Thuốc trị mụn cóc Duofilm giá bao nhiêu? Nên bôi trong bao lâu?
Duofilm là thuốc điều trị tại chỗ được chỉ định cho các trường hợp bị mụn cóc, chai da. Khi sử dụng bạn cần lưu ý tuân thủ theo đúng khuyến cáo về liều dùng, cách sử dụng để tránh gặp phải những tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Tên biệt dược: Duofilm®
- Dạng bào chế: Dung dịch bôi tại chỗ
- Phân loại: thuốc điều trị mụn cóc và chai da
I/ Thông tin về thuốc Duofilm
Để hiểu hơn về loại thuốc này, bạn có thể tham khảo các thông tin dưới đây:
1. Duofilm là thuốc gì?
Duofilm là thuốc được sử dụng trong điều trị mụn cóc. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng loại bỏ tình trạng chai sần và các lớp da bị sừng hóa.
Thuốc có thể được bác sĩ sử dụng cho một mục đích khác không được đề cập. Nếu thắc mắc về vấn đề này, bạn có thể hỏi lại bác sĩ để được giải thích rõ ràng và an tâm sử dụng thuốc để điều trị.
2. Chỉ định
- Điều trị mụn cóc
- Chữa chai da, sừng da
3. Thành phần thuốc
Các thành phần có trong thuốc bôi Duofilm bao gồm:
- Axit salicylic 16,7%
- Axit lactic 15%
- Các loại tá dược: Pyroxylin, colophony, dầu thầu dầu nguyên chất, ethanol và ether
4. Dược lực học
Axit lactic ảnh hưởng đến quá trình keratin hóa, làm giảm chứng tăng sừng dẫn đến sự hình thành của mụn cóc. Ở nồng độ cao, nó có thể gây ra sự phân hủy biểu bì làm phá hủy các mô keratotic của mụn cóc và virus gây bệnh. Chất này cũng có đặc tính sát trùng.
Axit salicylic vốn dĩ là một keratolytic. Bên cạnh tác dụng làm tăng độ ẩm cho da, nó còn giúp hòa tan các chất khiến các tế bào da kết dính được với nhau. Điều này có thể giúp kích thích các tế bào da bị bong tróc ra ngoài một cách dễ dàng. Tuy nhiên, Axit salicylic không thể loại bỏ được virus gây mụn cóc.
5. Dược động học
Axit salicylic được hấp thụ qua da. Nồng độ tối đa trong huyết tương được tìm thấy từ 6 đến 12 giờ sau khi sử dụng. Hấp thu toàn thân của axit salicylic đã được báo cáo là từ 9% đến 25% sau khi bôi tại chỗ các chế phẩm có chứa axit salicylic. Mức độ hấp thụ thay đổi tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc với thuốc.
Sau khi hấp thụ qua da, axit salicylic được phân phối trong không gian ngoại bào; khoảng một nửa trong số đó là protein liên kết với albumin.
Salicylate được chuyển hóa ở gan nhờ các enzyme của các hạt vi thể thành axit salicyluric và glucuronide phenolic. Những chất không được chuyển hóa sẽ được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng axit salicylic không đổi.
Trong vòng 24 giờ sau khi axit salicylic được hấp thu và phân phối trong không gian nội bào, khoảng 95% liều hấp thụ có thể được phục hồi trong nước tiểu.
6. Chống chỉ định
Không dùng thuốc Duofilm cho những đối tượng sau
- Trẻ em dưới 2 tuổi
- Người quá mẫn với Axit salicylic, Axit lactic hay một trong các loại tá dược cấu thành lên sản phẩm
- Không bôi thuốc trên các vết thương hở, da bị kích thích hoặc đỏ, hoặc bất kỳ khu vực da nào đang bị nhiễm trùng.
- Duofilm không được khuyến cáo sử dụng trên mặt hoặc dùng để điều trị nốt ruồi, vết bớt, mụn có sinh dục, mụn cóc có các cạnh màu đỏ hoặc màu sắc khác thường.
- Tránh thoa thuốc lên các vùng da khỏe mạnh bình thường.
7. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Duofilm
– Liều dùng:
Bạn có thể thoa thuốc lên vùng da bị ảnh hưởng mỗi ngày 1 lần. Thời điểm dùng thuốc lý tưởng nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Khi dùng thuốc cho trẻ em dưới 12 tuổi cần có sự giám sát của nhân viên y tế.
– Cách sử dụng:
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn được in trên bao bì thuốc hoặc theo chỉ định của nhân viên y tế. Nếu còn bất cứ vướng mắc nào, hãy liên hệ bác sĩ để chắc chắn bạn đã dùng thuốc đúng cách.
Đây là thuốc bôi ngoài da, không dùng theo đường uống. Khi sử dụng nên cẩn thận tránh để thuốc dính vào mắt, mũi, miệng, khu vực da lành hay những vùng da đang bị trầy xước. Nếu không may tình huống này xảy ra, hãy dùng nước mát rửa sạch trong vòng 15 phút. Ngoài ra, cũng cần chú ý rửa tay sau khi bôi thuốc.
Thoa thuốc đều đặn thường xuyên để thấy được hiệu quả tốt nhất. Không bôi thuốc trong thời gian dài hơn so với chỉ định của bác sĩ bởi việc lạm dụng thuốc có thể khiến bạn có nguy cơ gặp tác dụng phụ nhiều hơn.
Trong quá trình dùng Duofilm, nếu bạn thấy tình trạng của mình vẫn tiếp tục xấu đi thì hãy liên hệ với bác sĩ để được điều trị bằng phương pháp khác thích hợp hơn.
Các bước dùng thuốc bôi Duofilm như sau:
- Bước 1: Ngâm vùng da cần điều trị trong nước ấm 5 phút nhằm giúp da mềm hơn. Bạn để da khô tự nhiên hoặc lấy khăn thấm cho đến khi da khô hoàn toàn.
- Bước 2: Sử dụng giũa móng tay, đá bọt, tấm đá nhám chà nhẹ nên mụn cóc hoặc các vùng da bị chai sần. Động tác này sẽ giúp thuốc nhanh được hấp thu và phát huy hiệu quả tốt hơn. Cẩn thận để không gây chảy máu.
- Bước 3: Thoa một lớp thuốc mỏng trực tiếp lên bề mặt mụn cóc hoặc khu vực da bị chai sừng
- Bước 4: Để khoảng 5 phút cho da khô hoàn toàn. Thoa thuốc lặp lại thêm một lần nữa nếu được bác sĩ yêu cầu.
- Bước 5: Đợi cho thuốc khô, bạn lấy băng che kín vùng da điều trị lại. Việc làm này là cần thiết nếu bạn có mụn cóc lớn hoặc dùng thuốc điều trị ở bàn chân.
- Bước 6: Bôi thuốc lặp lại hàng ngày liên tục trong vòng 2 tuần đối với vết chai và 12 tuần liên tục đối với mụn cóc.
8. Cách bảo quản thuốc
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ dưới 25 ° C. Tránh để nơi có lửa, nhiệt độ cao hoặc có ánh nắng mặt trời chiếu vào.
Không để trẻ cầm nắm hay nghịch thuốc. Trường hợp thuốc đã quá hạn sử dụng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cách tiêu hủy.
9. Thuốc Duofilm bán ở đâu?
Bạn có thể tìm mua Duofilm tại các tiệm thuốc tây lớn hoặc nhà thuốc của bệnh viện. Trường hợp đặt mua thuốc trên mạng nên thận trọng tìm hiểu kỹ và lựa chọn những địa chỉ uy tín để mua được sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Tham khảo thêm: Thuốc Derma forte điều trị bệnh gì?
II/ Một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng thuốc bôi Duofilm
1. Khuyến cáo khi dùng thuốc
Duofilm có chứa colophony có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng.
Một số trường hợp bị kích ứng da sau khi thoa thuốc. Nếu bạn bị kích ứng quá mức thì nên hỏi ý kiến bác sĩ để xem xét về việc ngưng điều trị bằng loại thuốc này.
Cân nhắc phương pháp điều trị thay thế nếu mụn cóc bao phủ một vùng rộng lớn trên cơ thể (hơn 5 cm 2 ) do nguy cơ nhiễm độc salicylate.
Duofilm không được khuyến cáo ở bệnh nhân bị tiểu đường hoặc đang gặp các vấn đề về tuần hoàn và bệnh thần kinh ngoại biên trừ khi có sự giám sát của bác sĩ.
2. Tác dụng phụ của thuốc Duofilm
– Tác dụng phụ phổ biến:
- Phát ban da
- Đau, ngứa ở khu vực điều trị
- Nổi ban đỏ
- Da khô, đóng vảy
- Cảm giác nóng rát ở nơi bôi thuốc
- Lột da
– Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Da đổi màu
- Viêm da dị ứng
- Khó thở
- Sưng môi, lưỡi hay cổ họng
Ngoài ra, bạn có thể gặp những tác dụng phụ ngoài mong đợi không được liệt kê trong bài viết. Vì vậy, hãy chú ý quan sát nếu thấy bất cứ dấu hiệu lạ nào thì nên trao đổi ngay với bác sĩ, dược sĩ để biết cách xử lý kịp thời.
3. Dùng thuốc Duofilm trong thời gian mang thai và cho con bú
Các nghiên cứu trên động vật được cho uống axit salicylic bằng miệng đã chứng minh độc tính của phôi ở liều cao. Do vậy, Duofilm không được khuyến cáo trong thai kỳ.
Salicylates cũng có thể được bài tiết qua sữa mẹ. Tránh dùng loại thuốc này trong thời kì cho con bú trừ khi được bác sĩ chỉ định.
Nếu bạn sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú, cần cẩn thận để tránh tiếp xúc với khu vực vú khiến trẻ nuốt phải khi bú mẹ.
4. Tương tác của Duofilm với các loại thuốc khác
Thuốc Duofilm khi dùng tại chỗ có thể làm tăng sự hấp thụ của các loại thuốc bôi khác. Do đó, nên tránh sử dụng loại thuốc này với các thuốc khác trên cùng một vùng da.
Vì mức độ phơi nhiễm toàn thân của thuốc bôi Duofilm khá thấp nên không dự đoán được sự tương tác với các loại thuốc dùng theo đường uống.
Để tránh gặp phải những phản ứng bất lợi do tương tác thuốc, bạn nên thông báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc mình đang dùng.
5. Cách xử lý khi dùng thiếu hoặc quá liều
Nếu sử dụng thuốc quá liều, lạm dụng thuốc trong thời gian dài hoặc vô tình nuốt phải thuốc, bạn có thể bị ngộ độc salicylate. Trường hợp này, bạn có thể gặp các dấu hiệu nghiêm trọng như khó thở, bất tỉnh… Hãy gọi 115 hoặc nhờ người nhà đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Nếu bạn bỏ quên 1 liều, thoa thuốc ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên, đừng cố gắng bù thuốc bằng cách tăng liều lên gấp đôi. Để tránh tình trạng quên bôi thuốc, bạn nên sử dụng vào một thời điểm cố định trong ngày.
6. Nên ngưng sử dụng thuốc Duofilm khi nào?
Hãy ngưng bôi thuốc khi:
- Bạn gặp phải tác dụng phụ của thuốc
- Mụn có vẫn tiếp tục phát triển và lan rộng trong thời gian bạn điều trị với Duofilm
Thông tin chỉ có giá trị tham khảo. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng thuốc.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Papistop điều trị mụn cóc, mụn thịt
- Thuốc Diprosalic Ointment: tác dụng, chống chỉ định, liều dùng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!