Thuốc Pepsin có tác dụng gì?
Thuốc Pepsin có thành phần enzyme pepsin tham gia vào sự phân hủy protein giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Đồng thời, thuốc giúp hỗ trợ điều trị các triệu chứng như tiêu chảy, nôn trớ, đầy hơi và chướng bụng.
- Nhóm thuốc: Thuốc đường tiêu hóa
- Thành phần: Enzyme Pepsin
- Thuốc biệt dược mới: T-Pepsin, Gesmix cap, Diastazyme, Medizyme drops, Biolink
I. Tác dụng của thuốc Pepsin
Pepsin là một enzyme mạnh có trong dịch vị dạ dày. Enzyme này có tác dụng làm mềm và giúp quá trình tiêu hóa các protein của thịt, hạt, trứng và các sản phẩm từ sữa trở nên dễ dàng hơn. Theo một số nghiên cứu về dạ dày từ năm 1820 – 1840 cho thấy, với sự góp mặt của hoạt chất Pepsin sẽ làm các chất dinh dưỡng bị đông tụ hòa tan. Điều này có nghĩa là enzyme Pepsin hoạt động phân hủy các protein thành các acid amin và peptide. Sau đó, chúng tiếp tục hoạt động để phá vỡ các liên kết Peptid giữa Acid amin với chuỗi bên kỵ nước trong Polypeptide. Với cùng một cách thức chúng sẽ thay đổi chiều dài của chuỗi Polypeptide thành các Polypeptide ngắn, giúp tiêu hóa thức ăn nhanh, giảm thiểu kích thích dạ dày.
Thuốc Pepsin thường được sử dụng để làm enzyme thay thế ở những người bệnh suy tụy. Loại thuốc này giúp kích thích tuyến tụy phân hủy thức ăn, giảm triệu chứng rối loạn tiêu hóa và giúp cải thiện bệnh. Bên cạnh đó, thuốc Pepsin cũng được bác sĩ chỉ định điều trị một số bệnh lý như bệnh trào ngược thanh quản (LPR), ăn không tiêu,… Ngoài ra, thuốc còn được dùng để cải thiện một số triệu chứng bệnh khác như
- Điều trị bệnh beri – beri ở trẻ nhỏ
- Kiểm soát triệu chứng nôn mửa sau khi bú, chứng khó tiêu, chướng bụng và đi cầu phân sống.
- Hoặc dùng để cải thiện tình trạng biếng ăn và suy dinh dưỡng ở trẻ
Bên cạnh tác dụng có lợi, thuốc Pepsin chống chỉ định sử dụng ở một số đối tượng sau đây.
- Người quá mẫn cảm với thành phần có chứa trong thuốc
- Bệnh nhân đang điều trị chứng tiêu chảy
- Người bị ưu năng dịch dạ dày
- Bệnh viêm loét dạ dày, viêm niêm mạc dạ dày hoặc ung thư dạ dày
- Người đang dùng thuốc kháng sinh
II. Dược lực của thuốc Pepsin
Pepsin là một trong những enzyme được tìm thấy trong dạ dày. Đây chính là hoạt chất quan trọng nhất trong dạ dày giúp quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng trở nên dễ dàng hơn. Thông thường, khi các xung động từ dây thần kinh phế vị và nội tiết tố của hormone gastrin và secretin, chúng sẽ thúc đẩy giải phóng Pepsinogen. Trong điều kiện bình thường, loại protein này sẽ không hoạt động. Tuy nhiên, khi chúng trộn chung với Acid hydrochloric (HCl) có trong dạ dày sẽ tạo thành Pepsin.
III. Cách sử dụng và liều dùng
Thuốc Pepsin thường được sản xuất dưới dạng thuốc cốm hòa tan. Vì vậy, khi uống thuốc, bệnh nhân nên hòa tan thuốc với một lượng nước vừa đủ. Và để làm tăng khả năng hấp thu của Pepsin tại đường tiêu hóa, người bệnh nên uống thuốc sau mỗi bữa ăn.
Về liều lượng dùng thuốc, tùy vào tình trạng bệnh và độ tuổi mà bác sĩ sẽ chỉ định lượng thuốc dùng phù hợp với từng đối tượng. Chẳng hạn, đối với trẻ em, cha mẹ có thể cho trẻ uống mỗi ngày 2 – 3 lần và mỗi lần 1 gói. Còn ở người lớn, người bệnh chỉ cần uống 1 – 2 gói mỗi lần, mỗi ngày uống 2 – 3 lần. Để việc sử dụng thuốc Pepsin vừa đảm bảo an toàn sức khỏe và vừa giúp phát huy tối đa tác dụng điều trị, bệnh nhân nên điều trị bệnh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
IV. Thuốc Pepsin có gây tác dụng phụ không?
Thuốc Pepsin có tác dụng giúp phân hủy thức ăn dễ dàng. Chính vì vậy, thuốc rất hữu ích đối với những bệnh nhân bị chứng thiểu năng dịch dạ dày và các dịch tiêu hóa khác. Tuy nhiên, nếu uống Pepsin không đúng lúc và đúng cách có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc, bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, ợ chua, ợ hơi,… Ngoài ra, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà thuốc có thể gây ra nhiều phản ứng phụ khác nhau. Do đó, nếu thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường, bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện kiểm tra.
Thuốc Pepsin giúp hỗ trợ cải thiện một số bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu không biết cách sử dụng, thuốc chính là nguyên nhân khiến bệnh ngày càng tồi tệ hơn. Chính vì vậy, để việc dùng thuốc Pepsin điều trị đúng người và đúng bệnh, người bệnh chỉ nên dùng thuốc theo đơn kê từ bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm
- 10+ cách chữa đau dạ dày tại nhà, giảm đau nhanh nhất
- Các thuốc trị đau dạ dày tốt nhất hiện nay
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!