Lưỡi bản đồ

Lưỡi bản đồ là tình trạng viêm niêm mạc lưỡi khiến bề mặt lưỡi có hình dạng bất thường. Bệnh nhân có cảm giác đau rát lưỡi khó chịu, đặc biệt khi ăn đồ ăn cay nóng. Người bệnh cần xác định nguyên nhân gây viêm và tìm giải pháp khắc phục sớm nhằm tránh trường hợp viêm lưỡi bội nhiễm nguy hiểm.

Tổng quan

Lưỡi bản đồ là hiện tượng trên lưỡi xuất hiện các mảng màu đỏ, khác màu so với các khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, lưỡi không có nhú lưỡi, vị trí bị viêm thường nhăn, hình dạng như hình bản đồ địa lý nên được gọi là bệnh lưỡi bản đồ.

Lưỡi bản đồ
Lưỡi bản đồ là tình trạng viêm lưỡi nhiều người đang mắc phải

Tình trạng viêm lưỡi xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bề mặt lưỡi biến dạng, lớp niêm mạc bị tổn thương. Lưỡi bản đồ thường cải thiện sau một thời gian, không phải là bệnh lý lây nhiễm. Tuy nhiên khi khu vực viêm lành lại thì vùng lưỡi xung quanh có thể tiếp tục bị lưỡi bản đồ.

Các ban đỏ lành tính có khả năng di chuyển. Mặc dù được đánh giá là bệnh lành tính không cần can thiệp điều trị chuyên sâu tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan. Trường hợp không chăm sóc tốt, viêm nhiễm tiếp diễn, nấm, vi khuẩn tấn công bề mặt lưỡi có thể gây nên hiện tượng bội nhiễm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân gây viêm lưỡi bản đồ. Trong đó các trường hợp thường gặp như:

  • Lưỡi bản đồ xuất hiện ở những bệnh nhân đang gặp vấn đề như bệnh xảy nến, thiếu máu, bệnh tiểu đường,... các bệnh lý liên quan đến hiện tượng suy giảm hệ miễn dịch.
  • Người bị áp lực về mặt tâm lý, thường xuyên lo âu, căng thẳng cũng có khả năng bị bệnh lưỡi bản đồ.
  • Những đối tượng bị dị ứng với thúc ăn, ăn phải những món không phù hợp có thể làm tổn thương niêm mạc lưỡi.
  • Bệnh còn có liên quan đến yếu tố gia đình, trẻ em có thể bị di truyền bệnh lưỡi bản đồ từ bố mẹ.
  • Cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng là nguyên nhân gây bệnh lưỡi bản, trong đó đặc biệt là vitamin nhóm B1, B2, B12.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, còn rất nhiều yếu tố khác tác động dẫn dến viêm lưỡi bản đồ. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, trong đó phổ biến nhất người đang mắc bệnh, người có tiền sử gia đình bị bệnh, phụ nữ có thai, trong kỳ kinh nguyệt nội tiết tố thay đổi,...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Nhận biết lưỡi bản đồ thông qua các triệu chứng có thể quan sát bằng mắt thường. Dưới đây là các dấu hiệu điển hình, bạn đọc lưu ý:

  • Trên mặt lưỡi xuất hiện các đốm đỏ, chúng xuất hiện ở các vùng khác nhau trên bề mặt lưỡi, bên ngoài có viền trắng hoặc xám. Kích thước các mảng đỏ khác nhau, chúng có khả năng di chuyển, ảnh hưởng đến mọi khu vực trên lưỡi.
  • Mảng đỏ có bề mặt láng mịn do không có nhú như các vùng lưỡi bình thường khác. Như bạn cũng biết, phần nhú nhỏ ở lưỡi có nhiệm vụ bảo vệ lưỡi hỗ trợ quá trình nhai thức ăn. Nếu lưỡi bị viêm có thể gây mất nhú lưỡi tạm thời.
  • Người bệnh lưỡi bản đồ có biểu hiện bề mặt lưỡi châm chích, ngứa ran, nóng rát. Tình trạng này nghiêm trọng hơn khi bạn ăn hoặc uống nước có tính axit, đồ ăn cay nóng. Tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng bởi biểu hiện khó chịu sẽ nhanh chóng cải thiện.
  • Một số trường hợp mảng đỏ ở lưỡi cũng có thể hình thành ở vùng nướu, vòm miệng hoặc mặt trong má. Tình trạng viêm lưỡi bản đồ lan ra các khu vực lân cận. Người ta còn gọi tình trạng này là ban đỏ di chuyển.

Ngoài các biểu hiện kể trên, nhiều bệnh nhân bị viêm lưỡi bản đồ không gặp quá nhiều triệu chứng. Bệnh có thể xảy ra ngắn hạn hoặc dài hạn. Tình trạng lưỡi bản đồ có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị, bệnh có khả năng tái phát sau một thời gian.

Triệu chứng
Viêm lưỡi bản đồ gây ra các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của bệnh nhân

Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ sớm khi nhận thấy các tổn thương trên lưỡi ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu sau 10 ngày các ban đỏ trên lưỡi không thuyên giảm, tốt hơn hết bạn nên nhờ sự hỗ trợ y tế để sớm kiểm soát bệnh, phòng ngừa biến chứng.

Chẩn đoán

Chẩn đoán tình trạng lưỡi bản đồ thông qua các biểu hiện lâm sàng, có thể quan sát bằng mắt thường. Bệnh nhân khi đến gặp bác sĩ cần khai báo triệu chứng trung thực, cung cấp thông tin về tiền sử bệnh lý, thuốc đang dùng,... để bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm cận lâm sàn, tìm ra nguyên nhân gây bệnh hoặc có sự xuất hiện của bội nhiễm không. Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp can thiệp phù hợp, phòng ngừa viêm nhiễm lan rộng, biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Biến chứng và tiên lượng

Lưỡi bản đồ có nguy hiểm không? Như đã đề cập, tình trạng mảng đỏ xuất hiện trên lưỡi có thể biến mất mà không cần can thiệp điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên bề mặt lưỡi có sự thay đổi bất thường có thể ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.

Bên cạnh đó, khi người bị viêm lưỡi bản đồ tiếp tục ăn đồ ăn cay nóng, uống bia rượu,... có thể khiến triệu chứng bệnh trở nên nặng nề hơn. Do đó, bệnh nhân cần giữ vệ sinh lưỡi, tránh sử dụng đồ ăn, thức uống gây kích thích khu vực lưỡi đang bị tổn thương.

Trường hợp xảy ra bội nhiễm, vùng ban đỏ trên lưỡi bị bội nhiễm do vi khuẩn, nấm,... làm tình trạng bệnh nặng nề hơn. Người bệnh khi đó có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu nhận thấy nhiều ngày liền ban đỏ trên lưỡi không biến mất, đồng thời lưỡi có các dấu hiệu bất thường khác, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ sớm.

Điều trị

Dựa trên tình hình, nguyên nhân gây lưỡi bản đồ ở mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp điều trị tương ứng. Thông thường người bệnh không cần điều trị chuyên sâu. Các ban đỏ bề mặt lưỡi sẽ tự thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên bệnh có thể tái phát, di chuyển mảng đỏ ra các vùng xung quanh.

Điều trị
Bác sĩ hỗ trợ bệnh nhân khắc phục lưỡi bản đồ bằng thuốc hoặc chỉ dẫn các biện pháp phù hợp khác

Khi cần thiết, bệnh nhân được bác sĩ sử dụng các thuốc tương ứng nhằm kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng cho người bệnh. Cụ thể:

  • Thuốc Nystatin: Thuốc chống nấm lưỡi, dùng để loại bỏ nấm ở niêm mạc miệng, lưỡi tránh xảy ra hiện tượng bội nhiễm. Dựa trên mức độ tổn thương niêm mạc, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị tương ứng.
  • Thuốc Miconazol: Thuốc giúp điều trị bệnh viêm lưỡi bản đồ. Tương tự như Nystatin, thuốc có tác dụng chống nấm, được bác sĩ chỉ định cho từng trường hợp cụ thể. Thận trọng, thuốc có thể gây buồn nôn, tiêu chảy,... trong thời gian sử dụng.
  • Thuốc Clotrimazol: Thuốc kháng sinh được sử dụng trong điều trị lưỡi bản đồ, tùy theo tình hình của bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp. Thuốc giúp chống nấm, kháng viêm, tránh trường hợp bội nhiễm.
  • Thuốc Fluconazol: Thuốc cũng được chỉ định sử dụng cho người bị lưỡi bản đồ. Tùy vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân, liều dùng thuốc sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Thuốc có tác dụng kháng nấm, nhờ đó giúp hiện tượng viêm không tiến triển nặng nề hơn.

Ngoài nhiều loại thuốc kể trên, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định các loại thuốc khác. Bác sĩ sẽ cân nhắc hướng dẫn dùng thuốc theo từng nhóm tuổi, mức độ bệnh của mỗi người. Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên lạm dụng thuốc bừa bãi là lưu ý người bệnh cần thực hiện.

Để phòng tránh viêm nhiễm lan rộng, biến chứng, bội nhiễm, người bệnh có thể được chỉ định dùng thêm nước súc miệng để làm sạch khoang miệng, loại bỏ tác nhân gây hại tuyệt đối. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt trong thời gian điều trị bệnh cũng là vấn đề hết sức lưu ý. Người bệnh cần loại bỏ các thói quen không lành mạnh, chủ động bảo vệ cơ thể nhằm phòng ngừa các rủi ro không mong muốn.

Phòng ngừa

Lưỡi bản đồ có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Có nhiều yếu tố tác động gây nên bệnh lý này. Mặc dù là bệnh lý lành tính, các ban đỏ trên lưỡi có thể tự thuyên giảm, tuy nhiên bạn đọc không nên chủ quan. Bởi như đã đề cập nếu xuất hiện tình trạng bội nhiễm, tổn thương niêm mạc nặng hơn có thể gây đau đớn, khó chịu.

Vì thế, tốt hơn hết mỗi người nên chủ động bảo vệ sức khỏe, chăm sóc cơ thể thật tốt, các biện pháp phòng ngừa kể đến như:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, vệ sinh bề mặt lưỡi đúng cách. Lựa chọn sản phẩm làm sạch phù hợp, không dùng kem đánh răng, nước súc miệng có nhiều chất tẩy mạnh.
  • Lựa chọn bàn chải đánh răng, cạo lưỡi phù hợp, khi thực hiện hạn chế việc dùng lực quá mạnh. Tác động lực lên bề mặt niêm mạc miệng lưỡi gây tổn thương có thể khiến tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng, nặng nề.
  • Bổ sung cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng, không ăn nhiều đồ ăn cay nóng, đồ ăn dầu mỡ, chiên rán,... Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn, chất kích thích,...
  • Điều trị các bệnh lý mãn tính, bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch,... khám và chữa bệnh răng miệng đúng cách, tránh viêm nhiễm ảnh hưởng đến tình trạng lưỡi bản đồ.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi có thể nhận biết lưỡi bản đồ thông qua các triệu chứng nào?

2. Nguyên nhân vì sao tôi lại bị lưỡi bản đồ?

3. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm gì để phát hiện lưỡi bản đồ?

4. Trường hợp tôi không điều trị lưỡi bản đồ có nguy hiểm không?

5. Tôi cần dùng thuốc chữa bệnh lưỡi bản đồ không?

6. Bệnh lưỡi bản đồ có lây nhiễm từ người sang người không?

7. Tôi cần làm gì để bảo vệ người thân khỏi bệnh lưỡi bản đồ?

8. Tôi có cần tái khám sau điều trị lưỡi bản đồ không?

Lưỡi bản đồ là hiện tượng viêm nhẹ bề mặt lưỡi, có thể tự thuyên giảm theo thời gian. Tuy nhiên một số trường hợp bội nhiễm, người mắc bệnh có thể gặp phải nhiều biểu hiện bất thường khác. Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ nếu phát hiện bề mặt lưỡi có nhiều biểu hiện lạ, tình trạng lưỡi bản đồ kéo dài nhiều ngày không khỏi.