Dầu thầu dầu có tác dụng điều trị rạn da không?
Dầu thầu dầu từ lâu đã được biết đến với nhiều công dụng trong chăm sóc da, bao gồm khả năng điều trị rạn da. Dầu thầu dầu chứa nhiều axit ricinoleic, một loại axit béo có đặc tính chống viêm và dưỡng ẩm, giúp cải thiện độ đàn hồi của da. Thực tế hiệu quả và cách thực hiện mời bạn đọc cùng tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.
Lợi ích của thầu dầu
Thầu dầu (Ricinus communis) tại Việt Nam còn có tên khác là đu đủ tía. Đây là một loại thực vật thuộc họ (Euphorbiaceae), có nguồn gốc ở châu Phi nhưng phân bố rộng rãi ở nhiều quốc gia do rất dễ thích nghi. Từ những năm 4000 trước công nguyên, thầu dầu được sử dụng nhiều nhất ở ai cập. Khoảng năm 2000 trước công nguyên, thầu dầu du nhập vào Ấn Độ. Khoảng thế kỷ XVII, thầu dầu được du nhập rộng rãi tại châu Mỹ và châu Âu.
Bộ phận chính được sử dụng ở thầu dầu là hạt. Đây là bộ phận có chứa tinh dầu thầu dầu (castor oil) rất dồi dào. Trung bình mỗi hạt thầu dầu có khoảng 40 – 60% là tinh dầu. Có thể thu được tinh dầu thầu dầu bằng cách ép hạt cây thầu dầu để lấy tinh dầu. Đây là một trong những hoạt chất giàu chất béo, gồm các thành phần:
- Ricinolein, triglyxerit, chiếm một lượng rất lớn trong tinh dầu thầu dầu. Trong đó có 90% lượng acid béo chuỗi là Ricinolein.
- Tinh dầu thầu dầu cũng có thành phần acid oleic, acid linoleic.
- Ngoài ra trong tinh dầu thầu dầu cũng có một lượng nhỏ các thành phần khác.
Đặc điểm của vết rạn da
1. Nguyên nhân
Vết rạn da có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ tuổi thiếu niên cho đến khi trưởng thành. Nhìn chung, rạn da là một dạng sẹo để lại vết trên làn da của bạn. Vết rạn thường xuất hiện khi da bị kéo căng trong một khoảng thời gian ngắn, cấu trúc da không kịp thay đổi để đáp ứng được sự kéo giãn. Chính điều này sẽ khiến cho các collagen trong da bị vỡ. Quá trình phá vỡ các collagen trong da do sự kéo căng sẽ để lại những vết rạn trên bề mặt khi da bắt đầu lành.
Vết rạn thường gặp nhiều nhất ở những trường hợp:
- Thiếu niên bước vào độ tuổi dậy thì.
- Luyện tập các bộ môn làm tăng cơ bắp (cử tạ, thể hình), các bộ môn làm tăng khối lượng cơ thể (sumo).
- Người thừa cân, béo phì.
- Người giảm cân, sút cân với một lượng cân nặng tương đối.
- Phụ nữ trong thời gian mang thai.
2. Màu sắc
Vùng có các vết rạn da sẽ có màu khác biệt hơn so với khu vực da thường lân cận. Tùy theo từng trường hợp nhất định mà vết rạn có thể có màu đỏ, tím hoặc hồng.
3. Vị trí
Những vết rạn thường xuất hiện ở những vùng da rộng, dễ bị kéo căng do các tác động khác nhau. Thường gặp nhất là những vị trí như:
- Vùng da bụng.
- Vùng da quanh cánh tay, bắp tay, bắp chân.
- Vùng da hông.
- Vùng da quanh đùi.
Dầu thầu dầu có tác dụng điều trị rạn da không?
Tinh dầu thầu dầu là một trong những nguyên liệu có rất nhiều tác dụng khác nhau trong chăm sóc sức khỏe làn da, công dụng về thẩm mỹ và những ứng dụng trong công nghiệp.
Đối với những vùng da bị rạn, dầu thầu dầu cũng có thể giúp hỗ trợ điều trị rạn da. Tuy nhiên, đặc tính của vết rạn da là kéo dài, khó biến mất, một số trường hợp vết rạn có thể kéo dài vĩnh viễn. Do đó, sử dụng dầu thầu dầu điều trị rạn da đôi khi không loại bỏ được hoàn toàn mà chỉ làm mờ vết rạn.
# Cách sử dụng thầu dầu cho vết rạn da
- Vệ sinh sạch sẽ vùng da có vết rạn trước khi sử dụng dầu thầu dầu.
- Thoa một lượng nhỏ dầu thầu dầu lên vùng da có vết rạn sau đó massage nhẹ nhàng để dầu thầu dầu thấm đều vào da.
- Dầu thầu dầu có thể giúp bổ sung độ ẩm cho làn da, cung cấp các chất béo cần thiết để giữ cho vùng da bị rạn không bị khô.
- Có thể sử dụng dầu thầu dầu 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.
- Sau một thời gian nhất định, vùng da bị rạn có thể bắt đầu mờ dần.
# Một số lưu ý khi sử dụng dầu thầu dầu
- Quả thầu dầu tự nhiên có chứa thành phần ricin – một chất độc gây hại cho con người thậm chí có thể gây tử vong. Tuy nhiên khi sử dụng dầu thầu dầu đã qua xử lý, chất ricin có thể được loại bỏ được và an toàn khi sử dụng.
- Tinh dầu thầu dầu tương đối an toàn đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên cũng có một số ít người dị ứng, kích ứng với thầu dầu khi sử dụng. Do đó trước khi bôi lên vùng da rộng, nên thử một lượng nhỏ lên da để xem mức độ phản ứng.
Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho chẩn đoán, điều trị và toa thuốc của bác sĩ.
Tham khảo thêm:
- 5 cách trị rạn da ở tuổi dậy thì hiệu quả nhanh nhất
- Ngăn ngừa rạn da bằng cách nào?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!