. Khác với những căn bệnh xương khớp khác, người có nguy cơ mắc bệnh thường là người cao tuổi, trong độ tuổi trung niên. Còn đối với viêm cột sống dính khớp thường gặp ở người trẻ tuổi từ 15 - 45 tuổi.

Bệnh viêm cột sống dính khớp
Bệnh viêm cột sống dính khớp thường xảy ra ở người trẻ tuổi, nam giới có xu hướng mắc bệnh cao hơn nữ giới

Cho đến hiện tại, vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh, nhưng theo các chuyên gia thì yếu tố di truyền và môi trường tác động rất lớn đến quá trình khởi phát bệnh. Như đã nói, bệnh thường tiến triển theo thời gian, nếu như không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như cứng khớp, di chuyển khó khăn, cứng đốt sống, tàn phế suốt đời.

Tuy chưa có thuốc đặc trị, điều trị hoàn toàn hội chứng viêm cột sống dính khớp, nhưng nếu được phát hiện và can thiệp sớm vẫn có thể kiểm soát và giúp làm giảm được các triệu chứng bệnh một cách đáng kể. Do đó, ngay khi nhận thấy xương khớp đang gặp những vấn đề trục trặc, bất thường thì chúng ta cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có hướng xử lý phù hợp.

Phân loại bệnh

Căn cứ vào vị trí tổn thương trên cơ thể mà bệnh viêm cột sống dính khớp được phân thành hai loại cơ bản đó là thể cột sống đơn thuần và thể ngoại biên. Cụ thể:

  • Thể cột sống đơn thuần: Hay còn gọi là thể trục, đặc trưng của dạng này là tổn thương chủ yếu ở vùng cột sống và khớp cùng chậu. Những tổn thương này sẽ được nhìn thấy rõ nét thông qua hình ảnh chụp X-quang.
  • Thể ngoại biên: Ở dạng này, tình trạng viêm thường xảy ra ở tất cả các khớp trên cơ thể. Nhưng chủ yếu là các khớp lớn, đóng vai trò chủ chốt như khớp gối, khớp cổ tay, khớp hông, khớp vai. Đây là các khớp chính nên thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh.

Dù mắc bệnh ở thể nào, ngay khi thấy dấu hiệu nghi ngờ bệnh thì chúng ta nên nhanh chóng thăm khám. Tuyệt đối không nên chủ quan, chần chừ sẽ khiến tình trạng bệnh tiến triển ngày càng trầm trọng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Như đã chia sẻ, cho đến hiện tại vẫn chưa tìm ra và xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng viêm cột sống dính khớp thường có mối liên hệ mật thiết với yếu tố di truyền, môi trường, tuổi tác, giới tính, mắc bệnh nền.

Nguyên nhân bệnh viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là căn bệnh có khả năng di truyền cao

Một số nguyên nhân chính và yếu tố nguy cơ gây nên hội chứng viêm cột sống dính khớp bao gồm:

  • Di truyền: Theo nghiên cứu, những người mắc hội chứng viêm cột sống dính khớp thường dương tính với kháng nguyên HLA - B27, con số này chiếm đến 90%. Những gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh viêm cột sống dính khớp thì những thành viên khác hoặc con cháu đời sau có nguy cơ mắc căn bệnh này rất cao.
  • Giới tính: Căn bệnh viêm cột sống dính khớp có thể gặp ở cả nam và nữ, tuy nhiên nam giới luôn chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới, thậm chí cao hơn gấp 2 đến 3 lần. Không chỉ vậy, các triệu chứng bệnh biểu hiện ra bên ngoài cũng có xu hướng phát triển nặng nề, nghiêm trọng hơn.
  • Yếu tố tuổi tác: Những căn bệnh xương khớp khác như viêm khớp dạng thấp, vôi hóa cột sống thường gặp ở người già, người trong độ tuổi trung niên. Còn viêm cột sống dính khớp thì ngược lại, chủ yếu gặp ở người trẻ. Theo ghi nhận có khoảng 15% tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi mắc bệnh và 95% số người trên 46 tuổi gặp hội chứng này.
  • Bệnh nền: Những trường hợp đã và đang mắc các chứng bệnh như vảy nến, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn thường có nguy cơ cao phát triển bệnh viêm cột sống dính khớp.

Ngoài những nguyên nhân cơ bản gây bệnh nói trên thì những vấn đề như lạm dụng thuốc Tây, rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, làm việc quá sức, lười vận động...đều là những yếu tố xúc tác khiến cho bệnh sớm khởi phát và tiến triển nhanh hơn, nặng nề hơn.

Triệu chứng và Chẩn đoán

Giai đoạn mới khởi phát, người bệnh viêm cột sống dính khớp thường có cảm giác đau nhức ở phần cột sống thắt lưng, vùng chậu, khớp cùng chậu. Các cơn đau phát triển mạnh vào ban đêm và gần sáng, tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng và hạn chế mọi vận động sinh hoạt của người bệnh. Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ quan khác trên cơ thể.

Triệu chứng bệnh viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp đặc trưng với những cơn đau tại vùng cột sống, xương chậu

Triệu chứng điển hình của bệnh viêm cột sống dính khớp bao gồm:

  • Viêm cột sống dính khớp thường kéo dài khoảng 3 tháng, cường độ các cơn đau tăng theo thời gian, có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội tùy vào mức độ bệnh.
  • Các triệu chứng bệnh sẽ cải thiện và thuyên giảm khi người bệnh vận động nhẹ, nghỉ ngơi đúng cách.
  • Người bệnh thường có cảm giác đau ở một bên hoặc cả hai bên mông.
  • Vùng khớp háng và khớp gối bị đau nhức kèm theo đó là dấu hiệu sưng nóng.
  • Ở một số vùng gân như gân Achilles, cân gan chân có dấu hiệu bị viêm.
  • Ở các bệnh nhân nữ thường bị đau cứng cổ, rất khó khăn trong vận động xoay đầu.

Ngoài những biểu hiện cơ bản nói trên thì người bệnh viêm cột sống dính khớp còn có những triệu chứng và biểu hiện ngoài khớp khác như:

  • Đau nhức nên người bệnh mất ngủ thường xuyên, ngủ không ngon giấc, tỉnh dậy lúc nửa đêm.
  • Mệt mỏi kéo dài khiến cơ thể bị suy nhược, sụt cân nghiêm trọng.
  • Nhiều trường hợp có dấu hiệu sốt nhẹ, sưng các ngón tay chân.
  • Khoảng 10% bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa như đau bụng, xuất huyết, tiêu chảy.
  • Viêm màng bồ đào với những triệu chứng như mờ mắt, đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Viêm cột sống dính khớp gây ảnh hưởng đến động mạch chủ gây viêm nên dễ dẫn đến tình trạng mắc các chứng bệnh về tim, phổi.

Khi có những triệu chứng rõ nét kể trên thì chắc chắn tình trạng bệnh đã tiến triển nặng, nghiêm trọng. Lúc này cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị đúng cách.

Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp
Chẩn đoán nguyên nhân, mức độ viêm cột sống dính khớp thông qua hình ảnh chụp X-quang

Để chẩn đoán bệnh một cách chính xác, các bác sĩ sẽ tiến hành những phương pháp sau:

  • Điều tra tiền sử bệnh nhân: Tiến hành hỏi về thời điểm chính xác và cách khởi phát bệnh. Các dấu hiệu điển hình nhận thấy, các biểu hiện toàn thân, điều tra xem trong gia đình bệnh nhân từng có tiền sử mắc hội chứng bệnh này hay không?
  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ dùng tay và quan sát trực tiếp để thăm khám vùng cột sống, các khớp chi dưới, điểm bám gân, đánh giá các tổn thương ngoài khớp. Hoặc yêu cầu bệnh nhân thực hiện những hoạt động cụ thể để quan sát mức độ và khả năng vận động.
  • Thăm dò cận lâm sàng: Để chính xác hơn, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp xét nghiệm máu, nước tiểu, gan thận, kháng thể HLA - B27; Chụp X-quang các khớp, cột sống, khung chậu. Chụp cộng hưởng từ hạt nhân; Đo điện tim, mật độ xương, đo chức năng hô hấp, siêu âm tim.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm cột sống dính khớp không chỉ gây đau đớn các xương khớp và cột sống, trường hợp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Biến chứng viêm cột sống dính khớp
Hạn chế vận động, dễ gãy xương, nứt xương là những biến chứng nề của viêm cột sống dính khớp

  • Dính các khớp và đốt sống: Khi tình trạng viêm ở mức độ nặng, cơ thể sẽ phát sinh cơ chế hình thành nên một đoạn xương mới. Sự hiện diện của đoạn xương này khiến cho khoảng cách giữa các đốt sống và khớp bị thu hẹp, thậm chí bị dính liền lại với nhau. Đặc biệt nếu như xuất hiện ở vùng xương sườn có thể gây tác động xấu đến phổi rất nguy hiểm.
  • Gãy xương, nứt xương: Đây là một biến chứng khá nguy hiểm, khi bị viêm cột sống dính khớp sẽ khiến cho phần mô xương bị bào mòn và mỏng dần. Đôi lúc những hành động đột ngột như cúi người, khom lưng, té nhẹ cũng có thể khiến cho xương khớp bị nứt, gãy.
  • Viêm màng bồ đào: Đây cũng được xem là một hệ lụy mà người bệnh viêm cột sống dính khớp thường mắc phải. Những triệu chứng điển hình đó là mắt mờ, không nhìn thấy rõ, đau mắt, rất nhạy cảm với mọi thứ ánh sáng xung quanh.
  • Ảnh hưởng tim mạch: Biến chứng này tuy hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Người bệnh thường mệt mỏi, thiếu hụt hồng cầu, ảnh hường đến phần động mạch chủ. Người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau thắt ngực, van động mạch chủ, phì đại cơ tim, bệnh mạch vành, thậm chí bị đột quỵ.
  • Tác động đến phổi: Bệnh có thể khiến đốt sống và các khớp sườn dính vào nhau gây chèn ép phổi. Khiến cho người bệnh khó khăn khi hít thở, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.
  • Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống: Căn bệnh này không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chẳng hạn có thể khiến họ mất khả năng vận động, không tự chăm sóc bản thân, hiệu suất công việc giảm, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Thu hẹp mọi mối quan hệ, người bệnh luôn chán nản, mệt mỏi, rất dễ bị chứng trầm cảm.

Viêm cột sống dính khớp là một căn bệnh viêm khớp tự miễn, hiện tại chưa có thuốc đặc trị điều trị bệnh khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được phát hiện, thăm khám và can thiệp đúng cách có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng và gặp các biến chứng không mong muốn.

Điều trị

Mục đích của việc điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp là làm giảm các triệu chứng đau nhức, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người bệnh. Cải thiện khả năng hoạt động, sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời hạn chế thấp nhất nguy cơ có thể gặp những biến chứng nguy hiểm mà bệnh gây ra.

Hiện nay, để điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp, các bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp sau:

Điều trị nội khoa:

Sử dụng thuốc Tây điều trị bệnh luôn được các bệnh nhân ưu tiên áp dụng. Bởi vì phương pháp đơn giản, hiệu quả cao, nhanh chóng, lại ít tốn kém. Một số thuốc được bác sĩ kê đơn điều trị viêm cột sống dính khớp bao gồm:

Điều trị viêm cột sống dính khớp
Điều trị viêm cột sống dính khớp bằng thuốc tiêm tại chỗ đem lại hiệu cao, nhanh chóng

  • Nhóm thuốc NSAID: Nhóm thuốc này còn có tên gọi là thuốc chống viêm không Steroid. Thuốc có tác dụng làm dịu các cơn đau, giảm viêm, giảm sưng nhanh chóng. Tuy nhiên có thể gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, đắng miệng.
  • Nhóm thuốc DMARD cổ điển: Trường hợp thuốc chống viêm không Steroid không đáp ứng, không có hiệu quả thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thuộc nhóm DMARD chẳng hạn như Methotrexate, Sulfasalazine.
  • Thuốc tiêm tại chỗ Corticosteroid: Nhóm thuốc này thường được dùng để tiêm trực tiếp vào những vùng xương khớp bị tổn thương. Thuốc có tác dụng nhanh và ít xảy ra tác dụng phụ.
  • Thuốc sinh học: Nhóm thuốc này ra đời được xem là một bước tiến mới trong việc điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp. Hai loại thuốc sinh học cơ bản nhất hiện nay đó TNF - Alpha Inhibitor và thuốc ức chế Interleukin.

Dựa vào mức độ và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho phù hợp, liều lượng mỗi ngày, mỗi đợt kéo dài bao lâu. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của chuyên gia, tránh tự ý thêm bớt thuốc, vì điều này khiến bệnh không thuyên giảm mà còn có thể gặp nhiều biến chứng khôn lường.

Vật lý trị liệu:

Hầu như những căn bệnh có liên quan đến xương khớp thường được ưu tiên áp dụng phương pháp vật lý trị liệu. Bởi vì các bài tập giúp người bệnh giảm đau, cứng khớp, hồi phục và cải thiện khả năng vận động một cách hiệu quả, lâu dài.

Điều trị viêm cột sống dính khớp
Bài tập vật lý trị liệu giúp người bệnh giảm các triệu chứng đau nhức, cứng khớp hiệu quả

Đối với người bệnh viêm cột sống dính khớp nên áp dụng các liệu pháp sau:

  • Tập luyện các bài tập nhẹ nhàng, tốt cho xương khớp.
  • Xoa bóp, massage trực tiếp vùng xương khớp bị tổn thương.
  • Liệu pháp chườm lạnh và chườm nóng lên da và xương.
  • Liệu pháp ánh sáng bằng cách chiếu tia Laser.
  • Kích thích điện thông qua da để làm giảm các triệu chứng đau nhức.

Điều trị ngoại khoa:

Phương pháp điều trị ngoại khoa tức là phẫu thuật, được chỉ định trong các trường hợp: Áp dụng điều trị nội khoa bằng thuốc uống và thuốc tiêm nhưng không đem lại hiệu quả cao. Bị gãy xương đột ngột, các cấu trúc khớp háng hoặc cột sống bị tổn thương nặng nề gây đau nhức, không thể vận động đi lại được.

Sau khi phẫu thuật định hình khớp, lắp khớp nhân tạo, bệnh nhân có thể vận động trở lại một cách bình thường. Tuy nhiên, cần chú ý hoạt động nhẹ nhàng, tránh mang vác vật nặng hay làm việc quá sức. Trong quá trình phẫu thuật có thể gây chảy máu hoặc các biến chứng nguy hiểm khác.

Điều trị viêm cột sống dính khớp
Những trường hợp bệnh nặng thường được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

Tự cải thiện bệnh tại nhà:

Ngoài những phương pháp điều trị bệnh kể trên, chúng ta có thể tự cải thiện các triệu chứng bệnh viêm cột sống dính khớp tại nhà bằng các biện pháp đơn giản như:

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng.
  • Kiêng sử dụng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá.
  • Hạn chế làm việc nặng, vận động và thay đổi tư thế một cách đột ngột.
  • Tập luyện thể dục thể thao thông qua các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức.

Phòng ngừa

Viêm cột sống dính khớp là một dạng bệnh viêm khớp tự miễn, đồng thời chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh nên rất khó khăn trong việc phòng ngừa hoàn toàn căn bệnh này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hạn chế nguy cơ thấp nhất mắc phải hội chứng này thông qua các hoạt động đơn giản hàng ngày như:

Phòng ngừa bệnh viêm cột sống dính khớp
Nâng cao thể lực, sức khỏe giúp phòng ngừa bệnh xương khớp hiệu quả

  • Luôn tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe cũng như củng cố xương khớp.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều thành phần tốt cho xương như Ca, Protein.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát được nguy cơ mắc bệnh về xương khớp.
  • Hạn chế các vận động quá sức, sắp xếp công việc, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tránh căng thẳng, mệt mỏi, stress quá mức, hạn chế thức khuya.
  • Trường hợp béo phì nên giảm cân, duy trì cân nặng ở mức vừa phải, tránh để hệ cơ xương khớp bị chèn ép và chịu áp lực quá mức.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh viêm khớp cột sống dính khớp mang tính chất nghiêm trọng như thế nào?

2. Viêm cột sống dính khớp có khả năng di truyền từ mẹ sang con không? Hoặc di truyền từ đời này sang đời khác hay không?

3. Có thể điều trị dứt điểm bệnh viêm cột sống dính khớp không? Thời gian điều trị mất bao lâu?

4. Chi phí điều trị viêm cột sống dính khớp có cao không? Cụ thể là bao nhiêu?

5. Sau khi điều trị viêm cột sống dính khớp có cần kiêng cử gì không? Có phải đi tái khám lại? Bệnh có khả năng tái phát sau đó không?

6. Người bệnh viêm cột sống dính khớp nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện các triệu chứng?

7. Những loại sữa nào tốt nhất cho người bệnh xương khớp, cụ thể là bệnh viêm cột sống dính khớp?

8. Có nên phẫu thuật viêm cột sống dính khớp không? Quá trình phẫu thuật có gây đau không? Có gây ra những biến chứng nguy hiểm nào không?

Viêm cột sống dính khớp không chỉ gây đau nhức, ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với người bệnh. Để có thể tầm soát được nguy cơ thấp nhất mắc bệnh chúng ta nên thăm khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đến các trung tâm y tế để được tư vấn và điều trị sớm nhất có thể.