Vitamin B1 có công dụng gì? Những điều cần lưu ý khi dùng
Vitamin B1 hay còn gọi là Thiamin là loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Thiamin được sử dụng để điều trị các vấn đề do thiếu vitamin B1 như bệnh Beriberi ,viêm dây thần kinh hoặc được dùng để hỗ trợ điều trị AIDS và các bệnh lý suy giảm miễn dịch,…
- Tên thuốc: Vitamin B1
- Phân nhóm: Khoáng chất và vitamin
- Dạng bào chế: Viên nang, viên nén và dung dịch tiêm
Những thông tin cần biết về Vitamin B1
1. Tác dụng
Vitamin B1 hay còn gọi là Thiamin là loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Thành phần này có trong nhiều loại thực phẩm như các loại hạt, thịt, đậu, ngũ cốc,…
Vitamin B1 có khả năng chuyển hóa carbohydrates từ thực phẩm thành các chất cần thiết cho cơ thể.
2. Chỉ định
Vitamin B1 được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Ngăn ngừa thiếu hụt vitamin B1
- Điều trị hội chứng thiếu vitamin B1 như bệnh Beriberi và viêm dây thần kinh
- Hỗ trợ điều trị kém ăn, viêm loét đại tràng và tiêu chảy kéo dài
- Điều trị AIDS và các bệnh lý suy giảm miễn dịch
- Tiểu đường
- Nghiện rượu
- Đục thủy tinh thể
- Tăng nhãn áp
- Hội chứng tiểu não
- Ngăn ngừa ung thư cổ tử cung
- Ngăn ngừa biến chứng thận ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2
- Bệnh tim
- Duy trì tinh thần, khả năng học tập và làm việc
- Ngăn ngừa mất trí nhớ (có thể được dùng trong điều trị Alzheimer)
Một số tác dụng của Vitamin B1 không được đề cập trong bài viết. Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu có ý định dùng thuốc với mục đích khác.
3. Chống chỉ định
Vitamin B1 chống chỉ định với những người có tiền sử dị ứng với những loại thực phẩm hoặc thuốc có chứa thành phần này.
Để giảm thiểu rủi ro khi điều trị, bạn nên trình bày tình trạng bệnh lý và tiền sử dị ứng để được cân nhắc về việc dùng thuốc. Nếu nhận thấy bạn có nguy cơ khi sử dụng Vitamin B1, bác sĩ sẽ chỉ định một loại thuốc khác thích hợp hơn.
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Vitamin B1 có các dạng bào chế và hàm lượng sau:
- Viên nang – đường uống: hàm lượng 50mg
- Viên nén – đường uống: hàm lượng 50mg, 100mg, 250mg
- Dung dịch – đường tiêm: hàm lượng 100mg/ ml
Thuốc có thể có các dạng bào chế và hàm lượng không được đề cập trong bài viết. Bạn nên trao đổi với dược sĩ để biết các dạng bào chế đầy đủ của Vitamin B1.
5. Cách dùng – liều lượng
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn in trên bao bì hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý thay đổi cách dùng hay tăng giảm liều.
Đối với thuốc viên nang và viên nén, bạn nên uống trực tiếp với nước lọc. Không bẻ, nghiền hay hòa tan thuốc nếu không có yêu cầu từ bác sĩ. Điều này có thể làm tăng hàm lượng thuốc được cơ thể hấp thu và gây ra các phản ứng không mong muốn.
Ngoài ra, thuốc cũng có thể được tiêm trực tiếp vào bắp hay tĩnh mạch. Tuy nhiên với dạng bào chế này, bạn không được tự ý sử dụng. Nhân viên y tế sẽ thực hiện tiêm Vitamin B1 để đảm bảo an toàn.
Liều dùng:
Liều dùng thuốc phụ thuộc vào mục đích điều trị, triệu chứng lâm sàng, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của từng trường hợp. Do đó bạn cần gặp trực tiếp bác sĩ để được cung cấp thông tin về liều lượng và tần suất cụ thể.
Thông tin được chúng tôi đề cập chỉ thích hợp với các trường hợp phổ biến. Đồng thời không có giá trị thay thế cho chỉ dẫn từ nhân viên y tế!
Liều dùng thông thường cho người trưởng thành khi điều trị bệnh Beriberi
- Tiêm bắp 10 – 20mg/ lần, tiêm 3 lần/ ngày
- Tiếp tục sử dụng Vitamin B1 dạng uống, dùng từ 5 – 10mg/ ngày trong 30 ngày
Liều dùng thông thường cho người trưởng thành khi điều trị suy cơ tim
- Tiêm thuốc qua tĩnh mạch
- Liều lượng và tần suất được chỉ định bởi nhân viên y tế
Liều dùng thông thường cho người trưởng thành khi điều trị thiếu Vitamin B1
- Tiêm thuốc qua tĩnh mạch
- Liều lượng và tần suất được chỉ định bởi nhân viên y tế
Liều dùng thông thường cho người trưởng thành khi bổ sung vitamin
- Dùng từ 50 – 100mg/ lần/ ngày
- Uống trong thời gian được bác sĩ chỉ định
Liều dùng thông thường cho người trưởng thành khi điều trị bệnh não
- Tiêm tĩnh mạch 100mg ở liều đầu tiên
- Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp từ 50 – 100mg
Liều dùng thông thường cho phụ nữ mang thai khi điều trị viêm dây thần kinh
- Tiêm tĩnh mạch từ 5 – 10mg/ ngày
- Không sử dụng Vitamin B1 ở đường uống
Liều dùng thông thường cho trẻ em khi điều trị bệnh Beriberi
- Trong trường hợp bệnh nặng, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp từ 10 – 25mg/ ngày
- Hoặc uống từ 10 – 50mg/ ngày trong 2 tuần
- Sau đó duy trì 5 – 10mg/ ngày trong vòng 30 ngày
Liều dùng thông thường cho trẻ em khi điều trị thiếu hụt Vitamin B1
- Tiêm thuốc qua tĩnh mạch
- Liều lượng và tần suất được chỉ định với chuyên gia y tế
Liều dùng thông thường cho trẻ em khi bổ sung vitamin
- Trẻ sơ sinh: Uống từ 0.3 – 0.5mg/ lần/ ngày
- Trẻ nhỏ: Uống từ 0.5 – 1mg/ lần/ ngày
Nếu nhận thấy liều dùng thông thường không đáp ứng các triệu chứng, cần thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều.
Bạn cần theo sát quá trình trẻ dùng thuốc để kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra (trẻ uống quá liều/ thiếu liều hoặc dùng thuốc sai cách).
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nơi ẩm thấp. Không đặt thuốc trong tầm với của trẻ nhỏ và thú nuôi.
Khi nhận thấy thuốc có dấu hiệu hư hại, biến chất hoặc đổi màu, bạn không nên tiếp tục sử dụng. Dùng thuốc trong những tình trạng này có thể khiến tác dụng điều trị suy giảm hoặc có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm.
Trao đổi với dược sĩ hoặc tham khảo thông tin in trên bao bì để xử lý thuốc đúng cách.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng Vitamin B1
1. Thận trọng
Chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác dụng không mong muốn của thuốc đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó bạn không nên tự ý dùng thuốc nếu không có yêu cầu từ bác sĩ chuyên khoa.
Vitamin B1 được thải trừ hoàn toàn qua thận. Nếu bạn có vấn đề ở cơ quan này, cần thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều.
2. Tác dụng phụ
Vitamin B1 có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng. Hầu hết các tác dụng phụ này đều phát sinh khi bạn sử dụng thuốc ở dạng tiêm.
Tác dụng phụ:
- Ho
- Nổi mề đay
- Khó nuốt
- Ngứa da
- Thở khò khè
- Khó thở
- Sưng mặt/ môi/ mí mắt
Phản ứng quá mẫn:
- Nóng người
- Nổi mề đay
- Ngứa
- Đổ mồ hôi bất thường
- Bồn chồn
- Buồn nôn
- Phù mạch
- Tím tái
- Xuất huyết đường tiêu hóa
- Nghẹt họng
Một số trường hợp tiêm Vitamin B1 nhiều lần có thể gặp phải tình trạng sốc phản vệ. Đây là triệu chứng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ và tử vong.
Khi phát sinh các tác dụng phụ, bạn nên thông báo với bác sĩ để nhận được tư vấn chuyên môn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị các triệu chứng không mong muốn do Vitamin B1 gây ra.
3. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc là tình trạng Vitamin B1 phản ứng với các thành phần trong những loại thuốc khác. Phản ứng này có thể làm thay đổi cơ chế hoạt động, khiến thuốc giảm tác dụng hoặc làm phát sinh các phản ứng không mong muốn.
Chưa có nghiên cứu đầy đủ về những loại thuốc có khả năng tương tác với Vitamin B1. Do đó bạn cần chủ động trình bày với bác sĩ những loại thuốc mình đang sử dụng để được cân nhắc về tương tác có thể xảy ra.
4. Xử lý khi dùng thiếu hoặc quá liều
Nếu bạn quên uống một liều, hãy bổ sung ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp sắp đến liều dùng tiếp theo, bạn nên bỏ qua và dùng liều sau theo kế hoạch. Không nên dùng gấp đôi để bù liều.
Khi nhận thấy mình dùng quá liều, bạn nên thông báo với bác sĩ để nhận được tư vấn chuyên môn. Sử dụng quá một liều có thể không gây nguy hiểm. Tuy nhiên dùng quá liều trong một thời gian dài có thể gây sốc phản vệ.
Vì vậy, bạn nên dùng thuốc theo đúng liều lượng được chỉ định nhằm giảm thiểu các tình huống rủi ro phát sinh.
Có thể bạn quan tâm
- Vitamin 3B có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng
- Hydroxocobalamin: Công dụng, cách dùng và thận trọng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!