Cây gấc: Mô tả, tính vị, công dụng và bài thuốc chữa trị
Cây gấc là loại cây khá quen thuộc đối với người dân Việt Nam thường được trồng thành từng giàn tạo nên cảnh quan rất đẹp. Ngoài ra, gấc vừa có thể sử dụng trong ẩm thực như xôi gấc, gia vị… vừa có tác dụng chữa trị các bệnh về mắt, mụn nhọt, phòng ngừa ung thư…
1. Tên gọi, chủng loại
Tên gọi khác: mộc miết
Tên khoa học: Momordica cochinchinensis.
Họ: cây gấc thuộc họ bầu bí có pháp danh khoa học là Cucurbitaceae .
Chủng loại:
- Gấc nếp: có ruột màu đỏ, ăn không ngấy, quả to, rất sai quả, gai quả dày và có nhiều hạt.
- Gấc tẻ: có ruột màu vàng, quả nhỏ, gai quả thưa và ít hạt.
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Cây gấc là một loài cây thân leo lâu năm, chiều dài của cây có thể dài đến 15m. Cây được chia làm cây đực và cây cái riêng biệt. Thân cây có tiết diện góc, nhờ các tua cuốn ở nách lá mà cây bám vào các cọc cây hoặc thân cây khác để leo rất ra.
Lá gấc nhẵn có hình chân vịt phân thành 3 – 5 dẻ, lá dài khoảng 8 – 18cm. Lá cây mọc so le, to khoảng bằng bàn tay và có màu xanh.
Hoa gấc gồm hai loại là hoa cái và hoa đực. Hoa có cánh màu vàng nhạt, mọc riêng lẻ ở nách lá. Mỗi năm hoa chỉ nở một lần sau 2 – 3 tháng cây được trồng. Hoa đực có lá bắc to hơn hoa cái.
Quả gấc sẽ chín sau khoảng 5 tháng cỡ từ khi cây ra hoa, khi chín quả có màu đỏ tươi. Quả gấc có hình tròn hoặc hơi thuôn, dài tầm 13cm với đường kính chừng 10cm với nhiều gai nhọn bên ngoài vỏ quả. Lúc còn non quả gấc sẽ có màu xanh, khi chín sẽ dần chuyển sang màu vàng, màu cam rồi màu đỏ.
Quả gấc có vị nhẹ, phần thịt gấc có màu đỏ cam. Bên trong quả gấc có cùi quả màu vàng và màng hạt màu đỏ. Vào mùa gấc, mỗi cây gấc có thể cho ra từ 30 – 60 quả và mùa thu hoạch thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12.
Phân bố
Trên thế giới, cây gấc được trồng ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Philipin. Ở nước ta, cây gấc được trồng ở khắp các tỉnh thành nhưng nhiều nhất là ở Lai Châu và Sơn La với giống gấc nếp, vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ với giống gấc tẻ.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
- Bộ phận sử dụng: màng hạt và nhân hạt.
- Thu hái: khi quả gấc chín đỏ người ta sẽ thu hoạch chúng, thường vào tháng 9 – 12.
- Chế biến: hạt gấc tươi đem sấy hoặc phơi khô sau đó bóc bỏ màng hạt ra riêng. Màng hạt sau khi được tách ra thì đem tán nhỏ rồi ép lấy dầu.
- Bảo quản: ở nơi khô ráo, thoáng mát.
4. Thành phần hóa học
Trong quả gấc có thành phần beta-carotene và lycopene cao gấp 54 lần so với cà rốt và 200 lần so với cà chua.
Lớp màng hạt của quả gấc chín rất giàu axit béo và carotenoid. Ngoài ra, hàm lượng vitamin E, các axit béo không bão hòa, hợp chất polyphenol và flavonoid cũng tương đối cao.
Dầu gấc còn chứa các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như sắt, đồng, kali và kẽm. Hàm lượng vitamin A trong dầu gấc cao gấp 1,8 lần so với dầu gan cá thu, 15 lần so với cà rốt và 68 lần so với cà chua.
Ngoài ra, bên trong hạt gấc còn chứa các thành phần như protein, lipit, đường, tannin, cellulosse, trong lá gấc chứa vitamin E, trong thân, rễ gấc chứa chondrilasterol, momorcochin, cucurbitadienol, glucoprotein và glycosid.
5. Tính vị, quy kinh
Hạt gấc: có vị đắng, tính ngọt. Quy vào kinh can, tỳ, vị.
Màng hạt: có vị ngọt, tính bình. Quy vào kinh can, tỳ, vị.
7. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu khoa học hiện đại
Chất béo có trong hạt gấc có khả năng hấp thụ các caroten và các chất dinh dưỡng tan trong chất béo khác vào cơ thể.
Nhờ hàm lượng cao các chống oxy hóa mà gấc có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và có tác dụng tốt với những bệnh nhân bị các bệnh về tim mạch, ung thư, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng.
- Đối với mắt: gấc chứa các chất dinh dưỡng tốt cho mắt như vitamin E, beta-carotene và lycopene, vitamin C, kẽm. Ngoài ra, Lutein và Zeaxanthin có trong gấc là hai chất tạo nên sắc tố màu vàng trong hoàng điểm võng mạc củ con người, giúp giảm nguy cơ bị đục thủy tinh thể.
- Bổ sung vitamin A: nhờ có nồng độ beta-carotene (tiền vitamin A) cao mà dầu gấc giúp hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị thiếu vitamin A. Ngăn chặn tình trạng quáng gà, chống lại các bệnh truyền nhiễm.
- Chống lão hóa: các chất chống oxy hoa trong gấc có khả năng làm giảm sự mất cân bằng oxy hóa, chống lại quá trình lão hóa của cơ thể.
- Chăm sóc da: beta-carotene và lycopene giúp da khỏe mạnh và đẹp hơn, làm sáng da, cải thiện nếp nhăn, bảo vệ da khỏi quá trình lão hóa.
Theo Y học cổ truyền
Gấc được sử dụng để chữa trị mụn nhọt, quai bị, sưng vú, tắc tia sữa, trĩ.
8. Bài thuốc từ cây gấc
Hỗ trợ điều trị mờ mắt, khô mắt, bổ mắt, làm sáng da, trẻ em chậm lớn do thiếu vitamin A
Mỗi ngày dùng khoảng 10g (2 muỗng cà phê) dầu gấc trộn với thức ăn đã nấu chín hoặc uống. Nếp dùng dầu gấc nguyên chất thì chỉ sử dụng 8 giọt cho trẻ em.
Trị quai bị
- Bài thuốc 1: dùng 3 – 4 hạt gấc đem đốt thành than, chiếu rách 5g đốt thành than. Đem hai vị thuốc trên trộn đều với nhau rồi pha với dầu vừng để bôi vào vị trí sưng.
- Bài thuốc 2: hạt gấc 2 – 3 hạt đem mài thành bột rồi trộn với 10ml giấm thanh hoặc rượu trắng, sau đó bôi nhiều lần lên vị trí sưng.
- Bài thuốc 3: dùng 3 – 4 hạt gấc đem đốt thành than, sau đó đem trộn với dầu vừng, giấm thanh hoặc rượu để bôi đều lên vị trí sưng mỗi ngày 3 – 4 lần.
Trị tụ huyết do chấn thương
Đem 50 hạt gấc đốt thành than rồi giã nhuyễn, cho vào ngâm với 1 lít rượu trắng trong vòng khoảng hai tuần. Mỗi lần dùng lấy 10 – 15ml ra xoa bóp đều lên vùng bị chấn thương.
Chữa mụn nhọt, sưng tấy
Đem hạt gấc đi giã nát rồi trộn với một lượng rượu vừa đủ, dùng hỗn hợp này bôi lên vùng da bị mụn nhọt.
Làm đẹp da mặt
Rửa mặt thật sạch sau đó dùng khoảng 5ml dầu gấc để massage nhẹ nhàng lên da từ 15 – 20 phút cho dầu thấm đều vào da. Chờ thêm khoảng 30 phút và rửa lại bằng nước ấm.
Trị mụn trứng cá
Dùng cùi quả gấc một lượng vừa đủ đem đi dằm nhuyễn, cho thêm vài giọt nước cốt chanh vào. Dùng hỗn hợp bôi lên mặt và để trong vòng 30 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Bên cạnh các bài thuốc trên, hạt gấc chữa viêm xoang cũng vô cùng hiệu quả.
Lưu ý khi sử dụng gấc
Trong quá trình sử dụng gấc để hỗ trọ điều trị một số bệnh bạn nên làm sạch vết thương hoặc vùng da cần điều trị để tránh vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
Trên đây là một số thông tin về cây gấc bạn có thể tham khảo qua, nếu bạn muốn áp dụng các bài thuốc từ cây gấc vui lòng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chính xác tình trạng.
Có thể bạn quan tâm
- Cây hoa hòe: Công dụng với sức khoẻ và cách dùng
- Cây tô tử (tía tô) có tác dụng gì? Cách sử dụng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!