Ra Huyết Trắng Khi Mang Thai Tháng Cuối Có Nguy Hiểm?
Ra huyết trắng khi mang thai tháng cuối làm nhiều thai phụ lo lắng. Nếu huyết trắng ra nhiều nhưng không có mùi hôi hay khiến vùng kín ngứa ngáy thì chị em không nên quá hoang mang, bởi đây là hiện tượng khá bình thường. Tuy nhiên, nếu huyết trắng có dấu hiệu lạ như hôi, thay đổi màu sắc, ngứa ngáy vùng kín thì không nên chủ quan.
Tình trạng ra huyết trắng khi mang thai tháng cuối có sao không?
Ra huyết trắng khi mang thai tháng cuối khiến nhiều chị em phụ nữ lo lắng và khó chịu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực sinh sản, đây là hiện tượng bình thường, thai phụ không cần quá lo ngại. Một số nguyên nhân gây nên hiện tượng tăng tiết dịch âm đạo ở tháng cuối thai kỳ như:
- Hormone sinh dục thay đổi trong thời gian mang thai khiến khí hư (huyết trắng) tiết ra nhiều hơn bình thường.
- Vào tháng cuối thai kỳ, khung chậu và âm đạo của phụ nữ sẽ trở nên mềm hơn bình thường. Chính vì thế mà lượng huyết trắng sẽ tăng lên. Điều này khiến cho vi khuẩn, nấm có điều kiện xâm nhập. Đặc biệt là trường hợp thai phụ không giữ vệ sinh sạch sẽ.
- Càng gần ngày sinh nở, em bé sẽ chuyển đầu gần về xương chậu khiến khu vực này bị chèn ép. Cũng do điều này mà lượng khí hư tiết ra nhiều hơn, đôi khi thai phụ có cảm giác giống như mình đang tiểu rắt. Nhưng thực tế đây là hiện tượng dịch tiết âm đạo đột ngột chảy ra.
- Nếu trường hợp trong khi hư có lẫn máu thì có thể là dấu hiệu thai phụ sắp chuyển dạ sinh con.
Huyết trắng và khí hư được xem là bình thường khi chúng có màu trắng, trong, nhiều nước, đôi khi hơi ngả vàng. Lúc này lượng dịch chảy ra không có mùi tanh, một số trường hợp chỉ có mùi nhẹ đặc trưng của huyết trắng, không gây ngứa ngáy vùng kín.
Dấu hiệu bất thường của huyết trắng ở tháng cuối thai kỳ
Trường hợp ra huyết trắng khi mang thai tháng cuối cũng có thể là dấu hiệu bất thường, nhất là tình trạng nhiễm trùng. Lúc này, thai phụ có thể quan sát thấy sự thay đổi màu sắc của huyết trắng từ trắng trong sang vàng, xanh và có mùi hôi tanh khó chịu. Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:
- Viêm âm đạo: Bệnh khởi phát khi âm đạo thai phụ bị vi khuẩn xâm nhập làm mất cân bằng môi trường bên trong vùng kín. Điều này được xem là nguyên nhân gây nên tình trạng dịch âm đạo tiết ra bất thường về màu sắc và có mùi tanh. Người bệnh còn gặp một số triệu chứng khác như tiểu nóng rát, âm đạo có hiện tượng châm chích, ngứa. Thai phụ cần sớm điều trị khắc phục, tránh nguy cơ sinh non hoặc em bé sinh ra thiếu cân, ốm yếu.
- Nhiễm nấm âm đạo:Một trong những nguyên nhân liên quan bệnh lý khiến huyết trắng tiết ra nhiều bất thường tháng cuối thai kỳ là do nấm âm đạo. Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể là do sự thay đổi hormone khi mang thai khiến cho nấm có điều kiện sinh sôi trong môi trường âm đạo. Dẫn đến việc thai phụ có các triệu chứng lạ như ra nhiều khí hư, ngứa, kích ứng.
- Nhiễm Chlamydia: Bệnh lý lây qua đường tình dục mà thai phụ vẫn có nguy cơ mắc phải. Chứng bệnh này khiến cho âm đạo nữ giới tiết dịch có màu vàng bất thường. Để tránh xảy ra tình huống nguy hại cho em bé, thai phụ nên sớm báo với bác sĩ sản khoa để được hỗ trợ khắc phục.
Ra huyết trắng khi mang thai tháng cuối là hiện tượng bình thường. Do thời gian này, âm đạo nữ giới trải qua nhiều thay đổi. Dịch tiết lúc này sẽ kèm theo vi khuẩn tồn tại sẵn trong âm đạo, dịch của cổ tử cung và các dịch tiết khác ra ngoài.
Tuy nhiên, nếu thai phụ nhận thấy những thay đổi bất thường, điển hình là hiện tượng ngứa ngáy khó chịu vùng kín, huyết trắng có mùi hôi tanh,…thì thai phụ nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị sớm. Bởi, nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho thai nhi.
Tìm hiểu thêm: Ra khí hư màu trắng đục – Bình thường hay bất thường?
Làm thế nào để khắc phục ra huyết trắng khi mang thai tháng cuối?
Ra huyết trắng khi mang thai tháng cuối thông thường là biểu hiện của việc sắp chuyển dạ và rất hiếm khi ảnh hưởng đến mẹ và bé. Tuy nhiên, một số vấn đề viêm nhiễm sẽ có thể xảy ra nếu chị em không chăm sóc tốt vùng kín. Do đó, mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề sau:
Vệ sinh âm đạo trong thai kỳ
Việc âm đạo tiết ra nhiều huyết trắng có thể tạo điều kiện cho hại khuẩn, nấm ngứa hình thành và phát triển gây hại. Để hạn chế tình trạng này xảy ra, bạn nên tham khảo cách khắc phục như sau:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ âm hộ và đáy chậu. Nên sử dụng dạng dung dịch vệ sinh nhẹ dịu, thành phần chiết xuất từ thiên nhiên. Không nên chà xát mạnh khiến vùng kín bị tổn thương, đặc biệt là không cố thụt rửa sâu vào bên trong.
- Lựa chọn quần lót mềm mại, thoáng mát, thấm hút tốt. Khi đi vệ sinh nên lau khô âm đạo để hạn chính khu vực này bị nhiễm trùng.
- Thay đồ lót nếu bị ướt, thay quần áo ngay sau khi bơi hoặc luyện tập vận động.
Nếu có dấu hiệu bất thường, chị em nên sớm báo với bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ càng sớm, càng tốt. Bởi, nếu viêm nhiễm xảy ra không được kiểm soát có thể khiến em bé chào đời sớm hơn bình thường, cân nặng cũng không đảm bảo ổn định như các bé khỏe mạnh khác.
Một số việc nên tránh
Bên cạnh những vấn đề cần lưu ý bên trên, chị em phụ nữ khi mang thai cũng cần tránh một số việc như:
- Không nên sử dụng sản phẩm khử mùi hoặc khăn chứa hương liệu để vệ sinh, lau chùi âm đạo. Bởi những chất trong các sản phẩm này có thế khiến vùng kín bị kích ứng.
- Tuyệt đối không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo, hành động này có thể mà lớp niêm mạc bị viêm, mất cân bằng môi trường bên trong gây ra các vấn đề nguy hại.
- Khi mang thai chị em phụ nữ không nên sử dụng tampon, bởi có thể gặp phải tình trạng sốc độc do tampon.
- Không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ. Bởi, giai đoạn mang thai, cơ thể nữ giới khá nhạy cảm, các thành phần tá dược trong thuốc có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
- Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh, chị em không nên thường xuyên sử dụng loại nhà vệ sinh công cộng. Vì có thể mắc bệnh nhiễm trùng khiến tổn hại sức khỏe bản thân và thai nhi.
Tìm hiểu thêm: Huyết trắng, khí hư có mùi hôi khi mang thai cần làm gì?
Thời điểm cần nhanh chóng đến bệnh viện
Có thể nói khi mang thai, nhất là tháng cuối, thai phụ sẽ nhận thấy dịch tiết âm đạo xuất hiện nhiều hơn bình thường. Đây được xem là dấu hiệu bình thường, có thể là báo hiệu cho trạng thái sắp chuyển dạ sinh con. Tuy nhiên, chị em không nên chủ quan, bởi bất kỳ điều gì xảy đến trong thai kỳ đều có thể tiềm ẩn rủi ro.
Chính vì thế, nếu nhận thấy cơ thể có bất thường, để đảm bảo an toàn chị em nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ. Đặc biệt, nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường dưới đây, thai phụ cần khẩn trương đến bệnh viện:
- Đau bụng và bị chuột rút dữ dội, khó chịu.
- Buồn nôn và nôn mửa thường xuyên.
- Âm đạo chảy máu bất thường, chóng mặt, cơ thể bị mất phương hướng.
- Đi tiểu nóng, rát, có cảm giác đau.
- Cân nặng tăng hoặc giảm bất thường.
Đến bệnh viện và thăm khám sớm giúp thai phụ hạn chế những rủi ro không mong muốn. Bởi, nếu kéo dài, những bất thường có thể gây nguy hại cho sức khỏe của mẹ và bé.
Dấu hiệu chuyển dạ sinh con thai phụ nên lưu ý
Ngoài việc ra huyết trắng tháng cuối thai kỳ, một số hiện tượng khác có thể là dấu hiệu chuyển dạ mà chị em phụ nữ nên lưu ý:
Cổ tử cung mỏng
Phần dưới cổ tử công thường sẽ có kích thước khoảng 3,5 cm đến 4 cm về chiều dài. Sau đó, khi quá trình chuyển dạ bắt đầu diễn ra, cổ tử cung lúc này sẽ mềm dần, mỏng và mở rộng ra. Hiện tượng này sẽ khiến thai phụ cảm thấy khó chịu nhẹ, tuy nhiên các cơn co thắt khi đó sẽ không đau hoặc chỉ đau nhẹ.
Mở rộng cổ tử cung
Cổ tử cung bắt đầu nở rộng hơn, kích thước khi đó sẽ được kéo giãn ra hoàn toàn để cho em bé chào đời. Khi bắt đầu chuyển dạ, độ mở sẽ chậm và dần dần nhanh lên.
Dịch tiết âm đạo nhiều
Nút nhầy tử cung dày hơn khi phụ nữ mang thai, với nhiệm vụ ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn đến thai nhi. Trong tam cá nguyệt cuối, nút nhầy được đẩy vào bên trong âm đạo khiến cho huyết trắng tiết ra nhiều hơn. Màu sắc huyết trắng có thể hồng hoặc có lẫn một ít máu. Đây là dấu hiệu cảnh báo trước quá trình thai phụ sắp chuyển dạ.
Trường hợp thai phụ nhận thấy huyết trắng có lẫn nhiều máu cần nhanh chóng đến bệnh viện. Bởi điều này có thể là dấu hiệu bất thường, cần cấp cứu để phòng tránh rủi ro không mong muốn.
Cảm nhận được sự di chuyển của bào thai
Thai phụ có thể cảm nhận được sự di chuyển dần xuống dưới của bào thai. Đây còn được gọi là hiện tượng sa bụng sắp chuyển dạ. Lúc này, đầu của em bé sẽ nằm sâu vào xương chậu khiến cho bụng của thai phụ bị thay đổi hình dạng, và gây ra cảm giác hơi khó chịu. Hiện tượng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, có khi vài tuần hoặc có khi vài giờ trước khi em bé chào đời.
Vỡ túi ối
Trong túi ối chứa nhiều chất lỏng có nhiệm vụ như lớp đệm cho em bé nằm an toàn trong tử cung. Khi thai phụ bước vào quá trình chuyển dạ sinh con, túi ối sẽ bắt đầu rò rỉ chất lỏng. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến thai phụ thấy huyết trắng ra nhiều và loãng như nước.
Sự chuyển dạ sẽ diễn ra nhanh chóng ngay khi túi ối bị vỡ. Trường hợp túi ối vỡ nhưng không có hiện tượng chuyển dạ có thể khiến thai phụ bị nhiễm trùng, nguy hại cho thai nhi. Do đó, ngay khi có biểu hiện vỡ nước ối, cần đưa thai phụ đến bệnh viện nhanh chóng để được hỗ trợ, chẩn đoán.
Cơn co thắt chuyển dạ
Vào tháng cuối của thai kỳ, thai phụ sẽ thường xuyên gặp các cơn co thắt, đôi khi sẽ cảm thấy đau đớn. Đây là một trong những biểu hiện của việc chuyển dạ sinh con sắp xảy ra. Tuy nhiên, co thắt cũng có thể là biểu hiện bình thường của tử cung. Do đó, chị em có thể phân biệt chúng qua các vấn đề như:
- Cơn co thắt chuyển dạ sẽ xuất hiện thường xuyên, và có mức độ ngày càng mạnh hơn. Nếu gặp phải biểu hiện này, thai phụ cần nhanh chóng được đưa đến bệnh viện.
- Mỗi cơn co thắt của việc chuyển dạ sẽ kéo dài từ 30 – 70 giây.
- Co thắt tử cung sẽ thường thuyên giảm khi thai phụ nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế, đi bộ ngắn. Thế nhưng, với cơn co thắt sắp sinh, thai phụ sẽ cảm thấy cơn đau càng tăng, và có chiều hướng nặng nề hơn.
Mỗi người phụ nữ sẽ có những biểu hiện chuyển dạ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung trên đây là một trong số các biểu hiện thường xảy ra ở nhiều thai phụ. Nhằm đảm bảo an toàn và phòng tránh các rủi ro, khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện lạ trong tháng cuối thai kỳ, chị em nên đến bệnh viện sớm để được thăm khám, hỗ trợ.
Như vậy, hiện tượng ra huyết trắng khi mang thai tháng cuối là hiện tượng khá bình thường. Tuy nhiên, nếu huyết trắng có biểu hiện thay đổi cả chất và màu sắc thì chị em không nên chủ quan. Nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ sớm, phòng tránh nguy cơ.
Có thể bạn quan tâm
- Vì sao ra dịch màu vàng khi mang thai?
- Ra chất nhầy màu trắng đục có phải mang thai hay bị gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!