Công dụng của Mạch nha, tính vị, qui kinh và lưu ý
Mạch nha còn được gọi là Lúa mạch, Mầm mạch, Mầm lúa. Dược liệu thuộc họ Lúa (danh pháp khoa học: Poaceae). Hột lúa mạch mì đã có mầm là bộ phận được dùng để làm thuốc chữa bệnh. Nhờ vị ngọt và tính ôn, dược liệu có tác dụng điều hòa vị tăng khí tự do của gan, phá lãnh khí, chữa khó tiêu và giải ứ trệ.
Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Lúa mạch, Mầm mạch, Mầm lúa
Tên khoa học: Fructus Herdei germinatus.
Thuộc họ: Lúa (danh pháp khoa học: Poaceae).
Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Mạch nha là một loại cây thảo sống hàng năm. Loại cây này có rễ dạng sợi, thân to, mọc thẳng đứng với chiều cao giao động từ 50 – 100cm. Cây có lá thẳng, hơi khô ráp, có lưỡi bẹ ngắn. Cây có hoa tạo thành cụm. Cụm hoa là bông có góc cạnh xuất hiện với rất nhiều bông nhỏ. Chúng đều sinh sản và xếp trên 4 dãy.
Các mày hình dải, hơi hẹp và thon thành râu. Các mày thường nhỏ có kích thước gần bằng nhau. Đồng thời chúng đều có các râu mọc đứng với chiều dài khoảng 10 – 20cm. Cây có quả thon xuất hiện với hình trái xoan có rãnh dọc.
Vị thuốc Mạch nha (hột lúa mạch mì) xuất hiện với hình thoi có đường kính khoảng 3 – 4mm, dài 8 – 12mm. Bên ngoài chúng có vỏ màu vàng nhạt, trên lưng có râu dài đã gãy rụng và các mày bao quanh với 5 đường gân. Phía bụng trước của dược liệu được bao trong mày hoa.
Khi dùng tay bóc bỏ vỏ ngoài sẽ thấy mặt bụng của dược liệu có một rãnh dọc. Ở phần dưới có rễ con và mầm non. Mầm non có hình mũi mác, có chiều dài khoảng 0,5cm. Chúng xuất hiện với một vài rễ nhỏ cong queo. Dược liệu có chất cứng, khi bẻ gãy có tinh bột màu trắng. Nếm có vị ngọt, không mùi.
Phân bố
Dược liệu phân bố và được trồng rộng rãi ở Trung Quốc, Liên Xô cũ, Tây Âu và Bắc Mỹ.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng: Hột lúa mạch mì đã có mầm. Hột mọc mầm đều, còn đủ mầm, chắc cứng, không nát, không ẩm móc là tốt. Ngày xưa, người ta dùng hột Đại mạch (Mạch nha không mầm) để phơi khô và làm thuốc. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, người bệnh nên dùng Cốc nha có nghĩa là hạt thóc tẻ (Oriza sativa L) thực hiện chiêm ngâm cho nẩy mầm rồi mang đi phơi khô.
Thu hái: Vào tháng 4 và tháng 5 hàng năm
Chế biến: Sau khi thu hoạch, mang dược liệu ngâm trong nước khoảng 1 ngày, vớt ra và đặt chúng vào rổ. Thực hiện vảy nước lên Mạch nha hàng ngày cho đến khi lên mầm.
Bảo quản: Để dược liệu tại những nơi khô ráo, thoáng mát.
Thành phần hóa học
Bên trong Mạch nha chứa một số thành phần có lợi bao gồm:
- Tinh bột
- Chất béo
- Matose
- Saccharose glucose
- Men chuyển hóa đường
- Protid
- Lexitin
- Sinh tố B
- Các men amylase
- Mantase
- Amylase
- Vitamin B
- Vitamin C.
Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
- Mạch nha có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa nhờ thành phần Amylase và vitamin B. Vì thế dược liệu thường được dùng trong điều trị ăn uống khó tiêu. Tuy nhiên khi sắc thuốc hoặc cho thuốc vào chảo sao cháy hoạt lực của Amylase sẽ giảm xuống do hoạt chất này không chịu nóng
- Tác động và giúp hạ đường huyết
- Điều trị viêm ruột, lỵ, đau bụng đi ngoài ở trẻ em
- Thuốc lợi sữa.
Lượng độc tố của dược liệu Mạch nha trong thuốc có hàm lượng với tỉ lệ 0,02 – 0,35%. Khi uống khó hấp thu. Vì thế lượng độc tố của dược liệu không có ý nghĩa lâm sàng. Tuy nhiên nếu làm thức ăn cho gia súc với liều lượng lớn phải đặc biệt chú ý.
Một số trường hợp người bệnh sử dụng dược liệu bị nhiễm độc là do Mạch nha đã biến chất. Ngoài ra một số nấm độc ký sinh ở mầm có thể được sinh ra nên lúc mua hoặc thu hoạch cần lưu ý.
Theo y học cổ truyền
Dược liệu Mạch nha có tác dụng:
Điều hòa vị tăng khí tự do của gan, chữa khó tiêu và giải ứ trệ.
Phá lãnh khí, tiêu hóa túc thực, khử tâm phúc trướng thống (theo Sách Dược Tính Bản Thảo).
Khai vị, ôn trung, hạ khí, tiêu đàm, trừ phiền, chỉ hoắc loạn, năng thôi sinh lạc thai (trục thai chết ra ngoài), phá trưng kết (theo Sách Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
Khoan trường vị (làm mạnh chức năng tiêu hóa), bổ tỳ vị hư (theo Sách Y Học Khởi Nguyên).
Trị phụ nhân sữa ra nhiều quá, không dứt (theo Sách Trấn Nam Bản Thảo).
Đối với người có tích, thuốc có tác dụng tiêu hóa, nếu không có tích mà uống lâu ngày sẽ dẫn đến tiêu hao người, hại nguyên khí. Năng tiêu đạo thực tích. Khi cần sử dụng thuốc lâu ngày, người bệnh nên kết hợp dược liệu cùng với vị thuốc Bạch truật sẽ không có hại (theo Sách Bản Thảo Cương Mục).
Tính vị
Tính ôn, vị ngọt.
Hơi ôn, vị ngọt (theo Sách Dược Tính Bản Thảo).
Khí ôn, vị mặn, ngọt, không độc (theo Sách Bản Thảo Tái Tân).
Qui kinh
Qui vào 3 kinh Tỳ, Can và Vị.
Qui vào 2 kinh Tỳ và Vị (theo Sách Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
Nhập túc thái âm, thủ dương minh kinh, dương minh (theo Sách Bản Thảo Hội Ngôn).
Chuyên nhập vị (theo Sách Bản Thảo Cầu Chân).
Liều lượng và cách dùng
Liều lượng
Dùng 10 – 15 gram/ngày. Khi cần, liều cao có thể lên đến 30 – 120 gram. Trong trường hợp cắt giảm sữa, người bệnh cần phải sử dụng liều cao.
Cách dùng
Sắc lấy nước uống, tán thành bột hoặc kết hợp cùng với những vị thuốc khác để sử dụng.
Bài thuốc
Nhờ thành phần hóa học và tác dụng dược lý đa dạng, dược liệu Mạch nha được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.
- Bài thuốc từ Mạch nha điều trị viêm gan cấp tính, viêm gan mạn tính: Dùng rễ non của Mạch nha đã lên mầm ở nhiệt độ thấp mang rửa sạch, sấy khô và tán thành bột mịn. Sau đó mang bột dược liệu chế thành siro. Uống 10ml/lần x 3 lần/ngày sau mỗi bữa ăn. Có thể kết hợp cùng với vitamin B viên và men uống. Sử dụng liên tục trong 30 ngày (theo Bệnh viện Nhân dân khu Đông sơn- Thông tin Tân y dược Quảng châu 1972,1:221).
- Bài thuốc từ Mạch nha điều trị nhiễm nấm: Dùng cồn Mạch nha gồm 40 gram Mạch nha sống, thêm vào 100ml cồn 75% và thực hiện ngâm trong 7 ngày là có thể dùng được. Mỗi ngày bôi thuốc vào vùng da bị nhiễm nấm 2 lần. Sử dụng liên tục trong 4 tuần sẽ thấy bệnh tình thuyên giảm đáng kể (theo Mã thục Trân, Tạp chí Trung tây Y kết hợp 1987,4:210).
- Bài thuốc từ Mạch nha điều trị chứng sữa quá nhiều: Sau khi rửa sạch, cho dược liệu vào nồi và sắc thành nước uống. Hoặc sử dụng thuốc đã thành phẩm. Sử dụng 100 – 200 gram/ngày chia thành nhiều lần uống.
- Bài thuốc từ Mạch nha điều trị đầy bụng, rối loạn đường tiêu hóa, chán ăn do tỳ vị hư hàn: Dùng 10 gram dược liệu rửa sạch, cho vào chảo và sao qua. Cho dược liệu đã sao vào nồi cùng với 10 gram sinh sơn tra và 400ml nước lọc. Sắc thuốc với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại một nửa. Chắt lấy phần nước và chia thành 2 làm uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
- Bài thuốc từ Mạch nha điều trị đầy bụng, rối loạn đường tiêu hóa, chán ăn do tỳ vị hư hàn (Bổ tỳ thang): Dùng 10 gram dược liệu, 10 gram bạch truật, 10 gram đảng sâm, 10 gram bạch linh, 3 gram cam thảo, 6 gram thảo quả, 3 gram can khương, 5 gram trần bì, 5 gram hậu phác. Mang tất cả dược liệu rửa sạch, cho vào nồi sắc cùng với 800ml nước lọc. Khi lượng nước trong nồi còn lại 400ml, tắt bếp, chắt nước và chia thành nhiều lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày trong 3 ngày sẽ nhận thấy bệnh tình thuyên giảm đáng kể.
- Bài thuốc từ Mạch nha điều trị khó tiêu biểu hiện như trướng bụng, chán ăn, thượng vị: Dùng dược liệu, kê nội cân, sơn tra và thần khúc với liều dùng bằng nhau. Sau khi rửa sạch, cho tất cả vị thuốc vào nồi. Rót thêm nước lọc và thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút. Chắt lấy phần nước và uống ngay khi còn ấm. Sử dụng 1 thang/ngày.
- Bài thuốc từ Mạch nha điều trị tắt sữa kèm đau tức vú: Dùng dịch sắc của Mạch nha một nửa thuốc sống và một nửa thuốc rán. Sử dụng 30 – 60 gram/lần x 2 lần/ngày.
- Bài thuốc từ Mạch nha điều trị ứ khí ở vị và can có biểu hiện như phình và đầy ở ngực, đầy ở vùng xương sườn, đau thượng vị: Dùng dược liệu, chỉ thực, sài hồ mỗi vị 10 gram. Mang tất cả dược liệu rửa sạch, cho vào nồi sắc cùng với 600ml nước lọc đến khi lượng nước trong nồi còn lại 200ml, tắt bếp. Chắt nước thuốc và chia thành 2 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày trong 3 ngày.
Kiêng kỵ
- Trong thời kỳ đang cho con bú người bệnh không được sử dụng dược liệu Mạch nha.
Bài viết là thông tin cơ bản về tính vị, qui kinh, liều dùng, công dụng và những bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc Mạch nha. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, người bệnh nên thực hiện các bài thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.
Dược liệu nên kết hợp
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!