Thần khúc: Công dụng, hướng dẫn sử dụng & liều dùng
Thần khúc là chế phẩm từ bột mì và các vị thuốc khác (khoảng 40 – 50 vị) được ép thành khuôn, lên men tự nhiên. Dược liệu được dùng chủ yếu trong điều trị chứng bụng đầy, thực tích, ăn kém, sôi bụng tiết tả…
Tên gọi, phân nhóm
- Tên gọi khác: Kiến thần khúc, Tiêu thần khúc, Lục thần khúc, Lục đình khúc.
- Tên khoa học: Massa Fermentata Medicinalis.
Mô tả dược liệu
Thần khúc là chế phẩm từ bột mì và các loại bột khác được trộn đều, ép thành khuôn rồi cho lên men.
Thành phần hóa học
Dược liệu chứa các thành phần hóa học sau đây:
- Chất men (yeast)
- Vitamin B
- Glucosid
- Protid, lipid
- Tinh dầu (volatile oil)
- Amylase
- Men lipase.
Tác dụng dược lý
Vị thuốc có khả năng tiêu thực hòa vị, kiện tỳ, khai vị, thường được dùng để chủ trị chứng bụng đầy ăn ít, thực tích, sôi bụng (tràng minh), tiết tả, ứ tắc sữa.
Tính vị
Thuốc có vị cay, ngọt, tính ấm.
Quy kinh
Vị thuốc vào kinh tỳ, vị.
Liều dùng và cách dùng
- Liều dùng: Dùng 12 – 30 gam mỗi ngày.
- Cách dùng: Sắc, bột, hãm.
Bài thuốc
Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc sau đây:
Tiêu thực hóa tích
Bài thuốc 1:
- Chuẩn bị: 1/2 – 1 miếng thần khúc.
- Thực hiện: Đem hãm nguyên liệu trên với nước sôi. Bài thuốc có tác dụng chữa chứng ăn không ngon, tích trệ, bụng trướng.
Bài thuốc 2 (kiện tỳ tiêu thực):
- Chuẩn bị: 12 gam thần khúc, 16 gam mầm lúa mạch, 4 gam gừng khô, 8 gam ô mai nhục.
- Thực hiện: Đem sắc với nước. Bài thuốc có công dụng trị chứng ăn không ngon, ngực bụng đầy trướng, miệng nhạt.
Bài thuốc 3:
- Chuẩn bị: 12 gam mỗi vị thần khúc, hậu phác, thương truật, mạch nha.
- Thực hiện: Đem tán tất cả nguyên liệu trên thành bột, chia uống 2 -3 lần/ ngày, mỗi lần dùng từ 3 – 6 gam thuốc.
Kiện tỳ, trị chứng tiêu chảy do tỳ hư (bài Khúc mạch chỉ truật hoàn)
- Chuẩn bị: 16 gam bạch truật, 12 gam thần khúc, 8 gam chỉ thực, 12 gam mầm mạch.
- Thực hiện: Đem sắc uống các nguyên liệu trên. Bài thuốc có tác dụng kiện tỳ, tiêu cốc thực, trị tiêu chảy, tỳ hư, thức ăn tích trệ.
Trị cam tích (bài Tiêu cam lý tỳ thang)
- Chuẩn bị: 2 gam tam lăng, 6 gam thần khúc, 4 gam thanh bì, 0.2 gam lô hội, 4 gam sử quân tử, 4 gam hoàng liên, 4 gam nga truật, 4 gam trần bì, 2 gam binh lang, 4 gam cam thảo sống, 6 gam mạch nha.
- Thực hiện: Sắc các nguyên liêu trên 3 làn, hợp các nước thuốc lại rồi chia thành 3 phần, dùng trong ngày. Nên dùng nước đại táo và đăng tâm thảo làm thang.
Trị chứng nôn ói, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy ở trẻ
- Chuẩn bị: 10 gam trần bì, 10 gam thần khúc, 5 gam cam thảo.
- Thực hiện: Tán các nguyên liệu trên thành bột mịn, hòa với nước hồ (hoặc nước cháo, nước gạo rang) khi uống.
Trị đau quặn bụng, tiêu chảy
- Chuẩn bị: 15 gam thục địa. 30 gam thần khúc, 15 gam bạch truật.
- Thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu trên tán thành bột mịn. Dùng 3 lần/ ngày, mỗi lần 4 gam, uống với nước gạo rang hoặc nước sôi.
Trị hư hàn phúc thống (đau do viêm loét dạ dày – tá tràng thể hàn), đau do lạnh bụng
- Chuẩn bị: 10 gam thần khúc, 5 gam tiểu hồi, 10 gam nhục quế.
- Thực hiện: Tán tất cả các nguyên liệu trên thành bột mịn. Mỗi lần dùng 2 gam, ngày dùng từ 2 – 3 lần.
Trị đau bụng, xuất huyết rỉ rả & trường hợp kinh kỳ ít
- Chuẩn bị: 150 ml giấm ăn, 10 gam thần khúc.
- Thực hiện: Sắc kĩ, gạn với nước uống cho nóng. Dùng 10 ml/ lần, ngày dùng 1 – 2 lần.
Trị chứng tỳ vị hư nhược, ăn kém, hôi miệng, khó tiêu, suy nhược, gầy yếu, hay bị nôn khi ăn
- Chuẩn bị: 150 gam bột mì, 60 gam thần khúc tán mịn, 90 gam nước gừng, 60 gam thịt dê.
- Thực hiện: Nước gừng, bột thần khúc, bột mì đem nhào chung rồi cán thành sợi thô. Thịt dê đem thái lát, nấu thành súp. Khi dê chín, cho thêm mì, mắm, muối, gia vị vào. Món ăn nên dùng khi đói, 1 lần mỗi tuần.
Kiêng kỵ
- Không dùng vị thuốc thần khúc cho người bị chứng viêm dạ dày đa toan.
Trên đây là một số thông tin về dược liệu thần khúc. Bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia về liều dùng và cách sử dụng để dùng thuốc đúng cách và hiệu quả.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tổng hợp và tham khảo. ThuocDanToc.vn không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán & phương pháp điều trị thay thế chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Cây cò ke: Công dụng, cách dùng và các thông tin cần biết
- Dâm dương hoắc có công dụng gì? Liều dùng và cách dùng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!